Hội thảo góp ý về nội dung mở rộng đối tượng được trợ giúp pháp lý là trẻ em trong dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi)

14/12/2016
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Ngày 08/12/2016, tại Hà Nội, với sự hỗ trợ của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (Unicef), Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo góp ý về nội dung mở rộng đối tượng được trợ giúp pháp lý là trẻ em trong dự thảo Luật TGPL (sửa đổi) dưới sự chủ trì của Bà Nguyễn Thị Minh - Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý. Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; một số đại biểu Quốc hội là ủy viên, ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng; đại diện Vụ Pháp luật Văn phòng Quốc hội, Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em Bộ Lao động, Thương binh, Xã hội; đại diện Unicef; và đại diện Lãnh đạo, Trợ giúp viên pháp lý, luật sư cộng tác viên của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thành phố Hà Nội.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Cục trưởng Nguyễn Thị Minh nhấn mạnh, trợ giúp pháp lý (TGPL) là chính sách lớn, quan trọng của Đảng và Nhà nước, đảm bảo cho các đối tượng yếu thế trong xã hội được hưởng công bằng trước pháp luật và công bằng trong việc tiếp cận công lý. Tuy nhiên, trước yêu cầu đổi mới của nền kinh tế, sự thay đổi của pháp luật và yêu cầu ngày càng cao của dịch vụ TGPL thì Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 cần phải sửa đổi, bổ sung để phù hợp với điều kiện hiện nay của đất nước. Tháng 10 vừa qua, Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) do Chính phủ trình.

Qua thảo luận cho thấy, quy định về người được TGPL trong Dự thảo Luật là một vấn đề các vị đại biểu Quốc hội rất quan tâm. Một số ý kiến tán thành với quy định về người được TGPL trong Dự thảo Luật và cho rằng quy định như Dự thảo là phù hợp với điều kiện kinh tế của đất nước, bảo đảm tính khả thi khi ban hành Luật. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng đối tượng được TGPL trong Dự thảo Luật có thu hẹp hơn so với pháp luật hiện hành và đề nghị mở rộng đối tượng được TGPL như quy định trong Luật Trợ giúp pháp lý 2006 và các Luật ban hành sau như Luật Trẻ em, Luật Người khuyết tật, Luật Phòng chống mua bán người, thậm chí còn yêu cầu tập hợp các đối tượng quy định trong các văn bản dưới luật vào Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi).

Về đối tượng TGPL là trẻ em, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đặc biệt quan tâm và đề nghị mở rộng diện đối tượng này. Cụ thể, có ý kiến đề nghị cân nhắc bổ sung người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thuộc các vụ án chỉ định theo Bộ luật tố tụng hình sự được TGPL mà không chỉ giới hạn ở trẻ em (Trẻ em theo quy định của Luật Trẻ em năm 2016 là người dưới 16 tuổi). Nhiều ý kiến đề nghị bỏ cụm từ “bị buộc tội” và đề xuất chỉ cần trẻ em là được TGPL, kể cả người bị hại, người làm chứng. Một số ý kiến đề nghị không quy định trẻ em có hoàn cảnh khó khăn về tài chính vì trẻ em không có tài sản, không có thu nhập...

Hội nghị đã lắng nghe tham luận của chuyên gia quốc tế đến từ Unicef, đại diện Cục Trợ giúp pháp lý và đại diện thường trực Tổ biên tập dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) về các vấn đề như quyền được TGPL của trẻ em theo pháp luật quốc tế; kinh nghiệm của một số nước trên thế giới về việc phân biệt giữa TGPL và hỗ trợ/giúp đỡ pháp luật; rà soát quy định về quyền được hỗ trợ pháp luật của trẻ em và quyền của người chưa thành niên, trong đó có quyền được TGPL; đánh giá tác động các phương án quy định về người được TGPL là trẻ em trong dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi).

Các đại biểu, chuyên gia trong và ngoài nước tham gia Hội thảo đã thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến về các phương án quy định người được TGPL là trẻ em. Nhiều đại biểu đề nghị quy định quyền được TGPL của trẻ em thống nhất, đồng bộ với các quy định hiện hành về vấn đề này (Luật trẻ em, Bộ luật Tố tụng hình sự,...). Một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định cụ thể tiêu chuẩn người thực hiện TGPL cho trẻ em bảo đảm TGPL có chất lượng...

Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý Nguyễn Thị Minh đánh giá cao các góp ý sâu sắc của các đại biểu tham gia Hội thảo. Những ý kiến góp ý tại Hội thảo sẽ được Thường trực Tổ biên tập tổng hợp, nghiên cứu phối hợp với Vụ Pháp luật, Văn phòng Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 5/2017./.

Cục Trợ giúp pháp lý

 

Xem thêm »