Chức danh Trợ giúp viên pháp lý được ghi nhận lần đầu tiên tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2011 với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Ngày 25/11/2015, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) gồm 42 chương, 517 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016. Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 tiếp tục ghi nhận tư cách Trợ giúp viên pháp lý là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Đồng thời, Bộ luật tố tụng dân sự 2015 đã bổ sung trách nhiệm của Nhà nước, của Thẩm phán bảo đảm quyền trợ giúp pháp lý của người thuộc diện được trợ giúp pháp lý (Điều 9, Điều 48, Điều 75). Có thể nói rằng, Trợ giúp viên pháp lý có vị trí, vai trò quan trọng và cần thiết trong tố tụng dân sự (TTDS), đảm bảo quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong tố tụng của đương sự, nhất là đối với những người có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn về tài chính.
Để triển khai thi hành Luật TGPL, ngày 12/9/2017 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1355/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật TGPL. Kế hoạch đã xác định 07 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong đó có việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Đến nay, Nghị định số 144/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật TGPL và Thông tư số 08/2017/TT-BTP ngày 15/11/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật TGPL và hướng dẫn giấy tờ trong hoạt động TGPL đã được ban hành và có hiệu lực đồng thời cùng với Luật TGPL từ ngày 01/01/2018. Để tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho hoạt động TGPL thì việc xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn nghiệp vụ TGPL thay thế Thông tư số 05/2008/TT-BTP ngày 23/9/2008 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn về nghiệp vụ và quản lý nhà nước về TGPL (Thông tư số 05) để triển khai hiệu quả Luật TGPL năm 2017 là cần thiết. Trên cơ sở nhìn nhận những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thi hành Thông tư số 05 và các nội dung cần được hướng dẫn về nghiệp vụ trợ giúp pháp lý để triển khai Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, việc nghiên cứu, xây dựng dự thảo Thông tư thay thế cần bám vào quy định của Luật TGPL và thực tiễn nhằm tạo cơ sở pháp lý để các tổ chức thực hiện TGPL, người thực hiện TGPL, người được TGPL và cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, bảo đảm tạo điều kiện tốt nhất cho người được TGPL, giảm các thủ tục không cần thiết.
Để tăng cường công tác phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Liên đoàn luật sư Việt Nam trong quản lý luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý (TGPL) nhằm cung cấp dịch vụ TGPL kịp thời, bảo đảm chất lượng cho người được TGPL, Bộ Tư pháp và Liên đoàn luật sư Việt Nam đã ban hành Quy chế phối hợp số 4617/QCPH/BTP-LĐLSVN ngày 28/12/2016 về hoạt động TGPL của luật sư (sau đây gọi là Quy chế). Sau 01 năm thực hiện, qua báo cáo của các Trung tâm, việc triển khai Quy chế đã đạt được một số kết quả sau đây:
Trợ giúp pháp lý (TGPL) là một chính sách bảo đảm quyền con người, quyền công dân và là một bộ phận của tổng thể các chính sách xóa đói, giảm nghèo, đền ơn, đáp nghĩa, chính sách dân tộc và ưu đãi xã hội của Đảng và Nhà nước ta. Nhiệm vụ này được giao cho Ngành Tư pháp triển khai từ năm 1997 theo Quyết định số 734/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Luật TGPL lần đầu tiên được Quốc hội ban hành vào năm 2006 và qua 10 năm triển khai đã đạt được những thành quả đáng kể trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nghèo, đối tượng chính sách và các đối tượng yếu thế. Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu phát triển mới của đất nước, yêu cầu triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 và nhiều đạo luật quan trọng mới được Quốc hội ban hành, tăng cường cải cách pháp luật, cải cách tư pháp và không còn nguồn hỗ trợ kinh phí từ các dự án quốc tế, do đó đã đặt ra yêu cầu điều chỉnh thể chế để đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác TGPL.
Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, sáng 20/6/2017, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Trợ giúp pháp lý số 11/2017/QH14 với 100% số đại biểu có mặt biểu quyết tán thành. Thực hiện Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2017, theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ, để triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý kịp thời, thống nhất và hiệu quả, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý. Ngày 12/9/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1355/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý (Kế hoạch). Theo đó, Kế hoạch đã xác định các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành, kết quả đầu ra và trách nhiệm, cơ chế phối hợp của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả trên phạm vi cả nước, cụ thể như sau:
TGPL ở nước ta ra đời khá muộn so với lịch sử nền tư pháp Việt Nam. Hoạt động này được nghiên cứu từ năm 1995 và ra đời vào những năm cuối của thế kỷ XX (1997) trên nền tảng những thành tựu phát triển của những năm đầu đổi mới, sự kiểm nghiệm thành công của những định hướng đúng đắn được vạch ra trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và sự phát triển của dịch vụ pháp lý. Cùng với việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân; nhu cầu giúp đỡ pháp luật của nhân dân ngày một tăng đã trở thành động lực quan trọng mang tính quyết định thúc đẩy sự ra đời và phát triển của hoạt động TGPL.
Ngày 05/02/2016 Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Công văn số 383/BTP-TGPL về việc giao chỉ tiêu tham gia tố tụng cho các Trợ giúp viên pháp lý. Đây là cơ sở ban đầu quan trọng để đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của Trợ giúp viên pháp lý.
Ngày 20/12/2014 Đại hội đồng Liên Hợp quốc đã thông qua bản quy tắc và hướng dẫn tiếp cận trợ giúp pháp lý trong tư pháp hình sự. Đại hội đồng kêu gọi các Quốc gia Thành viên, phù hợp với luật pháp quốc gia của mình, áp dụng và tăng cường các biện pháp để đảm bảo rằng trợ giúp pháp lý có hiệu quả được cung cấp, phù hợp với tinh thần của các Nguyên tắc và Hướng dẫn, ghi nhớ sự đa dạng của các hệ thống tư pháp hình sự giữa các nước và các vùng lãnh thổ khác nhau trên thế giới và thực tế là trợ giúp pháp lý được xây dựng phù hợp với việc cân đối tổng thể hệ thống tư pháp hình sự, cũng như các điều kiện của các nước và các khu vực; Khuyến khích các Quốc gia Thành viên xem xét, nếu phù hợp, việc cung cấp trợ giúp pháp lý và cung cấp sự trợ giúp đó đến mức tối đa có thể.
Chất lượng là một thuật ngữ đã quen thuộc được sử dụng phổ biến từ rất lâu trong đời sống xã hội. Chất lượng thường được xem xét đối với hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng. Nếu như chất lượng sản phẩm hàng hoá được đo bằng các tiêu chuẩn cụ thể về kích thước, kiểu dáng, màu sắc, trọng lượng, độ bền thì chất lượng của sản phẩm dịch vụ lại không thể lượng hoá cụ thể bằng các chỉ tiêu định lượng, chất lượng dịch vụ chỉ đạt khi thỏa mãn nhu cầu của người sử dụng dịch vụ.
Có thể nói đội ngũ luật sư đã tham gia vào hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL) ngay từ giai đoạn đầu tiên của việc hình thành và trong suốt quá trình phát triển công tác này. Nhất là khi Luật TGPL năm 2006 ra đời đã tạo cơ chế pháp lý cho việc tham gia thực hiện TGPL của luật sư. Theo đó, luật sư thạm gia TGPL thông qua 03 phương thức: Thứ nhất, thực hiện TGPL theo nghĩa vụ được quy định theo pháp luật về luật sư; thứ hai, thực hiện TGPL với tư cách cộng tác viên của Trung tâm TGPL; thứ ba, thực hiện TGPL với tư cách là luật sư của tổ chức hành nghề luật sư tham gia TGPL trong phạm vi đăng ký. Luật Luật sư và các văn bản hướng dẫn đã quy định và chi tiết về nghĩa vụ thực hiện TGPL của luật sư; Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 cũng yêu cầu đề cao trách nhiệm và nghĩa vụ của luật sư trong công tác TGPL miễn phí cho người nghèo, đối tượng chính sách và các đối tượng yếu thế khác.