Xem cỡ chữ
Đọc bài viết
In trang
Chế định người thực hiện trợ giúp pháp lý qua các thời kỳChế định người thực hiện trợ giúp pháp lý là một trong những chế định quan trọng của công tác trợ giúp pháp lý, là một trong những yếu tố làm nên chất lượng, hiệu quả của công tác trợ giúp pháp lý. Đến nay, trải qua hơn 26 năm hình thành và phát triển, chế định này đã dần được hoàn thiện. Bài viết xin giới thiệu về sự phát triển chức danh người thực hiện qua các giai đoạn phát triển trợ giúp pháp lý.I. Giai đoạn từ năm 1997 đến khi có Luật TGPL năm 2006
Giai đoạn này người thực hiện trợ giúp pháp lý gồm: (1) chuyên viên pháp lý; (2) cộng tác viên trợ giúp pháp lý; (3) Cán bộ trợ giúp pháp lý của tổ chức chính trị - xã hội.
1. Chuyên viên trợ giúp pháp lý
Chuyên viên TGPL là chuyên viên pháp lý làm nhiệm vụ TGPL. Theo Thông tư số 07/1998/TT-BTP của Bộ Tư pháp chuyên viên TGPL phải có bằng cử nhân luật và qua lớp bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL do Bộ Tư pháp hoặc Bộ Tư pháp uỷ quyền cho Sở Tư pháp tổ chức.
2. Cộng tác viên TGPL
Cộng tác viên của tổ chức TGPL cần có các tiêu chuẩn sau đây:
- Là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam.
- Có phẩm chất chính trị đạo đức tốt.
- Có bằng cử nhân luật. Những người không có bằng cử nhân luật nhưng có bằng trung cấp luật và đã tham gia công tác pháp luật từ 3 năm liên tục trở lên cũng có thể trở thành cộng tác viên của tổ chức TGPL.
Để bảo đảm tính khách quan trong hoạt động TGPL, một số trường hợp không được làm cộng tác viên bao gồm: người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án mà chưa được xóa án tích; đang bị quản chế hành chính; bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Thời gian công tác pháp luật được hiểu là thời gian mà người đề nghị làm cộng tác viên TGPL đã làm những công việc có liên quan đến pháp luật với các chức danh: chuyên viên pháp lý; cán bộ pháp lý; cán bộ Ban Tư pháp xã, phường, thị trấn; điều tra viên; kiểm sát viên; thẩm phán; thư ký Toà án; chấp hành viên; trọng tài viên; công chứng viên; thanh tra viên; kiểm tra viên hải quan; tổ viên tổ hoà giải ở cơ sở; luật sư; thành viên Hội luật gia...
Việc sử dụng các cộng tác viên có bằng trung cấp luật và có thời gian thực tế làm các công việc liên quan đến pháp luật sẽ giúp cho tổ chức TGPL thu hút thêm được đội ngũ cộng tác viên, đặc biệt là ở các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa... huy động được sự tham gia đóng góp của xã hội vào công tác này. Đây là một hướng mở giúp cho tổ chức TGPL có thêm người cộng tác ở những nơi mà cán bộ chưa thể đáp ứng ngay được về trình độ.
Ngoài ra, các địa phương ở vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo xa xôi, nếu chưa có người đủ tiêu chuẩn trên thì Quy chế cộng tác viên cũng cho phép cán bộ tư pháp xã, tổ viên tổ hoà giải, già làng, trưởng bản, trưởng thôn và các cán bộ chuyên ngành khác được xét làm cộng tác viên TGPL. Quy định này giúp tổ chức TGPL mở rộng phạm vi hoạt động xuống tận các địa bàn dân cư sinh sống, giúp đối tượng gặp thuận lợi khi tiếp cận với dịch vụ TGPL.
- Có năng lực hành vi đầy đủ.
3. Cán bộ TGPL của tổ chức chính trị - xã hội
Sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội trong lĩnh vực TGPL là một trong những hình thức thực hiện nhiệm vụ chính trị, xã hội của tổ chức đó và hỗ trợ Nhà nước trong việc quản lý, điều hành xã hội nhằm xây dựng Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Theo hướng dẫn và cho phép của Bộ Tư pháp, có 3 tổ chức chính trị - xã hội thành lập Trung tâm hoặc Văn phòng TGPL để TGPL cho người nghèo, đối tượng chính sách và các thành viên, hội viên của tổ chức mình, đó là: Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam.
Tuỳ thuộc vào vị trí, vai trò, nhiệm vụ của các tổ chức chính trị - xã hội mà người thực hiện TGPL của Trung tâm TGPL thuộc các tổ chức này cũng góp phần vào việc thực hiện các chức năng và giúp đỡ cho các thành viên, hội viên của tổ chức đó. Người thực hiện TGPL của Trung tâm TGPL cho nông dân giúp đỡ pháp luật miễn phí cho các thành viên, hội viên của Hội là những nông dân nghèo, nông dân thuộc đối tượng chính sách. Người thực hiện TGPL của Trung tâm TGPL thuộc Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giúp đỡ pháp luật miễn phí cho các đoàn viên, thanh niên nghèo, thanh niên là bộ đội xuất ngũ chưa có việc làm, thanh niên gặp hoàn cảnh rủi ro…
Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức chính trị - xã hội và theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp, đa số người thực hiện TGPL của Trung tâm TGPL thuộc tổ chức chính trị - xã hội đều là những cán bộ đáp ứng được yêu cầu về tiêu chuẩn nghiệp vụ của người thực hiện TGPL (có bằng cử nhân luật; đã được bồi dưỡng kỹ năng TGPL; có tư cách đạo đức tốt; có đủ năng lực hành vi dân sự; không đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án mà chưa được xoá án tích).
II. Giai đoạn từ khi thực hiện Luật năm 2006 đến 31/12/2017
Ngày 29/6/2006, Quốc hội khoá X kỳ họp thứ IX đã thông qua Luật TGPL. Đây là bước ngoặt lớn, đánh dấu sự thay đổi về chất của hoạt động TGPL nói chung và phát triển đội ngũ người thực hiện TGPL đáp ứng nhu cầu TGPL của người dân, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn đất nước và hội nhập quốc tế. Theo Luật TGPL năm 2006, người thực hiện trợ giúp pháp lý bao gồm: (1) trợ giúp viên pháp lý, (2) cộng tác viên trợ giúp pháp ý, (3) luật sư, (4) tư vấn viên pháp luật. Trợ giúp viên pháp lý là chức danh mới, lần đầu tiên được ghi nhận trong Luật.
1. Trợ giúp viên pháp lý
Trợ giúp viên pháp lý lần đầu tiên được là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có đủ tiêu chuẩn sau đây:
- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có phẩm chất đạo đức tốt;
- Có bằng cử nhân luật;
- Có Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý;
- Có thời gian làm công tác pháp luật từ hai năm trở lên;
- Có sức khoẻ bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.
2. Cộng tác viên trợ giúp pháp lý
Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có phẩm chất đạo đức tốt, có sức khoẻ bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao, tự nguyện tham gia trợ giúp pháp lý có thể trở thành cộng tác viên trợ giúp pháp lý trong các trường hợp sau:
- Người có bằng cử nhân luật; người có bằng đại học khác làm việc trong các ngành, nghề có liên quan đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân;
- Người thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi có bằng trung cấp luật hoặc có thời gian làm công tác pháp luật từ ba năm trở lên hoặc có kiến thức pháp luật và có uy tín trong cộng đồng.
3. Luật sư
Luật sư tham gia trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về luật sư hoặc tham gia trợ giúp pháp lý với tư cách cộng tác viên của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.
4. Tư vấn viên pháp luật tham gia trợ giúp pháp lý
Tư vấn viên pháp luật tham gia trợ giúp pháp lý theo sự phân công của tổ chức tư vấn pháp luật nơi họ làm việc hoặc tham gia trợ giúp pháp lý với tư cách cộng tác viên của Trung tâm trợ giúp pháp lý.
Sau 8 năm thi hành Luật TGPL năm 2006, tổng số công chức, viên chức và người lao động khác thuộc hệ thống TGPL của Nhà nước là 1.313, trong đó có 572 Trợ giúp viên pháp lý (490 người đã qua đào tạo nghề luật sư, 63 người được miễn đào tạo nghề luật sư). Các Trợ giúp viên pháp lý đều có trình độ cử nhân luật trở lên, trong đó có 31 người có trình độ thạc sĩ luật, trung bình 09 Trợ giúp viên pháp lý/Trung tâm. Trong đó, 26 tỉnh, thành phố có từ 10 Trợ giúp viên pháp lý trở lên (chiếm 41,27%); 29 tỉnh, thành phố có từ 05 - 09 Trợ giúp viên pháp lý (chiếm 46,03%) và 08 tỉnh, thành phố có dưới 05 Trợ giúp viên pháp lý (chiếm 12,7%). Các địa phương trên toàn quốc đã chú trọng xây dựng và phát triển mạng lưới cộng tác viên TGPL từ cấp tỉnh đến cấp huyện. Toàn quốc có trên 10.700 cộng tác viên TGPL, trong đó có 1.136 cộng tác viên TGPL là luật sư và 174 tư vấn viên pháp luật đăng ký tham gia TGPL.
Đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý đã từng bước đáp ứng yêu cầu công việc, tham gia ngày càng nhiều các vụ việc tranh tụng để đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL. Theo báo cáo của các địa phương, năm 2014, 572 Trợ giúp viên pháp lý đã thực hiện trên 74.258 vụ việc/124.171 vụ việc trong toàn quốc, trong đó có 3.690 vụ việc tham gia tố tụng (trung bình mỗi Trợ giúp viên pháp lý thực hiện 06 vụ tham gia tố tụng/năm).
III. Giai đoạn từ khi Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 có hiệu lực (01/01/2018 - nay)
Theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 người thực hiện TGPL bao gồm: (1) Trợ giúp viên pháp lý (2) luật sư (3) tư vấn viên pháp luật (4) cộng tác viên TGPL. Như vậy, so với Luật TGPL năm 2006, chức danh người thực hiện trợ giúp pháp lý vẫn gồm 4 nhóm người. Tuy nhiên, điều kiện, tiêu chuẩn có nhiều thay đổi để nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL, đồng thời, khắc phục những hạn chế trong quy định và thực hiện Luật TGPL năm 2006.
1. Trợ giúp viên pháp lý
Đây là chức danh được kế thừa từ Luật TGPL năm 2006 và đã được quy định đồng bộ, thống nhất trong các bộ luật, luật về tố tụng. Triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, các bộ luật, luật tố tụng đều đã ghi nhận vai trò của Trợ giúp viên pháp lý và có một số cơ chế bảo đảm quyền được TGPL, đặc biệt là Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Tại khoản 2 Điều 72, khoản 2 Điều 83 và khoản 2 Điều 84 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đều đã ghi nhận vị trí pháp lý của trợ giúp viên pháp lý là người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị buộc tội, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị hại, đương sự thuộc diện được TGPL. Điều 71 quy định cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trách nhiệm giải thích cho người bị buộc tội, bị hại thuộc diện được TGPL quyền được TGPL, nếu họ đề nghị được TGPL thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thông báo cho Trung tâm TGPL nhà nước. Bên cạnh đó, Bộ luật đã bổ sung cơ chế bảo đảm quyền được TGPL trong trường hợp chỉ định người bào chữa cho các trường hợp quy định tại Điều 76, cụ thể Trung tâm TGPL nhà nước cử Trợ giúp viên pháp lý, luật sư bào chữa cho người thuộc diện được TGPL mà lực lượng nòng cốt thực hiện TGPL của Trung tâm chính là các Trợ giúp viên pháp lý.
Điều 19 Luật quy định về tiêu chuẩn trợ giúp viên pháp lý, theo đó, công dân Việt Nam là viên chức của Trung tâm TGPL nhà nước có đủ tiêu chuẩn sau đây có thể trở thành trợ giúp viên pháp lý: (1) Có phẩm chất đạo đức tốt; (2) Có trình độ cử nhân luật trở lên; (3) Đã được đào tạo nghề luật sư hoặc được miễn đào tạo nghề luật sư; đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư hoặc tập sự TGPL; (4) Có sức khỏe bảo đảm thực hiện TGPL và (5) Không đang trong thời gian bị xử lý kỷ luật.
Quy định về các tiêu chuẩn để có thể trở thành trợ giúp viên pháp lý trên cơ sở kế thừa Điều 21 Luật TGPL 2006 và có sửa đổi, bổ sung nâng cao điều kiện, tiêu chuẩn của đội ngũ này. Cụ thể, Luật đã sửa đổi tiêu chuẩn “có bằng cử nhân luật” thành “có bằng cử nhân luật trở lên” nhằm tạo điều kiện cho những người là thạc sỹ, tiến sĩ luật nhưng không có bằng cử nhân luật làm trợ giúp viên pháp lý, thu hút được những người có kiến thức pháp luật vào công tác này. Ngoài ra còn bổ sung 01 điểm mới về điều kiện, tiêu chuẩn để trở thành trợ giúp viên pháp lý, đó là “đã được đào tạo nghề luật sư hoặc được miễn đào tạo nghề luật sư; đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư hoặc tập sự TGPL”. Điều kiện này nhằm yêu cầu trợ giúp viên pháp lý phải có thời gian để thực hành, vận dụng kiến thức đã học, tránh bỡ ngỡ khi hành nghề, vận dụng thành thạo kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp.
Số liệu thống kê qua 05 năm thực hiện Luật TGPL năm 2017 cho thấy trợ giúp viên pháp lý ngày càng phát huy vai trò là đội ngũ nòng cốt trong cung cấp dịch vụ TGPL cho người thuộc diện TGPL, cụ thể: Các trợ giúp viên pháp lý thực hiện được 116.614 vụ việc (chiếm 80% tổng số vụ việc TGPL), trong đó, 59.766 vụ việc tư vấn pháp luật (chiếm 77% tổng số vụ việc tư vấn pháp luật), 55.719 vụ việc tham gia tố tụng (chiếm 83% tổng số vụ việc tham gia tố tụng) và 1.129 vụ việc đại diện ngoài tố tụng (chiếm 85% tổng số vụ việc đại diện ngoài tố tụng. Tỷ lệ % số lượng trợ giúp viên pháp lý hoàn thành chỉ tiêu thực hiện vụ việc tham gia tố tụng theo yêu cầu của Bộ Tư pháp tăng qua các năm, đặc biệt là số lượng trợ giúp viên pháp lý hoàn thành chỉ tiêu tốt ngày càng tăng, năm 2021, tăng 152% so với năm 2017 (năm 2021 có 299 trợ giúp viên pháp lý đạt chỉ tiêu tốt, tăng 103 người so với năm 2017) . Theo nhận định từ các cơ quan tiến hành tố tụng thì đội ngũ trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng với tinh thần trách nhiệm cao, kỹ năng tham gia tố tụng và trình độ chuyên môn ngày càng được nâng cao.
2. Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý
Điểm b khoản 1 Điều 17 quy định luật sư thực hiện TGPLtheo hai phương thức: (1) theo hợp đồng với Trung tâm TGPL nhà nước và (2) theo phân công của tổ chức tham gia TGPL.
Về luật sư ký hợp đồng với Trung tâm TGPL: Luật TGPL năm 2017 tiếp tục thu hút luật sư tham gia TGPL với tư cách luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL với Trung tâm TGPL nhà nước. Với mục tiêu xuyên suốt toàn bộ các quy định của Luật là nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL hướng đến bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL, dịch vụ TGPL phải được thực hiện bởi những chủ thể có đủ năng lực, trình độ và kỹ năng hành nghề. Do đó, ngoài việc căn cứ vào “nhu cầu TGPL”, “nguồn lực thực hiện TGPL” tại địa phương, Luật TGPL 2017 còn quy định các điều kiện của luật sư để Trung tâm TGPL nhà nước lựa chọn, ký hợp đồng như: (1) không đang trong thời gian thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động hành nghề luật sư; (2) không bị cấm hành nghề hoặc bị hạn chế hoạt động nghề nghiệp theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; (3) không đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự và (4) được sự đồng ý bằng văn bản của tổ chức hành nghề luật sư nơi luật sư đang làm việc hoặc cơ quan, tổ chức mà luật sư ký kết hợp đồng lao động.
Về luật sư làm việc tại các tổ chức đăng ký tham gia TGPL: những luật sư này thực hiện TGPL tự nguyện, miễn phí cho người được TGPL và không được Nhà nước hỗ trợ kinh phí để thực hiện vụ việc TGPL. Bên cạnh đó, luật sư làm việc tại tổ chức ký hợp đồng thực hiện TGPL thì được tổ chức đó chi trả kinh phí thực hiện vụ việc TGPL theo quy định. Đây là điểm mới so Luật TGPL 2006 nhằm khuyến khích, thu hút các tổ chức xã hội tham gia thực hiện TGPL.
3. Tư vấn viên pháp luật
Chức danh tư vấn viên pháp luật được kế thừa từ Luật TGPL năm 2006 nhưng có yêu cầu bổ sung về điều kiện tham gia TGPL. Luật quy định tư vấn viên pháp luật phải có 02 năm kinh nghiệm tư vấn pháp luật trở lên và phải làm việc tại tổ chức tham gia TGPL (bao gồm tổ chức ký hợp đồng thực hiện TGPL và tổ chức đăng ký tham gia TGPL).
4. Cộng tác viên trợ giúp pháp lý
Chế định cộng tác viên trợ giúp pháp lý theo Luật TGPL năm 2017 có thay đổi nhiều so với Luật TGPL năm 2006.
- Đối tượng có thể trở thành cộng tác viên trợ giúp pháp lý bao gồm: Trợ giúp viên pháp lý; thẩm phán, thẩm tra viên ngành Tòa án; kiểm sát viên, kiểm tra viên ngành kiểm sát; điều tra viên; chấp hành viên, thẩm tra viên thi hành án dân sự; chuyên viên làm công tác pháp luật tại các cơ quan nhà nước đã nghỉ hưu, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có phẩm chất đạo đức tốt, có sức khỏe, có nguyện vọng thực hiện TGPL. Đây là những người có kiến thức pháp luật, có kinh nghiệm thực tiễn, không còn làm việc tại các cơ quan, đơn vị nên chủ động về thời gian trong việc thực hiện TGPL.
- Về địa bàn phát triển đội ngũ cộng tác viên: vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Việc xây dựng và phát triển đội ngũ cộng tác viên cần căn cứ nhu cầu TGPL của người dân và điều kiện thực tế tại địa phương.
Luật TGPL năm 2017 cũng có quy định mới đối với chức danh này đó là: cộng tác viên không thực hiện TGPL trong thời gian 02 năm liên tục, trừ trường hợp do nguyên nhân khách quan, Giám đốc Trung tâm đề nghị Giám đốc Sở Tư pháp thu hồi thẻ cộng tác viên TGPL. Với những quy định chặt chẽ hơn như trên, đội ngũ cộng tác viên đã có thu hẹp hơn so với trước. Tính đến 31/12/2023, toàn quốc có 38 cộng tác viên trợ giúp pháp lý.
Điểm qua về chức danh người thực hiện TGPL qua các thời kỳ, chúng ta có thể thấy chế định người thực hiện TGPL ngày càng được hoàn thiện phù hợp với điều kiện phát triển của hoạt động TGPL trong những giai đoạn nhất định. Thời kỳ đầu thành lập, hoạt động TGPL còn mới mẻ, các chủ thể thực hiện TGPL và tiêu chuẩn người thực hiện TGPL được quy định phù hợp với bối cảnh. Qua mỗi giai đoạn phát triển, chức danh người thực hiện ngày càng được hoàn thiện, điểm nổi bật là yêu cầu về trình độ đào tạo, bồi dưỡng, thực hành nghề nghề nghiệp ngày càng cao hơn đối với chức danh trợ giúp viên pháp lý là người chuyên trách thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý. Đối với những người tham gia trợ giúp pháp lý (luật sư, tư vấn viên pháp luật, cộng tác viên trợ giúp pháp lý) Luật yêu cầu cao hơn về trình độ, kinh nghiệm cũng như bảo đảm sự tham gia thực chất.
Cùng với việc hoàn thiện thể chế về tiêu chuẩn, trình độ của người thực hiện trợ giúp pháp lý và chú trọng nhiệm vụ trọng tâm của công tác TGPL là thực hiện vụ việc nên những năm qua số lượng và chất lượng vụ việc TGPL ngày càng tăng. Qua đó, vị trí, vai trò của công tác này ngày càng được ghi nhận, đánh giá cao trong việc góp phần giúp người nghèo, người yếu thế được công bằng trong tiếp cận pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ, qua đó góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội nói chung.
Phan Thị Thu Hà, Trưởng phòng chính sách và quản lý nghiệp vụ trợ giúp pháp lý