Thời gian qua, một trong những hoạt động ý nghĩa được Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) nhà nước tỉnh (thuộc Sở Tư pháp) tích cực thực hiện là việc TGPL cho người khuyết tật (NKT). Nhiều trường hợp đã được đội ngũ trợ giúp viên pháp lý tận tình hỗ trợ, giúp cho quyền lợi của người dân được đảm bảo.
 |
Trợ giúp viên pháp lý Nguyễn Thị Hoài Thương đang tư vấn, trợ giúp pháp lý cho người dân. |
Bảo vệ quyền lợi cho người yếu thế
Một trong những vụ việc điển hình được trợ giúp viên pháp lý tham gia bảo vệ quyền lợi thành công tại phiên tòa là trường hợp của chị L. (ngụ thành phố Long Khánh).
Cụ thể, chị L. là NKT, chậm phát triển tâm thần từ nhỏ và sống chung với bà ngoại. Tối 1-4-2024, đối tượng Q. (38 tuổi, ngụ thành phố Long Khánh) chạy xe máy trên đường về thì thấy chị L. đang đi bán vé số. Chỗ hàng xóm với nhau nên chị L. đồng ý cho Q. chở về nhà. Biết rõ chị L. là người chậm phát triển nên Q. chở chị L. vào lô cao su để quan hệ tình dục... Đến ngày 5-4-2024, gia đình chị L. biết được sự việc nên đã làm đơn tố cáo đến cơ quan chức năng.
Năm 2024, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh đã thực hiện TGPL 1.688 vụ việc, 1.688 đối tượng với các lĩnh vực thực hiện TGPL gồm: hình sự, dân sự, trẻ em, hôn nhân và gia đình. Trong đó, nhiều trường hợp NKT được bảo vệ quyền lợi kịp thời, đảm bảo. |
Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm ngày 21-2, quan điểm của trợ giúp viên pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chị L. cho rằng, bị cáo Q. biết rõ bị hại là người có khiếm khuyết về nhận thức và điều khiển hành vi. Bị cáo nhận thức được việc quan hệ tình dục với NKT là vi phạm pháp luật nhưng vẫn thực hiện. Hành vi của bị cáo rất đáng lên án, vì làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của bị hại. Do vậy, đề nghị Hội đồng Xét xử (HĐXX) đưa ra mức phạt tương xứng với mức độ, hành vi của bị cáo gây ra.
HĐXX cho rằng, quan điểm của trợ giúp viên pháp lý bào chữa cho bị hại phù hợp một phần nhận định của HĐXX nên được chấp nhận. HĐXX quyết định tuyên phạt bị cáo Q. 3 năm tù giam về tội “hiếp dâm” và buộc bị cáo phải bồi thường cho bị hại số tiền 50 triệu đồng.
Vào tháng 1-2023, M. (34 tuổi) làm việc chung với ông H. và cùng ở trọ tại phường Tân Biên (thành phố Biên Hòa). Từ đó, M. có gặp và kết bạn Zalo với em T. (sinh tháng 7-2007, con gái của ông H.) để nói chuyện. Trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến 7-2023, M. thường rủ em T. đi bộ quanh khu trọ nơi T. đang ở cùng gia đình và đã thực hiện hành vi dâm ô với em T. Cuối tháng 8-2023, M. chuyển qua ở cùng khu nhà trọ với gia đình T. Lợi dụng việc T. bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, M. đã nhiều lần rủ rê T. để thực hiện hành vi giao cấu. Đến ngày 29-11-2023, gia đình cháu T. phát hiện hành vi của M. nên đã đến cơ quan chức năng tố cáo.
Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm ngày 9-1, quan điểm của trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng với vai trò người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại cho rằng, em T. có tâm trí chậm phát triển, bị hạn chế về khả năng nhận thức, rất chậm chạp so với các bạn cùng lứa tuổi. Trí nhớ của em T. thường lúc nhớ, lúc quên và hầu hết nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của em phải nhờ sự giúp đỡ của cha mẹ. Trong khi M. biết rõ về độ tuổi, về tình trạng sức khỏe tâm thần của T., nhưng vì dục vọng cá nhân vẫn cố ý thực hiện nhiều lần hành vi phạm tội với em T. Điều này thể hiện bị cáo coi thường pháp luật và vô trách nhiệm với hành vi của mình nên đề nghị cần có mức hình phạt nghiêm khắc đủ tác dụng cải tạo, giáo dục bị cáo.
Quan điểm của trợ giúp viên pháp lý tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại phù hợp với nhận định của HĐXX nên được chấp nhận. HĐXX quyết định xử phát bị cáo M. 12,5 năm tù (4 năm tù về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi và 8,5 năm tù về tội hiếp dâm); buộc bị cáo phải bồi thường cho bị hại số tiền 50 triệu đồng.
Không bỏ sót đối tượng được TGPL
Tại Hội nghị Triển khai công tác tư pháp năm 2025, lãnh đạo Sở Tư pháp đề nghị Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng nhằm không bỏ sót đối tượng được TGPL trong hoạt động tố tụng.
Tạo niềm tin cho người dân
Phó giám đốc phụ trách Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Lê Minh Tuấn cho biết, hoạt động TGPL thực sự mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các đối tượng yếu thế trong xã hội. Nhằm tạo điều kiện để NKT có cơ hội được tiếp cận với dịch vụ TGPL một cách tốt nhất, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh đã và đang thực hiện TGPL miễn phí cho các đối tượng là NKT sinh sống trên địa bàn tỉnh. Hình thức TGPL đa dạng, từ tuyên truyền, phổ biến, tư vấn pháp luật, cho đến việc tham gia tố tụng bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho NKT.
Bên cạnh đó, đơn vị đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực hướng đến đối tượng NKT. Chẳng hạn, trong năm 2024, đơn vị đã tổ chức 2 cuộc tập huấn về kỹ năng TGPL cho NKT; đã thực hiện khảo sát về nhu cầu TGPL của NKT tại các tổ chức NKT trên địa bàn tỉnh và hội người mù trên địa bàn các huyện, thành phố Long Khánh. Ngoài ra, đơn vị còn tổ chức TGPL lưu động cho NKT trên địa bàn huyện Nhơn Trạch với 63 lượt NKT tham dự; thực hiện TGPL lưu động tại Hội Người mù huyện Thống nhất với 76 lượt người tham dự... Nhờ đó, NKT nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật ngày càng tốt hơn.
Thời gian tới, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh sẽ nỗ lực nâng cao số lượng và chất lượng vụ việc TGPL dưới các hình thức tư vấn, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, hòa giải, đặc biệt là tăng số lượng vụ việc tham gia tố tụng do trợ giúp viên pháp luật đảm nhiệm. Triển khai thực hiện chính sách TGPL cho NKT trên địa bàn tỉnh bằng hình thức xây dựng chuyên mục “Bạn và TGPL” trên các kênh truyền thông trong tỉnh...
An Nhơn
Nguồn: Báo Đồng Nai điện tử