Pháp luật quốc tế và mô hình người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại cơ quan điều tra

18/04/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Các văn kiện quốc tế thừa nhận rằng khi các quyền cơ bản về tự do và tính mạng của một người bị đe dọa thì người đó có quyền được hỗ trợ pháp lý, một trong những quyền đó là quyền được tiếp cận với luật sư và được hỗ trợ/đại diện trong toàn bộ quá trình tố tụng tư pháp là điều cần thiết.

I. Pháp luật quốc tế
Các văn kiện quốc tế thừa nhận rằng khi các quyền cơ bản về tự do và tính mạng của một người bị đe dọa thì người đó có quyền được hỗ trợ pháp lý, một trong những quyền đó là quyền được tiếp cận với luật sư và được hỗ trợ/đại diện trong toàn bộ quá trình tố tụng tư pháp là điều cần thiết. Quyền này nhất thiết phải bao gồm trợ giúp pháp lý (TGPL) "được cung cấp miễn phí cho những người không có đủ điều kiện tài chính khi lợi ích công lý đòi hỏi”[1]
Ở nhiều quốc gia, quyền được TGPL trong toàn bộ quá trình phạm tội được thiết lập trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Tuy nhiên, việc cung cấp các dịch vụ pháp lý cho bị cáo phạm tội trên thực tế có thể khác nhau rất nhiều. Việc cung cấp TGPL miễn phí vô điều kiện cho những người đó, bao gồm cả việc tiếp cận miễn phí đại diện pháp lý ở giai đoạn đầu của quá trình tố tụng hình sự còn hạn chế. Trường hợp TGPL tại cơ quan điều tra, cơ sở giam giữ thì hoạt động đại diện pháp luật vẫn chưa được tận dụng triệt để. Ngoài ra, không có nhiều quy định về giám sát một cách có hệ thống, đảm bảo chất lượng, cũng như các quy tắc ứng xử cụ thể đối với công việc của các chuyên gia pháp lý cung cấp TGPL tại các cơ quan điều tra, cơ sở giam giữ cũng như chưa có những quy tắc ứng xử cụ thể.
Điều 14.3 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) đưa ra trong số các bảo đảm tối thiểu về quyền được xét xử không chậm trễ quá mức, quyền được xét xử công bằng và công khai bởi một cơ quan có thẩm quyền, độc lập, toà án xét xử độc lập và công bằng được thành lập theo luật và quyền được TGPL trong các vấn đề hình sự[2].
Nội dung của các nguyên tắc Bảo vệ tất cả mọi người dưới mọi hình thức giam giữ quy định một người bị giam giữ có quyền nhận sự hỗ trợ của luật sư[3], trong khi Quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu về đối xử với tù nhân khuyến nghị TGPL được đảm bảo cho các tù nhân đang chờ xét xử.
Hai văn bản có liên quan đến vấn đề này, bao gồm:
Thứ nhất, Nguyên tắc và Hướng dẫn của Liên hợp quốc về tiếp cận TGPL trong Hệ thống Tư pháp hình sự là công cụ quốc tế đầu tiên, chuyên biệt về quyền được TGPL. Các Nguyên tắc và Hướng dẫn của Liên hợp quốc nêu bật và tái khẳng định TGPL là yếu tố thiết yếu của hệ thống tư pháp hình sự công bằng, nhân đạo và hiệu quả dựa trên nền tảng pháp quyền; hướng dẫn chi tiết về việc thực hiện TGPL cho các đối tượng khác nhau, ở các giai đoạn khác nhau của tố tụng tư pháp hình sự; TGPL phải sẵn có cho những người không đủ điều kiện tài chính vào trong trường hợp hành vi phạm tội của họ có khả năng phải chịu hình phạt tù có thời hạn hoặc tử hình, hoặc trong các tình huống khẩn cấp khác khi lợi ích của công lý đòi hỏi - ví dụ, khi cần tư vấn pháp lý tại đồn cảnh sát và người bị điều tra không thể nhờ luật sư riêng.
Nguyên tắc và hướng dẫn cũng quan tâm đặc biệt đến nghĩa vụ của cơ quan Cảnh sát, nhà tạm giữ, cơ quan điều tra thông báo cho người bị bắt/bị tạm giữ và nạn nhân biết về quyền được TGPL của họ. Hơn nữa, theo nguyên tắc số 3: TGPL cho người bị tình nghi hoặc bị quy kết vi phạm luật hình sự, đoạn 23 “công tố viên và thẩm phán có trách nhiệm đảm bảo rằng những người đang bị thẩm vấn mà không thể thuê luật sư và/hoặc là người yếu thế được tiếp cận TGPL”.  Quy định này làm rõ nghĩa hơn cho hướng dẫn số 2 “Quyền được thông tin về TGPL” đoạn 42 “c. cảnh sát, công tố viên, nhân viên tư pháp ở địa điểm mà người bị tình nghi bị giam giữ thông báo cho những người không có người đại diện về quyền được TGPL và các bảo đảm tố tụng khác. Các Quốc gia nên đưa ra các biện pháp nghiêm cấm việc thẩm vấn khi chưa có luật sư trừ trường hợp người đó cho biết và tự nguyện đồng ý từ bỏ quyền thuê luật sư, và cần có cơ chế để xác minh tính chất tự nguyện của người đó. Ngoài ra, cuộc thẩm vấn không nên bắt đầu cho đến khi có người thực hiện TGPL.
Thứ hai, Các Nguyên tắc cơ bản về vai trò của Luật sư đưa ra nội dung cụ thể cho các đảm bảo về thủ tục tố tụng. Phần mở đầu và Điều 2, 3 & 6 của Nguyên tắc này nêu rõ nghĩa vụ bảo vệ quyền con người, đảm bảo quyền tiếp cận bình đẳng với luật sư và cung cấp đủ kinh phí cho các dịch vụ pháp lý cho người nghèo. Các nguyên tắc này cũng quy định trách nhiệm của các nước và giới luật sư để đảm bảo quyền tiếp cận luật sư cho tất cả mọi người mà không tính đến điều kiện tài chính hay hoàn cảnh xuất thân, như một biện pháp đảm bảo quyền bình đẳng trước pháp luật. Chính phủ có trách nhiệm bố trí kinh phí để thuê đại diện không tự mình chi trả được.
Theo các Nguyên tắc và Hướng dẫn của Liên hợp quốc về tiếp cận TGPL trong hệ thống tư pháp hình sự, TGPL là một thành tố cơ bản của một hệ thống tư pháp hình sự công bằng, nhân đạo và hiệu quả, dựa trên nguyên tắc pháp quyền. TGPL là nền tảng cho việc thụ hưởng các quyền khác, trong đó có quyền được xét xử công bằng, là biện pháp bảo vệ quan trọng nhằm đảm bảo sự công bằng cơ bản và niềm tin của công chúng với quá trình tố tụng hình sự[4]. Nó có thể đóng góp vào các mục tiêu phát triển chung của quốc gia, chẳng hạn như việc bảo đảm cho nhóm người yếu thế, người bị thiệt thòi tiếp cận các dịch vụ có thể giúp bảo vệ quyền lợi của họ, cũng là một cách để ngăn cho họ không lún sâu vào đói nghèo.
II. Mô hình của một số quốc gia
Quyền được tư vấn và hỗ trợ pháp lý ở giai đoạn đầu của quá trình tố tụng hình sự được quy định trong Hiến pháp hoặc luật pháp ở nhiều quốc gia. Ở một số nước, pháp luật quy định hỗ trợ pháp lý là bắt buộc trong quá trình thẩm vấn của cảnh sát. Ví dụ, Hiến pháp của Nam Phi quy định là người bị bắt và người bị tạm giam có quyền có một luật sư từ thời điểm bị bắt hoặc tạm giam của họ. Một số quốc gia ở châu Âu như Bỉ, Pháp và Scotland bắt đầu áp dụng quyền tiếp cận sớm với luật sư vào năm 2010, phần lớn là hệ quả của quyết định của Tòa
án Châu âu về nhân quyền. Ở nhiều nước Mỹ Latinh, người bị tình nghi có quyền tham vấn hợp pháp một luật sư khi bị cảnh sát tạm giam, ở Ác-hen-ti-na, Colombia, Peru và một số nước khác, sự hiện diện của luật sư là yêu cầu bắt buộc trong các cuộc thẩm vấn của cảnh sát. Một số quốc gia như: Trung Quốc, Canada, Úc đã áp dụng chế định luật sư trực tại các cơ quan tiến hành tố tụng (Tòa án, Công an, Kiểm sát) để hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng thuộc diện được TGPL. Hoạt động này cũng đã góp phần hỗ trợ các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc thực hiện đúng các quy định về tố tụng, có thể khái quát sơ lược như sau:  
1. SCOTLAND
Chương trình trực đảm bảo rằng các luật sư luôn sẵn sàng phục vụ các cơ quan tư pháp, cảnh sát và những nơi khác bất cứ khi nào họ có yêu cầu. Chương trình trực được lập theo mẫu chung bao gồm: thời gian áp dụng, tên, địa chỉ và số điện thoại cơ quan và nhà riêng của mỗi luật sư, trình tự, thủ tục nhận dịch vụ của luật sư và các điều kiện áp dụng cho lịch trình đối với chương trình. Chương trình được lập cho thời gian từ ngày 01 tháng 4 đến ngày 31 tháng 3 năm sau, bao gồm tất cả các luật sư đã đăng ký với Hội đồng TGPL để thực hiện TGPL trong các vụ án hình sự. Để tham gia vào chương trình luật sư phải có địa bàn hoạt động và thực hiện hầu hết các hoạt động hành nghề của mình trong khu vực của tòa án và/hoặc sở cảnh sát có liên quan.
Khi một người cần được tư vấn ở đồn cảnh sát thì cần liên lạc qua đường dây (SCL). Người bị bắt có quyền yêu cầu luật sư từ dịch vụ TGPL miễn phí nếu họ đã làm việc cùng nhau. Cảnh sát sẽ liên hệ trực tiếp với luật sư. Trong trường hợp này, luật sư có quyền tư vấn/tham gia tố tụng cho người yêu cầu hoặc từ chối. Luật sư đã cung cấp thông tin chi tiết về điện thoại hoặc tin nhắn để cảnh sát có thể liên hệ với mình. Khi thực hiện nhiệm vụ, luật sư trực phải ưu tiên cung cấp các dịch vụ và sẵn sàng khi tòa án hoặc cơ quan công an yêu cầu tham gia mỗi phiên điều trần.
Nhiệm vụ của luật sư trực:
- Tham gia vào các hoạt động thủ tục để nhận dạng;
- Tham gia phiên xét xử bất kỳ ai đã bị giam giữ vì tội giết người, cố ý giết người hoặc bị truy tố về tội giết người;
- Tư vấn và đại diện cho người bị giam giữ mà vụ án của họ đang bị truy tố theo thủ tục chính thức.
Khi liên hệ với cảnh sát, luật sư trực có thể thống nhất với cảnh sát về thời điểm tham dự.
Khi một người muốn tham vấn luật sư trực, cảnh sát sẽ liên hệ với Đường dây liên lạc luật sư. Đường dây liên lạc luật sư sẽ đưa ra tư vấn qua điện thoại nếu người bị bắt chưa được giới thiệu luật sư.
Cảnh sát Scotland đã ban hành quy trình vận hành chương trình luật sư trực và hướng dẫn để hỗ trợ các luật sư:
  1. Tài liệu hướng dẫn luật sư luật sư tiếp cận người bị tạm giữ;
  2. Phỏng vấn của Cảnh sát - Mẫu về các quyền của Nghi phạm;
  3. Quy trình chuẩn hướng dẫn nhân viên cảnh sát quy trình và thủ tục Tư pháp hình sự liên quan đến việc bắt giữ và tạm giữ theo yêu cầu của luật Tư pháp Hình sự (Scotland) năm 2016.
Các luật sư có lịch trực phải có khả năng cung cấp các dịch vụ chuyên nghiệp có chất lượng. Để đáp ứng yêu cầu này luật sư phải có khả năng chứng minh rằng họ là luật sư thường xuyên làm việc trong lĩnh vực hình sự, có năng lực và có danh tiếng. Điều này thường được chứng minh thông qua một số tiêu chí như: số lượng lệnh hình sự do Tòa án cấp cao, Tòa án tối cao ban hành; số vụ án hình sự mỗi tháng; số lượng phiên tòa hình sự xét xử hàng tuần/tháng; tuân thủ Quy tắc Thực hành; báo cáo về việc tuân thủ các yêu cầu bảo đảm chất lượng đã nêu trong Bộ luật tố tụng hình sự.
2. TRUNG QUỐC
Trước tháng 8 năm 2021 (khi chưa có Luật TGPL), các đơn vị có liên quan như Tòa án tối cao, Viện kiểm sát, cơ quan Công an (liên ngành) thống nhất về chức năng nhiệm vụ cụ thể, chính sách đối với luật sư trực ban tại một số nơi làm điểm (việc bảo vệ các bị cáo và nghi phạm trong các vụ án hình sự đã được ghi nhận tại Hiến pháp và Luật Tố tụng hình sự của Trung Quốc).
- Phạm vi thực hiện
Trung Quốc đã thiết lập các Trạm TGPL (Trạm) tại cơ quan công an, Trung tâm thực thi pháp luật công an, Viện kiểm sát và tòa án nhân dân. Tại các Trạm này, Luật sư TGPL được bố trí trực ban để cung cấp miễn phí dịch vụ TGPL cho các người bị tình nghi, bị can, bị cáo không có điều kiện kinh tế. Đồng thời, Trung Quốc cũng chú ý đến việc bảo vệ quyền và lợi ích của nạn nhân.
- Điều kiện, tiêu chuẩn của Luật sư trực:
Luật sư trực do Trung tâm TGPL cử đến làm nhiệm vụ hoặc do các Luật sư đến từ các Văn phòng Luật sư (cộng tác viên vì trách nhiệm cộng đồng) đảm bảo các tiêu chuẩn hành nghề của Luật sư theo quy định của pháp luật Trung Quốc.
Thông qua danh sách các tổ chức hành nghề luật sư tham gia TGPL do Trung tâm TGPL gửi đến, các Văn phòng Luật sư sẽ phân công Luật sư trực ban.
- Trách nhiệm của Luật sư trực:
Người trực ban thực hiện tư vấn pháp luật, đại diện cho người được TGPL tiến hành các thủ tục liên quan, tiến hành các kiến nghị liên quan đến lĩnh vực pháp luật được yêu cầu trợ giúp.
- Kinh phí và thù lao đối với Luật sư trực:
Kinh phí thực hiện trực ban chủ yếu do Nhà nước chi trả, tuy nhiên, tùy từng điều kiện của các tỉnh/thành phố và cơ chế hỗ trợ về TGPL của địa phương để chi trả thù lao cho Luật sư trực. Việc tính thù lao đối với Luật sư trực được tính theo từng buổi trực, trung bình từ 50-100 tệ/buổi, tương đương với 180.000 đồng – 360.000 đồng/ngày.
Đối với Luật sư do các Văn phòng luật sư cử trực, mức thù lao này có thể cao hơn (1.500.000 – 2.000.000/ngày) do nguồn kinh phí của các Văn phòng này hỗ trợ thêm cho Luật sư trực của Văn phòng.
Đến tháng 10/2020, Trung Quốc có 02 thành phố lớn là Bắc Kinh và Thượng Hải đã đạt mục tiêu 100% vụ án hình sự có sự tham gia của luật sư (Trung Quốc có 08 tỉnh, thành phố tham gia thí điểm). Tỷ lệ bào chữa của luật sư ở giai đoạn truy tố và điều tra đạt trên 40%. Do vậy, với cơ chế trực tại Tòa án và trại tạm giam, tạm giữ mang lại hiệu quả tích cực trong qúa trình thực hiện mục tiêu này.
Điều 14 của Luật TGPL Trung Quốc năm 2021 quy định các tổ chức TGPL có thể bố trí luật sư trực tại tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, trại tạm giam và những nơi khác để TGPL cho bị can, bị cáo phạm tội không có người bào chữa. Một nhóm đặc biệt là những người dễ bị tổn thương được đề cập rõ ràng và được trao quyền sử dụng TGPL miễn phí, đó là trẻ vị thành niên, người khiếm thị, khiếm thính hoặc câm, người thành niên bị mất năng lực hành vi dân sự, người có thể bị kết án tù chung thân hoặc tử hình, bị cáo bị đề nghị áp dụng hình phạt tử hình đề nghị TGPL, bị cáo trong các vụ án hình sự xét xử vắng mặt, các vụ án khác theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp đó, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Công an thông báo cho cơ quan TGPL cử luật sư bào chữa và có nghĩa vụ thông báo kịp thời cho công dân về quyền yêu cầu TGPL. Sau khi nhận được thông báo, tổ chức TGPL phải cử luật sư trong thời hạn 3 ngày và thông báo cho các cơ quan tương ứng về quyết định của mình. Trường hợp nghi can, bị cáo phạm tội xin TGPL như đại diện, bào chữa hình sự trực tiếp thông qua luật sư trực thì luật sư trực tiếp chuyển đơn đến tổ chức TGPL trong thời hạn 24 giờ.
Đối với người có thể bị kết án tù chung thân hoặc tử hình, cũng như bị cáo trong các vụ án tử hình tổ chức TGPL phải cử luật sư có kinh nghiệm hành nghề từ 3 năm trở lên làm người bào chữa. Theo Điều 30, Luật sư trực tư vấn hoặc đại diện cho các nghi can hoặc bị cáo mà không có người bào chữa, gợi ý lựa chọn thủ tục, đơn xin sửa đổi biện pháp bắt buộc, và trình ý kiến về việc xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.
3. ÚC
Theo Điều 79A (1) (b) (i)] của Đạo luật về tội phạm năm 1953[5] một người đã bị bắt vì nghi ngờ đã phạm tội có quyền có luật sư, người thân hoặc bạn bè có mặt trong khi thẩm vấn hoặc điều tra trong khi họ vẫn bị cảnh sát giam giữ. Một người đang bị bắt giữ phải được thông báo về quyền nói chuyện với luật sư và có mặt thông dịch viên nếu được yêu cầu.
Một Dịch vụ Luật sư trực đặc biệt được thành lập, thông qua đó Ủy ban tư vấn hoặc đại diện cho những người bị bắt giữ qua đêm hoặc những người không thể yêu cầu TGPL trước đó. Dịch vụ được cung cấp thông qua hình thức này hạn chế dịch vụ chủ yếu liên quan đến việc nộp đơn xin tại ngoại cho những người đang bị giam giữ, xin hoãn/tạm giam và nhận tội đơn giản trong trường hợp thường không có khả năng bị kết án tù (ví dụ như vi phạm giao thông và vi phạm hình sự ít nghiêm trọng). Ở một số khu vực, luật sư tư nhân được ký hợp đồng cung cấp dịch vụ luật sư thay mặt cho Ủy ban dịch vụ pháp lý. Ngoài ra, các luật sư trực cũng tư vấn miễn phí cho các tù nhân tại các nhà tù ở đô thị và nông thôn. Việc này liên quan đến những các công việc như trả lời các câu hỏi liên quan đến bản án, các vấn đề về ân xá, hỗ trợ hoàn thành các biểu mẫu TGPL và giới thiệu tù nhân đến các cơ quan khác.
Cùng với Dịch vụ Luật sư trực, Phòng Hành nghề Luật hình sự vận hành dịch vụ tạm giữ tự nguyện sau giờ làm việc, cung cấp lời khuyên cho những người đang bị cảnh sát giam giữ và bị buộc tội nghiêm trọng. Trong những trường hợp như vậy, nhân viên cảnh sát thu xếp để người bị tạm giữ nói chuyện với một trong các luật sư để tư vấn qua điện thoại. Trong những vấn đề rất nghiêm trọng và phức tạp, chẳng hạn như giết người hoặc nếu thân chủ có nhu cầu đặc biệt thì luật sư sẽ trực tiếp đến đồn cảnh sát để tư vấn.
4. CANADA
Ở tất cả các tỉnh ở Canada thành lập dịch vụ Brydges, nơi những người bị giam giữ được quyền tiếp cận luật sư Brydges thông qua hệ thống điện thoại 24 giờ hoặc danh sách luật sư trực qua điện thoại. Tuy nhiên, việc triển khai các dịch vụ của Brydges không hoàn toàn thống nhất ở Canada. Ở Alberta, các dịch vụ Brydges không được thực hiện một cách chính thức, thay vào đó, các luật sư làm việc trên cơ sở tình nguyện, chấp nhận các cuộc điện thoại sau giờ làm việc. Tương tự, ở Đảo Hoàng tử Edward, không có hệ thống chính thức cũng như không chính thức để cung cấp các dịch vụ Brydges sau giờ làm việc.
Tại British Columbia (B.C.), những người bị bắt giam giữ có thể nhận được lời khuyên của luật sư 24/7 thông qua Brydges Line, một dịch vụ điện thoại miễn phí trên toàn tỉnh. Đường dây này được điều hành bởi Hiệp hội Dịch vụ pháp lý (LSS). LSS ký hợp đồng với các luật sư tư nhân để điều hành Brydges Line.
Bất kỳ ai bị cảnh sát giữ đều có quyền được tư vấn pháp luật qua điện thoại trước khi bị thẩm vấn hoặc được yêu cầu xuất trình mẫu hơi thở, mẫu máu hoặc mẫu ADN. Cảnh sát có nghĩa vụ giúp đỡ để gọi đường dây này miễn phí. Đối với một người bị bắt vì tội giết người, ngộ sát hoặc cố gắng giết người, luật sư Brydges trực liên hệ với một thành viên cấp cao địa phương của đoàn luật sư để có thể tư vấn chuyên sâu.
Luật sư trực thông báo về vấn đề đang được điều tra, người bị bắt có quyền nói chuyện riêng với luật sư và giữ im lặng, các nghĩa vụ khác theo quy định pháp luật, các lựa chọn có sẵn và hậu quả, quy trình tại ngoại, các lựa chọn thuê luật sư để giúp giải quyết toàn bộ vụ việc, bao gồm cả cách đăng ký TGPL.

 
Bình An - Cục Trợ giúp pháp lý
 

[1] https://www.unodc.org/documents/justice-and-prison-reform/UN_principles_and_guidlines_on_access_to_legal_aid.pdf  đoạn 8 của Các Nguyên tắc và Hướng dẫn của Liên hợp quốc về Tiếp cận TGPL trong Hệ thống Tư pháp Hình sự
[2] Khi xác định bất kỳ tội danh nào chống lại anh ta, mọi người sẽ được hưởng những đảm bảo tối thiểu sau đây, hoàn toàn bình đẳng: […] (d) được có mặt trong khi xét xử và được tự bào chữa hoặc thông qua sự trợ giúp pháp lý theo sự lựa chọn của mình; được thông báo về quyền này nếu chưa có sự trợ giúp pháp lý; và được nhận sự trợ giúp pháp lý theo chỉ định trong trường hợp lợi ích của công lý đòi hỏi và không phải trả tiền cho sự trợ giúp đó nếu không có đủ điều kiện trả
[3] Nguyên tắc 17 2. “Nếu một người bị giam giữ không có luật sư tư vấn theo lựa chọn của riêng mình, anh ta sẽ có quyền được cơ quan tư pháp hoặc cơ quan có thẩm quyền khác chỉ định một luật sư tư vấn pháp luật cho anh ta trong mọi trường hợp mà phí pháp lý buộc anh ta phải trả và không có sự thanh toán của anh ta nếu anh ta không có đủ điều kiện để thanh toán”. Nguyên tắc 11 trong đó quy định rằng một người bị tạm giữ có quyền tự bào chữa hoặc được sự trợ giúp của luật sư theo quy định của pháp luật.
[4]  https://www.legislation.sa.gov.au/LZ/C/A/LEGAL%20SERVICES%20COMMISSION%20ACT%201977.aspx

Xem thêm »