Lào Cai : Những kết quả công tác nổi bật năm 2016

23/02/2017
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Thực hiện Kế hoạch số 135/KH-TGPL ngày 24/12/2015 về công tác TGPL năm 2016 đã được Giám đốc Sở Tư pháp phê duyệt, ngay từ đầu năm, Trung tâm và các Chi nhánh TGPL trên địa bàn đã triển khai đồng bộ, toàn diện các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ và thu được nhiều kết quả khả quan. Tiếp nhận và thực hiện được xong 98,2% các yêu cầu trợ giúp pháp lý cho 1.889 đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số, người già cô đơn và trẻ em không nơi nương tựa, trong đó, tư vấn pháp luật tại trụ sở: 1.657 vụ (90,3%), tham gia tố tụng để đại diện, bào chữa cho các đối tượng có yêu cầu: 145/179 vụ (7,9%), (34 vụ đang thực hiện ở giai đoạn điều tra, truy tố). Qua theo dõi, đánh giá chất lượng các vụ việc đã hoàn thành đều thực hiện đảm bảo theo đúng hướng dẫn tại Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vụ việc TGPL kèm theo Thông tư số 02/2013/TT-BTP ngày 05/01/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, không có vụ việc nào gây thiệt hại cho đối tượng được trợ giúp và phát sinh trách nhiệm bồi thường.

          Hoạt động TGPL lưu động hướng về cơ sở được duy trì đều đặn, thường xuyên tới địa bàn 168 thôn, bản khó khăn thuộc các xã nghèo và huyện nghèo với 168 đợt, thu hút hơn 7.560 người tham gia. Qua các buổi trợ giúp pháp lý lưu động, Trung tâm đã tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật TGPL, những chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước đối với bà con dân tộc thiểu số; những điểm mới của các Bộ luật mới ban hành năm 2015; một số quy định của Luật đất đai năm 2013 về giải quyết tranh chấp đất đai, về trình tự, thủ tục hay thẩm quyền cấp GCNQSDĐ, một số quy định về phòng, chống mua bán người; Quyền được TGPL dành cho người khuyết tật,... tiếp nhận và giải đáp cho 847 yêu cầu có vướng mắc về pháp luật xảy ra trong cuộc sống thường ngày của người dân (chiếm 46,1% tổng số vụ việc Trung tâm), qua đó đã bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách được hưởng dịch vụ TGPL, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự tại địa phương.

Trong năm, Trung tâm đã xây dựng chương trình và tổ chức thành công 01 lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng TGPL năm 2016 cho đội ngũ người thực hiện TGPL trên địa bàn toàn tỉnh tại huyện Bắc Hà với hơn 100 người tham dự. Nội dung tập huấn tập trung về những điểm mới vủa Bộ luật dân sự; Bộ luật tố tụng dân sự; Luật tố tụng hành chính năm 2015; nội dung cơ bản của Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg ngày 08/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020 và hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình và nội dung bộ thủ tục hành chính trong lĩnh vực TGPL được công bố theo Quyết định số 1077/QĐ-UBND ngày 14/4/2016 của UBND tỉnh Lào Cai.

Công tác phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng trên địa bàn tỉnh đã đi vào nề nếp và đạt hiệu quả tốt, các cơ quan Cảnh sát điều tra, an ninh điều tra Công an tỉnh và Công an các huyện Mường Khương, Bát Xát, Bảo Thắng, Bắc Hà và đặc biệt là các đồn Biên phòng ở cửa khẩu, ở các khu vực biên giới đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Trung tâm trong việc cử Trợ giúp viên pháp lý tham gia trợ giúp kịp thời cho các đối tượng bị tạm giam, bị tạm giữ ngay từ giai đoạn khởi tố, điều tra vụ án. Bên cạnh đó, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh và các huyện trên địa bàn, trong quá trình tiếp nhận các yêu cầu khởi kiện của ngưởi dân cũng đã giải thích và hướng dẫn đương sự về Trung tâm và các Chi nhánh của Trung tâm để được tư vấn và soạn thảo giúp đơn yêu cầu, cũng như chuẩn bị các tài liệu khác kèm theo để đảm bảo điều kiện thụ lý của Tòa án, giảm thiểu được công sức, thời gian cũng như các chi phí khác. Hầu hết 95% số vụ việc tham gia tố tụng của Trung tâm năm 2016 được thực hiện từ giai đoạn khởi tố, điều tra vụ án, do cơ quan tiến hành tố tụng giới thiệu sang và đối tượng có yêu cầu. Hiện tại, đã có 80,3% số vụ tố tụng đã hoàn thành, còn 19,7% số vụ đang thực hiện ở giai đoạn điều tra, truy tố.

Hoạt động truyền thông về TGPL cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số nghèo được thực hiện thường xuyên thông qua nhiều hình thức: Các thông tin về đối tượng được TGPL; địa chỉ, điện thoại liên hệ của Trung tâm và Chi nhánh, các mẫu đơn đề nghị TGPL miễn phí được cung cấp qua 394 bảng tin, hộp tin đặt tại các nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, UBND các xã, thị trấn, các đồn biên phòng và các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn các huyện; cấp phát tờ gấp pháp luật với nội dung chủ yếu tập trung vào những vấn đề pháp luật có liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân như: Luật dân sự, Luật hôn nhân và gia đình, Luật bảo vệ và phát triển rừng, Luật đất đai…cùng các tài liệu pháp luật khác có liên quan về công tác TGPL; phổ biến các quy định về TGPL cho đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương, về hoạt động của Trung tâm và chi nhánh tại các buổi TGPL lưu động, thông qua loa truyền thanh xã...

 Các Chi nhánh trên địa bàn huyện, thành phố đã chủ động tiếp nhận và thực hiện cho 1.160 trường hợp có yêu cầu (chiếm 63,7% trên tổng số vụ việc của Trung tâm). Công tác phối hợp với các phòng Tư pháp, Phòng dân tộc, Hội Phụ nữ huyện và đội ngũ Cộng tác viên trên địa bàn được duy trì thường xuyên với 137 đợt TGPL lưu động về địa bàn các thôn, bản (giảm 30 đợt so với cùng kỳ năm trước). Mặc dù các hoạt động dành cho đồng bào theo Quyết định số 52 của Thủ tướng Chính phủ bị tạm dừng từ tháng 7/2015, tuy nhiên các Chi nhánh tại 03 huyện nghèo (Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai) vẫn duy trì và tổ chức được 44 đợt TGPL lưu động về địa bàn 44 thôn, bản đặc biệt khó khăn, với hơn 2.150 người tham dự, tháo gỡ cho 154 yêu cầu có vướng mắc về pháp luật (chiếm 1/4 tổng số đợt TGPL lưu động trong năm). Các đợt trợ giúp pháp lý lưu động đã giúp đồng bào hiểu được rõ hơn về chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. Qua đó, các Chi nhánh tiếp tục khẳng định được vị trí và vai trò của mình, trở thành cầu nối quan trọng giữa người dân với các dịch vụ trợ giúp pháp lý của Nhà nước, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch công tác năm đã đề ra.

Để hoàn thành tốt chỉ tiêu Kế hoạch năm đề ra, Trung tâm đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, Cục Trợ giúp pháp lý- Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp tỉnh Lào Cai, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ có hiệu quả của các ngành liên quan, UBND các huyện, UBND các xã trong tỉnh, các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời Trung tâm TGPL có đội ngũ viên chức trẻ, nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm trong công việc. Tuy nhiên, Trung tâm cũng còn gặp không ít những khó khăn về nguồn kinh phí, về cơ sở vật chất và trang thiết bị làm việc, vì vậy  rất cần sự quan tâm, xem xét, hỗ trợ của các ban ngành để có chính sách thu hút nguồn lực cán bộ công tác lâu dài cho hoạt động trợ giúp pháp lý.

                                                                             Nguyễn Hương

                                                          (Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Lào Cai)

Xem thêm »