Xem cỡ chữ
Đọc bài viết
In trang
Trợ giúp pháp lý cho trẻ em và thanh thiếu niên ở ÚcTrợ giúp pháp lý cho trẻ em và thanh thiếu niên ở Úc1. Các vấn đề pháp luật ảnh hưởng đến trẻ em và thanh thiếu niên
Trẻ em và thanh thiếu niên ở Úc gặp nhiều vấn đề pháp lý, trong đó có:
Luật hình sự: ở hầu hết các tiểu bang tại Australia, trẻ em từ 10 tuổi trở lên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoại trừ những tội nghiêm trọng nhất thì hầu hết tất cả các tội khác đều được đưa ra xét xử tại Tòa án Trẻ em. Tuy Tòa án Trẻ em có một số cơ chế bảo vệ nhưng đương sự là trẻ em vẫn có nhu cầu được tư vấn pháp lý và cần có người đại diện trong tất cả các giai đoạn tố tụng. Trẻ em là đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương khi phải làm việc với cảnh sát, thậm chí ngay cả khi trẻ được bố mẹ hoặc người lớn hỗ trợ thì điều đó vẫn có thể xảy ra.
Người bị hại: Thông thường trẻ là nạn nhân của tội phạm (đặc biệt là trường hợp xâm hại và bóc lột tình dục trẻ em) sẽ có nhu cầu được trợ giúp pháp lý vì các em cảm thấy sợ nói chuyện với cảnh sát, sợ sẽ không có ai tin tưởng các em, đồng thời không phải lúc nào các em cũng có thể dựa vào sự giúp đỡ của bố mẹ.
Các vấn đề về luật bảo vệ trẻ em và luật gia đình: việc có người đại diện trước pháp luật có vai trò rất quan trọng nhằm đảm bảo cho tiếng nói và lợi ích tốt nhất của các em, trong quá trình xét xử tại tòa án liên quan đến quyền giám hộ, chăm sóc trẻ và trách nhiệm của cha mẹ.
Tiếp cận giáo dục: việc này đặc biệt quan trọng đối với trẻ khuyết tật hoặc thanh thiếu niên là người vô gia cư.
Việc làm: trẻ em và thanh thiếu niên là đối tượng nguy cơ bị bóc lột và bắt nạt tại nơi làm việc
Các vấn đề về hợp đồng và người tiêu dùng: trẻ em rất dễ bị lợi dụng khi các doanh nghiệp dụ dỗ các em kí kết các hợp đồng không công bằng hoặc phải gánh những khoản nợ lớn (ví dụ như hợp đồng điện thoại di động).
2. Đặc điểm của thanh thiếu niên cần được trợ giúp pháp lý
Nhiều trẻ em và thanh thiếu niên gặp rắc rối về pháp luật là người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Các em có thể gặp một hoặc nhiều vấn đề rắc rối về pháp luật hoặc gặp các vấn đề khác như gia đình tan vỡ, lang thang không nơi nương tựa hoặc bị khuyết tật.
Một nghiên cứu thực hiện vào năm 2009[1] đưa ra các thông tin sau đây về thanh thiếu niên đang bị giam giữ tại các trại giam dành cho thanh thiếu niên tại tiểu bang New South Wales (tiểu bang đông dân nhất Australia):
60% có tiền sử bị xâm hại hoặc bị sang chấn tâm lý khi còn nhỏ.
27% bị tách khỏi gia đình và đưa đến các cơ sở nuôi dưỡng.
10% có bố hoặc mẹ đang chịu án phạt tù; 45% có bố hoặc mẹ từng chịu án phạt tù.
Rất nhiều thanh thiếu niên là người vô gia cư hoặc có nơi ở không ổn định. Khoảng 23% nữ thanh thiếu niên và 8% nam thanh thiếu niên chuyển nhà từ 4 lần trở lên trong 6 tháng trước đó.
Chỉ có 38% thanh thiếu niên đi học trước khi vào trại giam.
26% phải lao động trong thời gian 6 tháng trước khi vào trại giam.
87% bị ít nhất một chứng rối loạn tâm lý.
20% thanh thiếu niên thổ dân và 7% thanh thiếu niên không phải là thổ dân được đánh giá là có thể bị khiếm khuyết về trí tuệ (chỉ số IQ dưới 70). Ngoài ra 32% thanh thiếu niên có chỉ số IQ xấp xỉ mức này (70-79).
78% uống rượu ở mức nguy hiểm.
89% cho biết đã từng sử dụng ma túy bất hợp pháp. 65% đã từng sử dụng ma túy hàng tuần hoặc thường xuyên hơn trong thời gian một năm trước khi vào trại giam.
Một nghiên cứu do Ủy ban Trợ giúp pháp lý tiểu bang New South Wales thực hiện phân tích 50 khách hàng thường xuyên nhất của Ủy ban này trong thời gian từ tháng 07/2015 đến tháng 06/2010. Nghiên cứu cho thấy 80% trong số này là trẻ em và thanh thiếu niên từ 19 tuổi trở xuống, đồng thời 82% trong số này phải yêu cầu trợ giúp pháp lý lần đầu tiên khi chưa tới 14 tuổi[2]. Điều này cho thấy sự cần thiết phải có các dịch vụ trợ giúp pháp lý chuyên sâu dành cho thanh thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
3. Khó khăn thanh thiếu niên gặp phải khi tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý
Một điều phổ biến, ít nhất là ở Australia, là trẻ em và thanh thiếu niên không yêu cầu tư vấn và trợ giúp pháp lý thường xuyên như người lớn, thậm chí cả trong trường hợp các em gặp rắc rối về pháp luật[3]. Có rất nhiều lý do giải thích vì sao trẻ em và thanh thiếu niên lại không yêu cầu trợ giúp pháp lý. Các rào cản này đã được rất nhiều báo cáo nêu rõ trong 20 năm[4] trở lại đây, trong đó có:
- Nhiều thanh thiếu niên thường không nhận thức được các vấn đề rắc rối hay vấn đề khủng hoảng mình gây ra có thể sẽ liên quan đến pháp luật (ví dụ: hành vi bắt nạt và phân biệt đối xử trong trường học).
- Đơn giản là thanh thiếu niên không biết tìm kiếm sự giúp đỡ ở đâu.
- Thanh thiếu niên thường cảm thấy sợ luật sư sẽ không tin mình hoặc không coi lời mình nói là nghiêm túc. Các em khó tin tưởng người lớn.
- Trẻ em và thanh thiếu niên vẫn phụ thuộc vào cha mẹ và các em lo ngại việc nhờ tư vấn pháp lý có thể sẽ bị cha mẹ các em biết được.
- Nhiều luật sư không nhận thức được ảnh hưởng của pháp luật đối với thanh thiếu niên và các dịch vụ trợ giúp pháp lý nói chung không phải lúc nào cũng đáp ứng các xu hướng đặc thù về nhu cầu trợ giúp pháp lý của thanh thiếu niên.
- Hầu hết các quy trình tố tụng tập trung vào các đối tượng người trưởng thành và khiến trẻ e sợ. Trong các vụ việc/án dân sự, nếu không có sự hỗ trợ của cha mẹ hoặc người lớn thì trẻ không thể tự mình tiến hành khiếu kiện được.
- Sự chậm trễ trong hệ thống pháp luật
4.Dịch vụ trợ giúp pháp lý cho trẻ em hiệu quả
Những yếu tố sau đây đã được xác định là các yếu tố nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý đối với người vô gia cư. Trong đó có nhiều yếu tố có thể áp dụng đối với trẻ em và thanh thiếu niên.
- Địa điểm dễ tiếp cận
- Môi trường ít trang trọng hơn
- Thời gian hẹn gặp dài hơn
- Luật sư có kĩ năng giao tiếp với người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn
- Cung cấp dịch vụ xuyên suốt
- Trợ giúp pháp lý kịp thời
- Có năng lực xây dựng và quản lý nhiều loại hình vụ việc trợ giúp pháp lý đa dạng (quản lý vụ việc)
- Kết nối với các dịch vụ khác ngoài trợ giúp pháp lý (ví dụ: hỗ trợ cán bộ công tác xã hội, trị liệu cho người nghiện rượu và ma túy, dịch vụ nhà ở và lưu trú)
- Tập trung hỗ trợ và tạo điều kiện để thanh thiếu niên thực hiện các quyền hợp pháp của mình[5].
5. Hỗ trợ pháp lý cho trẻ em và thanh thiếu niên tại Australia
Hầu hết các tiểu bang tại Australia có tối thiểu một tổ chức trợ giúp pháp lý chuyên sâu về các vấn đề của trẻ em và thanh thiếu niên. Một số tổ chức này trực thuộc các Ủy ban Trợ giúp pháp lý; một số khác là các trung tâm trợ giúp pháp lý cộng đồng hoạt động độc lập[6]. Một số trung tâm tập trung vào luật hình sự và cũng có các trung tâm chuyên về luật dân sự.
Việc tiếp cận các dịch vụ trợ giúp pháp lý cho trẻ em và thanh thiếu niên đã tăng mạnh trong 20 năm qua, nhưng hiện nay vẫn các dịch dụ trợ giúp pháp lý vẫn chưa đủ để đáp ứng yêu cầu của các em.
Tại tiểu bang New South Wales, tiểu bang đông dân nhất của Australia, có các dịch vụ trợ giúp pháp lý chuyên sâu dành cho thanh thiến niên sau đây:
- Dịch vụ trợ giúp trẻ em, Ủy ban Trợ giúp pháp lý[7]: cung cấp luật sư đại diện cho trẻ tham gia tố tụng trong các vụ án hình sự tại Tòa án trẻ em. Trẻ em nghiễm nhiên được Ủy ban thực hiện trợ giúp pháp lý bất kể mức thu nhập của chính các em hay của cha mẹ các em. Dịch vụ Trợ giúp Trẻ em cũng thực hiện tư vấn cho thanh thiếu niên qua điện thoại trong thời gian các em bị bắt giữ tại đồn cảnh sát.
- Dịch vụ luật dân sự cho trẻ em, Ủy ban trợ giúp pháp lý: Ủy ban cung cấp dịch vụ này để hỗ trợ trẻ dễ bị tổn thương xử lý các vụ việc/án dân sự như nhà ở, giáo dục, việc làm và nợ. Dịch vụ này được thực hiện với sự phối hợp của các luật sư về luật hình và các tổ chức trợ giúp pháp lý cho trẻ em khác (ví dụ Tổ chức trợ giúp pháp lý cho thổ dân và Trung tâm Trợ giúp pháp lý cho Thanh thiếu niên Shopfront) nhằm đảm bảo những trẻ thực sự cần trợ giúp pháp lý có thể tiếp cận các dịch vụ này.
- Dịch vụ Trợ giúp pháp lý cho thổ dân[8]: Mặc dù dịch vụ trợ giúp pháp lý cho thổ dân không có một ban chuyên về cho trẻ em nhưng nhiều luật sư của tổ chức này đã có kinh nghiệm làm việc với trẻ em. Các luật sư này đại diện cho trẻ em người bản địa trong các vụ án hình xự xét xử tại Tòa án Trẻ em.
- Trung tâm trợ giúp pháp lý cộng đồng: một số Trung tâm trợ giúp pháp lý Cộng đồng (ví dụ Trung tâm trợ giúp pháp lý Marrickville[9]) có luật sư chuyên về thanh thiếu niên phụ trách đồng thời các vụ việc/án dân sự và vụ việc/án hình sự.
- Trung tâm trợ giúp pháp lý thanh thiếu niên Shopfront[10]: cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý đặc biệt cho trẻ em và thanh thiếu niên vô gia cư và có hoàn cảnh khó khăn. Hầu hết các vụ việc/án Trung tâm Shopfront trợ giúp pháp lý là các vụ việc/án hình sự, nhưng trung tâm cũng trợ giúp pháp lý về các vấn đề khác.
6. Trung tâm trợ giúp pháp lý thanh thiếu niên Shopfront
Trung tâm trợ giúp pháp lý thanh thiếu niên Shopfront cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí cho thanh thiếu niên vô gia cư và có hoàn cảnh khó khăn trong độ tuổi từ 25 trở xuống. Mục tiêu của Trung tâm là nâng cao chất lượng cuộc sống của trẻ em và thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn thông qua việc làm đại diện cho các em trước pháp luật, hỗ trợ xã hội, giáo dục và vận động chính sách. Trung tâm Shopfront có trụ sở tại Sydney, thành phố lớn nhất của Australia. Trung tâm Shopfront được tài trợ bởi một hãng luật tư nhân lớn (Herbert Smith Freehills) và hai tổ chức phi chính phủ (Mission Australia và The Salvation Army).
Trong 21 năm hoạt động Trung tâm đã hỗ trợ trên 5.000 thanh thiếu niên giải quyết trên 10.000 vấn đề pháp lý. Trung tâm cũng đã cung cấp dịch vụ hỗ trợ xã hội, giới thiệu kết nối, cung cấp thông tin pháp luật và giáo dục kiến thức pháp luật, đồng thời đóng góp ý kiến cải cách luật pháp về các vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến đối tượng thanh thiếu niên dễ bị tổn thương[11].
- Đại diện hợp pháp cho thanh thiếu niên trong phiên tòa xét xử: hoạt động của Trung tâm chủ yếu là về bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên tránh trường hợp các em bị truy cứu trách nhiệm hình sự (vì thanh thiếu niên vô gia cư là đối tượng có nhiều khả năng va chạm với cảnh sát và bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhất; đồng thời có thể các em cũng cảm thấy khó tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý).
- Tư vấn pháp lý và hỗ trợ giải quyết các vấn đề pháp lý khác: ví dụ, thanh thiếu niên là nạn nhân của tội phạm, luật gia đình, chăm sóc và bảo vệ trẻ em, tiền phạt chưa thanh toán, luật dân sự.
- Giới thiệu và kết nối thanh thiếu niên đến các dịch vụ trợ giúp pháp lý khác: nếu Trung tâm không thể hỗ trợ các em thì sẽ tìm một tổ chức khác cho các em. Trung tâm có một mạng lưới giới thiệu và kết nối hiệu quả, đồng thời cũng phối hợp với Dịch vụ Luật Dân sự cho trẻ em của Ủy ban trợ giúp pháp lý.
- Dịch vụ hỗ trợ xã hội: các cán bộ làm công tác hỗ trợ xã hội của Trung tâm hỗ trợ thanh thiếu niên giải quyết các vấn đề khác không phải là vụ việc/án pháp lý nhưng có liên quan đến vụ việc/án pháp lý của các em. Nhờ đó các em được hỗ trợ, được giới thiệu kết nối tìm nhà ở, chăm sóc sức khỏe, tư vấn, hỗ trợ thu nhập, cơ hội giáo dục và việc làm.
- Giáo dục kiến thức pháp luật: Trung tâm tổ chức các hội thảo tập huấn và phát hành các tài liệu về giáo dục kiến thức pháp luật cho trẻ em và thanh thiếu niên, luật sư và những ngành nghề khách làm việc với thanh thiếu niên (ví dụ: giáo viên, lao động thanh thiếu niên)
- Vận động chính sách: Trung tâm làm việc với các cấp chính quyền và các tổ chức phi chính phủ nhằm hoàn thiện các văn bản pháp luật và chính sách về trẻ em và thanh thiếu niên, đặc biệt là trẻ em và thanh thiếu niên vô gia cư và có hoàn cảnh khó khăn.
- Khách hàng của Trung tâm
Khách hàng của Trung tâm Shopfront thường ở vào độ tuổi từ 12 đến 25. Hầu hết là người vô gia cư và có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Các em thường khó tiếp cận các dịch vụ pháp lý và cần được hỗ trợ chuyên sâu và triệt để. Tình trạng vô gia cư ở đây được hiểu là không có nơi cư trú an toàn và ổn định với chi phí hợp lý. Hầu hết các em rơi vào tình trạng vô gia cư do các nguyên nhân như bị xâm hại hay bị bỏ bê, xung đột trong gia đinh và nghèo đói. Phần lớn các em đã từng bị sang chấn tâm lý nghiêm trọng, do đó, đã để lại hậu quả lâu dài trong cuộc sống của các em. Rất nhiều em bị bệnh về thần kinh, ảnh hưởng đến khả năng nhận thức hoặc các vấn đề về lạm dụng chất gây nghiện. Đại đa số các em không biết đọc, viết và làm tính thành thạo do thời gian đi học bị gián đoạn.
Khách hàng của Trung tâm đến từ nhiều nền văn hóa đa dạng. Khoảng 15% các vụ việc/án pháp lý có liên quan đến thổ dân hoặc người dân quần đảo Eo biển Torres. Khách hàng được giới thiệu đến Trung tâm Shopfront thông qua nhiều dịch vụ hỗ trợ thanh thiếu niên. Trong đó có các tổ chức hỗ trợ thanh thiếu niên tị nạn, trung tâm ý tế, chuyên gia tư vấn, trường học, tổ chức chăm sóc và bảo vệ trẻ em, cán bộ quản chế và cán bộ tư pháp, và các dịch vụ trợ giúp pháp lý.
- Vụ việc trợ giúp pháp lý điển hình
Khi Emily[12]được giới thiệu đến Trung tâm Shopfront cô bé mới 15 tuổi, người nhỏ thó, vô gia cư, nghiện heroin, mãi dâm và vướng vào vòng lao lý. Nỗi lo lắng của em vào lúc đó là các hành vi phạm tội của em ngày càng nhiều hơn. Trong đó có các hành vi như hành hung người khác, thường là cảnh sát mặc đồng phục, cảnh sát giao thông hoặc nhân viên an ninh.
Emily là người vô cùng cáu bẳn và dễ bị kích động, hầu như không để tâm gì đến sự an toàn, tương lại hay thậm chí sinh mạng của bản thân, khiến Trung tâm quan ngại đến mức báo động.
Trung tâm đại diện cho Emily tham gia xét xử tại Tòa án trẻ em trong khoảng 3 năm. Emily đồng ý tiến hành kiểm tra tâm lý, tiếp đến là kiểm tra tâm thần và từ đó đã chẩn đoán được em bị rối loạn thần kinh. Ban đầu tòa án đã đồng ý khoan hồng cho em. Tuy nhiên cuối cùng em bị đưa vào trại giam dành cho trẻ vị thành niên vì vẫn tiếp tục phạm tội.
Emily có nhiều khoản tiền phạt chưa thanh toán, hầu hết là do trước kia em đi tàu không mua vé trong thời gian vô gia cư và không có thu nhập. Trung tâm Shopfront đã giúp đỡ Emily kiến nghị cơ quan chức năng xem xét lại mức phạt cho em và nhờ đó khoản nợ của em đã được giảm đáng kể.
Trong thời gian này Emily dần dần cho Trung tâm biết khi còn nhỏ có thời gian dài em đã bị nhiều kẻ xâm hại tình dục. Các hành vi phạm tội của em mà chủ yếu là tấn công nam giới làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước có liên hệ mật thiết với tiền sử bị xâm hại và sang chấn tâm lý. Trung tâm giúp em thực hiện 5 yêu cầu đòi bồi thường. Trong số thủ phạm có một linh mục đã từng xâm hại em khi em còn là trẻ mãi dâm và chưa đủ tuổi để chấp thuận quan hệ tình dục. Trung tâm tin tưởng rằng việc Hồi đồng Bồi thường Nạn nhân công nhận Emily là người bị hại và xử cho em được bồi thường có tác động mạnh mẽ đến quá trình phục hồi của em.
Trung tâm Shopfront cũng giới thiệu Emily đến với các dịch vụ hỗ trợ cai nghiện. Tâm thần em dần ổn định sau một thời dùng thuốc và tư vấn. Sau một thời gian nỗ lực, Emily đã khắc phục được tình trạng phụ thuộc vào ma túy nhờ điều trị thay thế methadone nội trú và tư vấn tâm lý. Emily tỏ ra là một cô bé vô cùng can đảm và quay trở lại trường học. Em nhận được phần thưởng và về sau còn nhận được học bổng. Nhờ đó em có đủ tiền để mua máy tính, trang trải học phí và đi làm việc trong 7 tuần tại Nam Phi. Sau đó Emily tiếp tục gặt hái một số bằng cấp khác, cao nhất là Bằng Thạc sĩ về công tác xã hội. Emily có niềm đam mê làm việc với trẻ em và thanh thiếu niên, em đã tìm được công việc yêu thích và hoàn thành ước nguyện của mình.
Bình An, Cục Trợ giúp pháp lý
[1]Điều tra sức khỏe đối với thanh thiếu niên bị giam giữ năm 2009,www.djj.nsw.gov.au/pdf_htm/publications/research/JH_YPICHSRep2009_D10b_full.pdf
[2] Khách hàng thường xuyên tại Ủy ban Trợ giúp Pháp lý tiểu bang New South Wales, Pia Van De Zandt and Tristan Webb, Ủy ban Trợ giúp Pháp lý tiểu bang New South Wales (June 2013), http://www.legalaid.nsw.gov.au/__data/assets/pdf_file/0004/16537/Legal-Aid-NSW-Study-on-high-service-users-June-2013.pdf
[3] Ví dụ, xem Khảo sát pháp luật toàn quốc: Điều tra Pháp luật Toàn quốc: Hiệp hội Pháp luật và Tư pháp tiếu bang New South Wales (2012), Chương 10, “Tiếp cận tư pháp một cách toàn diện”, trang 224, http://www.lawfoundation.net.au/ljf/site/templates/LAW_NSW/$file/Chapter10.pdf
[4]Nghe và thấy: Ưu tiên trẻ em trong quy trình tố tụng, Ủy ban Cải cách Pháp luật Australia/ Ủy ban Nhân quyền và Cơ hội Bình đẳng (1997), http://www.alrc.gov.au/publications/report-84; Hiệp hội Pháp luật và Tư pháp tiểu bang New South Wales, Nghiên cứu tiền đề về tiếp cận tư pháp (2003), mục “Khó khăn về kinh tế và xã hội”, http://www.lawfoundation.net.au/report/background/E5D69956E04B8F2ECA257060007D13C7.html; Hiệp hội Pháp luật và Tư pháp tiểu bang New South Wales, Tiếp cận tư pháp và nhu cầu trợ giúp Pháp lý – giai đoạn 1: Tham vấn quần chúng, Louis Schetzer vàJudith Henderson (2003), http://www.lawfoundation.net.au/report/consultations; Nhu cầu trợ giúp pháp lý của trẻ em và thanh thiếu niên ở Bắc Ai-len, Lesley Emerson, Katrina Lloyd, Laura Lundy, Karen Orr, và Ellen Weaver, Trung tâm Quyền trẻ em, Khoa Giáo dục, Queen’s University Belfast (Tháng 07/2015),https://www.dojni.gov.uk/publications/legal-needs-children-and-young-people-northern-ireland; Nhu cầu trợ giúp pháp lý của trẻ em và thanh thiếu niên tại tiểu bang Tây Úc, Tiến sĩ Dot Goulding, Đại học Curtin, (STháng 09/2015), http://youthlegalserviceinc.com.au/wpress/pdf/legal-needs-analysis-web.pdf.
[5] Từ Không nhà, không công lý?Nhu cầu trợ giúp pháp lý của người vô gia cư, Hiệp hội Pháp luật và Tư pháp tiểu bang New South Wales(2005), http://www.lawfoundation.net.au/report/homeless/09D3CDF52ABF4ADDCA2570760023A472.html
[6] Ví dụ, Luật Thanh Thiếu niên tại tiểu bang Victoria http://youthlaw.asn.au/, Dịch vụ trợ giúp pháp lý cho thanh thiếu niên tại tiểu bang Tây Úc http://youthlegalserviceinc.com.au/, Dịch vụ trợ giúp pháp lý cho trẻ em và thanh thiếu niên tiểu bang Nam Úc http://www.saccls.org.au/centre_details.php?centre_id=23, Trung tâm vận động vì thanh thiếu niên tiểu bang Queensland http://www.yac.net.au/
[7]http://www.legalaid.nsw.gov.au/what-we-do/criminal-law/children-and-young-people
[8]http://www.alsnswact.org.au/
[9]http://mlc.org.au/services/youth/
[10]www.theshopfront.org
[11] Để biết thêm thông tin, xin hãy xem báo cáo Trung tâm Trợ giúp Pháp lý Shopfront: Nhiệt liệt chào mừng 21 năm hoạt động 1993-2014http://www.theshopfront.org/documents/NPB146174_internals_v5_combined.pdf
[12]Tên của khách hàng đã được thay đổi nhằm bảo mật danh tính.