Một số vấn đề về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng

12/03/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Mặc dù, Luật Trợ giúp pháp lý ra đời từ năm 2006 và lãnh đạo liên ngành gồm tư pháp, tài chính, công an, quốc phòng, kiểm sát, tòa án đã thống nhất hướng dẫn áp dụng một số quy định về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tại Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT-BTP-BTC-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 4/7/2013, tuy nhiên trong quá trình triển khai các hoạt động trợ giúp pháp lý trong tố tụng vẫn còn một số vấn đề vướng mắc, do đó bài viết tổng hợp các nội dung nhận được trong hoạt động quản lý để các Hội đồng phối hợp liên ngành địa phương thống nhất triển khai thực hiện.

1.Vị trí pháp lý, quyền và nghĩa vụ của Trợ giúp viên pháp lý khi tham gia tố tụng
Căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 56 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (“Người bào chữa có thể là: a) Luật sư; b) Người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo…”); điểm b khoản 3 Điều 21 Luật Trợ giúp pháp lý (“Trợ giúp viên pháp lý thực hiện trợ giúp pháp lý bằng các hình thức sau đây: a) Tư vấn pháp luật; b) Tham gia tố tụng với tư cách người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo để thực hiện việc bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự trong vụ án hình sự…”; khoản 1 Điều 29 Luật Trợ giúp pháp lý (“Trợ giúp pháp lý, Luật sư tham gia tố tụng hình sự để bào chữa cho người được trợ giúp pháp lý là người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc để bảo vệ quyền lợi của người được trợ giúp pháp lý là người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự”), khẳng định Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng hình sự với tư cách người đại diện hợp pháp để bào chữa cho người được trợ giúp pháp lý là người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc để bảo vệ quyền lợi của người được trợ giúp pháp lý ở người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự.
Tại Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT-BTP-BCA-BTC-BQP-TANDTC-VKSNDTC hướng dẫn thực hiện một số quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng đã quy định trách nhiệm của người thực hiện trợ giúp pháp lý khi tham gia tố tụng “khi tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự trong vụ án hình sự… người thực hiện trợ giúp pháp lý phải thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định pháp luật tố tụng và pháp luật về trợ giúp pháp lý” (khoản 1 Điều 5) và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng “bảo đảm cho người thực hiện trợ giúp pháp lý khi tham gia tố tụng theo Điều 29 Luật Trợ giúp pháp lý thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự trong vụ án hình sự… theo quy định của pháp luật về tố tụng và pháp luật về trợ giúp pháp lý” (khoản 6 Điều 7).
Vì vậy, Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tiếp tục thống nhất nhận thức về việc áp dụng quy định pháp luật đối với vấn đề này; đồng thời, giúp lãnh đạo các ngành ở địa phương tăng cường sự chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng bảo đảm quyền thực hiện trợ giúp pháp lý của Trợ giúp viên pháp lý được triển khai trên thực tế. Điều này có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý.
  1. Trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng hình sự cho đối tượng là người chưa thành niên
Việc tham gia tố tụng bắt buộc của người bào chữa cho bị can, bị cáo là người chưa thành niên quy định tại khoản 2 Điều 57, Điều 58 và Điều 305 Bộ luật Tố tụng hình sự và được hướng dẫn tại khoản 4 Điều 9 Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 12/7/2011 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự đối với người tham gia tố tụng là người chưa thành niên (Thông tư liên tịch số 01) là một trong những chính sách thể hiện quan điểm nhân đạo của Nhà nước nhằm bảo vệ tốt nhất các quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên trong trường hợp họ là người phạm tội.
Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 305 Bộ luật Tố tụng hình sự cũng nêu rõ  trong trường hợp bị can, bị cáo là người chưa thành niên hoặc người đại diện hợp pháp của họ không lựa chọn được người bào chữa thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải yêu cầu Đoàn luật sư phân công Văn phòng luật sư cử người bào chữa cho họ hoặc đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử người bào chữa cho thành viên của tổ chức mình. Theo đó, việc cử người tham gia tố tụng cho cho bị can, bị cáo là người chưa thành niên thuộc diện được trợ giúp pháp lý như sau:
Trước hết, cần khẳng định trách nhiệm người tiến hành tố tụng theo quy định khoản 1 Điều 9 Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT-BTP-BCA-BTC-BQP-VKSNDTC-TANDTC ngày 04/7/2013 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện một số quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng là khi thực hiện các hoạt động tố tụng phải giải thích cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo và các đương sự biết về quyền được trợ giúp pháp lý và hướng dẫn họ tiếp cận các thông tin về trợ giúp pháp lý. Khi họ có yêu cầu trợ giúp pháp lý thì cung cấp cho họ mẫu đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý và hướng dẫn họ hoặc người đại diện hợp pháp về thủ tục yêu cầu trợ giúp pháp lý.
Để bảo đảm quy định “Mọi trường hợp không có người bào chữa tham gia tố tụng trong các vụ án có bị can, bị cáo là người chưa thành niên là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, trừ trường hợp họ hoặc đại diện hợp pháp của họ từ chối người bào chữa” tại khoản 1 Điều 9 Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 12/7/2011 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự đối với người tham gia tố tụng là người chưa thành niên, có thể chia thành các trường hợp sau:
- Trường hợp bị can, bị cáo là người chưa thành niên thuộc diện được trợ giúp pháp lý hoặc người đại diện hợp pháp của họ lựa chọn được người bào chữa (Luật sư, Trợ giúp viên pháp lý, bào chữa viên nhân dân, người đại diện hợp pháp khác) thì cơ quan tiến hành tố tụng không cần đề nghị Đoàn luật sư phân công Văn phòng luật sư phân công người bào chữa.
- Trường hợp bị can, bị cáo là người chưa thành niên thuộc diện được trợ giúp pháp lý hoặc người đại diện hợp pháp của họ không lựa chọn được người bào chữa: Sau khi được người tiến hành tố tụng giải thích về quyền trợ giúp pháp lý, nếu họ có nhu cầu trợ giúp pháp lý, thể hiện ý chí qua đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý và được tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý cử người thực hiện trợ giúp pháp lý thì cơ quan tiến hành tố tụng không phải yêu cầu Đoàn luật sư phân công Văn phòng luật sư cử người bào chữa. Nếu họ không có nhu cầu trợ giúp pháp lý thì cơ quan tiến hành tố tụng bắt buộc phải yêu cầu Đoàn luật sư phân công Văn phòng luật sư cử người bào chữa cho họ để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho bị can, bị cáo là người chưa thanh niên.
3. Việc chi trả bồi dưỡng cho thành viên Hội đồng phối hợp liên ngành trợ giúp pháp lý trong tố tụng và Tổ giúp việc cho Hội đồng
Theo quy định tại Điều 15 Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT-BTP-BTC-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 4/7/2013 hướng dẫn áp dụng một số quy định về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng thì thành viên Hội đồng phối hợp liên ngành địa phương bao gồm đại diện lãnh đạo các cơ quan Tư pháp, Công an, Tài chính, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Văn phòng Bộ Tư lệnh Quân khu nơi đặt trụ sở hoặc Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh (đối với nơi không có Bộ Tư lệnh quân khu), Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.
Tại khoản 2 Điều 17 Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 04/7/2013 hướng dẫn thực hiện một số quy định của pháp luật về TGPL trong hoạt động tố tụng quy định: “Thành viên Hội đồng phối hợp liên ngành và thành viên Tổ giúp việc cho Hội đồng được hưởng bồi dưỡng. Mức bồi dưỡng của thành viên Hội đồng phối hợp liên ngành và thành viên tổ giúp việc là 0,3 mức lương tối thiểu/người/tháng”. Kinh phí để thực hiện việc chi trả bồi dưỡng cho thành viên Hội đồng phối hợp liên ngành, thành viên Tổ giúp việc là một trong những nội dung chi của kinh phí thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng được quy định tại Điều 17 Thông tư liên tịch số 11 (bên cạnh những nội dung chi trong kinh phí phối hợp thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng được lập dự toán chung trong kinh phí ngân sách nhà nước cấp hàng năm của mỗi ngành được quy định tại khoản 1 Điều 17). Mặt khác, Sở Tư pháp được quy định là cơ quan thường trực của Hội đồng, có trách nhiệm điều phối các hoạt động của Hội đồng phối hợp liên ngành địa phương. Sở Tư pháp lập dự toán kinh phí cho hoạt động phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng trong hoạt động chung hàng năm trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (khoản 3 Điều 17). Trung tâm TGPL là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Tư pháp, có chức năng tham mưu giúp Sở Tư pháp thực hiện các hoạt động chung của Hội đồng. Vì vậy, trên cơ sở ý kiến của các ngành thành viên, Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng ở Trung ương đã hướng dẫn cụ thể tại điểm 2.2, mục 2, phần II Kế hoạch triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 11 (kèm theo Quyết định số 2986/QĐ-HĐPH ngày 05/12/2013) thì kinh phí chi trả cho các thành viên Hội đồng phối hợp liên ngành trợ giúp pháp lý trong tố tụng và Tổ giúp việc cho hội đồng do Trung tâm TGPL tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện.
Hơn nữa, đây không phải là phụ cấp mà là bồi dưỡng khi thực hiện các nhiệm vụ của Hội đồng và Tổ giúp việc cho Hội đồng. Thành viên Hội đồng và thành viên Tổ giúp việc thực hiện nhiệm vụ công việc khác nhau, do đó trong trường hợp người vừa là thành viên Hội đồng vừa là thành viên Tổ giúp việc thì Trung tâm TGPL thực hiện việc chi trả bồi dưỡng theo mức quy định đối với từng nhiệm vụ./.
  • Thanh Trịnh -

Xem thêm »