Trợ giúp pháp lý cho người bị bạo lực gia đình – một vài vụ việc thành công, hiệu quả thời gian qua

17/07/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Từ ngày 01/7/2023, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu lực thi hành, trong đó có những quy định về trợ giúp pháp lý cho người bị bạo lực gia đình thuộc diện được trợ giúp pháp lý như quyền được trợ giúp pháp lý của người bị bạo lực gia đình tại điểm d khoản 1 Điều 9; trợ giúp pháp lý là một trong những biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình được quy định tại điểm e khoản 1 Điều 22 và khoản 1 Điều 30; Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý được xác định là một trong những cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình quy định tại điểm d khoản 2 Điều 35 và khoản 2 Điều 38…

I. Những năm gần đây, nhiều vụ bạo lực gia đình đã xảy ra ở nhiều địa phương, ở cả miền núi, đồng bằng và thành phố. Đối tượng bị bạo lực gia đình đa dạng, không chỉ phụ nữ, trẻ em mà cả người già, người lao động trí thức... Hình thức bạo lực gia đình cũng đa dạng hơn, không chỉ bạo lực thể chất mà còn cả bạo lực về tinh thần, tình dục và kinh tế. Bạo lực gia đình gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho con người, nhất là đối với phụ nữ, trẻ em. Bạo lực đối với phụ nữ vẫn là một trong những vấn đề nhức nhối mà phụ nữ phải đối mặt trên quy mô toàn cầu. Báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 (trên 5.976 phụ nữ từ 15-64 tuổi) cho thấy, tuy tỷ lệ bạo lực ở các hình thức đều thấp hơn so với năm 2010, song tình hình còn khá phức tạp. Năm 2019, cứ ba phụ nữ thì có gần hai phụ nữ (62,9%) từng bị chồng/bạn tình bạo lực thể xác, tình dục, tâm lý (tinh thần và kiểm soát hành vi) và/hoặc bị bạo lực kinh tế; có 31,6% phụ nữ chịu các hình thức bạo lực này trong năm 2019; 13,3% phụ nữ bị chồng bạo lực tình dục trong đời và 5,7% bị bạo lực này vào thời điểm khảo sát và hầu hết những phụ nữ này cũng bị bạo lực thể xác. Phụ nữ bị chồng/bạn tình bạo lực nhiều hơn so với bạo lực do người khác gây ra và chịu những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, năng suất lao động và cuộc sống nói chung. Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, chỉ tính riêng năm 2020 cả nước phát hiện 1.945 vụ, xâm hại 2.008 trẻ em (trong đó xâm hại tình dục 1.349 vụ, 1.576 trẻ em bị xâm hại tình dục). Khoảng 97% số vụ được phát hiện những kẻ xâm hại tình dục có quen biết với nạn nhân.
II. Chỉ thị số 06-CT/TW, ngày 24-6-2021 của Ban Bí thư “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới” khẳng định, gia đình Việt Nam có vai trò quan trọng với cá nhân và xã hội, là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của đất nước. Ngày 14/11/2022, Quốc hội khóa XV kỳ họp thứ 4 đã thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia dình nhằm hoàn thiện thể chế về công tác phòng, chống bạo lực gia đình theo hướng tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền con người theo Hiến pháp năm 2013.
Một trong những quyền của nạn nhân bạo lực gia đình có khó khăn về tài chính là được cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí theo quy định Luật Trợ giúp pháp lý 2017. Theo Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, người bị bạo lực gia đình sẽ được trợ giúp pháp lý miễn phí nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Người bị bạo lực gia đình thuộc hộ nghèo; người bị bạo lực gia đình là trẻ em; người bị bạo lực gia đình là người có công với cách mạng; người bị bạo lực gia đình là người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình thuộc hộ cận nghèo hoặc được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định pháp luật… và các trường hợp khác theo quy định Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý.
           Khi gặp vướng mắc pháp luật, người bị bạo lực gia đình thuộc các trường hợp nêu trên sẽ được trợ giúp pháp lý miễn phí thông qua việc: Được tư vấn pháp luật (hướng dẫn, đưa ra ý kiến, giúp soạn thảo văn bản liên quan đến tranh chấp, khiếu nại, vướng mắc pháp luật; hướng dẫn giúp các bên hòa giải, thương lượng, thống nhất hướng giải quyết vụ việc); được bào chữa hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trước các cơ quan tiến hành tố tụng như Công an, Viện kiểm sát, Tòa án; được đại diện ngoài tố tụng trước các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương và tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý sẽ cử Trợ giúp viên pháp lý, luật sư, tư vấn viên pháp luật, cộng tác viên trợ giúp pháp lý thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị bạo lực gia đình.
Trong thời gian qua, hoạt động trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bạo lực gia đình cũng được quan tâm triển khai trên thực tế. Cùng với việc triển khai Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Trợ giúp pháp lý thì Bộ Tư pháp cũng đã kịp thời ban hành các văn bản triển khai chính sách liên quan đến trợ giúp pháp lý cho người bị bạo lực như: Triển khai Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 và Chương trình về phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025 (Công văn số 536/BTP-TGPL ngày 25/02/2022); Triển khai Chương trình Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021 – 2025 (Công văn số 4878/BTP-TGPL ngày 23/12/2021).  Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn trợ giúp pháp lý cho nạn nhân mua bán người, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật... trong đó có đề cập đến đối tượng là người bị bạo lực gia đình (như Công văn số 391/BTP-TGPL ngày 14/02/2022 triển khai Chương trình phòng, chống mua bán người, Quyết định 1731/QĐ-BTP ngày 17/01/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hành động Quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 – 2030; Quyết định số 1334/QĐ-BTP ngày 10/6/2022 của Bộ Tư pháp triển khai Quyết định số 2156/QĐ-TTg ngày 21/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021-2030) và các văn bản chỉ đạo khác có liên quan.
Triển khai các quy định, hướng dẫn trên, các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã chủ động thực hiện các vụ việc trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị bạo lực gia đình thuộc diện được trợ giúp pháp lý, đặc biệt các vụ việc tham gia tố tụng, các vụ việc nổi cộm được dư luận xã hội chú ý, các phương tiện thông tin đại chúng như đài phát thanh, truyền hình, báo chí, mạng xã hội đưa tin; đẩy mạnh hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội về quyền được trợ giúp pháp lý của các nhóm đối tượng nói chung và nạn nhân bị bạo lực gia đình nói riêng; tăng cường phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân cấp xã, Hội Bảo vệ quyền trẻ em, Hội phụ nữ, Hội người cao tuổi,..., các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, cơ quan báo chí, truyền thông trên địa bàn và các cơ quan, tổ chức có liên quan khác từ đó phát hiện, thông tin và phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý...
Trong thời gian qua, các tổ chức và người thực hiện trợ giúp pháp lý trong cả nước đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của các cấp chính quyền, các cơ quan tổ chức hữu quan ở Trung ương và địa phương; sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, tổ chức, đặc biệt là các cơ quan tiến hành tố tụng ở Trung ương và địa phương… trong việc thông tin, thông báo và phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý, đặc biệt là trợ giúp pháp lý cho người bị bạo lực. Triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 29/6/2018 quy định về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng công tác phối hợp giữa Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và các cơ quan tiến hành tố tụng được thực hiện một cách nghiêm túc; tạo điều kiện cho người thực hiện TGPL tham gia đầy đủ các hoạt động tố tụng và bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người bị bạo lực... Đồng thời, các địa phương cũng đang triển khai các quy định của Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP ngày 15/12/2021 của liên tịch Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp tạo điều kiện thuận lợi cho người được trợ giúp pháp lý, trong đó có người bị bạo lực tham gia tố tụng theo hình thức trực tuyến. Ngày 19/5/2022, Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao ký chương trình phối hợp số 1603/CTPH-BTP-TANDTC về người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án nhân dân nhằm bảo đảm tốt nhất và kịp thời cho người được trợ giúp pháp lý.
Thời gian qua, các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý trên cả nước đã cố gắng trong thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý cho người bị bạo lực thuộc diện được TGPL. Số lượng người bị bạo lực thuộc diện được TGPL được tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí của Nhà nước ngày càng tăng. Trong đó, có nhiều vụ việc trợ giúp pháp lý cho người bị bạo lực gia đình thuộc diện được trợ giúp pháp lý thành công, có hiệu quả. Các vụ việc tham gia tố tụng đều được các Trung tâm trợ giúp pháp lý tạo điều kiện phân công trợ giúp viên pháp lý, luật sư có nhiều kinh nghiệm thực tế, am hiểu tâm lý để thực hiện trợ giúp pháp lý cho người bị bạo lực thuộc diện được TGPL nhất là trẻ em, phụ nữ. Thời gian gần đây, nhiều vụ việc nổi cộm được báo chí đưa tin, dư luận xã hội quan tâm trong đó có nạn nhân bị bạo lực đã được các Cục Trợ giúp pháp lý theo dõi, chỉ đạo, các Trung tâm trợ giúp pháp lý chủ động, kịp thời tiếp cận, xác minh để cử người thực hiện trợ giúp pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp kịp thời cho họ.
III. Giới thiệu một vài vụ việc trợ giúp pháp lý hiệu quả, thành công cho người bị bạo lực gia đình thuộc diện được trợ giúp pháp lý
Từ ngày 01/7/2023, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu lực thi hành, trong đó có những quy định về trợ giúp pháp lý cho người bị bạo lực gia đình thuộc diện được trợ giúp pháp lý. Nhân sự kiện này, xin giới thiệu đến quý bạn độc một số vụ việc trợ giúp pháp lý thành công, hiệu quả cho người bị bạo lực gia đình thuộc diện được trợ giúp pháp lý.
1. Bào chữa cho người bị bạo lực gia đình là người thuộc hộ nghèo trong vụ án “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh
Ông Y.B và bà H.A là vợ chồng có 04 người con chung, do gia đình khó khăn thuộc diện hộ nghèo nên làm chòi và sinh sống trong rẫy. Trong cuộc sống hàng ngày khi uống rượu say ông Y.B thường xuyên chửi vợ con, đánh đập vợ con và tài sản, đuổi vợ con ra khỏi chòi rẫy. Ngày 09/02/2018, ông Y.B đi uống rượu về bị mất điện thoại nên bắt bà H.A đi tìm điện thoại. Bà H.A nói “Không biết” thì xảy ra cãi nhau, ông Y. B dùng cây củi gỗ có trong chòi đánh bà H.A 03 cái vào người và dùng chân đá bà H.A thì H.A ngồi xuống khóc. Uất ức vì bị chồng đánh đau nên khi ông Y.B vừa thả cây củi xuống trước mặt H.A thì H.A nhặt lại cây củi này và đánh một cái vào phía sau đầu ông Y.B. Ngay lúc đó ông  Y.B lấy cái cuốc đuổi đánh bà H.A và đập phá đồ trong chòi, sau đó ông Y.B bỏ sang chòi hàng xóm ngủ. Đến tối H.A sang gọi ông Y.B về ngủ nhưng ông Y.B không về. Sáng ngày 10/02/2018 thì ông Y.B tử vong. Tại Bản kết luận pháp y đã kết luận nguyên nhân tử vong của ông Y.B là do hôn mê, suy hô hấp cấp, không hồi phục do chán thương sọ não, tụ máu nội sọ; vật tác động cứng tày. Bị can bị khởi tố, điều tra, truy tố về tội “Cố ý gây thương tích” được quy định tại điểm a khoản 4 Điều 134 BLHS năm 2015.
Vụ việc được Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh X thực hiện TGPL cho H.A. Tại phiên tòa sơ thẩm, Trợ giúp viên pháp lý đã phân tích nguyên nhân dân đến hành vi phạm tội, đề nghị chuyển tội danh “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác trong trại thái tinh thần bị kích động mạnh” được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 135 BLHS.
Quyết định của Tòa án sơ thẩm: Bản án hình sự sơ thẩm đã quyết định bị cáo H.A phạm tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” áp dụng điểm b khoản 2 Điều 135; điểm b, i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự, xử phạt bị cáo 02 năm tù.
Kháng cáo: Trợ giúp viên pháp lý đã tư vấn, hướng dẫn bị cáo làm đơn kháng cáo. Tháng 8/2018, bị cáo kháng cáo xin được hưởng án treo. Tại phiên tòa, Kiểm sát viên và Trợ giúp viên pháp lý tranh luận, đối đáp với nhau về hình phạt đối với bị cáo và đều giữ nguyên quan điểm. Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát đề nghị giữ nguyên Bản án sơ thẩm về hình phạt tù đối với bị cáo. Trợ giúp viên pháp lý phân tích hành vi đề nghị xử phạt bị cáo dưới mức thấp nhất khung hình phạt, cho được hưởng án treo.
Lập luận của Trợ giúp viên pháp lý tại phiên tòa phúc thẩm: Tại phiên tòa, Trợ giúp viên pháp lý đã phân tích về hoàn cảnh cũng như nhân thân, tâm lý khi bị cáo bị tác động dẫn đến hành động của bị cáo, cụ thể:
- Về hành vi của bị cáo: Hành động của bị cáo là nhất thời bị kích động mạnh và hậu quả ông Y.B chết là nằm ngoài ý muốn của bị cáo và do không được cấp cứu kịp thời. Sau khi phạm tội bị cáo đã thật thà khai báo, ăn năn hối cải, phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng. Bị cáo đã cùng gia đình đã bồi thường một phần thiệt hại cho gia đình ông Y.B và được phía gia đình của người bị hại (cụ thể là chị gái ông Y.B) làm đơn xin bãi nại.
- Về nhân thân của bị cáo: bị cáo là người dân tộc thiểu số, không biết chữ, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, là người nghèo, có 04 con còn nhỏ, nếu bị cáo phải đi chấp hành hình phạt tù thì sẽ không có người chăm sóc, nuôi dưỡng các cháu. Bản thân bị cáo là người có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự, có nơi cư trú rõ ràng, bản thân bị cáo có khả năng tự cải tạo nên không cần thiết phải cách lý với xã hội.
Vì vậy, Trợ giúp viên pháp lý đã đề nghị HĐXX phúc thẩm chấp nhận kháng cáo và áp dụng các điểm b,i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự cho bị cáo được hưởng án treo.
Quyết định của Tòa án phúc thẩm: Áp dụng điểm b khoản 1 Điều 355, điểm e khoản 1 Điều 357 của Bộ luật tố tụng hình sự; chấp nhận kháng cáo của bị cáo H.A – Sửa bản án hình sự sơ thẩm của TAND huyện về biện pháp chấp hành hình phạt. Áp dụng điểm b khoản 2 Điều 135; điểm b,i,s khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 1, khoản 2 Điều 65 Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo H.A 02 (hai) năm tù về tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 04 (bốn) năm tính từ ngày tuyên án phúc thẩm.
Vai trò của Trợ giúp viên pháp lý: Trong vụ án này, trợ giúp viên pháp lý là người bào chữa cho người được TGPL là người bị bạo lực gia đình thuộc hộ nghèo, là bị cáo trong vụ án Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”.  Trợ giúp viên pháp lý đã nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ việc, tư vấn cho bị cáo hiểu, ý thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật, hướng dẫn bị cáo chủ động hòa giải, bồi thường thiệt hại cho người bị hại.  Trợ giúp viên pháp lý cũng đã dành thời gian trao đổi với  gia đình bị hại, giúp gia đình bị hại nhận thấy thái độ ăn năn của bị cáo. Trợ giúp viên pháp lý cũng đã tư vấn cho bị cáo kháng cáo để được xem xét hưởng án treo, đưa ra các lập luận chứng minh bị cáo đủ điều kiện được hưởng án treo.
Tính thành công, hiệu quả của vụ việc thể hiện ở chỗ, quan điểm của Trợ giúp viên pháp lý được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chấp nhận theo hướng có lợi cho người được TGPL, được chuyển từ hình phạt tù có thời hạn sang cho hưởng án treo. Điều này giúp cho bị cáo có cơ hội để sửa chữa lỗi lầm của mình, đồng thời có thể chăm sóc, nuôi dưỡng các con của bị cáo, người bị hại, giảm gánh nặng cho xã hội. Việc thuyết phục Hội đồng xét xử cho bị cáo được hưởng án treo cũng thể hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của pháp luật Nhà nước ta.
2. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị bạo lực là bị hại trong vụ án “giết người” và “hủy hoại tài sản”
G và chị T kết hôn năm 1997, có 02 con chung. Do mâu thuẫn vợ chồng nên năm 2016,  G và chị T ly hôn. Sau đó, G về quê sống. Đầu năm 2018, G cho rằng chị T đã “bỏ bùa” làm G bị đau ốm và không lấy được vợ khác. Tháng 01/2018, G đến gặp chị T và yêu cầu tháo gỡ bùa nếu không sẽ trả thù nhưng chị T nói không có bùa bả gì và cắt liên lạc với G. Nghĩ là chị T không chịu giải bùa nên G nảy sinh ý định trả thù. Khoảng 8h30 ngày 23/7/2018, G đến chợ mua 02 con dao, loại dao bầu mũi sắc nhọn, dài khoảng 30cm cùng 01 ổ khóa Việt Tiệp màu đen và 02 can nhựa loại 05 lít đem về cất giấu ở nhà. Đến khoảng 15 giờ cùng ngày, G đi xe máy Hon đa Wave màu đen, mang theo số đồ vật đã mua ở chợ đi đến ngày bố, mẹ đẻ của chị T (ông T1 và bà H), mục đích để gặp chị T giải quyết mâu thuẫn. Khi đến cây xăng, G vào mua 10 lít xăng cho vào bình nhựa treo ở xe máy.  Đến khoảng 19h30 cùng ngày, G đến nhà ông T1 và tự mở cửa, dắt xe máy vào dựng trong nhà; rồi dùng ổ khóa mang theo khóa cửa sắt lại để mọi người trong nhà không chạy ra ngoài được. Lúc này ông T1 và bà H đang ngồi xem ti vi ở khu bếp ăn tầng 01. Cháu L (sinh năm 2005), Cháu V (sinh năm 2011), Đ (sinh năm 2015), D (sinh năm 2009) đang ở trong nhà. Cháu L đang rửa bát ở bếp. Các cháu V, Đ, D đi từ tầng 02 xuống đứng ở cầu thang giữa tầng 01 và tầng 02 thì ông T1 bảo các cháu lên tầng 02 chơi. Cùng lúc này, G vào gặp và bảo ông T1, bà H cho gặp chị T để nói chuyện, nhưng ông T1 và bà H nói là chị T đang chăm con ở bệnh viện. Sau một hồi tranh luận, G nói “Đằng nào cũng chết thì tôi cho chết hết”. Nói xong, G đi ra xe máy lấy 01 con dao bầu và 01 can xăng mang vào đứng ở phòng khách. Rồi dùng dao đâm nhiều nhát làm thủng can nhựa cho xăng chảy ra sàn nhà. Thấy vậy, bà H chạy ra cửa định ra ngoài hô hoán hàng xóm cứu giúp, thì G nói “Tao khóa rồi, tao giết chúng mày” và dùng dao đâm về phía bà H nhưng không trúng. Ông T1 liền dùng cán chổi vụt vào tay của G thì G cầm dao dâm trúng vào khuỷu tay trái của ông T1 làm chảy máu. Ông T1 và bà H chạy lên tầng 02, vừa chạy bà H vừa kêu “cứu, cứu”. G vứt dao xuống nền nhà và lấy bật lửa trong túi áo ra bật nhiều lần nhưng lửa không cháy. Hàng xóm là anh N sang giải cứu nhưng không thành. G nhặt miếng giẻ thấm xăng rồi bật bếp gas châm lửa và vứt xuống nền nhà, làm cho lửa bốc cháy to. Sau đó, G lăn bình gas vào đám cháy và chạy về phía chân cầu thang thì bị lửa cháy lan vào ống quần. G cởi quần và chạy lên sân thượng tầng 05 trốn. Cùng thời điểm trên, ông T1 và bà H chạy lên tầng 2 đưa các cháu L, V, Đ, D vào phòng ở tầng 02, chốt khóa cửa lại. Ông T1 đi ra ban công nhảy xuống đường hô hoán người dân và nhờ báo tin cho cơ quan Công an. Khi lửa cháy to tại tầng 01 và cháy lan lên cầu thang, bà H đưa các cháu nhỏ chạy lên tầng 03, chốt cửa lại.
Lực lượng Công an phường và quận nhận được tin báo của quần chúng nhân dân nên đã đến phá cửa nhà chữa cháy, cứu bà H cùng các cháu L, V, Đ, D; đồng thời bắt quả tang đối tượng G về hành vi Giết người. Biên bản hiện trường đã kết luận: tổng giá trị thiệt hại của các tài sản bị hư hại do cháy gây ra là 161.744.000 đồng. Bản Kết luận giám định pháp lý thương tích kết luận, ông T1 có tỷ lệ tổn hại sức khỏe là 32%.  Các bị hại yêu cầu các khoản: chi phí điều trị của ông T1 là 25 triệu, tiền tổn thất tinh thần cho các bị hại là 200 triệu đồng, tiền thiệt hại về tài sản là 161.744.00 đồng. Tổng cộng là 386.744.000 đồng. Bị cáo chấp nhận các khoản yêu cầu này của bị hại.
Bản cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã truy tố G về tội “Giết người” theo điểm b, l khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự và tội “Hủy hoại tài sản” theo điểm b khoản 2 Điều 178 Bộ luật Hình sự. Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đề nghị xử phạt bị cáo G từ 12 đến 14 năm tù về tội giết người, 03 đến 04 năm từ về tội hủy hoạt tài sản, tổng hợp hình phạt của hai tội từ 15 đến 18 năm tù. Về trách nhiệm dân sự đề nghị ghi nhận sự thỏa thuận của bị cáo và bị hại tại phiên tòa.
Trợ giúp viên pháp lý đã đưa ra các lập luận để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị hại:
Về tội danh và hình phạt dành cho bị cáo: Trợ giúp viên pháp lý nhất trí với đại diện Viện kiểm sát truy tố bị cáo về tội danh “Giết người” và “Hủy hoại” tài sản. Tuy nhiên, theo quy định tại Khoảng 1 Điều 50 Bộ luật Hình sự, một trong những căn cứ để quyết định hình phạt đó là tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Vì vậy, về hành vi “Giết người” của bị cáo trong vụ án này, cần lưu ý đến những điểm sau:
Thứ nhất, bị cáo đã có ý định giết người và quyết tâm thực hiện tội phạm đến cùng. Chỉ vì cho rằng vợ cũ của mình là chị T “bỏ bùa” làm mình đau ốm và không lấy được vợ khác nên G đã nảy sinh ý định trả thù. Mặc dù ngày 22/01/2018 G đã bị Công an xã xử phạt vi phạm hành chính vì hành vi đe dọa và dán giấy trước cửa nhà ông T1 nhưng G không hề ăn năn hay hối hận về hành vi vi phạm pháp luật của mình mà vẫn quyết tâm trả thù. G biết rằng chị T đã chuyển ra nhà mới ở, không sống cùng nhà ông T1, bà H nhưng ngày 23/07/2018  G vẫn chuẩn bị sẵn 02 con dao bầu sắc nhọn, 2 can xăng 5 lít và 01 ổ khóa Viettiep nhằm mục đích khóa cửa nhà, đổ xăng để đốt nhà cho cháy hết và chết hết. G đã dùng dao đâm về phía bà H nhưng không trúng, cầm dao đâm vào khuỷu tay trái của ông T1 khi ông ngăn cản hành vi dùng xăng đốt nhà của G. Khi thấy bật lửa của mình bật nhiều lần không cháy G đã nhặt miếng giẻ đã thấm xăng cầm vào bếp ga châm lửa, sau đó còn lăn bình gas vào đám cháy. Như vậy, có thể thấy G đã quyết tâm thực hiện hành vi phạm tội của mình đến cùng với tính chất côn đồ. G biết rõ dùng xăng, gas có thể gây chết nhiều người và thiệt hại về tài sản nhưng vẫn thực hiện đến cùng.
Thứ hai, G biết rõ trong nhà có trẻ em nhưng vẫn thực hiện hành vi phạm tội của mình. Tại phiên tòa, bị cáo cũng thừa nhận khi bị cáo và ông T1, bà H có lời nói qua lại thì các cháu nhỏ ở trên gác chạy xuống. Như vậy, bị cáo có nhìn thấy các cháu nhưng bị cáo vẫn đổ xăng đốt nhà.
Thứ ba, hành vi phạm tội của G đã xâm hại đến trẻ em và gây tổn hại to lớn đến tâm lý của các cháu. Từ sau ngày xảy ra vụ án tâm lí của các cháu đã bị ảnh hưởng nặng nề. Cháu L thường xuyên bị mất ngủ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và kết quả học tập. Cháu V và D thường xuyên bị giật mình và lúc nào cũng trong trạng thái lo sợ, hoảng loạn khi nhìn thấy ánh lửa. Cháu Đ dù nhỏ tuổi nhất nhưng cũng bị ảnh hưởng nặng nề, cháu không còn năng động và hoạt bát như trước đây, khi thấy đám cháy trong chương trình ti vi cháu cũng la hét và tìm người kêu cứu. Bố mẹ các cháu đã đưa các cháu đi khám bác sĩ tâm lí nhưng được biết ảnh hưởng của hành vi phạm tội còn rất dài. Phải mất một thời gian điều trị mới có thể giảm bớt dần sự tác động xấu đến tâm lý của các cháu. Chúng ta thường nghĩ rằng thật may mắn khi không có thương vong mà không nhận ra hỏa hoạn (dù nhỏ) cũng kéo theo quãng thời gian đầy khó khăn, đặc biệt với trẻ em.
Có thể nói, hành vi phạm tội của bị cáo đã gây nguy hiểm lớn tới xã hội. Sinh mạng của 6 người trong đó có 4 em nhỏ đã đe dọa. Nguy hại hơn, đám cháy có thể lan sang những nhà bên cạnh, bình gas có thể nổ, nhiều sinh mạng có thể bị đe dọa.
Về phần trách nhiệm dân sự của bị cáo, cho đến nay, gia đình bị hại vẫn chưa nhận được bất cứ khoản bồi thường nào từ phía bị cáo. Hành vi phạm tội của bị cáo đã xâm phạm đến sức khỏe và tâm lý của các cháu L, V, Đ, D. Gia đình đã đưa các cháu đi khám và được xác định các cháu còn bị ảnh hưởng thời gian dài, ảnh hưởng này không thể nhìn thấy và định lượng một cách chính xác. Căn cứ theo Khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015 yêu cầu bị cáo phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại các cháu với số tiền 200 triệu đồng theo yêu cầu của đại diện bị hại.
Bởi các lẽ trên, căn cứ Điều 50, các điểm b, l, n khoản 1 Điều 123 và điểm b khoản 2 Điều 178 Bộ Luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, kính đề nghị HĐXX xem xét, xét xử bị cáo về tội danh “Giết người” và “Hủy hoại tài sản” và hình phạt tương xứng với tính chất của vụ án, đủ sức để răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung trong xã hội đồng thời thể hiện tính nghiêm minh của luật pháp. Đồng thời buộc bị cáo phải có trách nhiệm bồi thường cho các cháu theo quy định tại khoản 1 Điều 584 Bộ luật dân sự.
Quyết định của Tòa án: Hành vi của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe con người được pháp luật bảo vệ, gây ảnh hưởng lớn đến tinh thần của các cháu nhỏ. Hành vi của bị cáo không những vi phạm pháp luật, gây mất trật tự trị an xã hội mà còn vi phạm đạo đức xâm phạm đến những người đã từng là người thân thích trong gia đình với bị cáo. Tại phiên tòa, bị cáo khai nhận hành vi của mình song không thể hiện sự ăn năn hối cải. Với tính chất hành vi như vậy cần phải xử lý bị cáo bằng hình phạt tù nghiêm khắc nhằm răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung. Bị cáo được áp dụng tình tiết giảm nhẹ thành khẩn khai nhận tội quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự. Tuyên: Bị cáo G phạm tội “Giết người” và “Hủy hoại tài sản” áp dụng các điểm n, b, l khoản 1 Điều 123; điểm b khoản 2 Điều 178, điểm s khoản 1 Điều 51, Điều 38, Điều 15, Điều 57, Điều 55 Bộ luật hình sự xử phạt G 19 năm tù về tội giết người, và 03 năm tù về tội hủy hoại tài sản. Tổng hợp hình phạt hai tội là 22 năm tù. Về trách nhiệm dân sự: Buộc bị cáo phải bồi thường cho các bị hại số tiền 386.744.000 đồng.
Vai trò của Trợ giúp viên pháp lý: Trong vụ án này, Trợ giúp viên pháp lý là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị bạo lực gia đình là trẻ em là bị hại trong vụ án " Giết người" và “Hủy hoại tài sản”.
  • Khi thực hiện trợ giúp pháp lý với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp háp cho bị hại, quan điểm của người thực hiện TGPL được cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận theo hướng người bị buộc tội bị tuyên mức án cao hơn theo đề nghị của Viện Kiểm sát. Cụ thể: đề xuất HĐXX xử lý nghiêm hành vi "Giết người" và “Hủy hoại tài sản”.  Về tội “Giết người”, trên cơ sở phân tích kỹ về hành vi của bị cáo, Trợ giúp viên pháp lý làm sáng tỏ thêm hành vi phạm tội của bị cáo. Bị cáo không những có hành vi phạm tội theo điểm b, l khoản 1 Điều 123 và Bộ luật hình sự (theo cáo trạng, bản luận tội của Viện kiểm sát), mà còn thuộc trường hợp theo điểm n khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự.
  • Yêu cầu bồi thường thiệt hại cho bị hại: Trợ giúp viên pháp lý đã đưa ra những lập luận thuyết phục hội đồng xét xử buộc bị cáo phải bồi thường thiệt hại cho bị hại.
-  Trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý, trợ giúp viên pháp lý đã nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ việc, gặp gỡ, tìm hiểu tâm lý của các cháu bị ảnh hưởng bởi vụ án, tư vấn cho gia đình bị hại đưa các cháu đi khám, điều trị và hướng dẫn gia đình bị hại thu thập chứng cứ để yêu cầu bị cáo bồi thường thiệt hại. Đồng thời, trợ giúp viên pháp lý cũng đã dành thời gian trao đổi với bị cáo, giúp bị cáo hiểu, ý thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật, chủ động bồi thường thiệt hại.
Tính thành công của vụ việc: Khi thực hiện TGPL cho bị hại mà quan điểm bảo vệ của người thực hiện TGPL được cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận, cụ thể:
- Người bị buộc tội bị tuyên mức án cao hơn so với đề nghị của Viện Kiểm sát: Viện kiểm sát đề nghị tổng hợp hình phạt là 18 năm tù theo điểm b, l khoản 1 Điều 123 và điểm b khoản 2 Điều 178 Bộ luật Hình sự. Trợ giúp viên pháp lý trên cơ sở phân tích để làm sáng tỏ thêm hành vi phạm tội của bị cáo, đề nghị HĐXX xử lý nghiêm tội phạm theo điểm b, l, n khoản 1 Điều 123 và điểm b khoản 2 Điều 178 Bộ Luật Hình sự (bổ sung thêm điểm n khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự). Kết quả, HĐXX tuyên án 22 năm tù theo điểm b, l, n khoản 1 Điều 123 và điểm b khoản 2 Điều 178 Bộ luật Hình sự.
- Bị cáo chấp nhận bồi thường thiệt hại. Tòa án ghi nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại cho bị hại như đề nghị của Trợ giúp viên pháp lý.
3. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị bạo lực gia đình là nguyên đơn dân sự trong vụ án ly hôn
Chị H và anh T có đăng ký kết hôn năm 2001 và có 01 con chung. Thời gian đầu sống hạnh phúc, nhưng sau đó do anh T không lo làm ăn, thường xuyên đuổi đánh chị mỗi khi ghen tuông, say rượu... chị nhận thấy tình trạng hôn nhân trầm trọng, cuộc sống hôn nhân không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được nên đề nghị Tòa giải quyết được ly hôn với anh T và được quyền trực tiếp nuôi con, không yêu cầu cấp dưỡng nuôi con. Anh T cho rằng vì không có hành vi bạo lực gia đình nên không đồng ý ly hôn với chị H, nếu có ly hôn thì phải giao con cho anh T trực tiếp nuôi dưỡng, không yêu cầu cấp dưỡng nuôi con. Vụ việc được Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh N thực hiện TGPL cho nguyên đơn H.
Trợ giúp viên pháp lý thực hiện TGPL cho chị H, nêu quan điểm:
Về ly hôn: Chị H và anh T chung sống với nhau và có đăng ký kết hôn trên cơ sở tự nguyện, hạnh phúc và đã có với nhau một con chung sinh ngày 23/9/2002.  Tuy nhiên, thời gian sau đó, giữa hai vợ chồng đã thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, anh T thường xuyên gây bạo lực với chị T, không chăm lo gia đình, vi phạm nghĩa vụ của vợ chồng, anh T thường chửi bới, hay ghen tuông và xúc phạm chị H, đuổi đánh vợ con, nhất là những khi uống rượu say... Hành vi của anh T lặp đi lặp lại nhiều lần đã được chính quyền địa phương can thiệp để hòa giải nhưng không thành bởi anh T không hợp tác. Tòa án triệu tập hợp lệ nhiều lần để ghi nhận ý kiến của anh T đối với yêu cầu khởi kiện của chị H, để vợ chồng đoàn tụ nhưng anh T cố tình vắng mặt, một phần thể hiện anh T không có thiện chí hàn gắn tình cảm vợ chồng. Trong thực tế, hai vợ chồng sống ly thân từ tháng 8/2017. Điều đó chứng tỏ tình trạng hôn nhân đã đến mức trầm trọng, cuộc sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu ly hôn của chị H.
Về con chung: Chị H yêu cầu được quyền trực tiếp nuôi con. Trợ giúp viên pháp lý đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận bởi các lý sau đây:
Thứ nhất, không có tình yêu nào có thể so sánh với tình mẫu tử. Mẹ sẽ là người chăm sóc tốt nhất cho con trong giai đoạn tuổi ăn, tuổi lớn. Hơn nữa, đứa con chung của anh T và chị H còn nhỏ.  Từ lúc đứa trẻ ra đời cho đến ngày chị H. đệ đơn xin ly hôn, đứa con vẫn sống chung với mẹ là chị H. Cháu được mẹ chăm sóc ân cần, dạy bảo. Cháu có nguyện vọng được ở với mẹ. Trong quá trình chung sống, chị H. luôn có gắng lao động, tạo nguồn thu nhập chính, mong muốn vun đắp xây dựng cuộc sống gia đình hoà thuận, êm ấm, vợ chồng thương yêu nhau cùng nuôi dạy con. Nhưng anh T thì ngược lại, anh là người thiếu kiểm soát hành vi, hay gây bạo lực với vợ, con vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt hằng ngày. Đứa trẻ ở độ tuổi dậy thì - giai đoạn tâm lý cực kỳ nhạy cảm. Ở độ tuổi này rất cần tình yêu thương chăm sóc của mẹ hàng ngày của mẹ. Vì thế việc giao con cho mẹ là một việc hết sức nhân văn, đảm bảo sự phát triển tốt nhất cho trẻ.
Thứ hai, về điều kiện kinh tế, qua quá trình thực tế và các buổi hoà giải và sự thừa nhận của anh T, cho thấy chị H là người lao động chính, có thu nhập ổn định. Chị.H có đủ tài sản để chăm lo cho cuộc sống cho con tốt hơn với số tiền bán rẫy của gia đình (đã chia với anh T tại biên bản), mỗi ngày chị kiếm được hơn 200.000 đồng/ ngày. Trong khi đó anh T lại không có khả năng lao động, tạo thu nhập nên không có đủ tài chính để đảm bảo nuôi con phát triển toàn diện.
Thứ ba, về điều kiện chăm sóc và môi trường sống, hiện nay đứa trẻ đang sống cùng với mẹ, có sự yêu thương tạo điều kiện của ông bà ngoại, do vậy con sẽ có một môi trường phát triển toàn diện, nhận được sự đầy đủ tình yêu thương chăm sóc, những chỉ bảo ân cần, nhỏ nhẹ hàng ngày của mẹ và người thân.
Do đó, để tạo điều kiện tốt nhất cho con trẻ, được phát triển khỏe mạnh và theo nguyện vọng của cháu là muốn sống chung với mẹ nên Trợ giúp viên pháp lý đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận chị H.H được quyền nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con, anh T không phải cấp dưỡng nuôi con.
Về tài sản chung và nợ chung: Chị H.H xác định vợ chồng không có tài sản chung, nợ chung và không yêu cầu Tòa án giải quyết.
Cuối cùng, Tòa án đã tuyên chấp nhận yêu cầu ly hôn của nguyên đơn là chị H, giao con cho chị H.H trông nom, chăm sóc, giáo dục và nuôi dưỡng đến khi trưởng thành, không yêu cầu anh T phải cấp dưỡng nuôi con.
Trong vụ án này, Trợ giúp viên pháp lý là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL là người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, là nguyên đơn dân sự trong vụ án ly hôn. Trợ giúp viên pháp lý đã gặp gỡ, trao đôi với nguyên đơn về hoàn cảnh gia đình (tài sản và con cái) và mong muốn khi ly hôn của nguyên đơn, hướng dẫn, tư vấn cho nguyên đơn thu thập chứng cứ và làm đơn. Đồng thời, găp gỡ, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người con. Từ đó, Trợ giúp viên pháp lý đã đưa ra được tài liệu, lý lẽ chứng minh yêu cầu ly hôn của nguyên đơn là hợp pháp, hợp lý và chứng minh nguyên đơn có đủ điều kiện chăm sóc con, giúp nguyên đơn giành được quyền nuôi con. Như vậy,  Trợ giúp viên pháp lý đã giúp người được TGPL là phụ nữ, là nạn nhân của bạo lực gia đình được Tòa án chấp thuận đơn xin ly hôn và giành quyền nuôi con. Quan điểm của người thực hiện TGPL được cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận toàn bộ: chấp nhận yêu cầu ly hôn và chấp nhận quyền nuôi con cho người được TGPL, qua đó bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em.
Bạo lực gia đình là một trong những nguyên nhân và cơ sở để yêu cầu ly hôn. Khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình quy định: “Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được”. Vì vậy, trong vụ án bạo lực gia đình, người thực hiện TGPL cần hướng dẫn nạn nhân thu thập chứng cứ.
Về vấn đề nuôi con, Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình quy định “Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con”. Như vậy, trong vụ án tranh chấp về quyền nuôi con, người thực hiện TGPL phải chứng minh được người được TGPL có điều kiện nuôi con hơn. Những điều kiện cần chứng minh là về vật chất và tinh thần cụ thể như sau:
Thứ nhất, chứng minh có đầy đủ các điều kiện về vật chất như: Thu nhập thực tế; Công việc ổn định; Có chỗ ở ổn định (nhà ở hợp pháp). Cần chứng minh có điều kiện về tài chính hơn so với người còn lại, mức thu nhập, nơi cư trú của phải đủ để đảm bảo điều kiện về nuôi dưỡng, học tập và vui chơi cho cháu bé. Tài liệu cung cấp cho Toà án những giấy tờ để chứng minh như: hợp đồng lao động, bảng lương, giấy tờ chứng minh về quyền sở hữu đất, sở hữu nhà (sổ đỏ),....
Thứ hai, chứng minh có đầy đủ điều kiện về tinh thần. Các điều kiện về tinh thần bao gồm: thời gian chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con, tình cảm dành cho con từ trước đến nay, điều kiện cho con vui chơi, giải trí, nhân cách đạo đức của cha mẹ... Như vậy, để giành quyền nuôi con cần phải chứng minh được các điều kiện mọi mặt giành được cho con.
4. Bào chữa cho người bị bạo lực gia đình là người dân tộc thiểu số bị buộc tội trong vụ án giết người
V và T là vợ chồng đăng ký kết hôn năm 2012 về chung sống tại bản P, xã  C, huyện M, tỉnh Đ. Năm 2021 T có quan hệ tình cảm với B, làm cho B có thai T đã xin V cho T lấy B và đưa B về cùng chung sống một nhà với lý do không lấy B thì sợ bị bố đẻ của B phạt tiền; đồng thời T hứa hẹn sẽ yêu thương V, không thiên vị nên V đã đồng ý. Tuy nhiên, quá trình chung sống T không thương yêu V như đã hứa mà thiên vị B nên V đã uất ức, nói nặng lời với T, những lần như vậy V đã bị T mắng chửi và đánh, V cho rằng do V dẫn B về chung sống là nguyên nhân làm cho cuộc sống của gia đình V bị đảo lộn nên chán nản và muốn chết. Ngày 02/12/2021, V lên nương lấy 03 lá ngón, nhằm mục đích tự tử nhưng không ăn ngay mà đem về nhà để gặp chồng và con lần cuối trước khi chết. Ngày 06/12/2021, V nảy sinh ý định sẽ chết cùng B nên đã lấy 03 lá ngón, thái nhỏ xào cùng rau để V và B cùng ăn. Tuy nhiên khi cả hai cùng ăn thì S sợ chết sẽ không có ai chăm sóc con nên ăn ít rồi dừng lại, B do không biết trong rau có lá ngón nên ăn bình thường dẫn đến bị ngộ độc chết, sau đó V đã Cơ quan công an để đầu thú về hành vi phạm tội.
Cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với V về hành vi giết người. Viện Kiểm sát truy tố V về tội giết người theo khoản 2 Điều 123 Bộ luật hình sự. Tại phiên tòa đại diện Viện kiểm sát nhân dân giữ nguyên quan điểm truy tố, đề nghị xử phạt V 08 năm - 09 năm tù về tội giết người. Người bào chữa cho V nhất trí với tội danh, điều luật Viện kiểm sát nhân dân truy tố đối với V, đưa ra các tình tiết giảm nhẹ như nguyên nhân, hoàn cảnh phạm tội; người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; tự nguyện bồi thường thiệt hại; người phạm tội đầu thú, đề nghị áp dụng điểm s, b khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự để xem xét giảm nhẹ hình phạt; áp dụng Điều 54 Bộ luật hình sự đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho V được áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt. Quan điểm bào chữa của Trợ giúp viên pháp lý được Hội đồng xét xử chấp nhận, Hội đồng xét xử tuyên phạt V 06 năm tù về tội giết người.
Như vậy, tính hiệu quả của Trợ giúp viên pháp lý trong vụ án này là: Quan điểm bào chữa của Trợ giúp viên pháp lý được Hội đồng xét xử chấp nhận, Hội đồng xét xử tuyên phạt V 06 năm tù về tội giết người, giảm 03 năm tù so với khung hình phạt Viện kiểm sát đưa ra./.
 

Xem thêm »