Tiêu chuẩn quốc tế về trợ giúp pháp lý

20/12/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Trợ giúp pháp lý là một loại hoạt động phúc lợi xã hội được khởi nguồn từ nước Anh và đã có lịch sử hơn 500 năm. Ngay từ thế kỷ 15, pháp luật Anh quốc đã quy định: “cần dành cho người nghèo khổ sự giúp đỡ để họ được hưởng quyền lợi mà pháp luật ban cho”. Năm 1495, vua Henry VII trong một nghị án đã có quy định cụ thể hơn về vấn đề này: "chính nghĩa" cần được dành chung cho người nghèo và những người thực hiện quyền tự do họ được hưởng - điều đó không có gì thay thế được.

Tuy nhiên, trước thế kỷ 20, trợ giúp pháp lý mới manh nha tại các nước vì khi đó nhà nước tư bản phát triển rất mạnh, phúc lợi xã hội kém, TGPL mới chỉ dừng lại ở ý tưởng của một số nhà chính trị tiến bộ, chứ chưa triển khai có tổ chức.  Ở một số nước châu Âu theo hệ thống luật án lệ như ở Anh, thì xuất phát từ yêu cầu phải có luật sư bảo vệ và quyền được xét xử công bằng, xuất phát từ công lý đòi hỏi nhằm tránh những vụ án oan nên ban đầu là các luật sư với nghĩa vụ bảo đảm công lý đã giúp các bên trên cơ sở tự nguyện, thiện nguyện (Pro bono basic).

Đến nay, trợ giúp pháp lý pháp lý đã phát triển rộng khắp toàn cầu. Rất nhiều  nước đã có Luật Trợ giúp pháp lý điều chỉnh về cơ cấu tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý. Một số nước, quyền được trợ giúp pháp lý của người dân đã được ghi nhận tại văn bản có giá trị tối cao là Hiến pháp (Bỉ, Dominica)[1]. Trợ giúp pháp lý cũng nhận được sự quan tâm của nhiều diễn đàn, các hội nghị quốc tế cấp khu vực đã được tổ chức để chia sẻ kinh nghiệm, bài học của các nước, các giải pháp nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý. Bài viết xin giới thiệu một số tiêu chuẩn quốc tế về trợ giúp pháp lý, đây là những tiêu chuẩn được các quốc gia áp dụng, tham khảo rộng rãi trong quá trình xây dựng, phát triển hệ thống trợ giúp pháp lý.

I. Các văn kiện quốc tế toàn cầu

1. Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948

Tuyên ngôn thế giới về quyền con người được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua năm 1948, đây là văn kiện quốc tế được thừa nhận rộng rãi như tiêu chuẩn về con người. Điều 10 Tuyên ngôn “Mọi người đều có quyền được xét xử bình đẳng và công khai bởi một Tòa án độc lập và công bằng trong việc xác định quyền và nghĩa vụ của họ và bất kỳ sự khởi tố hình sự nào đối với họ”.

2. Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị năm 1966

Điều 14 (3)

“Trong phán quyết về bất kỳ sự buộc tội hình sự nào chống lại mình, mọi người đều có đầy đủ các bảo đảm sau đây một cách bình đẳng”

a) Được thông báo không chậm trễ và chi tiết bằng một ngôn ngữ mà người đó hiểu về bản chất và lý do buộc tội mình;

b) Có đủ thời gian và điều kiện thuận lợi để chuẩn bị bào chữa và liên hệ với người bào chữa do chính mình lựa chọn;

c) Được xét xử mà không bị trì hoãn một cách vô lý;

d) Được có mặt trong khi xét xử và được tự bào chữa hoặc thông qua sự trợ giúp pháp lý theo sự lựa chọn của mình; được thông báo về quyền này nếu chưa có sự trợ giúp pháp lý; và được nhận sự trợ giúp pháp lý theo chỉ định trong trường hợp lợi ích của công lý đòi hỏi và không phải trả tiền cho sự trợ giúp đó nếu không có đủ điều kiện trả.

3. Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ năm 1981 (CEDAW)

Điều 2 (c)

 Thiết lập sự bảo vệ về mặt luật pháp các quyền của phụ nữ trên cơ sở bình đẳng với nam giới và đảm bảo bảo vệ phụ nữ một cách có hiệu quả chống lại bất kỳ hành động phân biệt đối xử nào thông qua các Tòa án quốc gia có thẩm quyền và các thiết chế công cộng khác.

4. Công ước quốc tế về quyền trẻ em

Điều 37 (d)

4. Mọi trẻ em bị tước tự do có quyền được nhanh chóng tiếp cận sự trợ giúp pháp lý và những trợ giúp thích hợp khác, cũng như quyền được chất vấn tính chất hợp pháp của việc tước tự do đó trước một tòa án hay cơ quan có thẩm quyền, độc lập, vô tư khác và có quyền đòi hỏi một quyết định nhanh chóng liên quan đến bất kỳ hành động nào như vậy.

Điều 40.

1. Các Quốc gia thành viên Công nhận quyền của mọi trẻ em bị tình nghi, bị cáo buộc hay bị xác nhận là đã vi phạm luật hình sự được đối xử theo cách thức phù hợp với việc thúc đẩy nhận thức của trẻ em về nhân cách và phẩm giá vốn có, một cách thức tăng cường sự tôn trọng của trẻ em đối với những quyền và tự do cơ bản của người khác và có tính đến độ tuổi của trẻ em cũng như mong muốn thúc đẩy sự tái hòa nhập của trẻ và giúp trẻ em đảm đương một vai trò có tính chất xây dựng trong xã hội.

5. Hướng dẫn của Liên hợp quốc về tiếp cận trợ giúp pháp lý trong hệ thống tư pháp hình sự

Ngày 20/12/2012, Phiên họp lần thứ 60 của Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua các nguyên tắc và hướng dẫn của Liên hợp quốc về tiếp cận trợ giúp pháp lý trong hệ thống tư pháp hình sự.

Nguyên tắc 1

Quyền được trợ giúp pháp lý

Thừa nhận rằng trợ giúp pháp lý là một thành tố cơ bản của một hệ thống tư pháp hình sự hoạt động hiệu quả dựa trên nguyên tắc pháp quyền, là cơ sở cho việc thụ hưởng các quyền khác, bao gồm quyền được xét xử công bằng và là một biện pháp bảo vệ quan trọng để bảo đảm sự công bằng cơ bản và niềm tin của công chúng đối với quá trình tư pháp hình sự,[2] các Quốc gia cần bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý trong hệ thống pháp luật quốc gia ở mức độ cao nhất có thể, bao gồm, nếu có thể, trong hiến pháp.

Nguyên tắc 2

Trách nhiệm của Nhà nước

 Các Quốc gia cần coi trợ giúp pháp lý là trách nhiệm và nghĩa vụ của mình. Nhằm mục đích đó, các Quốc gia cần xem xét, nếu thích hợp, ban hành các luật và quy định cụ thể và bảo đảm có một hệ thống trợ giúp pháp lý toàn diện, dễ tiếp cận, hiệu quả và đáng tin cậy. Các Quốc gia cần bố trí nguồn nhân lực và tài lực cần thiết cho hệ thống trợ giúp pháp lý.

Hướng dẫn số 13 nêu:

“Các quốc gia khi thích hợp nên quy định đầy đủ và cụ thể biên chế cho hệ thống TGPL trong toàn quốc tương xứng với nhu cầu của mình.

Các quốc gia cần bảo đảm rằng các chuyên gia làm việc cho hệ thống TGPL quốc gia có trình độ và được đào tạo phù hợp với dịch vụ họ cung cấp”.

 

6. Luật mẫu

Cơ quan phòng chống tội phạm và ma túy của Liên hợp quốc (UNODC) đã chủ trì xây dựng Luật mẫu trợ giúp pháp lý. Văn bản này có sự đóng góp của nhiều chuyên gia trên thế giới trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý. Luật đã được hoàn thành vào năm 2017 và chứa đựng nhiều hướng dẫn về có một hệ thống trợ giúp pháp lý bền vững, hiệu quả, dễ tiếp cận đối với tất cả mọi người dân. Một số nội dung đáng chú ý là:

Điều 5. Không phân biệt đối xử

Việc thực hiện trợ giúp pháp lý cần bảo đảm thực hiện trên cơ sở Luật này và phù hợp với trình tự thủ tục quy định tại Luật này, không phân biệt đối xử về giới, chủng tộc, màu da, tôn giáo, tài sản, quan điểm chính trị và các quan điểm khác, quốc tịch, dân tộc, tư cách công dân hoặc nơi ở, nơi sinh, trình độ giáo dục, địa vị xã hội và các vấn đề khác.

Các biện pháp và hướng dẫn để hỗ trợ sự bình đẳng trong tiếp cận trợ giúp pháp lý cho phụ nữ, trẻ em hoặc nhóm người có nhu cầu đặc biệt, người tị nạn, người di cư, người dân tộc thiểu số, nạn nhân bị mua bán, người già và những người khuyết tật không được coi là phân biệt đối xử.

Điều 6. Quyền được thông tin

Bất kỳ người nào bị bắt, bị tạm giam, bị tình nghi hoặc bị truy tố, bị kết án đề có quyền được biết về quyền được trợ giúp pháp lý và thủ tục nhận trợ giúp pháp lý (và hậu quả của việc từ chối quyền này) và quyền đối với các biện pháp thay thế phù hợp khi quyền này bị vi phạm.

Điều 8. Tiếp cận sớm với trợ giúp pháp lý

Trợ giúp pháp lý được thực hiện từ thời điểm một người nhận thức được mình là đối tượng điều tra, kể cả trong trường hợp bị bắt hoặc bị tạm giữ và trong toàn bộ các giai đoạn của tiến trình tư pháp hình sự.

II. Các văn kiện pháp lý khu vực

Một số Châu lục đã thông qua các Công ước ở phạm vi khu vực như: Công ước Châu Âu về quyền con người, Hiến chương Châu Phi về quyền con người và quyền dân tộc và Công ước Châu Mỹ về quyền con người.

1. Công ước Châu Âu về quyền con người

Điều 6, đoạn 1

“Trong việc xác định quyền và nghĩa vụ dân sự hay bất kỳ sự buộc tội hình sự nào chống lại mình, mọi người đều có quyền được xét xử công bằng và công khai trong thời gian hợp lý bởi một Tòa án độc lập và vô tư được thành lập đúng pháp luật.”

2. Hiến chương Châu Phi về quyền con người và quyền dân tộc

Điều 7:

“1. Mọi cá nhân đều có quyền được xét xử về vụ việc của họ. Bao gồm:

III. Các văn kiện quốc tế không chính thức

Văn bản pháp lý không chính thức là các văn kiện gần như có tính pháp lý, tuy không có tính bắt buộc đối với các Chính phủ nhưng có sức thuyết phục hoặc cung cấp những tiêu chuẩn tốt đã được triển khai trong thực tiễn. Những văn kiện này có thể tạo ra giai đoạn ban đầu trong sự hình thành một văn kiện pháp lý mới.

1. Bình luận chung số 7 của Ủy ban quyền con người liên quan đến Công ước quốc tế về quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (thông qua ngày 20 tháng 3 năm 1997)

Liên quan đến Điều 11 – quyền được có nhà ở phù hợp

“Việc bảo vệ theo thủ tục phù hợp và quy trình đúng đắn là những khía cạnh thiết yếu của mọi quyền con người nhưng đặc biệt cần thiết đối với vấn đề thu hồi nhà ở,… Ủy ban cho rằng các biện pháp bảo vệ về mặt thủ tục cần áp dụng liên quan tới vấn đề ép buộc thu hồi nhà ở bao gồm:… (g) đưa ra những giải pháp mang tính pháp lý; và (h) cung cấp, nếu có thể, trợ giúp pháp lý cho người có nhu cầu để yêu cầu Tòa án quyết định việc bồi thường thiệt hại.”

2. Bình luận chung số 28 của Ủy ban quyền con người liên quan đến Công ước quốc tế về quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (thông qua ngày 29 tháng 3 năm 2000)

Liên quan đến Điều 3  - Quyền bình đẳng về quyền giữa nam giới và phụ nữ

“18.     Các Quốc gia thành viên cần cung cấp thông tin để cho phép Ủy ban khẳng định chắc chắn phụ nữ có được hưởng sự tiếp cận công lý và quyền được xét xử công bằng bình đẳng với nam giới hay không. Đặc biệt, các Quốc gia thành viên cần thông báo cho Ủy ban biết có hay không các quy định pháp luật ngăn cản phụ nữ trực tiếp và chủ động tiếp cận với Tòa án… và có hay không việc thực hiện các biện pháp đảm bảo cho phụ nữ bình đẳng tiếp cận trợ giúp pháp lý, đặc biệt là trong các vấn đề về gia đình.”

3. Các nguyên tắc của Liên hợp quốc năm 1990 về vai trò của luật sư

“1. Mọi người đều có quyền nhận được sự giúp đỡ của luật sư mà họ lựa chọn để bảo vệ và chứng minh các quyền của họ và bào chữa cho họ trong tất cả các giai đoạn tố tụng hình sự.

 2.Các Chính phủ bảo đảm các quy trình tố tụng có hiệu lực và cơ chế thuận lợi cho việc tiếp cận luật sư có hiệu quả và bình đẳng được dành cho tất cả mọi người trong phạm vi lãnh thổ và thuộc thẩm quyền xét xử mà không có bất kỳ sự phân biệt nào.

3.  Các Chính phủ bảo bảo đảm cung cấp đầy đủ tài chính và các nguồn lực khác cho dịch vụ pháp lý dành cho người nghèo và người yếu thế khác nếu cần thiết. Các hiệp hội nghề nghiệp của Luật sư phối hợp trong việc tổ chức và cung cấp dịch vụ, các điều kiện thuận lợi và nguồn lực khác…

7. Các Chính phủ sẽ đảm bảo rằng mọi người bị bắt, tạm giam dù có bị khởi tố hay không, sẽ ngay lập tức được tiếp cận với luật sư và trong bất kỳ trường hợp nào cũng không quá 48 tiếng kể từ khi bị bắt.

8. Tất cả người bị bắt, bị tạm giam hoặc phạm nhân sẽ có cơ hội, thời gian và các điều kiện thuận lợi để được gặp và trao đổi với luật sư không chậm trễ, không bị ngăn chặn hay kiểm duyệt và trong sự bảo mật đầy đủ. Việc trao đổi có thể bị giám sát nhưng không bị nghe lén bởi các cán bộ thực thi pháp luật.”

4. Tuyên bố Ky-ép năm 2007 về trợ giúp pháp lý

1. Thừa nhận và hỗ trợ quyền được trợ giúp pháp lý trong hệ thống tư pháp

Trợ giúp pháp lý là một quyền và các chính phủ có nghĩa vụ thực hiện, giám sát chất lượng các chương trình trợ giúp pháp lý bền vững mà việc trợ giúp pháp lý không có sự phân biệt đối xử với tất cả mọi người trên cơ sở đánh giá nhu cầu rõ ràng và có thể kiểm tra, và với sự quan tâm đặc biệt đối với phụ nữ và các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như người nghèo, trẻ em, người trẻ tuổi, người già, người tàn tật, người nhiễm HIV/AIDS, người bị tổn thương nghiêm trọng về tinh thần, người xin tị nạn, người tị nạn, người di cư nội địa, người không quốc tịch, người nước ngoài, tù nhân và các cá nhân bị tước tự do khác.

2. Thực hiện trợ giúp pháp lý trong tất cả các giai đoạn của quá trình tố tụng

Một chương trình trợ giúp pháp lý phải bao gồm tư vấn pháp luật và trợ giúp bằng hình thức tham gia tố tụng trong tất cả các giai đoạn của quá trình tố tụng hình sự, dân sự và hành chính.

3. Làm cho các công chức của Chính phủ trở nên nhạy cảm

Các Chính phủ có nghĩa vụ giúp cho công chức hiểu về vai trò quan trọng của trợ giúp pháp lý trong việc đảm bảo quyền tiếp cận công lý và đạt được các mục tiêu xã hội, tập huấn cho họ theo quy trình cần thiết để bảo đảm rằng quyền được trợ giúp pháp lý được thực hiện ở tất cả các giai đoạn của quá trình tố tụng hình sự, dân sự và hành chính.

4. Coi trợ giúp pháp lý là một biện pháp đảm bảo hệ thống tư pháp dễ tiếp cận và dành cho tất cả mọi người.

Các Chính phủ có nghĩa vụ đảm bảo việc cung cấp thông tin pháp luật đối với tất cả các vấn đề về hành chính, dân sự và hình sự và các công chức có nghĩa vụ thông báo, giải thích các khía cạnh về thủ tục và nội dung của các vấn đề pháp lý cho mọi thành viên trong xã hội.

5. Hợp tác với các chủ thể có liên quan khác và cộng đồng

Các Chính phủ thiết lập mối quan hệ hợp tác với các chủ thể có liên quan khác như các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức cộng đồng, các tổ chức từ thiện có hoặc không có tính chất tôn giáo, các cơ quan, các hiệp hội nghề nghiệp và các tổ chức nghiên cứu và bảo đảm sự tham gia có hiệu quả của cộng đồng trong việc xây dựng các chính sách, chương trình và pháp luật về trợ giúp pháp lý.

6. Công nhận quyền được bồi thường do vi phạm quyền con người.

Trợ giúp pháp lý cần dành cho tất cả mọi người đang tìm kiến sự bồi thường theo pháp luật do các quyền con người của họ bị vi phạm bởi bất cứ cơ quan nhà nước nào mà không bị phân biệt đối xử.

7. Công nhận vai trò của các biện pháp giải quyết tranh chấp không chính thức

Các Chính phủ và tất cả các chủ thể có liên quan công nhận ý nghĩa của những biện pháp giải quyết tranh chấp truyền thống và trên cơ sở cộng đồng và hỗ trợ cho các biện pháp này miễn là các biện pháp đó phù hợp với các tiêu chuẩn quyền con người.

8. Đa dạng hóa hệ thống thực hiện trợ giúp pháp lý

Các Chính phủ cần sử dụng nhiều loại chủ thể để thực hiện trợ giúp pháp lý như các văn phòng bào chữa công do Chính phủ tài trợ, các chương trình sử dụng luật sư, các trung tâm trợ giúp pháp lý, các trung tâm thực hành nghề luật của trường đại học cũng như sự hợp tác với các tổ chức xã hội dân sự và các tổ chức tôn giáo.

9. Đa dạng hóa đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý

Các Chính phủ cần sử dụng các biện pháp khác ngoài việc sử dụng luật sư thông qua việc cung cấp dịch vụ pháp lý và các dịch vụ liên quan do những người không phải là luật sư thực hiện như bào chữa viên không chuyên, sinh viên luật, những người làm công tác pháp luật bán chuyên, các trợ giúp viên pháp lý và những người thực hiện trợ giúp pháp lý khác.

10. Khuyến khích thực hiện trợ giúp pháp lý tình nguyện của các luật sư

Việc hỗ trợ và tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý cần được coi là một nghĩa vụ quan trọng của các luật sư, các đoàn luật sư và các trường luật. Cần có sự hỗ trợ về tinh thần và nghề nghiệp đối với các luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý, đặc biệt là trợ giúp pháp lý có tính chất từ thiện. Các Chính phủ cần tạo điều kiện thuận lợi cho phép luật sư tư có thể thực hiện trợ giúp pháp lý tình nguyện và đảm bảo mức thù lao hợp lý cho những vụ việc được trả thù lao.

11. Bảo đảm tính bền vững của hoạt động trợ giúp pháp lý

Các Chính phủ cần cung cấp tài chính, ngân sách và tổ chức hoạt động phù hợp để bảo đảm một chương trình trợ giúp pháp lý bền vững, bao gồm việc cung cấp trợ giúp pháp lý rộng rãi, đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng một hệ thống quản lý vụ việc độc lập, có hiệu quả kinh tế, chuyên nghiệp và có chất lượng, đảm bảo khả năng đáp ứng nhu cầu của cộng đồng một cách lâu dài.

12. Thúc đẩy hiểu biết pháp luật thông qua giáo dục pháp luật

Các Chính phủ bảo đảm  rằng việc giáo dục quyền con người và các chương trình giáo dục pháp luật được thực hiện trong các cơ sở giáo dục và các tổ chức xã hội, đặc biệt là cho những nhóm đối tượng yếu thế như trẻ em, người chưa thành niên và người nghèo. Khuyến khích các Chính phủ bảo đảm rằng các tài liệu pháp luật và văn kiện về quyền con người được dịch và phổ biến rộng rãi. Khuyến khích các cơ quan ở khu vực và trên thế giới dịch các văn kiện về quyền con người sang các ngôn ngữ khác nhau.

13. Bảo đảm quyền tiếp cận công lý trong các chương trình hỗ trợ cho hệ thống tư pháp ở các quốc gia đang phát triển và chuyển đổi

Các Chính phủ và các nhà tài trợ quốc tế đảm bảo rằng các chương trình hỗ trợ cho hệ thống tư pháp ở cả các quốc gia đang phát triển và chuyển đổi bao gồm việc cung cấp thông tin về trợ giúp pháp lý và các biện pháp khác để tăng cường quyền tiếp cận công lý, đặc biệt là đối với người nghèo và nhóm đối tượng dễ bị tổn thương một cách bền vững.

14. Bảo đảm môi trường an toàn cho việc thực hiện trợ giúp pháp lý

Các Chính phủ bảo đảm điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý, bao gồm việc bảo vệ cho luật sư và những người thực hiện trợ giúp pháp lý khỏi sự quấy rầy, dọa dẫm và đe dọa đối với an ninh, an toàn của bản thân họ”.

5. Các án lệ

Án lệ của Tòa án Nhân quyền Châu Âu – Vụ kiện giữa Airey và Ai len, 11/9/1979, Phần A số 32

“Mặc dù Công ước Châu Âu về quyền con người không chứa quy định về trợ giúp pháp lý cho những tranh chấp dân sự nhưng Điều 6 đoạn 1 của công ước có thể buộc các quốc gia thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí trong các vụ việc dân sự khi sự trợ giúp đó không thể thiếu được để bảo đảm sự tiếp cận Tòa án có hiệu quả hoặc vì sự có mặt của luật sư là bắt buộc theo pháp luật quốc gia hoặc vì sự phức tạp của quá trình tố tụng hay của vụ việc.”

Án lệ của Tòa án Nhân quyền Châu Âu – Vụ kiện giữa Deweer và Bỉ, 27/2/1980

“49. Quyền tiếp cận Tòa án (một yếu tố cấu thành của quyền được xét xử công bằng) không tuyệt đối dành cho những vấn đề hình sự hơn là những vấn đề dân sự”

Án lệ trong công ước Châu Âu về quyền con người khá tiến bộ trong việc thừa nhận quyền được trợ giúp pháp lý trong lĩnh vực dân sự trên cơ sở đánh giá rằng trong những vụ việc phức tạp, các cá nhân thực sự ở trong tình trạng bất lợi nếu họ không có luật sư bảo vệ quyền lợi.

Án lệ của Tòa án tối cao Hoa Kỳ: Vụ kiện giữa Gideon và Wainwright, 372 US 335 (1963)

“Lý trí và sự suy nghĩ đòi hỏi chúng ta thừa nhận rằng trong hệ thống tư pháp hình sự mang tính tranh tụng của chúng ta, bất kỳ người nào bị đưa ra xét xử trước Tòa án mà không có khả năng thuê luật sư riêng sẽ không thể được bảo đảm một sự xét xử công bằng trừ khi có luật sư bào chữa cho anh ta… Luật sư trong các phiên tòa hình sự là cần thiết, không phải là xa xỉ.”

 

Bình An - Cục Trợ giúp pháp lý

 

[1]Hiến pháp nước Cộng hòa Dominica năm 2002 tại Điều 177 quy định: “Nhà nước chịu trách nhiệm tổ chức các chương trình và dịch vụ hỗ trợ pháp lý miễn phí cho những người khó khăn về kinh tế để bảo đảm đại diện pháp lý cho các quyền và lợi ích của họ, đặc biệt trong việc bảo vệ quyền của nạn nhân, trừ các vụ việc ảnh hưởng tới thẩm quyền của Bộ dịch vụ công trong lĩnh vực hình sự”

[2] Thuật ngữ "quá trình tư pháp" được hiểu theo định nghĩa trong Hướng dẫn Tư pháp về Các vấn đề liên quan đến Nạn nhân và Nhân chứng của Tội phạm là Trẻ em (Nghị quyếtcủa Hội đồng Kinh tế Xã hội 2005/20, phụ lục). Vì mục đích của các Nguyên tắc và Hướng dẫn, thuật ngữ này cũng sẽ bao gồm việc dẫn độ, chuyển giao phạm nhân và thủ tục tương trợ tư pháp.

 

Xem thêm »