Bà Rịa – Vũng Tàu: công tác TGPL có nhiều chuyển biến, từ nhận thức đến những kết quả cụ thể

02/08/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Chiều 1/8, tiếp tục chương trình làm việc tại Bà Rịa – Vũng tàu, Đoàn kiểm tra liên ngành về công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Dự buổi làm việc có ông Nguyễn Thanh Tịnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông  Hồ Văn Hùng, Giám đốc Sở Tư pháp, lãnh đạo một số ban ngành trong tỉnh cùng các thành viên trong hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.  Đoàn kiểm tra đã nghe bà Lê Thị Thúy  – Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đại diện Hội đồng phối hợp liên ngành báo cáo kết quả thực hiện công tác trợ giúp pháp lý. Ngay sau khi Thông tư liên tịch số 10 có hiệu lực, hội đồng phối hợp liên ngành tỉnh ban hành các Quyết định về việc kiện toàn công tác phối hợp trong hoạt động tố tụng trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Qua đó, các thành viên Hội đồng và tổ giúp việc chỉ đạo, hướng dẫn ngành mình thực hiện các nội dung quy định tại Thông tư liên tịch số 10. Các cơ quan tiến hành tố tụng, trại tạm giam, nhà tạm giữ, người có thẩm quyền của cơ sở giam giữ phối hợp thực hiện các hoạt động thông báo, thông tin về trợ giúp pháp lý theo Mẫu kèm theo Thông tư liên tịch số 10; và các hoạt động khác quy định tại Thông tư liên tịch số 10. Tính từ ngày 01/09/2018 đến ngày 30/06/2019 có 120 vụ việc được trợ giúp pháp lý. Trong đó trợ giúp viên pháp lý thực hiện 68 vụ, chiếm tỷ lệ 56,7%. Luật sư thực hiện 52 vụ chiếm 43,3%. Số vụ việc do cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu: 100 vụ chiếm tỷ lệ 83,3%, còn lại do người trợ giúp pháp lý yêu cầu 20 vụ chiếm tỷ lệ 16,7%.  Bên cạnh một số cơ quan, người tiến hành tố tụng đã thực hiện tốt công tác thì vẫn còn một số trường hợp giải thích chưa cụ thể, rõ ràng, đầy đủ theo quy định, một số cơ quan chưa thể hiện trong biên bản lưu giữ tại hồ sơ. Các trường hợp được cơ quan tố tụng giới thiệu phần lớn ở lĩnh vực hình sự. Riêng đối tượng là nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong các vụ án thuộc lĩnh vực dân sự, hành chính, lao động mà thuộc diện người được trợ giúp pháp lý mặc dù có tăng so với các năm trước nhưng vẫn còn một số trường hợp bỏ sót, chưa tiếp cận được với dịch vụ TGPL miễn phí này. Kết thúc buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc ghi nhận ý kiến của lãnh đạo địa phương. Đại diện đoàn kiểm tra nhận thấy công tác này có nhiều chuyển biến, từ nhận thức đến những kết quả cụ thể. Bên cạnh đó, về số lượng có tăng nhưng so tỉ lệ với tổng số thì vẫn rất hạn chế, vẫn còn nhiều đối tượng chưa được quan tâm. Một số ngành triển khai không đồng đều, chưa nắm được số lượng người được trợ giúp pháp lý cụ thể. Thứ trưởng mong muốn, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành cùng quan tâm đến công tác trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, đảm bảo quyền lợi cho người được trợ giúp pháp lý. Bởi kết quả công tác này sẽ góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, phát triển kinh tế gắn liền với an dân. Đoàn kiểm tra cũng kiến nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu tiếp tục quan tâm chỉ đạo đối với công tác để tạo sự đồng bộ, sâu rộng, tích cực tuyên truyền hướng vào các nhóm cụ thể. Đối với Sở Tư pháp cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao năng lực trợ giúp pháp lý, sàng lọc đội ngũ, ứng dụng công nghệ thông tin... Riêng đối với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước là hạt nhân của hoạt động, Đoàn kiểm tra mong muốn Trung tâm nỗ lực hơn nữa trong chủ động kết nối với các đối tượng thay vì thụ động chờ đợi.  Cuối buổi làm việc, ông Nguyễn Thanh Tịnh - Phó Chủ tịch UBND Bà Rịa Vũng Tàu ghi nhận ý kiến Đoàn kiểm tra và cam kết tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng đạt nhiều kết quả hơn nữa.

Nguồn: https://moj.gov.vn

Xem thêm »