Lào Cai: Hội nghị tập huấn điểm về tiếp cận trợ giúp pháp lý cho trưởng thôn và người có uy tín trong cộng đồng

15/05/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Nhằm triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các hoạt động trợ giúp pháp lý quy định tại Nội dung số 3 Tiểu dự án 1, Dự án 10 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Lào Cai theo Kế hoạch số 131/KH-UBND ngày 09/3/2023 của UBND tỉnh; Kế hoạch số 29/KH-TGPL ngày 07/3/2023 của Sở Tư pháp và Kế hoạch số 37/KH-TGPL ngày 13/3/2023 của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Lào Cai, giúp đồng bào các dân tộc thiểu số và những người yếu thế trên địa bàn kịp thời tiếp cận và thụ hưởng hoạt động trợ giúp pháp lý có chất lượng.

Ngày 25/4/2023, tại Hội trường Trung tâm Chính trị thị xã Sa Pa, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Lào Cai tổ chức Hội nghị tập huấn điểm về tiếp cận trợ giúp pháp lý cho 60 thành viên là các trưởng thôn/bản và những người có uy tín trong cộng đồng của 11 xã, phường khu vực III, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thị xã Sa Pa.
Tại hội nghị, các học viên được cấp phát tài liệu, được nghe phổ biến, giải thích về chính sách của Nhà nước trong công tác trợ giúp pháp lý đối với nhóm người nghèo, đối tượng chính sách và những người yếu thế có khó khăn về tài chính được thụ hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý (TGPL) miễn phí; về hình thức TGPL, phạm vi, lĩnh vực thực hiện TGPL; tổ chức trợ giúp pháp lý và người thực hiện TGPL; trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc giới thiệu, thông tin về trợ giúp pháp lý.
Ngoài các quy định của Luật trợ giúp pháp lý năm 2017, các báo cáo viên pháp luật còn giới thiệu những nội dung mới của Thông tư 09/2022/TT-BTP ngày 30/12/2022 của Bộ Tư pháp về việc thay đổi và hủy bỏ các thông tin về “sổ hộ khẩu, sổ tạm trú” tại Thông tư 08/2017/TT-BTP và Thông tư 04/2020/TT-BTP, về “ngày cấp, nơi cấp” chứng minh nhân dân và thành phần “dân tộc, nghề nghiệp” trong Thông tư 12/2018/TT-BTP. Đồng thời cung cấp và hướng dẫn sử dụng các biểu mẫu như: Đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý (Mẫu số 02-TP-TGPL); Đơn đề nghị thay đổi người thực hiện TGPL (Mẫu số 04-TP-TGPL); Đơn rút yêu cầu trợ giúp pháp lý (Mẫu số 05-TP-TGPL); Phiếu lấy ý kiến người được trợ giúp pháp lý hoặc người thân thích (Mẫu số 11-TP-TGPL); Giấy giới thiệu về trợ giúp pháp lý (Mẫu số 13-TP-TGPL).

 
 
Các học viên còn được tiếp cận với từng tình huống giả định: về các trường hợp được hưởng/hay không được hưởng dịch vụ TGPL; những ai là người có quyền làm đơn yêu cầu TGPL; nội dung yêu cầu có thuộc lĩnh vực được TGPL hay không; các hình thức tham gia trợ giúp pháp lý là gì; khi thực hiện TGPL có phải chi trả thù lao (tiền) không; tổ chức nào có trách nhiệm giới thiệu về TGPL; đơn vị nào thực hiện trợ giúp pháp lý; khi được TGPL cần phải cung cấp giấy tờ gì…
Ngoài ra, các học viên còn được khảo sát qua bộ câu hỏi trắc nghiệm về các nội dung vừa được tuyên truyền, giúp cho cán bộ thôn và những người có uy tín trong cộng đồng được củng cố và khẳng định hơn về chính sách trợ giúp pháp lý của Nhà nước, có khả năng giới thiệu, thông tin về trợ giúp pháp lý tới Trung tâm và các Chi nhánh TGPL trên địa bàn, làm cầu nối giữa người dân với tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý khi có vướng mắc về pháp luật./.
            Nguyễn Thị Mai Hương, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Lào Cai

                                                           
 
 
 
 

Xem thêm »