Hà Giang: Trợ giúp pháp lý lấy lại công bằng cho người dân tộc thiểu số

31/07/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Xín Mần là một trong những huyện nghèo của tỉnh Hà Giang, cuộc sống nơi đây khó khăn, vất vả, lại thuộc vùng dân tộc thiểu số cách xa trung tâm, điều kiện tiếp cận với thông tin pháp luật không được thường xuyên và còn hạn chế nên khi có những vụ việc liên quan đến pháp luật, người dân không biết phải tìm đến ai để bảo vệ quyền và lợi ích của họ. Điển hình như vụ việc của anh Vàng Văn C. xảy ra gần đây.

Rừng là món quà quý giá mà thiên nhiên ưu ái ban tặng cho con người. Sự tồn tại và phát triển của rừng có mối quan hệ mật thiết với cuộc sống con người, chính vì thế bảo vệ rừng là bảo vệ cuộc sống của mỗi chúng ta. Tuy nhiên hiện nay, một số người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, vì muốn khai hoang, canh tác mới trên đất rừng, do thiếu hiểu biết nên đã tự ý đốt nương, làm rẫy để trồng lương thực…gây ảnh hưởng đến sinh thái, cây xanh.
Xín Mần là một trong những huyện nghèo của tỉnh Hà Giang, cuộc sống nơi đây khó khăn, vất vả, lại thuộc vùng dân tộc thiểu số cách xa trung tâm, điều kiện tiếp cận với thông tin pháp luật không được thường xuyên và còn hạn chế nên khi có những vụ việc liên quan đến pháp luật, người dân không biết phải tìm đến ai để bảo vệ quyền và lợi ích của họ. Điển hình như vụ việc của anh Vàng Văn C. xảy ra gần đây.
Vụ việc xảy ra vào đầu tháng 3 năm 2020, tại cánh rừng phòng hộ thuộc sự quản lý của chính quyền thôn Tả Mù Cán, xã Xín Mần, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang đột ngột xảy ra một vụ cháy dữ dội, thiêu rụi hàng ngàn cây trồng tự nhiên lên đến 10 hecta rừng, thiệt hại cả trăm triệu đồng.
Nguyên nhân của vụ cháy được xác định là do anh Vàng Văn C. và vợ cùng đi dọn cỏ ở nương, sau khi tiến hành thu dọn, anh mang bật lửa đến chỗ cỏ đã được gom để đốt.
Do nắng gắt và gió thổi mạnh nên lửa đã lan sang rừng trồng và rừng phòng hộ được giao cho thôn Tả Mù Cán, xã Xín Mần quản lý. Anh Vàng Văn C. và vợ đã cố gắng chữa cháy, đồng thời gọi trưởng thôn và dân làng ra dập lửa, đến 12h30 cùng ngày đám cháy được dập tắt.
Vụ cháy đã gây thiệt hại trên diện tích 10 ha rừng phòng hộ, thiệt hại 6.004 cây Tống Quá Sủ đường kính từ 3 - 6 cm với mật độ 760 cây/ha cùng với 1.092 cây đường kính 4 - 6 cm với mật độ 520 cây/ha thuộc rừng phục hồi tái sinh. Tổng thiệt hại theo Hội đồng định giá tài sản là 132.330.690 đồng. Vàng Văn C. đã bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Huyện Xín Mần bắt tạm giam và khởi tố bị can về hành vi “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy” theo Quyết định khởi tố ngày 26 tháng 5 năm 2020. Theo quy định tại điểm d, Khoản 1 Điều 313 BLHS 2015, tội “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy” có khung hình phạt là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
Khi nhận được Quyết định khởi tố của Cơ quan điều tra, vợ chồng anh Vàng Văn C. đã rất lo lắng, hoang mang. Anh là lao động chính của gia đình, các con còn thơ dại, nếu bị phạt tù thì ai sẽ thay anh lo miếng cơm, manh áo cho vợ và mấy con nhỏ….Cuộc sống đã vất vả, nghèo đói, nay nếu phải đi tù thì còn lam lũ, cơ cực hơn.
Biết Vàng Văn C. là người dân tộc thiểu số thuộc đối tượng được hưởng chính sách trợ giúp pháp lý miễn phí của nhà nước, công an huyện Xín Mần đã nhiệt tình hướng dẫn C. viết đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý gửi Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Hà Giang, đồng thời cán bộ điều tra Công an huyện đã liên hệ trực tiếp với Trung tâm trợ giúp pháp lý để yêu cầu bào chữa.
Được phân công thực hiện trợ giúp pháp lý cho Vàng Văn C., Trợ giúp viên pháp lý Hoàng Ngọc Chung ngay lập tức lên kế hoạch, bắt tay vào công việc, nghiên cứu hồ sơ, thu thập chứng cứ để tìm ra tình tiết, chứng cứ có lợi cho Vàng Văn C., đồng thời tư vấn cho gia đình Vàng Văn C. trồng lại 8.500 cây trên phần diện tích bị cháy.

 

Bằng sự thông báo từ phía cơ quan điều tra, sự giúp đỡ nhiệt tình, không quản ngại khó khăn, vất vả của Trợ giúp viên pháp lý Hoàng Ngọc Chung của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Hà Giang mà anh Vàng Văn C. đã kịp thời được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Tại phiên tòa sơ thẩm, Viện kiểm sát nhân dân huyện Xín Mần đã truy tố bị cáo Vàng Văn C. tội “Hủy hoại rừng” theo điểm c khoản 3 Điều 243, các điểm b, s, r khoản 1 khoản 2 Điều 51, Điều 38 Bộ luật Hình sự, đề nghị xử phạt từ 8-9 năm tù giam và không áp dụng bổ sung hình phạt tiền.
Trong luận cứ trình bày tại phiên tòa sơ thẩm, Trợ giúp viên pháp lý nêu quan điểm: Viện Kiểm sát nhân dân huyện Xín Mần áp dụng khoản 3 Điều 243 Bộ Luật hình sự là chưa đủ cơ sở pháp lý của tội “Hủy hoại rừng”, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét áp dụng Điều 280 Bộ Luật tố tụng hình sự, đề nghị Hội đồng xét xử trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Tuy nhiên, bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Xín Mần đã tuyên bị cáo Vàng Văn C. phạm tội “Hủy hoại rừng” và tuyên phạt 08 năm tù, không áp dụng bổ sung hình phạt tiền.
Trăn trở với bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Xín Mần, Trợ giúp viên pháp lý Hoàng Ngọc Chung cho rằng anh Vàng Văn C. không cố ý hủy hoại rừng mà chỉ vì cuộc sống mưu sinh mới dọn cỏ, đốt nương để có đất canh tác. Khi đốt cỏ trên nương, bản thân anh cũng không lường trước được hậu quả có thể xảy ra nên Trợ giúp viên pháp lý đã hướng dẫn anh Vàng Văn C. viết đơn kháng cáo một phần bản án sơ thẩm, không nhất trí cáo trạng truy tố tội danh “Hủy hoại rừng” của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Xín Mần và mức hình phạt 08 năm tù của Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân huyện Xín Mần.

 
Trợ giúp viên pháp lý bào chữa cho bị cáo tại Phiên tòa (ảnh minh họa)
 
Tại Phiên tòa phúc thẩm, với tư cách là người bào chữa cho bị cáo Vàng Văn C. từ giai đoạn điều tra, sau quá trình xét hỏi và nghe vị đại diện Viện kiểm sát luận tội tại phiên tòa. Để đánh giá toàn diện, khách quan và đảm bảo sự công bằng tính thượng tôn của pháp luật trong vụ án, Trợ giúp viên pháp lý đã đề nghị Hội đồng xét xử xem xét các vấn đề sau:
Thứ nhất: Về tội danh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang áp dụng điểm b khoản 1 Điều 355, điểm b khoản 1 Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự: Sửa bản án hình sự sơ thẩm số 12/HS-ST ngày 28/9/2020 của Tòa án nhân dân Huyện Xá Mần về tội “Hủy hoại rừng” là không khách quan. Đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên bị cáo Vàng Văn C. phạm tội “Vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy”. Về hình phạt: Áp dụng điểm d khoản 1 Điều 313, các điểm b, c khoản 1, khoản 2 Điều 51 BLHS; Xử phạt bị cáo từ 2 đến 3 năm tù.
Thứ hai: Về nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội:
Khu rừng Tống Quá Sủ là rừng phòng hộ, thuộc sở hữu của tập thể do UBND xã Xín Mần và thôn Tả Mù Cán chịu trách nhiệm quản lý chung. Tuy nhiên diện tích rừng trồng cây Tống Quá Sủ bị cháy, trước đây đã bị thiệt hại 02 lần do nguyên nhân bất khả kháng, và đã được UBND tỉnh Hà Giang thanh lý 02 lần vào năm 2014 theo Quyết định số 2413/QĐ-UBND ngày 18/11/2014 và năm 2017 theo QĐ số 224/QĐ-UBND ngày 10/02/2017 về việc thanh lý rừng bị thiệt hại do nguyên nhân bất khả kháng.
Căn cứ tại Quyết định 1619/QĐ-UBND ngày 30/7/2018 của UBND tỉnh Hà Giang về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch đất lâm nghiệp và ba loại rừng tỉnh Hà Giang giai đoạn 2016-2025 thì diện tích đất rừng bị cáo đốt để canh tác không phải là rừng, đây là đất nông nghiệp thuộc quyền quản lý của UBND xã  Xín Mần tại thời điểm xảy ra vụ cháy trên đất không có cây chỉ có cỏ dại, guột. Đây là đất trống, xã chưa có kế hoạch sử dụng cụ thể, hiện tại nhà nước chưa cấp quyền sử dụng cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào và nằm ngoài quy hoạch Lâm nghiệp không nằm trong Quyết định 1619/QĐ-UBND ngày 30/1/2018 của UBND tỉnh Hà Giang. Bị cáo Vàng Văn C. không cố ý đốt rừng cây Tống Quá Sủ, chỉ đốt nương làm rẫy theo phong tục tập quán, hậu quả xảy ra là do yếu tố khách quan ngoài ý muốn, bị cáo thực hiện với lỗi “Vô ý do quá tự tin”. Trước khi đốt nương bị cáo đã ý thức được là làm đường ranh để cản lửa không để cho lửa cháy lan sang bên cạnh nhưng do thời tiết nắng nóng, gió mạnh nên ngọn lửa cháy rất nhanh và gây thiệt hại cho diện tích rừng cây Tống Quá Sủ, là rừng phòng hộ khi lửa cháy bị cáo cùng vợ là Thèn Thị Ca đã cố gắng dập lửa để chữa cháy, đồng thời gọi điện cho anh Lò Văn Tô là trưởng thôn để huy động người dân tham gia chữa cháy để giảm bớt thiệt hại xảy ra ở mức thấp nhất. Nhưng do lửa cháy to và nhanh nên không dập được.
Thứ ba: Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy có các hành vi sau:
- Không thực hiện các quy định của Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy;
- Không tổ chức các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy như: chuẩn bị các phương tiện phòng cháy chữa cháy như bình cứu hoả,...vv...
- Thực hiện các quy tắc phòng cháy, chữa cháy một cách chiếu lệ hình thức.
Hậu quả nghiêm trọng là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Người thực hiện hành vi vi phạm chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp hành vi của mình gây thiệt hại đến tính mạng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khoẻ, tài sản của người khác.
Thứ tư: Lỗi của người phạm tội là lỗi vô ý (lỗi vô ý do quá tự tin hoặc lỗi vô ý do cẩu thả). Bị cáo không mong muốn hậu quả xảy ra. Còn đối với tội “Hủy hoại rừng”, người phạm tội với lỗi cố ý (cố ý trực tiếp) và nhận thức được hành vi của mình là sẽ gây nguy hiểm cho xã hội và mong muốn hậu quả xảy ra nên đã thực hiện hành vi đó.
Thứ năm: Việc làm của bị cáo xuất phát từ cuộc sống mưu sinh vất vả, hàng ngày phải lo cho vợ con miếng cơm, manh áo, muốn có đất để trồng ngô, cải thiện cuộc sống chứ không vì mục đích thu lợi bất chính. Hơn nữa, ngay sau khi sự việc xảy ra, bị cáo đã nhận thức hành vi của mình gây ra, vì vậy, đã tự nguyện khắc phục thiệt hại bằng cách trồng lại 8.500 (tám nghìn năm trăm) cây trên phần diện tích bị cháy. Hạt Kiểm lâm huyện Xín Mần đã lập biên bản nghiệm thu và ghi nhận việc bị cáo khắc phục hậu quả. Bị cáo phạm tội lần đầu, không có tiền án, tiền sự. Bị cáo có bố là người có công với cách mạng, được nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng ba.
Về trách nhiệm dân sự: Đại diện bị hại là ông Bùi Văn Tuấn - Phó chủ tịch UBND xã Xín Mần không đề nghị bị cáo Vàng Văn C. phải bồi thường thiệt hại gì và có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Với vai trò là người bào chữa cho bị cáo Vàng Văn C., tại phiên tòa phúc thẩm,  Trợ giúp viên pháp lý vẫn giữ nguyên quan điểm bào chữa của mình như tại phiên tòa xét xử sơ thẩm ngày 28 tháng 9 năm 2020. Trợ giúp viên pháp lý cho rằng Viện Kiểm sát nhân dân Huyện Xín Mần áp dụng điểm c khoản 3 Điều 243 Bộ luật hình sự là không khách quan, chưa đúng quy định của pháp luật về tội “Hủy hoại rừng”.
Đối chiếu với điểm d khoản 1 Điều 313 BLHS quy định:
“1. Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm”
a).........,
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.”
Từ những cơ sở pháp lý nêu trên, Trợ giúp viên pháp lý đề nghị HĐXX phúc thẩm áp dụng: Điểm d khoản 1 Điều 313; các điểm a, b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 54; Điều 36 BLHS, xử phạt bị cáo từ 06 đến 09 tháng cải tạo không giam giữ.
Về án phí: Căn cứ điểm d, khoản 1 Điều 12; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016, miễn án phí hình sự phúc thẩm cho bị cáo vì bị cáo là người dân tộc thiểu số, sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn.
Cuối cùng, Hội đồng xét xử tuyên án: Về tội danh: tuyên bố bị cáo Vàng Văn C. phạm tội “ Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy”, về hình phạt: Áp dụng điểm d khoản 1 Điều 313, điểm b,s khoản 1, khoản 2 Điều 51, khoản 3 Điều 54, Điều 38 của BLHS, xử phạt bị cáo Vàng Văn C. 18 (mười tám) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bị cáo bị.
Có thể nói, với kinh nghiệm, kỹ năng chuyên môn tốt, Trợ giúp viên pháp lý Hoàng Ngọc Chung đã góp phần lớn trong việc chuyển tội danh từ “Hủy hoại rừng” sang “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy” cho bị cáo Vàng Văn C.
Trợ giúp viên pháp lý đã quyết liệt bảo vệ tới cùng quan điểm bào chữa của mình từ phiên tòa sơ thẩm tới phiên tòa phúc thẩm. Điều này thể hiện bản lĩnh, sự yêu nghề, tận tâm, tận lực của một người mang trên mình danh xưng cao quý “Trợ giúp viên pháp lý”. Mong rằng, khi được trở lại hòa nhập với cộng đồng, anh Vàng Văn C. sẽ tiếp tục trở thành người công dân tốt, luôn yêu rừng, bảo vệ rừng, góp phần xây dựng quê hương Hà Giang của anh ngày một xanh mát, giàu mạnh.
Qua vụ việc trên, một lần nữa đã khẳng định vai trò quan trọng của trợ giúp pháp lý trong việc bảo vệ con người, quyền công bằng trong việc sử dụng pháp luật của người được trợ giúp pháp lý khi họ không đủ điều kiện để sử dụng dịch vụ pháp lý có thu phí của luật sư, được bảo đảm từ khi họ có yêu cầu đến khi vụ việc được đưa ra xét xử.
Việc không phải mất bất cứ một chi phí, lợi ích nào khác mà lại có cơ quan nhà nước quyết liệt đứng ra bảo vệ quyền và lợi ích của họ trước Tòa án với mục đích xét xử đúng người, đúng tội đã thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc bảo đảm công bằng trong xét xử, bình đẳng trước pháp luật.
 
Vũ Thị Phương Thảo - Cục Trợ giúp pháp lý
 
 

Xem thêm »