Ninh Bình: Hội nghị tổng kết công tác phối hợp về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024

22/01/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Ngày 18/01/2024, tại Trụ sở Sở Tư pháp - Cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh Ninh Bình tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phối hợp về trợ giúp pháp lý (TGPL) trong hoạt động tố tụng năm 2023, triển khai công tác năm 2024 và Lễ ký kết Quy chế, Chương trình phối hợp giữa Sở Tư pháp với Công an tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh và Đoàn Luật sư tỉnh.

Đồng chí Phạm Minh Thường - Giám đốc Sở Tư pháp, Chủ tịch Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh (Hội đồng) chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có các đồng chí đồng chí Bùi Lam Sơn - Phó Giám đốc sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng; Đại tá Tống Như Sơn - Phó Giám đốc Công an tỉnh, đồng chí Trịnh Việt Thuần - Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh; đồng chí Phạm Văn Khôi - Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh; đồng chí Lê Chí Vịnh - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư; đồng chí Bùi Thị Thanh Tâm - Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh và các đồng chí Tổ giúp việc của Hội đồng đại diện cho các ngành Công an, Kiểm sát, Tòa án, Bộ chỉ huy Quân sự, Sở Tài chính và Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh và đại diện các cơ quan tiến hành tố tụng huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
 

Theo báo cáo kết quả tổng kết công tác phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng, năm 2023, công tác phối hợp về TGPL trong hoạt động tố tụng có sự đột phá tích cực, số lượng vụ việc, đối tượng được trợ giúp pháp lý tăng cao. Nhiều cơ quan tiến hành tố tụng tiếp tục quan tâm, giới thiệu các đối tượng là người có công với cách mạng, người nghèo, cận nghèo, người khuyết tật có khó khăn về tài chính, người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, trẻ em để Trung tâm cử Trợ giúp viên pháp lý tham gia vào các giai đoạn tố tụng, ngay từ giai đoạn xử lý tố giác, tạm giữ trong vụ án hình sự hoặc giai đoạn khởi kiện trong vụ án dân sự để bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người thuộc diện được TGPL. Trung tâm đã kịp thời cử Trợ giúp viên pháp lý và Luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL xác minh yêu cầu TGPL, đăng ký và thực hiện nhiệm vụ tham gia tố tụng bào chữa, bảo vệ cho 342 lượt người được TGPL (tăng 239 lượt, đạt 332,03% so với năm 2022) theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, công dân đảm bảo theo quy định của Luật TGPL, pháp luật về tố tụng; đã hoàn thành 275 vụ việc TGPL và đánh giá thành công, hiệu quả 87 vụ việc theo Bộ tiêu chí của Bộ Tư pháp. Trong đó:
+ Trợ giúp viên pháp lý thực hiện 331 vụ việc; Luật sư thực hiện 09 vụ việc; Luật sư và Trợ giúp viên pháp lý cùng thực hiện 02 vụ việc.
+ 312 vụ việc hình sự; 25 vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình; 05 vụ việc hành chính.
+ Các cơ quan tiến hành tố tụng thụ lý, tiếp nhận và thông báo, giới thiệu cho Trung tâm 377 vụ việc (trong đó 335 vụ việc công dân có yêu cầu; 42 vụ việc công dân không yêu cầu được TGPL); công dân đến Trung tâm yêu cầu TGPL 07 vụ việc.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện công tác phối hợp liên ngành vẫn còn một số hạn chế như: tình trạng một số cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng chưa nhận thức đúng về hoạt động TGPL nên việc giải thích cho người được TGPL về quyền TGPL chưa đầy đủ, thấu đáo dẫn tới việc đối tượng được trợ giúp pháp lý chưa thật sự hiểu hết quyền lợi của mình nên không yêu cầu TGPL; chưa quan tâm đến việc giải thích, thông báo, thông tin về TGPL cho các đối tượng là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan hoặc các đối tượng khác trong các vụ án hình sự…

 

Phần tham luận, dưới sự điều hành của đồng chí Bùi Lam Sơn - Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng. Các đại biểu tham dự hội nghị nhất trí với Báo cáo tổng kết công tác phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng. Đánh giá khách quan, toàn diện, đầy đủ, đề ra một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai, tổ chức thực hiện công tác phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng.
Sau phần tham luận, đồng chí Thượng tá Nguyễn Xuân Thủy – Phó trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh thông qua Chương trình phối hợp trực TGPL trong điều tra Hình sự; đồng chí Tạ Minh Tâm – Phó Chánh văn phòng Tòa án nhân dân tỉnh thông qua Quy chế phối hợp TGPL trong hoạt động xét xử; đồng chí Bùi Thị Thanh Tâm - Giám đốc Trung tâm TGPL thông qua Quy chế phối hợp hoạt động TGPL của Luật sư trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phạm Minh Thường bày tỏ vui mừng, đánh giá cao kết quả đạt được của công tác phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng trên địa bàn tỉnh trong năm 2023 và Lễ ký kết Chương trình, Quy chế phối hợp công tác TGPL  giữa Sở Tư pháp  với Công an tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Đoàn Luật sư tỉnh. Về phướng hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Phạm Minh Thường đề nghị và mong muốn các cơ quan, đơn vị cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác phối hợp, trao đổi thông tin và giới thiệu người thuộc diện TGPL  giữa các cơ quan tiến hành tụng, Đoàn Luật sư tỉnh và Sở Tư pháp. Đổi mới hình thức truyền thông ở các cơ quan tiến hành tố tụng, công an xã, phường, thị trấn đến người dân, đương sự…đảm bảo phù hợp với đặc điểm, tình hình ở mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị. Tăng cường công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp, ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình phối hợp, thực hiện TGPL…

 

Hội nghị tổng kết công tác phối hợp về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng năm 2023, triển khai công tác năm 2024 và Lễ ký kết Quy chế, Chương trình phối hợp giữa Sở Tư pháp với Công an tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh và Đoàn Luật sư tỉnh kết thúc thành công, tốt đẹp./.
 
Phạm Thị Mến
Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Ninh Bình

Xem thêm »