Tiếp theo Hội thảo tại Hà Nội, ngày 7/3/2017, tại thành phố Hồ Chí Minh Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo đóng góp ý kiến về dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi). Đồng chí Ngô Trung Thành, ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và đồng chí Nguyễn Thị Minh, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có một số đại biểu Quốc hội là ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Lãnh đạo Vụ Pháp luật Văn phòng Quốc hội; đại diện Văn phòng dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện; Lãnh đạo một số Sở Tư pháp, Trung tâm trợ giúp pháp lý một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Trợ giúp viên pháp lý, luật sư cộng tác viên của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thành phố Hồ Chí Minh.
Đồng chí Nguyễn Thị Minh, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý Nguyễn Thị Minh cho biết, đến nay chặng đường đã khá dài, nhiều nội dung đại biểu góp ý đã được Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Pháp luật nghiên cứu tiếp thu giải trình một bước báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ngày 09/01/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp cho ý kiến chỉ đạo về những vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau đối với dự thảo Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với những nội dung đề xuất của Ủy ban Pháp luật - với tư cách là cơ quan thẩm tra dự án Luật. Dự án Luật này đã khắc phục được những bất cập về người được trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý, tổ chức thực hiện, trình tự, thủ tục trợ giúp pháp lý,… Do đó, tại hội thảo này đề nghị các đại biểu tập trung phân tích, góp ý về các nội dung cụ thể của dự thảo Luật, về kỹ thuật lập pháp, về tính đồng bộ, thống nhất, về tính khả thi của các quy định khi triển khai thực hiện, làm sao dự án luật thực sự đi vào cuộc sống, làm sao đáp ứng được kỳ vọng của chúng ta.
Ông Nguyễn Duy Tiến, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Quốc hội đã trình bày một số nội dung dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, những người làm công tác quản lý cũng như người trực tiếp cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý đều thống nhất cho rằng đến thời điểm này dự thảo Luật đã khá hoàn chỉnh, các quy định đáp ứng được yêu cầu khắc phục bất cập hiện hành trong tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý, phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi.
Cụ thể, bình luận tổng quan về dự thảo Luật, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Dương Đăng Huệ nêu một số thành công của dự thảo Luật đó là: khẳng định trợ giúp pháp lý được coi là trách nhiệm xã hội của Nhà nước, phạm vi điều chỉnh vừa phù hợp với điều kiện đặc thù của Việt Nam vừa phù hợp với thông lệ quốc tế, ghi nhận đầy đủ quyền của người được trợ giúp pháp lý đồng thời, làm rõ cơ chế để thực hiện quyền đó trên thực tế, khắc phục tình trạng cồng kềnh, kém hiệu quả của hệ thống tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý. Bình luận về hình thức trợ giúp pháp lý, bà Hoàng Thị Thu Trang, ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng dự thảo Luật đã kế thừa có chọn lọc các hình thức trợ giúp pháp lý còn hiệu quả của Luật năm 2006, bảo đảm sử dụng ngân sách có hiệu quả, tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm của công tác trợ giúp pháp lý.
Ông Nguyễn Duy Tiến, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Quốc hội phát biểu tại Hội thảo
Về Chi nhánh trợ giúp pháp lý, một số đại biểu đề nghị cần luật hóa một cách chi tiết điều kiện thành lập Chi nhánh theo định hướng tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động, đảm bảo tính đặc thù phải được thành lập ở các vùng, miền tại các địa phương; có thể cân nhắc giao thẩm quyền thành lập Chi nhánh cho Giám đốc Sở Tư pháp.
Đối tượng trợ giúp pháp lý là nội dung được thảo luận khá nhiều tại Hội thảo và có nhiều ý kiến khác nhau. Một số đại biểu nhất trí cho rằng quy định về đối tượng trợ giúp pháp lý tại dự thảo Luật đã bảo đảm tính đồng bộ và phù hợp với nguồn nguồn lực của nước ta. Một số đại biểu có ý kiến đề nghị mở rộng hơn nữa đối tượng yếu thế khác.
Tại Hội thảo, chuyên gia của dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện đã chia sẻ kết quả nghiên cứu so sánh kinh nghiệm trợ giúp pháp lý một số nước trên thế giới về các nội dung như mô hình tổ chức trợ giúp pháp lý, người thực hiện, đối tượng trợ giúp pháp lý, phạm vi cung cấp dịch vụ. Ngoài ra, chuyên gia cũng đưa ra một số bình luận về dự thảo Luật.
Chuyên gia của dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo
Qua một ngày làm việc có thể thấy các tham luận của các chuyên gia đều có sự nghiên cứu sâu sắc, ý kiến phát biểu thể hiện sự tâm huyết với công tác trợ giúp pháp lý. Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nghiên cứu, cân nhắc toàn diện các ý kiến về đối tượng, Chi nhánh, … hoàn thiện dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua tại kỳ hợp thứ 3 Quốc hội khóa 14 (tháng 5/2017).
Phòng Chính sách và Quản lý nghiệp vụ
Cục Trợ giúp pháp lý