Một số kết quả hoạt động trợ giúp pháp lý tại tỉnh Đắk Lắk năm 2015

27/01/2016
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Theo thống kê của đơn vị, trong năm 2015, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Đắk Lắk đã thụ lý và thực hiện 3.425 vụ việc cho 3.425 đối tượng trợ giúp pháp lý thuộc các lĩnh vực hình sự, dân sự, đất đai, chính sách ưu đãi, hôn nhân và gia đình,…Trong tổng số các vụ việc trên: có 214 vụ việc tham gia tố tụng, 04 vụ việc đại diện ngoài tố tụng, 3.207 vụ việc tư vấn pháp luật. So với cùng kỳ năm ngoái, tổng số vụ việc tăng 1.813 vụ việc, trong đó số vụ việc tham gia tố tụng tăng gần 2 lần (năm 2014: 108 vụ việc).

Riêng việc triển khai chính sách trợ giúp pháp lý trong Chương trình Quốc gia giảm nghèo theo Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Trung tâm đã phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức 153 đợt trợ giúp pháp lý lưu động tại các xã nghèo vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới đặc biệt khó khăn, thuộc 13 huyện, 01 thị xã trên địa bàn tỉnh thu hút 7.505 người tham dự. Tại các đợt TGPL lưu động, Trợ giúp viên pháp lý đã tư vấn, giải đáp các vướng mắc pháp luật 3.139 vụ việc (chủ yếu về lĩnh vực đất đai, hành chính, chính sách ưu đãi, hôn nhân và gia đình,…) cho 3.139 lượt người. Trong đó, Trung tâm đã phối hợp với Hội luật gia thực hiện 10 đợt và với Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh 04 đợt TGPL lưu động.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý, Trung tâm đã tiến hành đánh giá chất lượng vụ việc TGPL với 146 vụ việc đã hoàn thành, trong đó có 80 vụ việc đạt chất  lượng tốt (54,8%), 66 vụ việc đạt chất lượng (45,2%).

Có được kết quả này là nhờ sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, sự quan tâm và chỉ đạo kịp thời, sâu sát của lãnh đạo Sở Tư pháp cũng như sự phối hợp của các Phòng, đơn vị liên quan. Theo đó, ngay từ đầu năm, Trung tâm đã tham mưu xây dựng các Kế hoạch của UBND tỉnh và của ngành để làm cơ sở triển khai các nhiệm vụ công tác trợ giúp pháp lý trong năm. Đối với hoạt động tham gia tố tụng, sỡ dĩ có được kết quả vượt trội này – số vụ việc tăng gần gấp đôi – là nhờ sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan tố tụng trong việc chỉ đạo kịp thời, tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động cử Trợ giúp viên pháp lý bảo vệ đối tượng là người chưa thành niên phạm tội, góp phần làm tăng số lượng vụ việc tham gia tố tụng do Trợ giúp viên pháp lý thực hiện tại các cơ quan tố tụng (chiếm 62% trong tổng số vụ việc tham gia tố tụng).

Như vậy, trong năm qua, hoạt động TGPL đã đạt được kết quả tích cực, đảm bảo đúng định hướng cải cách công tác trợ giúp pháp lý trong việc tăng số vụ việc tham gia tố tụng cũng như số vụ việc do Trợ giúp viên pháp lý trực tiếp đảm nhận; nâng cao chất lượng, hiệu quả vụ việc, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, nhất là người nghèo, người dân tộc thiểu số sống ở vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của họ kịp thời, nhanh chóng và công bằng, cũng cố lòng tin về Đảng, pháp luật của nhà nước cho người dân.

Để phát huy những kết quả đạt được nêu trên, trong thời gian tới, Trung tâm tiếp tục nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý thông qua các hoạt động tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, hòa giải, kiến nghị… và các hình thức TGPL khác. Trong đó đặc biệt chú trọng hoạt động tham gia tố tụng, bảo đảm 100% vụ án khi có yêu cầu được Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư là Cộng tác viên tham gia bào chữa, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự, bị can, bị cáo là người thuộc diện được TGPL.

Đồng thời, kiện toàn Trung tâm Trợ giúp pháp lý theo hướng tăng cường hợp lý số lượng Trợ giúp viên pháp lý phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương và theo lộ trình của Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015- 2025.

Thu Hương

Xem thêm »