Tham dự Hội nghị khu vực Đông Nam Á về trợ giúp pháp lý tổ chức tại Thái Lan, tháng 8 năm 2016

07/09/2016
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Theo lời mời của Bộ Tư pháp Thái Lan, được sự cho phép Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Cục Trợ giúp pháp lý đã cử công chức tham gia Hội nghị khu vực Đông Nam Á về trợ giúp pháp lý và bảo vệ nhân chứng, do Vụ Bảo vệ quyền và tự do thuộc Bộ Tư pháp Thái Lan tổ chức tại Băng Cốc, Thái Lan từ ngày 18-19/8/2016.  

 

Tham gia Hội nghị gồm đại diện cơ quan trợ giúp pháp lý và cơ quan liên quan đến bảo vệ nhân chứng của 9 quốc gia Đông Nam Á (Brunei, Cambodia, Indonesia, Malaysia, Myamar, Lao, Philippines, Thai Lan, Vietnam). Ngoài ra, Hội nghị còn có sự tham gia của đại diện Ủy ban Liên chính phủ ASEAN về nhân quyền, UNOCD, các tổ chức xã hội, các cán bộ Bộ Tư pháp Thái Lan, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý và tiếp cận công lý, phóng viên báo chí…

Hội nghị là diễn đàn để đại diện các quốc gia Đông Nam Á và các tổ chức quốc tế trao đổi kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm của các nước trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý và bảo vệ nhân chứng trong mối liên hệ với quyền con người và mục tiêu phát triển bền vững của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Hội nghị được nghe ông Seree Nonthasoot đại diện của Thái Lan trong Ủy ban Liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR) trình bày về vai trò của trợ giúp pháp lý, những đề xuất phát triển hoạt động trợ giúp pháp lý trong việc bảo vệ quyền tiếp cận công lý của người dân và mối liên hệ với 17 Mục tiêu phát triển bên vững của Liên hợp quốc. Tiếp đó, bà Noriko Shibata đại diện UNOCD, trình bày về các hướng dẫn của Liên hợp quốc về quyền trợ giúp pháp lý trong hệ thống tư pháp hình sự và bảo vệ nhân chứng và hỗ trợ nạn nhân trong tư pháp hình sự.

Tiếp đó, đại diện 9 quốc gia Đông Nam Á trình bày về trợ giúp pháp lý của các nước. Nhiều vấn đề được các đại biểu thảo luận tại Hội nghị như vai trò của nhà nước trong xây dựng chính sách và quản lý trợ giúp pháp lý, sự tham gia của các tổ chức cá nhân trong công tác trợ giúp pháp lý, nguồn lực dành cho Trợ giúp pháp lý, những kết quả đạt được cũng như những khó khăn thách thức hiện nay; cơ hội hợp tác giữa các nước ASEAN trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý.

Qua việc tham gia Hội nghị về trợ giúp pháp lý khu vực Đông Nam Á cho thấy: Trợ giúp pháp lý là yếu tố quan trọng của tiếp cận công lý và là một trong những nội dung trong mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs), đặc biệt là mục tiêu thứ 16 về tiếp cận công lý. Qua Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm trợ giúp pháp lý của 9 nước Đông Nam Á cho thấy, mỗi quốc gia trong khu vực có đặc điểm khác nhau về truyền thống văn hóa, chính trị và hệ thống pháp luật. Do đó, hệ thống trợ giúp pháp lý của mỗi nước cũng khác nhau. Nhiều nước đã ban hành luật riêng về trợ giúp pháp lý, nhưng cũng có nước không có Luật trợ giúp pháp lý riêng (ví dụ Lào, Brunei). Có nước đã ban hành Luật trợ giúp pháp lý và thực hiện trong nhiều năm (ví dụ, Malaysia ban hành Luật trợ giúp pháp lý năm 1971, Việt Nam ban hành Luật trợ giúp pháp lý năm 2006), nhưng cũng có nước mới ban hành Luật trợ giúp pháp lý trong năm 2016 (ví dụ Myanma) hoặc đang trong quá trình xây dựng luật trợ giúp pháp lý (ví dụ Thái Lan). Có nước, trợ giúp pháp lý của Nhà nước trong lĩnh vực hình sự và dân sự (ví dụ Malaysia, Indonesia, Lào), nhưng có nước trợ giúp pháp lý của nhà nước chỉ cung cấp trong lĩnh vực hình sự (ví dụ Brunei, Thái Lan, Myanma). Đa số các nước trong khu vực có hệ thống trợ giúp pháp lý theo mô hình hỗn hợp, theo đó Nhà nước thành lập hệ thống trợ giúp pháp lý của mình để chủ động thực hiện trợ giúp pháp lý và khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức xã hội tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý. Tuy vậy, cũng có nước trợ giúp pháp lý chủ yếu do các tổ chức xã hội đảm nhận (ví dụ Indonexia).

Dù truyền thống pháp luật khác nhau, mô hình trợ giúp pháp lý khác nhau nhưng các nước đều nhận thấy vai trò quan trọng của Nhà nước trong công tác trợ giúp pháp lý, đặc biệt là việc ban hành và bảo đảm thi hành chính sách, pháp luật về trợ giúp pháp lý, bảo đảm điều tiết nguồn nhân lực và kinh phí cho hoạt động trợ giúp pháp lý.

 Trong bối cảnh hợp tác khu vực mạnh mẽ như hiện nay, với mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN tầm nhìn 2025, trong đó trợ giúp pháp lý là yếu tố quan trọng trong việc tiếp cận công lý và phát triển bền vững, các quốc gia trong Khối cần tiếp tục hợp tác, chia sẻ thông tin về hệ thống tư pháp, pháp luật và trợ giúp pháp lý của nhau để tăng cường hiểu biết, tin tưởng, hợp tác phát triển trong lĩnh vực pháp luật và trợ giúp pháp lý trong khu vực. 

                                                                                                                                                                                Vũ Thị Hường

 

Xem thêm »