Thực hiện Luật TGPL 2017, Quyết định số 1019/QĐ-TTg ngày 05/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 – 2020 (sau đây viết tắt là Quyết định số 1019/QĐ-TTg), Quyết định số 1100/QĐ-TTg ngày 21/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của người khuyết tật (sau đây viết tắt là Quyết định số 1100/QĐ-TTg), ngày 31/12/2019 Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính năm 2020 (kèm theo Quyết định số 3222 /QĐ-BTP ngày 31/12/2019).
Việc ban hành Kế hoạch nhằm thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính, bảo đảm 100% người khuyết tật có khó khăn về tài chính được trợ giúp pháp lý khi có yêu cầu; tiếp tục các hoạt động truyền thông và tăng cường năng lực thực hiện trợ giúp pháp lý cho người thực hiện trợ giúp pháp lý nhằm nâng cao số lượng và chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính; đánh giá lại kết quả thực hiện trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật giai đoạn 2012- 2020 và nghiên cứu, đề xuất cho các hoạt động trợ giúp pháp lý cho giai đoạn 2021-2030. Các hoạt động tập trung vào các nội dung sau:
- Theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính; khảo sát, kiểm tra đánh giá kết quả thực hiện trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật giai đoạn 2012-2020. Trong đó đề ra 03 hoạt động cụ thể gồm: (1) Theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; (2) Tổ chức các đoàn khảo sát, kiểm tra đánh giá kết quả thực hiện trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật giai đoạn 2012-2020; (3) Tổ chức Hội thảo/tọa đàm về kết quả thực hiện trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật thuộc diện được trợ giúp pháp lý giai đoạn 2012 -2020 và đề xuất nâng cao hiệu quả trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật trong thời gian tới.
- Truyền thông về quyền trợ giúp pháp lý của người khuyết tật có khó khăn về tài chính trên các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức truyền thông khác (Bảng thông tin về trợ giúp pháp lý, Tờ thông tin về trợ giúp pháp lý, Hộp tin trợ giúp pháp lý, tờ gấp pháp luật, băng ghi âm, đĩa ghi âm, USB hoặc phương tiện khác có chứa nội dung thông tin về trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính,..) phù hợp với các dạng tật của người khuyết tật, đặc biệt trong dịp kỷ niệm ngày Người khuyết tật Việt Nam (18/4) và ngày Người khuyết tật thế giới (3/12) để nâng cao nhận thức về quyền được trợ giúp pháp lý của người khuyết tật có khó khăn về tài chính.
- Thực hiện trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính. Trong đó, đề ra 02 hoạt động: (1) Tăng cường phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ sở giam giữ và trại giam, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, Hội người khuyết tật, các cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở kinh doanh, các tổ chức khác của người khuyết tật để phát hiện nhu cầu trợ giúp pháp lý và giới thiệu người khuyết tật có khó khăn về tài chính đến Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước khi họ có yêu cầu trợ giúp pháp lý; (2) Thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính, đảm bảo 100% người khuyết tật có khó khăn về tài chính được trợ giúp pháp lý khi có yêu cầu.
- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính (cụ thể từng dạng tật) đối với đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý./.
Thanh Hà, Cục Trợ giúp pháp lý