Mô hình trợ giúp pháp lý ở Israel được chia làm hai hệ thống: Văn phòng Luật sư công giải quyết các vụ việc trợ giúp pháp lý trong lĩnh vực tố tụng hình sự, song song với nó là hệ thống trợ giúp pháp lý dân sự giải quyết các vụ việc thuộc lĩnh vực hôn nhân gia đình, phúc lợi xã hội và các lĩnh vực có liên quan. Cả hai hệ thống này đều thuộc sự quản lý của Bộ Tư pháp và Bộ Tư pháp theo dõi hoạt động của toàn bộ hệ thống. Về mặt hành chính, Văn phòng Luật sư công và hệ thống trợ giúp pháp lý dân sự thuộc quyền quản lý của hai bộ phận độc lập của Bộ Tư pháp. Mỗi hệ thống nhận nguồn kinh phí độc lập từ Bộ Tư pháp
I. Giới thiệu Trợ giúp pháp lý trong lĩnh vực dân sự được hình thành từ năm 1973, trước khi Bộ trưởng Bộ Tư pháp điều hành 3 Văn phòng trợ giúp pháp lý theo mệnh lệnh hành chính. Những Văn phòng này trợ giúp pháp lý cho người nghèo theo quy tắc và hướng dẫn của Tổng chưởng lý. Tuy nhiên, từ khi thành lập, sự tồn tại của các Văn phòng không dựa trên cơ sở của các văn bản pháp luật, sự trợ giúp được thực hiện trên cơ sở lòng nhân đạo không bắt buộc và không phải là việc thực hiện nguyên tắc có tính bắt buộc là người nghèo có quyền chính đáng được nhận trợ giúp pháp lý. Ngoài ra, hoạt động trợ giúp pháp lý gần như không đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của người dân. Năm 1970, Bộ trưởng Bộ Tư pháp chỉ định một Hội đồng do một quan chức Toà án tối cao điều hành để kiểm tra việc mở rộng và nâng cao hiệu quả dịch vụ trợ giúp pháp lý. Hội đồng gợi ý nên ban hành một đạo luật cho phép Bộ trưởng Bộ Tư pháp thành lập Văn phòng trợ giúp pháp lý và quy định cách thức làm việc, phạm vi trợ giúp pháp lý, điều kiện trợ giúp pháp lý. Sáng kiến này dẫn tới việc ban hành Luật Trợ giúp pháp lý năm 1972 và tiếp theo đó là hướng dẫn năm 1973. Văn phòng Luật sư công được thành lập vào năm 1995 theo Luật về Luật sư công. Việc thành lập Văn phòng Luật sư công là đỉnh cao của sự cố gắng của các nhân viên bộ máy tư pháp và Nghị viện cùng các thành viên của tổ chức pháp lý và cơ sở đào tạo. Dự án bắt đầu với một số hoạt động vào đầu những năm 1980 và có ảnh hưởng sâu rộng vào đầu những năm 1990. Trước khi thành lập Văn phòng Luật sư công, dưới 20% người bị giam giữ trước khi xét xử và khoảng 30% bị cáo trước toà có luật sư đại diện. Ngày nay, trung bình có 70% người bị giam giữ trước khi xét xử và gần 60% bị cáo trong tố tụng hình sự được luật sư bào chữa. Điều kiện để được nhận trợ giúp pháp lý gần đây cũng đã được mở rộng.
II. Điều kiện nhận trợ giúp pháp lý1. Trong lĩnh vực hình sự Điều kiện để nhận trợ giúp pháp lý trong lĩnh vực hình sự được cụ thể trong Luật về Luật sư công năm 1995 và các hướng dẫn có liên quan. Có sự tương quan giữa việc cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý và tính nghiêm trọng của tội phạm mà bị cáo phạm phải. Có 3 loại cơ bản để xác định điều kiện trợ giúp pháp lý:Thứ nhất, Việc chỉ định luật sư là bắt buộc, khi không chỉ định trợ giúp pháp lý sẽ phải huỷ bỏ quá trình tố tụng, áp dụng trong một số trường hợp sau: - Bị cáo phạm tội nghiêm trọng có thể bị kết án tử hình, tù chung thân hoặc thời hạn tù nhiều năm; - Bị cáo có nhược điểm về thể chất hoặc tinh thần/người bị giam giữ trước khi xét xử; - Bị cáo được kiến nghị để điều tra thêm.Thứ hai, việc chỉ định luật sư là quyền lợi, tùy thuộc vào yêu cầu của người bị giam giữ hay bị cáo; nếu không chỉ định luật sư thì không nhất thiết phải hủy bỏ quá trình tố tụng. - Bị cáo bị kết tội ít nghiêm trọng hơn và có đủ điều kiện về kinh tế để nhận trợ giúp. - Trẻ em bị truy tố bất cứ tội gì kể cả vi phạm luật giao thông. - Người bị giam giữ trước khi xét xử bất cứ tội gì với điều kiện đáp ứng điều kiện trợ giúp về mặt tài chính.Thứ ba, có thể chỉ định luật sư đột xuất cho những người không có đủ điều kiện nêu trên nếu tòa án nhất trí rằng việc chỉ định ấy là cần thiết để tránh xét xử oan sai và bị cáo không có đủ điều kiện tài chính để thuê luật sư tư, hoặc trong bất kỳ trường hợp nào mà công lý đòi hỏi.
2. Trợ giúp pháp lý trong lĩnh vực dân sự Điều kiện để nhận sự trợ giúp trong lĩnh vực dân sự được quy định cụ thể trong Luật Trợ giúp dân sự năm 1972 và những hướng dẫn liên quan. Trước hết, trợ giúp được cung cấp cho những loại yêu cầu sau: - Hôn nhân gia đình; - Quyền của chủ nhà cho thuê và người đi thuê, đuổi người thuê ra khỏi nhà; - Lĩnh vực tiền tệ, bao gồm cả những thiệt hại, loại trừ lĩnh vực thuế theo quy định tại luật thuế được cụ thể trong những hướng dẫn; - Lĩnh vực lao động trong trường hợp tòa lao động có thẩm quyền, trừ lĩnh vực hình sự; - Bảo hiểm xã hội (quyền nhận lương hưu, quyền tái phục hồi chức năng của người tàn tật…); - Những vấn đề liên quan đến quyền của quân nhân khi xuất ngũ; - Những việc liên quan đến luật về quyền hồi hương, quyền công dân và đăng ký hộ khẩu; - Kinh doanh và giấy phép kinh doanh. Ngoài ra, một người có đủ điều kiện nhận trợ giúp hay không còn phụ thuộc vào việc kiểm tra điều kiện, việc kiểm tra có thể dẫn đến việc người nộp đơn bị từ chối trợ giúp pháp lý trong những trường hợp sau: - Nhận thấy rằng vụ việc không thiết thực hoặc không quan trọng; - Vụ việc của khách hàng thiếu căn cứ; - Yêu cầu trợ giúp thiếu căn cứ pháp luật, căn cứ thực tế hoặc chứng cứ. Theo một hướng dẫn nội bộ của Văn phòng trợ giúp dân sự thì người nộp đơn xin trợ giúp phải là công dân Israel hoặc người thường trú ở nước này. Ngoài ra, Bộ luật do Nghị viện thông qua vào tháng 3/2004 quy định những bệnh nhân tâm thần bị đưa vào bệnh viện thì được trợ giúp cả trong lĩnh vực hình sự và dân sự trong suốt quá trình tiến hành thủ tục tống giam, không kể đến điều kiện kinh tế của họ. Cho đến nay những bệnh nhân này luôn luôn thiếu khả năng để tự bảo vệ bản thân mình trước một hội đồng xét duyệt nhằm kéo dài thời hạn họ phải ở bệnh viện, Hội đồng này không cho phép họ được lên tiếng về việc kéo dài đó. Sự phát triển gần đây cho phép bệnh nhân tâm thần được luật sư công hay luật sư trợ giúp pháp lý dân sự bảo vệ trước hội đồng đó, giúp họ bảo vệ sự tự do của mình. Quy định này sẽ tiếp tục được thực hiện đến năm 2007.
3. Điều kiện về tài chính và sự đóng góp của khách hàng Cả trợ giúp pháp lý trong lĩnh vực hình sự và dân sự đều được cung cấp miễn phí cho khách hàng và gia đình có tối đa là 3 thành viên mà có thu nhập thấp hơn 67% mức thu nhập bình quân đầu người trong nước. Mức thu nhập bình quân do Cục thống kê quy định, khoảng 800 USD - và người có tài sản trị giá thấp hơn 4000 USD không kể nhà ở. Việc trợ giúp phụ thuộc vào mức đóng góp cố định của khách hàng theo lương của họ. Tuy nhiên, khách hàng thường được Giám đốc cơ quan trợ giúp pháp lý hình sự quyết định cho miễn chi phí trợ giúp. Trong vụ việc hình sự do cơ quan luật sư công quốc gia hoặc toà án quyết định. Trong những trường hợp khẩn cấp, những đối tượng yêu cầu trợ giúp pháp lý về việc trả tiền cấp dưỡng sau ly hôn hay giám hộ trẻ em thì việc đóng góp chi phí được hoãn lại. Thực tế, khách hàng thường không đóng góp chi phí vì không có thủ tục chính thức để thu và bảo đảm việc đóng góp. Ngoài ra, phí này không áp dụng cho một số đối tượng nhất định, như là người chưa thành niên, người bị giam giữ hoặc bị cáo bị bắt hay bị đi tù.
III. Phạm vi trợ giúp pháp lý Trợ giúp pháp lý được thực hiện cả trong lĩnh vực hình sự và dân sự bao gồm, tư vấn pháp luật và soạn thảo các tài liệu pháp lý, đại diện, bào chữa ở các tòa và thanh toán các chi phí trong tiến trình xét xử như là thù lao cho nhân chứng, dịch tài liệu. Phụ cấp bị giới hạn trong tổng kinh phí cố định. Trong lĩnh vực hình sự, trợ giúp pháp lý giúp khách hàng nhận được sự giúp đỡ chuyên nghiệp trong suốt quá trình tố tụng, bắt đầu từ giai đoạn giam giữ để điều tra và tiếp theo với việc đại diện…. Kiến nghị để yêu cầu điều tra thêm, tại phiên tòa và kháng cáo sau khi bị kết tội và kiến nghị xét xử lại.
IV. Chế độ chính sách đối với người cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý1. Trong lĩnh vực hình sự Mô hình hỗn hợp trợ giúp pháp lý trong lĩnh vực hình sự có 3 loại người cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý. Loại thứ nhất là những luật sư được tuyển dụng là thành viên của một trong 5 Văn phòng luật sư công cấp quận và thực hiện dịch vụ trợ giúp pháp lý theo vụ việc do luật sư công cấp quận phân công. Ngoài ra, mỗi Văn phòng cấp quận có danh sách các luật sư tư thuê bên ngoài được chỉ định để đại diện cho bị cáo và do luật sư là thành viên của Văn phòng giám sát. Để tiết kiệm chi phí đại diện, bào chữa một hệ thống làm việc bán hợp đồng mới được thiết lập, theo hệ thống này việc giải quyết vụ việc sẽ chuyển đến cho luật sư trên cơ sở hợp đồng tổng thể. Theo mô hình này luật sư nhất trí nhận đại diện, bào chữa một số lượng vụ việc nhất định với tổng số tiền được ấn định. Việc đại diện, bào chữa này gồm tất cả các thủ tục và công việc để giải quyết vụ việc. Lương trả cho luật sư công là thành viên Văn phòng do Ủy ban dịch vụ dân sự và Ủy ban tiền lương Bộ Tài chính quyết định khi thiết lập hệ thống này. Nó có quy tắc và không thể thay đổi tùy tiện. Cách trả lương cho luật sư thuê ngoài do Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính quyết định có tham khảo ý kiến của Đoàn Luật sư và được các Ủy ban liên quan của Nghị viện thông qua. Mỗi Trưởng Văn phòng luật sư công cấp quận có phương thức trả lương thích hợp. Về cơ bản, cơ sở của việc trả lương cho luật sư thuê ngoài là dựa trên cách tính kết hợp cả vụ việc và số lần tham gia phiên xét xử của tòa án. Theo hệ thống này, một luật sư giải quyết một vụ việc sẽ nhận được tổng số tiền được ấn định sẵn cho cả việc chuẩn bị và việc tham gia phiên tòa. Tổng số tiền được ấn định dựa trên loại vi phạm pháp luật. Ngoài ra, luật sư sẽ nhận được một khoản không đáng kể cho mỗi lần tham gia phiên tòa bổ sung. Lương của luật sư theo vụ việc được xác định theo những yếu tố khác nhau: - Cấp tòa án mà bị cáo bị đưa ra xét xử (tòa án địa phương, tòa quận hoặc tòa tối cao) và tính nghiêm trọng của vi phạm; - Quy mô của các tài liệu pháp luật; bản yêu cầu, đơn từ, bản luận cứ tranh tụng…; - Các công việc có tính chất chuẩn bị của luật sư trước khi diễn ra phiên tòa (có thể chỉ là công việc chuẩn bị nếu vụ việc không được đưa ra xét xử tại tòa án); - Các thủ tục liên quan: bắt giam, nộp tiền bảo lãnh, giam giữ cho đến khi hoàn tất thủ tục tố tụng, kháng cáo quyết định hay bản án…; - Nhiệm vụ luân phiên tại tòa án hay ngoài toà án, nhiệm vụ này được chia sẻ giữa các luật sư thuê ngoài, những người được trả lương theo giờ; - Chi phí gặp gỡ và thời gian đi lại; - Phụ phí hoặc phí cho những thủ tục không thường xuyên được trả cho những vụ việc khó/quan trọng khác hoặc những công việc đòi hỏi nhiều thao tác; chi phí này có thể cần được sự thông qua của Luật sư công Nhà nước hoặc Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Luật sư công là thành viên của Văn phòng luật sư công được tuyển dụng qua mô hình hợp đồng trả lương theo giờ, với tổng thời gian làm việc là 210 giờ/tháng như hợp đồng tư nhân. Lương bao gồm chi phí trả cho thời gian đi lại, cước điện thoại, gặp gỡ người đang bị giam giữ/phương tiện điều tra bổ sung. Chi phí đột xuất như vé đi lại cũng được hoàn trả.
2. Trong lĩnh vực dân sự Trợ giúp trong lĩnh vực dân sự được thực hiện thông qua mô hình hỗn hợp – đội ngũ luật sư thành viên được tuyển dụng cho từng Văn phòng trong số 5 Văn phòng trợ giúp pháp lý dân sự. Mỗi Giám đốc có danh sách các luật sư thuê bên ngoài, gọi là luật sư trả tiền trước, những người này được chỉ định để đại diện, bào chữa cho khách hàng. Công việc của luật sư trợ giúp pháp lý thành viên của Văn phòng khác với luật sư tư. Luật sư là thành viên xem xét điều kiện tài chính và tính xứng đáng của vụ việc còn luật sư tư thì được chỉ định để đại diện, bào chữa cho khách hàng ở các giai đoạn tố tụng khác nhau. Lương tháng cố định của luật sư thành viên Văn phòng trợ giúp pháp lý do Ủy ban Dịch vụ dân sự và Ủy ban Tiền lương Bộ Tài chính quyết định trên cơ sở trả một lần. Kinh nghiệm làm việc, nhiệm kỳ làm việc và các kết quả nghiên cứu là những yếu tố cần quan tâm khi xem xét, quyết định lương của một người. Lương của các luật sư trợ giúp pháp lý dân sự thuê ngoài được quy định trong các hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và Bộ Phúc lợi có sự tham gia ý kiến của Đoàn Luật sư và các Ủy ban có liên quan của Nghị viện thông qua. Mỗi Trưởng Văn phòng trợ giúp pháp lý dân sự cấp huyện theo dõi và quyết định việc trả lương cụ thể. Lương được quyết định dựa trên một số yếu tố sau: - Tòa án xét xử: Tòa lao động, Tòa án gia đình, Tòa án Do thái hay Tòa án Hành pháp; - Cấp tòa án; tòa án địa phương, tòa án quận hay tòa án tối cao, và cấp tòa án của loại tòa án khi có liên quan; - Các công việc chuẩn bị do luật sư thực hiện trước khi xét xử (có thể chỉ là công việc chuẩn bị nếu vụ việc không được đưa ra xét xử); - Các thủ tục có liên quan; - Thăm khách hàng, gặp gỡ và cố vấn, soạn thảo tài liệu pháp luật/thư/bản yêu cầu nhân danh khách hàng.
V. Quản lý chất lượng của hoạt động trợ giúp pháp lý Bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp của luật sư hướng dẫn cách ứng xử chung của luật sư. Những quy tắc này được quy định trong các đạo luật và hướng dẫn của Đoàn Luật sư. Đoàn Luật sư có quyền giải quyết những vi phạm quy tắc bằng một cơ quan kỷ luật nội bộ, cơ quan này do các thành viên của Đoàn luật sư bầu ra. Ngoài ra, những luật sư thành viên của Văn phòng là công chức dân sự. Họ là đối tượng điều chỉnh của Bộ luật dịch vụ dân sự năm 1970. Việc vi phạm Bộ luật này có thể bị kỷ luật, từ khiển trách đến khiếu kiện chính thức và bị đưa ra xét xử tại Toà án kỷ luật dịch vụ dân sự. Một hệ thống phức tạp hơn được Văn phòng luật sư công thiết lập để giúp các luật sư là thành viên của Văn phòng giám sát nhiệm vụ của các luật sư thuê ngoài. Kinh nghiệm và kỹ năng của luật sư tư và loại vụ việc có liên quan sẽ quyết định mức độ giám sát. Hệ thống này bao gồm: - Giám sát trong quá trình giải quyết vụ việc; 2 tuần sau khi được chỉ định luật sư thuê ngoài đệ trình cho luật sư công thành viên của Văn phòng chịu trách nhiệm giám sát vụ việc bản báo cáo về vụ việc. Bản báo cáo gồm những nội dung cơ bản của vụ việc, những thủ tục cần thiết - triệu tập nhân chứng, tính khả thi hay không khả thi của bản bào chữa, thương lượng với công tố viên, cảnh sát và những câu hỏi pháp luật; - Xém xét và thông qua các kháng cáo; - Đánh giá việc hủy bỏ vụ án. Luật sư trợ giúp pháp lý dân sự được giám sát thông qua những phương tiện sau: - Trên cơ sở nhận lương họ có nghĩa vụ đệ trình báo cáo chi tiết về diễn biến vụ việc, đây được coi là phương pháp giám sát; - Giám sát do nhân viên hành chính thực hiện; - Kiểm tra chung các vụ việc và luật sư do Giám đốc Văn phòng cấp quận thực hiện với sự lưu ý, đặc biệt đối với những luật sư mới và những vụ việc phức tạp. Ngoài những phương tiện giám sát chung, luật sư của Văn phòng Luật sư công và Văn phòng trợ giúp pháp lý dân sự còn phải tham gia các khóa tập huấn. Luật sư công quốc gia và Giám đốc Văn phòng trợ giúp pháp lý dân sự giám sát các khóa tập huấn này và chịu trách nhiệm về trình độ chuyên môn của tất cả các luật sư công và luật sư trợ giúp pháp lý dân sự. Hai khóa tập huấn độc lập được tổ chức cho luật sư thành viên và luật sư tư. Trong khi những luật sư thành viên có trách nhiệm tham gia các khóa tập huấn thì những luật sư tư có quyền lựa chọn. Những khóa tập huấn như thế này có tính bắt buộc đối với những luật sư muốn tham gia thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý tại tòa án.
VI. Tài chính và quản lý Xuất phát từ những khó khăn về tài chính Văn phòng Luật sư công đã chấp thuận những phương cách cứng rắn để quản lý tài chính. Một trong những khó khăn liên quan đến kế hoạch tài chính là thủ tục hình sự do cảnh sát và Viện Kiểm sát tiến hành, do đó, khả năng giảm thiểu trợ giúp pháp lý hình sự là vô cùng hạn chế. Việc này dẫn đến những khó khăn trong việc dự tính chi phí hàng năm của Văn phòng Luật sư công. Để giải quyết khó khăn này, một hệ thống tính toán chi phí đã được giới thiệu. Hệ thống này cho phép Văn phòng luật sư công dự đoán trước chi phí hàng năm. Vào từng thời điểm Văn phòng có thể tính toán tổng chi phí của văn phòng vào cuối năm. Kinh nghiệm áp dụng hệ thống này hai năm qua chứng minh rằng việc tính toán là rất chính xác. Phương pháp này được gợi ý áp dụng cho các hệ thống khác gặp khó khăn về tài chính. Hệ thống này giúp cả Văn phòng luật sư công quốc gia và các cơ quan Chính phủ cấp tiền cho Văn phòng giám sát ngân sách hàng năm của Văn phòng và điều chỉnh ngân sách trong năm. Một vấn đề đáng quan tâm đối với hệ thống này ở Israel là cơ cấu tổ chức của Văn phòng luật sư công. Thực tế là Văn phòng luật sư công quốc gia thuộc quyền quản lý về mặt hành chính của cả Tổng chưởng lý và Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Việc này có nguy cơ và đôi khi xảy ra xích mích. Để giải quyết khó khăn này Hội đồng Luật sư công được thành lập để giám sát hoạt động của Văn phòng luật sư công và bảo đảm tính độc lập của tổ chức này. Tuy nhiên, Hội đồng không quyết định chính sách tài chính và chính sách chung của Văn phòng. Hoạt động của Văn phòng thực tế chỉ là một cơ quan bán độc lập của Bộ Tư pháp và các cơ quan Chính phủ khác được ủy quyền quyết định những chính sách này. Hội đồng không có nhân viên làm việc thường xuyên để theo dõi hoạt động của Văn phòng luật sư công, thu thập thông tin hay chuẩn bị các cuộc họp. Báo cáo hàng năm do luật sư công quốc gia gửi lên Hội đồng và Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét là nguồn thông tin chính thức duy nhất liên quan đến hoạt động của Văn phòng luật sư công. Sự phối hợp giữa các cơ quan chính phủ, đặc biệt là giữa Bộ Tài chính và Văn phòng luật sư công còn chưa chặt chẽ; từ khi Bộ Tài chính có quyền trong việc quyết định chính sách của Văn phòng luật sư công liên quan đến điều kiện được đại diện, bào chữa và mức thù lao cho luật sư, số khách hàng thụ hưởng dịch vụ của Văn phòng luật sư công đã giảm. Ngoài ra, mặc dù luật sư công quốc gia không phải là do quan chức chính trị bầu ra nhưng lại phụ thuộc vào Bộ trưởng, người là biểu tượng chính trị và có khả năng dẫn đến ảnh hưởng đối với quyết định chuyên môn. Mặc dù những cố gắng của các quan chức để gây ảnh hưởng đối với luật sư công quốc gia đến nay hầu như chưa thành công nhưng mối quan hệ này đã tạo ra những bất lợi về mặt tổ chức, hạn chế Văn phòng luật sư công tự đại diện cho mình trong các thủ tục tư pháp, hành pháp và lập pháp. Một vấn đề tương tự và không kém phần nghiêm trọng cũng tồn tại trong hệ thống trợ giúp pháp lý dân sự, đó là kể từ khi được chính thức coi là một đơn vị thuộc Bộ Tư pháp nhưng không có một sự độc lập nào. Khó khăn này được thể hiện trong những nỗ lực thu hẹp chi tiêu của Hệ thống trợ giúp pháp lý dân sự bằng việc cắt giảm thù lao cho luật sư và quy định những điều kiện để được trợ giúp pháp lý khắt khe hơn. Những khó khăn về tài chính phải đối mặt trong vài năm trước đây và nhu cầu hạn chế ngân sách Nhà nước hàng năm đã làm nổi bật nhu cầu thành lập một cơ quan độc lập và trung gian giám sát hệ thống trợ giúp pháp lý và đại diện cho các cơ quan này trước cơ quan hành pháp và lập pháp.
VII. Một số đề xuất từ kinh nghiệm hoạt động của Israel 1. Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng trước khi mở rộng đối tượng được trợ giúp pháp lý cần tiến hành nghiên cứu nhu cầu trợ giúp pháp lý cơ bản, xác định số người có đủ điều kiện nhận trợ giúp pháp lý trong lĩnh vực hình sự và dân sự khi cải cách hệ thống trợ giúp pháp lý. Kết quả nghiên cứu sẽ giúp dự đoán khối lượng công việc mà hệ thống cần phải gánh vác và ngân sách hàng năm để trang trải các chi phí. Việc này có thể dựa trên kinh nghiệm của Văn phòng luật sư công hiện nay. 2. Cân nhắc về phương pháp tối ưu để quản lý hệ thống trợ giúp pháp lý ở tất cả các cấp bảo đảm cho cán bộ trợ giúp pháp lý cung cấp dịch vụ thích hợp với chi phí thấp nhất. 3. Để bảo đảm cho tính chuyên nghiệp và nhiệt huyết của việc bào chữa trong cộng đồng trợ giúp pháp lý thì việc sửa đổi những hướng dẫn cho công tác đại diện, bào chữa là vô cùng quan trọng. Một công cụ hữu ích trong lĩnh vực này là bộ tài liệu do chuyên gia pháp luật và các luật sư hàng đầu biên soạn trong từng "túi thông tin", túi này bao gồm những đạo luật có liên quan, hướng dẫn, bản bào chữa mẫu, như bản tóm tắt hồ sơ của luật sư, bản kiến nghị, mẫu các tài liệu chuẩn và các thông tin có liên quan khác để khởi kiện trong từng lĩnh vực pháp luật cụ thể. 4. Các tiêu chí để giám sát chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý phải được xác định. Việc này bao gồm những cách để bảo đảm đáp ứng những đòi hỏi về thủ tục trong từng lĩnh vực pháp luật và việc khởi kiện cũng như các phương tiện để kiểm tra cách thức tiến hành mà người thực hiện trợ giúp giải quyết vụ việc. 5. Chúng tôi cho rằng các khoá tập huấn hiện có cho cán bộ trợ giúp pháp lý phải được tiến hành có sự hợp tác của những luật sư tư, những chuyên gia pháp luật ngoài hệ thống trợ giúp pháp lý sẽ cung cấp kinh nghiệm và kiến thức của họ để giúp tăng cường chất lượng của dịch vụ.
- Phan Hà -