Một số kết quả nổi bật trong công tác quản lý nhà nước và tổ chức thi hành pháp luật về trợ giúp pháp lý

15/10/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Trợ giúp pháp lý (TGPL) là một chính sách bảo đảm quyền con người, quyền công dân và là một bộ phận của tổng thể các chính sách xóa đói, giảm nghèo, đền ơn, đáp nghĩa, chính sách dân tộc và ưu đãi xã hội của Đảng và Nhà nước ta. Nhiệm vụ này được giao cho Ngành Tư pháp triển khai từ năm 1997 theo Quyết định số 734/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Luật TGPL lần đầu tiên được Quốc hội ban hành vào năm 2006 và qua 10 năm triển khai đã đạt được những thành quả đáng kể trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nghèo, đối tượng chính sách và các đối tượng yếu thế.

1. Hoàn thiện thể chế về trợ giúp pháp lý phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước
Trợ giúp pháp lý (TGPL) là một chính sách bảo đảm quyền con người, quyền công dân và là một bộ phận của tổng thể các chính sách xóa đói, giảm nghèo, đền ơn, đáp nghĩa, chính sách dân tộc và ưu đãi xã hội của Đảng và Nhà nước ta. Nhiệm vụ này được giao cho Ngành Tư pháp triển khai từ năm 1997 theo Quyết định số 734/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Luật TGPL lần đầu tiên được Quốc hội ban hành vào năm 2006 và qua 10 năm triển khai đã đạt được những thành quả đáng kể trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nghèo, đối tượng chính sách và các đối tượng yếu thế. Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu phát triển mới của đất nước, yêu cầu triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 và nhiều đạo luật quan trọng mới được Quốc hội ban hành, tăng cường cải cách pháp luật, cải cách tư pháp và không còn nguồn hỗ trợ kinh phí từ các dự án quốc tế, do đó đã đặt ra yêu cầu điều chỉnh thể chế để đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác TGPL.
Trong vòng hai năm từ 2015-2017, Bộ Tư pháp đã tích cực tham mưu, đề xuất Chính phủ đề nghị nghiên cứu và xây dựng Luật TGPL (sửa đổi). Tại kỳ họp thứ ba, ngày 20/6/2017, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật TGPL (sửa đổi) với tỷ lệ 100% đại biểu có mặt tán thành. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp một đạo luật được thông qua với tỷ lệ 100% đại biểu có mặt tán thành, đánh dấu mốc quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế về TGPL ở một tầm cao mới, đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; bảo đảm quyền con người, quyền công dân và quyền tiếp cận công lý của các đối tượng yếu thế và đối tượng chính sách phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đây được coi là một trong 10 sự kiện nổi bật của Ngành Tư pháp năm 2017 (theo Quyết định số 2691/QĐ-BTP ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp).
Luật có nhiều nội dung mới nổi bật như mở rộng diện người được TGPL; nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL theo hướng chuẩn hóa đội ngũ người thực hiện TGPL và đặt ra điều kiện tham gia trợ giúp pháp lý đối với các tổ chức tham gia TGPL; đa dạng hóa chủ thể cung cấp dịch vụ TGPL; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về TGPL theo hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức thực hiện TGPL của Nhà nước; nâng cao vai trò của Sở Tư pháp; tăng cường cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan đến hoạt động TGPL; xác định rõ nhiệm vụ hoạt động TGPL phải gắn với vụ việc cụ thể có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL; quy định thủ tục, trình tự yêu cầu và thực hiện TGPL đơn giản, thuận tiện, tạo điều kiện cho người được TGPL, nhất là việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp lý trong hoạt động tố tụng...
Ngay sau khi Luật TGPL được ban hành, với tư cách là cơ quan giúp Chính phủ quản lý nhà nước về TGPL, Bộ Tư pháp đã tham mưu trình Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết một số điều của Luật TGPL, đặc biệt là việc phối hợp ban hành Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT/BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 29/6/2018 đã tạo bước đột phá trong công tác phối hợp về TGPL trong hoạt động tố tụng.
Với những quy định này của Luật TGPL và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã tạo khuôn khổ pháp lý cho sự phát triển bền vững công tác TGPL theo hướng chuyên nghiệp, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước và xã hội nhằm cung cấp kịp thời dịch vụ pháp lý cho người yếu thế không có khả năng chi trả dịch vụ pháp lý và những người thuộc diện chính sách, tạo bước chuyển biến căn bản trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL. Đồng thời, tiếp tục khẳng định TGPL là một chế định pháp luật gắn với chế định bổ trợ tư pháp, xác lập trách nhiệm của Nhà nước trong bảo đảm quyền con người, quyền công dân cho nhóm đối tượng đặc biệt cần được Nhà nước và xã hội phải quan tâm giúp đỡ thông qua các hoạt động TGPL trong các vụ việc cụ thể liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL trong các vụ việc cụ thể.
2. Đổi mới hoạt động trợ giúp pháp lý theo hướng tập trung vụ việc, nhất là vụ việc tham gia tố tụng; số lượng, chất lượng vụ việc ngày càng được nâng lên, đáp ứng tốt hơn nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân
Nếu như trước đây, hoạt động trợ giúp pháp lý vẫn còn dàn trải, chưa phản ảnh rõ nét bản chất của công tác này là giúp đỡ người được trợ giúp pháp lý khi họ có vướng mắc, tranh chấp pháp luật cụ thể thì đến nay, đặc biệt là từ sau khi triển khai Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, đã có sự chuyển hướng rõ rệt trong công tác trợ giúp pháp lý, các Trung tâm trợ giúp pháp lý đã tập trung thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý, đặc biệt là các vụ việc tham gia tố tụng. Hoạt động phối hợp trợ giúp pháp lý trong tố tụng đã có nhiều chuyển biến, qua đó nguồn vụ việc tham gia tố tụng được tăng lên rõ rệt. Cụ thể, số lượng vụ việc tham gia tố tụng tăng hằng năm, cụ thể: năm 2016 là 7.807 vụ, năm 2017 là 10.058 vụ, năm 2018 là 11.860 vụ, năm 2019 là 21.244 vụ (tăng 172% so với năm 2016). Nhiều địa phương có số vụ việc tham gia tố tụng tăng mạnh, đặc biệt là nhiều tỉnh trước đây ít thực hiện các vụ việc tham gia tố tụng, nay đã tích cực thực hiện.
Đồng thời, chất lượng vụ việc TGPL ngày càng tăng lên rõ rệt. Nhiều vụ việc hiệu quả người được TGPL được tuyên mức án giảm hơn so với mức đề nghị trong cáo trạng của Viện kiểm sát hoặc được chuyển khung hình phạt nhẹ hơn hoặc sang tội nhẹ hơn hoặc được tuyên vô tội. Thông qua các vụ việc tham gia tố tụng, kỹ năng, kinh nghiệm và bản lĩnh của đội ngũ người thực hiện TGPL được nâng lên rõ rệt. Từ những kết quả từ thực tiễn trong thời gian qua đã củng cố thêm định hướng tập trung vào vụ việc TGPL, nhất là trong vụ việc tham gia tố tụng - chính là thời điểm mà người dân cần sự giúp đỡ của Nhà nước nhất là hoàn toàn đúng đắn. Từ đó đội ngũ người thực hiện TGPL nói chung và Trợ giúp viên pháp lý nói riêng đã khẳng định được vị trí, vai trò của mình, được các cơ quan tiến hành tố tụng ghi nhận và đánh giá cao.
3. Các tổ chức thực hiện TGPL ngày càng tinh gọn, hiệu quả
Trong bối cảnh thực hiện chủ trương tinh giản bộ máy và nâng cao hiệu quả chất lượng dịch vụ sự nghiệp công, ở Trung ương và địa phương đều có các giải pháp kiện toàn tổ chức bộ máy. Các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước ở các tỉnh, thành phố trên toàn quốc đã đổi mới cách thức hoạt động theo hướng tập trung nhân lực, kinh phí vào việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chính của mình. Triển khai Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, các Trung tâm trợ giúp pháp lý đều thực hiện rà soát các Chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý đã thành lập căn cứ vào nhu cầu trợ giúp pháp lý, nguồn lực thực hiện trợ giúp pháp lý và hiệu quả hoạt động. Qua đó, đã giải thể, sáp nhập một số Chi nhánh trợ giúp pháp lý không đủ nguồn lực hoặc hoạt động không hiệu quả hoặc địa phương ít nhu cầu trợ giúp pháp lý để tập trung nguồn lực cho những nơi, những hoạt động hiệu quả, thiết thực hơn. Trên toàn quốc, tính nay còn 135 Chi nhánh trợ giúp pháp lý thuộc 41 Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước các tỉnh, thành phố (giảm 66 Chi nhánh so với năm 2015). Có thể nói rằng, so với giai đoạn trước, đến nay tổ chức của Trung tâm đã tinh gọn hơn, hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý đã được nâng cao hơn.
Đồng thời, trong bối cảnh Nhà nước đang tập trung đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, trong thời gian qua lĩnh vực TGPL cũng đã thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là người được TGPL. Với số lượng thủ tục hành chính không nhiều và được phân cấp hoàn toàn về địa phương thực hiện (chủ yếu là cấp tỉnh) nên thủ tục hành chính trong lĩnh vực TGPL về cơ bản đã đáp ứng mục đích, yêu cầu Nghị quyết số 30c/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 04/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016-2020, Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 04/7/2017 của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp.
          Có thể nói, công tác TGPL trong những năm qua đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Cơ sở pháp lý cho sự phát triển bền vững của công tác TGPL đã tương đối đầy đủ, các quy định mang tính ổn định, phát triển bền vững của Luật TGPL năm 2017 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đã góp phần đưa công tác TGPL dần đi vào chiều sâu, thực chất, bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho các đối tượng yếu thế trong các vụ án hình sự, dân sự.... Các Trợ giúp viên pháp lý đã yên tâm công tác, yêu nghề, trình độ, năng lực thực hiện TGPL được nâng lên đáng kể, nhiều trợ giúp viên pháp lý đã chủ động tiếp cận nhu cầu TGPL của người dân. Hình ảnh về TGPL nói chung và trợ giúp viên pháp lý nói riêng đã được nâng lên, các cơ quan, tổ chức, cá nhân ngày càng biết nhiều hơn về TGPL, đặc biệt là các cơ quan tiến hành tố tụng đã biết và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người thực hiện TGPL và công tác TGPL./.
 Trịnh Thanh - Văn phòng Cục Trợ giúp pháp lý

Xem thêm »