Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện có khoảng 78.500 người khuyết tật (chiếm 4,2% dân số), trong đó có 07 cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho người khuyết tật với 541 người. Nhằm tạo điều kiện để người khuyết tật có cơ hội được tiếp cận với các dịch vụ công nói chung, dịch vụ trợ giúp pháp lý nói riêng một cách tốt nhất, giúp họ nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh Đắk Lắk đã và đang thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí cho các đối tượng là người khuyết tật sinh sống tại địa bàn tỉnh chủ yếu là thông qua các hình thức tư vấn pháp luật và tham gia tố tụng bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người khuyết tật.
Theo thống kê của đơn vị, trong 05 năm qua (từ tháng 1/2011 cho đến tháng 6/2015) Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh Đắk Lắk đã thụ lý và thực hiện khoảng 7.000 vụ việc cho 7.000 lượt người thuộc các lĩnh vực hình sự, dân sự, đất đai, chính sách ưu đãi, hôn nhân và gia đình, …Trong đó, Trung tâm đã thụ lý 67 vụ việc cho người khuyết tật, với 59 vụ tư vấn pháp luật và 08 vụ tham gia tố tụng. Riêng 06 tháng đầu năm 2015, Trung tâm đã thụ lý và thực hiện 20 vụ việc cho người khuyết tật nhiều hơn 18 vụ việc so với năm đầu tiên Luật Người khuyết tật có hiệu lực và hơn 07 vụ việc so với cả năm 2014.
Bên cạnh việc tư vấn trực tiếp tại trụ sở, tư vấn bằng văn bản cũng như tham gia tố tụng; Trung tâm đã phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức các đợt trợ giúp pháp lý tại các xã có nhiều đối tượng là người khuyết tật. Tại các đợt trợ giúp pháp lý lưu động, các Trợ giúp viên pháp lý đã trực tiếp tư vấn, giải đáp các vướng mắc pháp luật về chính sách trợ giúp pháp lý, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hôn nhân và gia đình … theo các quy định của pháp luật Việt Nam cũng như các Công ước quốc tế cho hàng chục người khuyết tật.
Để tạo cơ hội thuận lợi cho người khuyết tật tiếp cận pháp luật, tại các đợt trợ giúp pháp lý lưu động, các đợt sinh hoạt Câu lạc bộ, Trung tâm đã lồng ghép tuyên truyền và phát hàng ngàn tờ gấp pháp luật về các chuyên đề có nội dung thuộc các lĩnh vực như: chính sách ưu đãi cho người khuyết tật, bình đẳng giới, đất đai, hôn nhân gia đình, hình sự…
Bên cạnh đó, Trung tâm cũng xây dựng và lắp đặt Bảng thông tin về trợ giúp pháp lý tại 07 cơ sở người khuyết tật trên địa bàn tỉnh (các Hội Người khuyết tật, cơ sở Bảo trợ xã hội, Trung tâm Hỗ trợ giáo dục hòa nhập phát triển trẻ khuyết tật…).
Như vậy, mặc dù kinh phí trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật còn hạn chế nhưng trong 05 năm qua, hoạt động trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật tại tỉnh Đắk Lắk đã đạt được kết quả nhất định, góp phần đưa pháp luật đến với người khuyết tật, tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật được tiếp cận về chính sách trợ giúp pháp lý./.
Tin, ảnh: Thu Hương