Xem cỡ chữ
Đọc bài viết
In trang
Truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật trong vùng dân tộc thiểu số qua công tác trợ giúp pháp lý, thực trạng và giải phápNhững năm qua, cùng với việc nhất quán thực hiện bình đẳng, đại đoàn kết dân tộc, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng dân tộc Việt Nam và đặc biệt là người dân tộc thiểu số. Trong tổng thể các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, trợ giúp pháp lý (TGPL) được xác định là chính sách ưu đãi giành cho đồng bào dân tộc thiểu số cư trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Luật TGPL năm 2017. Trong phạm vi bài viết này, tác giả đề cập đến nội dung truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật trong vùng dân tộc thiểu số qua công tác trợ giúp pháp lý. I. Thực trạng việc truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật trong vùng dân tộc thiểu số qua công tác TGPL
Tại nội dung số 3, tiểu dự án 1 Dự án 10 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 quy định nội dung TGPL như sau:
“Tăng cường, nâng cao khả năng tiếp cận và thụ hưởng hoạt động TGPL chất lượng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
+ Mục tiêu: Bảo đảm công bằng trong tiếp cận công lý của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xây dựng các mô hình điểm giúp đồng bào kịp thời tiếp cận và thụ hưởng hoạt động TGPL chất lượng để được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi gặp vướng mắc, tranh chấp pháp luật.
+ Đối tượng: Già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, cán bộ cơ sở, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; người thực hiện TGPL và cán bộ các cơ quan liên quan.
+ Nội dung:
. Nâng cao nhận thức TGPL điểm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi;
. Tổ chức tập huấn điểm về kỹ năng thực hiện TGPL cho người dân tộc thiểu số, tập huấn điểm về tiếp cận TGPL đối với đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi;
. Xây dựng các chương trình về TGPL cho người dân tộc thiểu số phủ sóng các tỉnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi;
. Tổ chức chuyên đề TGPL điểm kết nối cộng đồng tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi;
. Biên soạn, cung cấp các tài liệu truyền thông về chính sách TGPL cho người dân tộc thiểu số.”
Bộ Tư pháp đã có văn bản số 1420/BTP-TGPL ngày 05/5/2022 về việc hướng dẫn thực hiện nội dung về TGPL trong Chương trình. Trên cơ sở đó, đã có 32 Sở Tư pháp ở địa phương có vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi[1].
Kết quả thực hiện việc truyền thông, phổ biến giáo dục pháp luật tại vùng dân tộc thiểu số qua công tác trợ giúp pháp lý
1.1. Ở trung ương:
- Cục TGPL đã triển khai các hoạt động truyền thông góp phần thực hiện công tác truyền thông, phổ biến giáo dục pháp luật qua công tác TGPL cụ thể như: xây dựng, phát sóng các chương trình về các vụ việc TGPL thành công cho người dân tộc thiểu số trên Đài Truyền hình Việt Nam (nhiều vụ việc giúp người bị buộc tội được chuyển khung hình phạt và được tuyên mức thấp hơn đề nghị của Viện Kiểm sát, chuyển từ hình phạt tù có thời hạn sang án treo như trong vụ án vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản, vụ án trộm cắp tài sản, vụ án vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy…); xây dựng, phát sóng các thông điệp truyền thông về TGPL, trong đó giới thiệu quyền được TGPL của người dân tộc thiểu số trên Đài tiếng nói Việt Nam; biên soạn, cung cấp tài liệu truyền thông về chính sách TGPL cho người DTTS như các tờ gấp về TGPL; tổ chức các đợt truyền thông điểm nhằm tăng cường, nâng cao khả năng tiếp cận trợ giúp pháp lý của người dân vùng đồng bào tộc thiểu số và miền núi. Việc triển khai các hoạt động đã truyền thông giúp người dân ở vùng dân tộc thiểu số biết đến TGPL, tiếp cận và thụ hưởng TGPL khi có tranh chấp, vướng mắc pháp luật, qua đó, phổ biến giáo dục pháp luật đến người dân ở vùng dân tộc thiểu số.
1.2. Ở địa phương:
- Các Trung tâm TGPL Nhà nước đã xây dựng phát sóng các phóng sự TGPL phát trên đài truyền hình địa phương; tổ chức các đợt truyền thông về TGPL ở cơ sở để trực tiếp truyền thông, hướng dẫn thông tin về TGPL cho người dân; xây dựng các tờ rơi, tờ gấp về TGPL; tổ chức các đợt TGPL cao điểm để mừng các ngày lễ, kỷ niệm hàng năm (ngày quốc tế thiếu nhi, ngày thành lập hệ thống tổ chức TGPL Việt Nam, ngày vì người nghèo, ngày pháp luật nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam); cập nhật danh sách người thực hiện TGPL, tổ chức thực hiện TGPL trên Trang thông tin điện tử Sở Tư pháp.
- Theo báo cáo chưa đầy đủ, đến nay, có 26 địa phương đã được cấp kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025[2]. Tuy nhiên, một số địa phương chưa được cấp kinh phí triển khai riêng đối với các hoạt động TGPL trong Chương trình[3], một số địa phương đã sử dụng kinh phí chung được phân bổ cho hoạt động TGPL của Trung tâm nên các hoạt động trong Chương trình không được triển khai đồng bộ.
Năm 2022 và năm 2023, mặc dù chưa có kinh phí để thực hiện các nội dung tại Chương trình liên quan đến công tác TGPL[4] nhưng một số Trung tâm đã vận dụng, lồng ghép vào việc triển khai các hoạt động TGPL của Trung tâm như: lắp đặt Bảng thông tin về TGPL, Hộp tin, mẫu đơn yêu cầu TGPL đặt tại các cơ quan tiến hành tố tụng, Trại tạm giam, UBND cấp xã; phối hợp với Đài phát thanh truyền hình tỉnh thực hiện tư vấn pháp luật có liên quan đến chế độ chính sách đối với người nghèo, người yếu thế, người sống ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi; phối hợp với Đài phát thanh truyền hình tỉnh, đưa tin, bài về hoạt động TGPL góp phần truyền thông, phổ biến giáo dục pháp luật đến người dân sinh sống ở vùng dân tộc thiểu số. Ngoài ra, Trung tâm thực hiện thông tin và giải đáp các quy định về pháp luật cho các trường hợp là người dân tộc thiểu số được tìm hiểu về pháp luật tại các buổi truyền thông về TGPL[5].
Một số Sở Tư pháp, Trung tâm TGPL nhà nước chủ động phối hợp với Phòng Tư pháp các huyện, thị xã tổ chức các cuộc truyền thông TGPL kết nối cộng đồng tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên toàn tỉnh[6]. Qua đó, giới thiệu về chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm TGPL, quyền và nghĩa vụ của người được TGPL, người thực hiện TGPL, một số nội dung pháp luật thiết yếu đến người dân, số điện thoại, địa chỉ liên hệ cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xây dựng Chương trình phát thanh “TGPL với người dân” trong đó có nội dung TGPL cho người dân tộc thiểu số và miền núi để phát đến tận thôn, xóm, phát phóng sự, tin bài về hoạt động TGPL trên Đài phát thanh & truyền hình tỉnh.
Qua theo dõi, một số địa phương đã lắp đặt mới, thay thế các Bảng thông tin, hộp tin TGPL tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn; Biên soạn, in ấn cấp phát tờ rơi, tờ gấp về TGPL, tài liệu pháp luật phát miễn phí cho người dân nhằm giúp cho người dân, đặc biệt là những đối tượng đặc thù tại các vùng dân tộc thiểu số và miền núi thực hiện quyền được thụ hưởng chính sách TGPL miễn phí.[7]
Bên cạnh đó, một số địa phương còn xây dựng tài liệu, tổ chức các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, tập huấn về kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác TGPL, tổ chức chuyên đề TGPL kết nối cộng đồng. Từ đó, nâng cao năng lực, kiến thức, hiểu biết về TGPL cho những người có uy tín trong cộng đồng và đội ngũ cán bộ ở cơ sở (công an xã, công chức tư pháp hộ tịch,.....), tổ chức, đoàn thể của cấp xã để kịp thời giải thích cho người dân về quyền được TGPL, hướng dẫn người thuộc diện TGPL liên hệ với tổ chức thực hiện TGPL/người thực hiện TGPL tại địa phương[8].
Kết quả thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý
Với mục tiêu lấy người được TGPL làm trung tâm nên các Trung tâm TGPL nhà nước luôn xác định việc thực hiện vụ việc TGPL nhất là các vụ việc tham gia tố tụng cho người được TGPL là nhiệm vụ quan trọng, then chốt của công tác TGPL ở địa phương góp phần phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Công tác truyền thông, phổ biến giáo dục pháp luật về TGPL trong thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần tăng số lượng người dân biết và tìm đến TGPL. Theo kết quả tổng hợp báo cáo công tác TGPL trong toàn quốc, từ năm 2017 đến hết tháng 12/2022, đã có 259.361 lượt người được TGPL trong 241.823 vụ việc TGPL, trong đó 71.314 người dân tộc thiểu số, số lượng vụ việc tham gia tố tụng năm sau cao hơn năm trước, năm 2021: 31.349 vụ việc, năm 2022: 37.419 vụ việc, tăng thêm 19,36%. Các vụ việc TGPL đều được thẩm định chất lượng, các vụ việc tham gia tố tụng đều được đánh giá hiệu quả, từ năm 2018 đến hết tháng 12/2022, có 23.858 vụ việc thành công hiệu quả.
Kết quả thực hiện vụ việc TGPL thời gian qua đã góp phần bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền công bằng trong tiếp cận công lý và công bằng trong xét xử, đặc biệt là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân tộc thiểu số giúp họ hiểu biết về quyền lợi ích hợp pháp của mình khi có tranh chấp, vướng mắc pháp luật. Qua công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng vụ việc TGPL hàng năm cho thấy, phần lớn các vụ việc TGPL đều đạt chất lượng và chất lượng tốt theo quy định. Trong quá trình thực hiện vụ việc TGPL, các Trung tâm TGPL nhà nước đều chú trọng tới việc lấy ý kiến hài lòng của người được TGPL đối với vụ việc của họ. Đến nay, Cục TGPL chưa nhận được thông tin về người dân chưa hài lòng đối với dịch vụ TGPL.
Thông qua thực hiện các vụ việc TGPL cụ thể cho người được TGPL tại vùng dân tộc thiểu số đã giúp họ nhớ và hiểu được các quy định của pháp luật liên quan đến vụ việc của mình trong các lĩnh vực hình sự, hành chính, dân sự, hôn nhân và gia đình, đất đai. Từ đó, nâng cao hiểu biết pháp luật cho người dân giúp chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tôn trọng và tự giác chấp hành pháp luật phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và có vi phạm pháp luật của người dân, tự bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình, hạn chế các khiếu kiện, khiếu nại trái quy định của pháp luật.
3. Đánh giá chung
Các hoạt động truyền thông, phổ biến giáo dục pháp luật qua công tác TGPL tại vùng dân tộc thiểu số đã được trung ương và địa phương triển khai đồng bộ, toàn diện. Người dân, nhất là người dân tộc thiểu số, người thuộc diện được TGPL đã cơ bản được tiếp cận và thụ hưởng TGPL khi có tranh chấp, vướng mắc pháp luật. Các hoạt động TGPL thời gian qua đã góp phần không nhỏ trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân, công bằng trong tiếp cận pháp luật, tiếp cận công lý.
3.1. Thuận lợi
- Công tác TGPL được Đảng, Nhà nước quan tâm, ghi nhận trong các Nghị quyết, Chương trình như: Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, đã đưa ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp TGPL như sau: “Xây dựng mạng lưới, nâng cao năng lực của hệ thống dịch vụ pháp lý, TGPL và hỗ trợ pháp lý để người dân, doanh nghiệp dễ tiếp cận pháp luật”; “Nâng cao vai trò, tính chuyên nghiệp và chất lượng TGPL, nhất là trong hoạt động tố tụng tư pháp; hiện đại hóa, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống TGPL; mở rộng đối tượng được TGPL phù hợp với điều kiện của đất nước”; 03 Chương trình mục tiêu quốc gia đều có nội dung TGPL, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.
- Các văn bản hướng dẫn về hoạt động TGPL cơ bản hoàn thiện đã tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
- Nhận thức về vai trò, nhiệm vụ, tầm quan trọng của công tác TGPL của các cơ quan, tổ chức và cá nhân ở một số địa phương ngày càng được nâng cao nên có sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện kịp thời của Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh.
3.2. Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân
- Đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn nên đã phần nào ảnh hưởng đến việc triển khai hoạt động, sự tiếp cận của người dân với dịch vụ TGPL miễn phí của Nhà nước.
- Hiểu biết về TGPL của một số người dân còn hạn chế, đặc biệt người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi do phương thức truyền thông về TGPL có chỗ chưa phù hợp với từng địa bàn, đối tượng.
- Một số địa phương chưa được cấp kinh phí nên việc triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao trong Chương trình mục tiêu quốc gia phải thực hiện lồng ghép với các hoạt động nghiệp vụ, một số địa phương kinh phí được cấp còn hạn chế, chưa bảo đảm được việc tổ chức đồng bộ.
II. Đề xuất, giải pháp
Trên cơ sở khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện hoạt động truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật trong vùng dân tộc thiểu số qua công tác TGPL, tác giả đề xuất một số giải pháp cụ thể như sau:
1. Đổi mới các hoạt động truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật qua công tác TGPL tại vùng dân tộc thiểu số cho phong phú, đa đạng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng vùng, miền phù hợp với từng đối tượng: xây dựng và phát hành các tờ gấp, tài liệu về TGPL bằng tiếng dân tộc; các phóng sự về vụ việc TGPL thành công bằng tiếng dân tộc hoặc có phụ đề tiếng dân tộc dịch ra tiếng dân tộc. Các Trung tâm TGPL Nhà nước cần phối hợp chặt chẽ với Ban Dân tộc tỉnh, Sở Tài chính tỉnh, thành phố để lập dự toán kinh phí cho hoạt động TGPL và tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động TGPL có hiệu quả khi được cấp kinh phí.
2. Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới có yêu cầu “mở rộng đối tượng được trợ giúp pháp lý phù hợp với điều kiện của đất nước”. Thực tế thời gian qua, các đối tượng có khó khăn về tài chính thuộc diện trợ giúp pháp lý không nhiều. Do đó, cần mở rộng điều kiện có khó khăn về tài chính vì mức thu nhập của họ thấp, vừa thoát nghèo thì chưa thể có điều kiện khá giả ngay để có thể sử dụng dịch vụ pháp lý có thu.Vì vậy, cần sửa đổi “điều kiện có khó khăn về tài chính” trong Nghị định số 144/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý để mở rộng người mới thoát nghèo thuộc diện TGPL, trong đó có người dân tộc thiểu số./.
Tác giả: Nguyễn Thị Thu Hiền – Phòng Chính sách và quản lý nghiệp vụ
[1] Bắc Cạn, Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Quảng Nam, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bắc Giang, Bạc Liêu, Bình Phước, Cà Mau, Cao Bằng, Hà Giang, Khánh Hòa, Kiên Giang, Lào Cai, Ninh Bình, Phú Thọ, Phú Yên, Quảng Ninh, Sơn La, Thái Nguyên, Bình Định, Gia Lai, Ninh Thuận, Sóc Trăng, Thừa Thiên Huế, Yên Bái và Tuyên Quang.
[2] Bắc Kạn, Hà Nội, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Bắc Giang, Bạc Liêu, Cao Bằng, Hà Giang, Khánh Hòa, Kiên Giang, Lào Cai, Ninh Bình, Phú Thọ, Phú Yên, Sơn La, Thái Nguyên, Bình Định, Gia Lai, Ninh Thuận, Sóc Trăng, Thừa Thiên Huế, Yên Bái, Tuyên Quang và Nghệ An.
[3] Đắk Lắk, Quảng Nam, Gia Lai, Thanh Hóa.
[4] Thanh Hóa, Hải Dương, Kon Tum, Hòa Bình, Trà Vinh, Vĩnh Long, Ninh Thuận,
[5] Hải Dương, Kon Tum, Hòa Bình, Trà Vinh, Vĩnh Long, Tuyên Quang, Yên Bái
[6] Bắc Kạn, Hà Giang, Lạng Sơn, Bạc Liêu, Hà Giang, Gia Lai, Bình Định, Tuyên Quang, Yên Bái, Thừa Thiên Huế
[7] Bắc Cạn, Hà Nội, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Lạng Sơn, Quảng Trị, Bạc Liêu, Gia Lai, Bình Định, Tuyên Quang, Yên Bái
[8] Bắc Cạn, Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Bình Phước, Cà Mau