Chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng năm 2025 của trợ giúp viên pháp lý

09/01/2025
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Trong những năm qua, việc giao chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý đã và đang trở thành công cụ cần thiết và hữu hiệu trong việc quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý ở Trung ương nói chung và ở địa phương nói riêng. Năm 2024 mỗi Trợ giúp viên pháp lý thực hiện trung bình 38,4 vụ/năm (trước đó, năm 2023, mỗi Trợ giúp viên pháp lý thực hiện trung bình 32,4 vụ/năm) và là lực lượng chính trong hoạt động tham gia tố tụng cho người được trợ giúp pháp lý. Phần lớn Trợ giúp viên pháp lý nói riêng và các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước nói chung đã chủ động tìm ra giải pháp phù hợp để thực hiện có hiệu quả chỉ tiêu vụ việc.

Theo tổng hợp báo cáo của các Trung tâm về tình hình thực hiện chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý, năm 2024: có 62 Trung tâm có 100% Trợ giúp viên pháp lý hoàn thành chỉ tiêu, chỉ còn 01 Trung tâm có trợ giúp viên pháp lý không hoàn thành chỉ tiêu. Năm 2024, có 685 Trợ giúp viên pháp lý được giao chỉ tiêu thực hiện vụ việc tham gia tố tụng. Trong đó có 684 Trợ giúp viên pháp lý hoàn thành chỉ tiêu, chiếm 99,85%, trong đó 529 đạt tốt, 77 đạt khá, 78 đạt (tương đương 77,22% tốt, 11,24% khá, 11,39% đạt), có 01 Trợ giúp viên pháp lý không đạt chỉ tiêu (0,15%).
- Đối với Trợ giúp viên pháp lý được bổ nhiệm dưới 03 năm:
Trong số 112 Trợ giúp viên pháp lý được bổ nhiệm dưới 03 năm được giao chỉ tiêu thì 100% Trợ giúp viên pháp lý hoàn thành chỉ tiêu, trong đó 71,43% tốt, 9,82% khá, 18,75% đạt.
Đối với Trợ giúp viên pháp lý được bổ nhiệm từ đủ 03 năm đến dưới 05 năm:
Trong số 66 Trợ giúp viên pháp lý được bổ nhiệm từ đủ 03 năm đến dưới 05 năm được giao chỉ tiêu thì có 100% Trợ giúp viên pháp lý hoàn thành chỉ tiêu, trong đó 84,85% tốt, 6,06% khá, 9,09% đạt.
- Đối với Trợ giúp viên pháp lý được bổ nhiệm từ đủ 05 năm trở lên:      
Trong số 507 Trợ giúp viên pháp lý được bổ nhiệm từ đủ 05 năm trở lên được giao chỉ tiêu thì có 99,81% đạt chỉ tiêu (trong đó 77,32% tốt, 12,23% khá, 10,26% đạt) và 01 Trợ giúp viên pháp lý không đạt chỉ tiêu.
Trên cơ sở đánh giá việc thực hiện chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng của trợ giúp pháp lý năm 2025, ngày 31/12/2024 Bộ Tư pháp đã ban hành văn bản số 7595/BTP-TGPL ban hành chỉ tiêu thực hiện vụ việc tham gia tố tụng của trợ giúp pháp lý năm 2025. Theo đó, chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng năm 2025 của Trợ giúp viên pháp lý tăng 01 vụ việc tham gia tố tụng ở tất cả các mức độ chỉ tiêu so với năm 2024. Cụ thể:

STT
Nội dung Đạt chỉ tiêu Đạt chỉ tiêu khá Đạt chỉ tiêu                   tốt
1. Trợ giúp viên pháp lý được bổ nhiệm dưới 03 năm 09 – 14 15 – 18 ≥ 19
2. Trợ giúp viên pháp lý được bổ nhiệm từ đủ 03 năm đến dưới 05 năm 13 – 17 18 – 23 ≥ 24
3. Trợ giúp viên pháp lý được bổ nhiệm 05 năm trở lên 16 – 23 24 – 29 ≥30
Các trường hợp miễn, giảm chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng và biến động trong việc thực hiện chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng:
 1. Miễn chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng trong các trường hợp sau:
a) Trợ giúp viên pháp lý thuộc một trong các trường hợp: được cử đi học, nghỉ ốm, nghỉ thai sản, nghỉ hoặc vắng mặt có lý do chính đáng khác mà có thời gian vắng mặt tại Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước trên 08 tháng tính đến thời điểm báo cáo;
b) Trợ giúp viên pháp lý được bổ nhiệm dưới 04 tháng tính đến thời điểm báo cáo;
c) Trợ giúp viên pháp lý thuộc các trường hợp sau: biệt phái, điều động, luân chuyển, chuyển công tác, thôi việc, nghỉ hưu trước thời điểm báo cáo.
2. Giảm thực hiện chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng trong các trường hợp sau:
a) Giảm thực hiện chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng đối với Lãnh đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước như sau: Giám đốc, Quyền Giám đốc, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thực hiện ít nhất 30% chỉ tiêu; Phó Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thực hiện ít nhất 60% chỉ tiêu tương ứng theo năm bổ nhiệm trợ giúp viên pháp lý được quy định tại mục 1 Phần I Công văn này.
b) Giảm chỉ tiêu vụ việc tương ứng với thời gian vắng mặt tại Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước đối với các trường hợp sau: Trợ giúp viên pháp lý được cử đi học; nghỉ ốm; nghỉ thai sản; nghỉ hoặc vắng mặt có lý do chính đáng khác mà có thời gian vắng mặt tại Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước từ 08 tháng trở xuống tính đến thời điểm báo cáo.
Ví dụ: Trợ giúp viên pháp lý Nguyễn Văn A (bổ nhiệm dưới 03 năm) vắng mặt tại Trung tâm 03 tháng (thời gian làm việc tại Trung tâm là 09 tháng). Chỉ tiêu của Trợ giúp viên pháp lý Nguyễn Văn A được tính như sau: 09 vụ x 09 tháng/12 tháng = 6,75 vụ, làm tròn thành 07 vụ.
c) Chỉ tiêu vụ việc đối với Trợ giúp viên pháp lý bổ nhiệm từ đủ 04 tháng đến dưới 01 năm (12 tháng) được tính tương ứng với số tháng mà Trợ giúp viên pháp lý đó được bổ nhiệm.
Ví dụ: Trợ giúp viên pháp lý Nguyễn Văn B đã bổ nhiệm được 05 tháng. Chỉ tiêu của Trợ giúp viên pháp lý Nguyễn Văn B được tính như sau: 09 vụ x 05 tháng/12 tháng = 3,75 vụ, làm tròn thành 04 vụ.
3. Các trường hợp biến động trong thực hiện chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng:
a) Người được bổ nhiệm chức danh Lãnh đạo Trung tâm trong năm thì chỉ tiêu vụ việc được tính tương ứng với thời gian mà người đó là Trợ giúp viên pháp lý và thời gian được bổ nhiệm chức danh Lãnh đạo Trung tâm.
Ví dụ: Trợ giúp viên pháp lý Nguyễn Văn C (thuộc trường hợp được bổ nhiệm từ đủ 03 năm đến dưới 05 năm) được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Trung tâm (có 07 tháng trong năm giữ chức Phó Giám đốc Trung tâm). Chỉ tiêu của Trợ giúp viên pháp lý Nguyễn Văn C như sau:
+ 05 tháng đầu năm: 13 vụ x 05 tháng/12 tháng = 5,4 vụ.
+ 07 tháng còn lại của năm: (13 vụ x 07 tháng/12 tháng) x 60% = 4,55 vụ
Như vậy, trong năm, để đạt chỉ tiêu vụ việc được giao, Trợ giúp viên pháp lý Nguyễn Văn C phải thực hiện ít nhất 10 vụ (5,4 + 4,55 = 9,95 vụ, làm tròn thành 10 vụ).
b) Trường hợp Trợ giúp viên pháp lý thay đổi mức chỉ tiêu được giao do thay đổi số năm bổ nhiệm trong năm thì chỉ tiêu vụ việc được tính là tổng số vụ việc tương ứng với thời gian được giao ở 02 mức chỉ tiêu.
Ví dụ: Trợ giúp viên pháp lý Nguyễn Văn D: 05 tháng đầu năm thuộc trường hợp được bổ nhiệm từ đủ 03 năm đến dưới 05 năm; 07 tháng còn lại của năm thuộc trường hợp được bổ nhiệm từ 05 năm trở lên. Chỉ tiêu của Trợ giúp viên pháp lý Nguyễn Văn D được tính như sau:
+ 05 tháng đầu năm: 13 vụ x 05 tháng/12 tháng = 5,4 vụ.
+ 07 tháng còn lại của năm: 16 vụ x 07 tháng/12 tháng = 9,3 vụ.
Như vậy, trong năm, để đạt chỉ tiêu vụ việc được giao, Trợ giúp viên pháp lý Nguyễn Văn D phải thực hiện ít nhất 15 vụ (5,4 + 9,3 = 14,7 vụ, làm tròn thành 15 vụ).
c) Trợ giúp viên pháp lý thuộc một trong các trường hợp không được thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định pháp luật về trợ giúp pháp lý và pháp luật có liên quan thì sẽ không tính chỉ tiêu vụ việc tương ứng với thời gian không được thực hiện trợ giúp pháp lý.
Năm 2025 được dự báo là năm có thêm nhiều vụ việc trợ giúp pháp lý, bởi:
Một là, Luật Trợ giúp pháp lý được sửa đổi mở rộng đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý miễn phí là người thuộc nhóm yếu thế. Theo đó, Luật Tư pháp người chưa thành niên có hiệu lực từ ngày 01/01/2026 và Luật Phòng chống mua bán người (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 01/07/2025 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8  sẽ mở rộng người thuộc diện được trợ giúp pháp lý: Thứ nhất, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là người bị tố giác (1), người bị kiến nghị khởi tố (2), người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp (3), người bị buộc tội (4), bị hại (5), người làm chứng (6), người chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng (7), phạm nhân (8)” được trợ giúp pháp lý. Như vậy, so với Luật Trợ giúp pháp lý hiện hành (chỉ có người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi và bị hại từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi trong vụ án hình sự có khó khăn tài chính được trợ giúp pháp lý), Luật Tư pháp người chưa thành niên đã mở rộng thêm nhiều diện người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi được trợ giúp pháp lý so với trước đây. Thứ hai , “Nạn nhân (1), người đang trong quá trình xác định là nạn nhân (2) và người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân (3)” được trợ giúp pháp lý. So với Luật Trợ giúp pháp lý hiện hành (chỉ có “Nạn nhân của hành vi mua bán người có khó khăn về tài chính” mới được trợ giúp pháp lý) thì Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) đã bỏ điều kiện “có khó khăn về tài chính” của nạn nhân bị mua bán và bổ sung thêm 02 đối tượng là “người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân” cũng được trợ giúp pháp lý. Với việc mở rộng diện người được trợ giúp pháp lý của Luật Phòng, chống mua bán người thì số lượng vụ việc tham gia tố tụng dự kiến sẽ tăng lên.
Hai, Thông báo Kết luận của Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp[1] có yêu cầu “Phát huy vai trò của trợ giúp pháp lý trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội”. Cục Trợ giúp pháp lý được giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện nội dung này[2]. Trong thời gian qua, Bộ Tư pháp thực hiện tốt các nhiệm vụ triển khai nội dung “kết nối, đẩy mạnh các hoạt động TGPL trong các chương trình, chính sách về an sinh xã hội” được giao cho Bộ Tư pháp tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 09/5/2024 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Bộ Tư pháp đã triển khai, đề xuất các nội dung TGPL trong 05 Chương trình mục tiêu quốc gia[3] (trong đó triển khai 03 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025, và đề xuất nội dung trợ giúp pháp lý trong Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống ma túy đến năm 2030 và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 vừa được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tháng 11/2024).
Ba là, trong những năm qua, công tác phối hợp TGPL có nhiều chuyển biến tích cực, đột phá. Luật Trợ giúp pháp lý và các Bộ luật, Luật về tố tụng đã có nhiều quy định về bảo đảm quyền được TGPL. Cùng với Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 29/6/2018 quy định về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, Thông tư liên tịch số 05/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP ngày 15/12/2021 quy định phối hợp trong việc tổ chức phiên tòa trực tuyến, thì Bộ Tư pháp còn ký các Chương trình phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Công an[4] để cơ quan tiến hành tố tụng cung cấp, giới thiệu nguồn đối tượng được trợ giúp pháp lý. Tính đến ngày 31/10/2024, có 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ký kết chương trình/kế hoạch phối hợp giữa Sở Tư pháp và Tòa án nhân dân tỉnh và có 57/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ký kết chương trình/kế hoạch phối hợp giữa Sở Tư pháp và Công an tỉnh. Các Chương trình phối hợp này tạo điều kiện thuận lợi cho người dân biết và sử dụng dịch vụ trợ giúp pháp lý, sớm tiếp cận với trợ giúp pháp lý ngay từ giai đoạn đầu của quá trình tố tụng.
Bên cạnh đó, Thông tư số 03/2021/TT-BTP ngày 25/5/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2017/TT-BTP và Thông tư số 12/2018/TT-BTP quy định Phòng Tư pháp, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm giải thích quyền được trợ giúp pháp lý và giới thiệu đến Trung tâm.
Như vậy hiện nay, việc tiếp nhận thông tin về trợ giúp pháp lý qua nhiều nguồn khác nhau, do đó số lượng vụ việc được chuyển gửi đến Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước ngày càng nhiều.
Bốn là, công tác truyền thông về TGPL tiếp tục quan tâm chú trọng, các hình thức truyền thông đã đa dạng hơn với các phương thức khác nhau, gồm truyền thông truyền thống (trực tiếp về cơ sở, báo đài, báo nói, tờ gấp, thông điệp…) kết hợp với truyền thông hiện đại (internet, điện thoại hotline, qua trang thông tin điện tử…) và hình thức đặc thù (hộp, bảng tin, tờ tin TGPL tại các cơ quan tiến hành tố tụng, trụ sở tiếp dân của UBND xã, phường, thị trấn…). Đặc biệt, việc triển khai hiệu quả nội dung TGPL trong 03 Chương trình mục tiêu quốc gia: về giảm nghèo bền vững[5], xây dựng nông thôn mới[6] và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số[7] và miền núi giai đoạn 2021-2025 thông qua việc truyền thông điểm/luân phiên tại các địa bàn thụ hưởng đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về TGPL.
Từ những cơ sở trên, kỳ vọng các Trợ giúp viên pháp lý sẽ hoàn thành nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao năm 2025 cùng với đó chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý cùng sẽ ngày càng được nâng lên.
Thanh Hà, Phòng Tài chính và quản lý chất lượng trợ giúp pháp lý

[1] Thông báo số 108-TB/TPTW ngày 18/11/2024 của Văn phòng Trung ương Đảng
[2] Tại Kế hoạch số 234-KH/BCSĐ ngày 20/11/2024 của Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp triển khai Kết luận của Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp: “Phát huy vai trò của TGPL trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác TGPL”
[3] Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và hai Chương trình mục tiêu mới là Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống ma túy và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa
[4] Chương trình phối hợp số 1603/CTPH-BTP-TANDTC ngày 19/5/2022 giữa Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao về việc người thực hiện TGPL trực tại Tòa án, Chương trình phối hợp số 5789/CTPH-BTP-BCA ngày 27/11/2023 giữa Bộ Tư pháp và Bộ Công an về trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự.
[5] Ngày 18/01/2022 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 90/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
[6] Ngày 22/02/2022 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 263/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
[7] Ngày 14/10/2021 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025.

Xem thêm »