Bình thuận tổ chức tọa đàm tăng cường hoạt động trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật

12/12/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Vừa qua, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Bình Thuận đã chọn địa bàn của Chi nhánh trợ giúp pháp lý số 01 (bao gồm huyện Đức Linh và Tánh Linh) tổ chức buổi tọa đàm với chuyên đề “Tăng cường công tác trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật”. Tham dự buổi tọa đàm có 62 đại biểu đại diện cho các cơ quan: Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, Phòng Tư pháp, Hội Người khuyết tật & Trẻ mồ côi, Hội nạn nhân chất độc Da cam Đioxin, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, cộng tác viên trợ giúp pháp lý và 20 người khuyết tật nặng.

      Mở đầu buổi tọa đàm, ông Lê Văn Thắng - Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý đánh giá những kết quả đạt được đối với hoạt động trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật trong thời gian qua và thông tin một số nội dung cơ bản về Luật Người khuyết tật, các văn bản hướng dẫn thi hành, Đề án trợ giúp pháp lý giai đoạn 2012 -2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến các đại biểu tham dự. Sau đó là các báo cáo tham luận của Phòng Lao động – Thương binh và xã hội, Phòng Tư pháp, Hội Người khuyết tật & Trẻ mồ côi, Đoàn Thanh niên về bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho người khuyết tật; chế độ, chính sách dành cho người khuyết tật; nhận thức của người khuyết tật về hoạt động trợ giúp pháp lý; sự phối hợp trong hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật. Sau khi nghe các báo cáo tham luận, các đại biểu tham dự buổi tọa đàm đã thảo luận bàn về việc tăng cường hoạt động trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, đưa ra các đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật trong thời gian tới. Ông Huỳnh Ngọc Điệp đại diện cho người khuyết tật trên địa bàn đã có những phát biểu xúc động như: Sự thiếu tự tin của người khuyết tật; những khó khăn, vướng mắc của người khuyết tật trong cuộc sống gây cho họ nhiều mặc cảm đối với xã hội. Qua đó, ông đề nghị các cấp, các ngành và đặc biệt là công tác trợ giúp pháp lý phải làm sao để cho tất cả những người khuyết tật hiểu biết pháp luật, tạo điều kiện mở các lớp dạy văn hóa, dạy nghề để cho họ có công việc ổn định, tự nuôi sống bản thân, xóa nhòa mặc cảm đối với họ trong cuộc sống.

Trên địa bàn Chi nhánh Trợ giúp pháp lý số 01 hiện nay số người khuyết tật được hưởng trợ cấp hàng tháng là 1.443/3000 đối tượng; phần lớn người khuyết tật đều được bảo đảm các quyền như quyền được chăm sóc sức khỏe, được học tập, học nghề, tạo việc làm, hưởng trợ cấp xã hội. Tuy nhiên, một số người khuyết tật vẫn chưa nắm bắt được các quy định của pháp luật về việc giải quyết chế độ bảo trợ xã hội; trình tự, thủ tục hưởng trợ cấp xã hội, việc cấp giấy chứng nhận khuyết tật…Do đó, người khuyết tật rất cần đến hoạt động trợ giúp pháp lý để hỗ trợ về mặt pháp luật khi có các vướng mắc pháp luật xảy ra nhằm giúp họ được thụ hưởng các chế độ, chính sách dành cho người khuyết tật và các quyền khác của công dân. Do có nhiều loại dạng khuyết tật khác nhau nên việc trao đổi thông tin, nắm bắt tâm lý, giao tiếp với người khuyết tật rất khó nên còn có rào cản giữa hoạt động trợ giúp pháp lý với người khuyết tật. Do đó, để hoạt động trợ giúp pháp lý đến với người khuyết tật có nhiều ý kiến cho rằng cần phân loại các dạng khuyết tật khác nhau để có cách thức tuyên truyền, tư vấn phù hợp với từng đối tượng cụ thể. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, các cơ quan, ban, ngành, Chi nhánh và Trung tâm trợ giúp pháp lý để tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý đến tận thôn, bản, làng xã cho người khuyết tật. Hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý cần phong phú, đa dạng, phù hợp với từng loại dạng khuyết tật để họ dễ đọc, dể hiểu, dễ nắm bắt thông tin. Xây dựng đội ngũ Trợ giúp viên, cộng tác viên giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, có lòng nhiệt huyết, yêu nghề và có kỹ năng, kinh nghiệm trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật.

Kết thúc buổi tọa đàm, lãnh đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhấn mạnh chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật là một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà  nước đối với người khuyết tật, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước dành cho lực lượng yếu thế trong xã hội, nhằm giúp họ xóa bỏ tự ti, mặc cảm và có các quyền, nghĩa vụ bình đẳng như những công dân khác. Chính sách này góp phần thúc đẩy xã hội ngày càng phát triển, nâng cao kiến thức pháp luật cho người khuyết tật, được sự đồng tình, ủng hộ của người dân. Giám đốc Trung tâm cũng đánh đánh giá cao các báo cáo tham luận của các cơ quan đơn vị và ghi nhận những đề xuất, kiến nghị, giải pháp nhằm giúp hoạt động trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật ngày càng hiệu quả. Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ nghiên cứu, xây dựng mô hình trợ giúp pháp lý phù hợp với từng loại dạng khuyết tật. Cùng với đó, Trung tâm đẩy mạnh hoạt động truyền thông trên các phương tiện truyền thanh, truyền hình và các chương trình giải đáp pháp luật; phát miễn phí tờ gấp pháp luật giới thiệu về chính sách dành cho người khuyết tật. Tiến hành đặt bảng thông tin về quyền được trợ giúp pháp lý của người khuyết tật tại các địa phương và Câu lạc bộ người khuyết tật ở các xã, thị trấn; tổ chức các đợt trợ giúp pháp lý lưu động về tại thôn, làng, bản ...giúp tất cả người khuyết tật đều được thụ hưởng chính sách trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu để bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

                                                     Nguyễn Thị Nhật

                          Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh Bình Thuận

Xem thêm »