Nhân dịp kỷ niệm 26 năm “Ngày Người khuyết tật Việt Nam” (18/4/1998-18/4/2024), tôi muốn chia sẻ niềm vui của một người khuyết tật đã từng vướng vào vòng lao lý và đã nhận được sự trợ giúp pháp lý miễn phí từ Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Ninh Thuận.
Anh tên Nguyễn Chí Tâm, sinh năm 1979, cư trú tại thôn Lâm Phú, xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận, hiện đã có vợ và 03 người con.
Nhận được tin báo của quần chúng nhân dân về một nhóm thanh niên chơi đánh bài thắng thua bằng tiền ở thôn Lâm Phú, xã Lâm Sơn nên công an huyện Ninh Sơn đã phối hợp với công an xã Lâm Sơn bắt quả tang các đối tượng đánh bài. Qua đấu tranh mở rộng điều tra, Công an phát hiện anh Nguyễn Chí Tâm đã sử dụng điện thoại di động (hiệu NOKIA đen trắng) của mình để trực tiếp ghi số đề của một số người gửi qua tin nhắn, sau đó căn cứ vào kết quả sổ xố kiến thiết các tỉnh Miền Bắc, Miền Trung mà Tâm tính toán cân đối để chung chi, trong thời gian 02 ngày, 21 và 22/4/2022.
Ngày 28/7/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an huyện Ninh Sơn đã ra Quyết định số 60 khởi tố bị can đối với Nguyễn Chí Tâm về tội “Đánh bạc”. Do bị can Tâm trình bày gia đình thuộc hộ nghèo nên Cơ quan CSĐT công an huyện Ninh Sơn đã làm thủ tục Thông báo cho Trung tâm trợ giúp pháp lý (TGPL) nhà nước tỉnh Ninh Thuận. Ngay sau đó, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Ninh Thuận đã ra quyết định cử Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng để bào chữa cho bị can từ giai đoạn điều tra của vụ án.
Trong lần hỏi cung tại công an huyện, Trợ giúp viên pháp lý thấy anh Tâm đi xe gắn máy 3 bánh tự chế dành cho người khuyết tật nên đã trao đổi với anh và xác minh thêm tại UBND xã Lâm Sơn được biết anh là người khuyết tật nặng (khuyết tật vận động) do anh bị teo một chân từ lúc nhỏ, nên việc đi lại khó khăn, sau khi lấy vợ anh đã tự chế cho mình một chiếc xe để đưa đón các con đi học. Hàng tháng anh vẫn hưởng chế độ của người khuyết tật với hệ số 1,5.
Anh Tâm bị khởi tố về tội Đánh bạc theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 321 Bộ luật Hình sự (số tiền đánh bạc 129.693.000đ), vì đây là lần đầu tiên vi phạm pháp luật nên anh Tâm rất lo sợ. Trong một lần trao đổi anh Tâm cho biết thêm, vào năm 2021 khi đại dịch Covid -19 bùng phát anh Tâm và một số anh chị em cùng với nhóm thiện nguyện tại thôn Lâm Phú, xã Lâm Sơn có tham gia quyên góp, kêu gọi các mạnh thường quân, các anh em lái xe đồng hương, các hội từ thiện từ nhiều nơi tham gia chống dịch Covid cho các bếp ăn, các khu cách ly trên địa bàn xã Lâm Sơn với nhiều giá trị hiện vật (lương thực thực phẩm, thuốc, đồ dùng…) và số tiền khoảng 80.000.000đ (tám mươi triệu đồng). Nghe được thông tin này Trợ giúp viên pháp lý đã thấy có thêm “ánh sáng” nên thu thập lại toàn bộ những tấm hình lúc chống dịch và làm đơn để UBND xã xác nhận.
Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Trợ giúp viên pháp lý đã thu thập đầy đủ các loại giấy tờ liên quan đến hoàn cảnh nhân thân của anh Tâm: Giấy chứng nhận người khuyết tật, sổ lĩnh tiền trợ cấp hàng tháng, giấy chứng nhận hộ nghèo, giấy xác nhận là lao động chính trong gia đình, giấy xác nhận tham gia phòng chống dịch Covid-19 và đơn xin miễn nộp án phí để nộp cho TAND huyện Ninh Sơn.
Ngày xét xử vụ án, anh Tâm đến tòa từ rất sớm, suốt quá trình xét xử vụ án anh được vị thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa cho ngồi (khi xét hỏi các bị cáo khác). Với mức án 36 tháng cải tạo không giam giữ, không bị khấu trừ thu nhập và không phải nộp án phí hình sự sơ thẩm anh Tâm thở phào nhẹ nhõm. Kết thúc phiên tòa, anh không quên nói lời cảm ơn đến Trợ giúp viên pháp lý, anh nói “từ nay tôi không bao giờ vi phạm pháp luật nữa, tôi sẽ mở lại tiệm cắt tóc nho nhỏ của mình để sinh sống, mặc dù đứng lâu chân đau nhưng tôi sẽ cố gắng”.
Lời hứa của anh chứa đầy niềm vui, nghị lực và sự cố gắng. Niềm vui của anh cũng chính là niềm vui của những người làm công tác trợ giúp pháp lý. Nghị lực và sự cố gắng của anh giúp các trợ giúp viên pháp lý nói riêng và đội ngũ người làm công tác TGPL nói chung có thêm động lực để làm tốt hơn nữa công tác trợ giúp pháp lý miễn phí.
Đinh Nhì - Trung tâm TGPL tỉnh Ninh Thuận