Xem cỡ chữ
Đọc bài viết
In trang
Tiếp tục hoàn thiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý trong bối cảnh đẩy mạnh chuyển đổi sốBài viết giới thiệu về các thủ tục hành chính trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý; một số kết quả và khó khăn, thách thức trong bối cảnh đẩy mạnh chuyển đổi số, đồng thời đưa ra một số giải pháp.Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật (Điều 2 Luật Trợ giúp pháp lý 2017). Trợ giúp pháp lý đã được xác định là dịch vụ sự nghiệp thiết yếu thuộc ngành Tư pháp (theo Quyết định số 2069/QĐ-TTg ngày 8/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ). Theo số liệu từ Báo cáo tổng kết công tác năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2024 của Bộ Thông tin và truyền thông[1], tỷ lệ người sử dụng Internet đạt 78,59% tổng dân số, số thuê bao băng rộng di động đạt 84,9 triệu thuê bao, số thuê bao sử dụng điện thoại di động thông minh ước đạt 100,1 triệu thuê bao... Trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, việc chia sẻ, kết nối cơ sở dữ liệu về trợ giúp pháp lý với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các bộ, ngành nhằm đáp ứng kịp thời, hiệu quả nhu cầu hỗ trợ thông tin và trợ giúp pháp lý của người dân, nhất là việc cung cấp các dịch vụ này thông qua hình thức trực tuyến càng trở nên cần thiết. Với những số liệu này sẽ càng đặt ra yêu cầu cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cung cấp các thủ tục hành chính nhằm giúp người dân tiếp cận và được trợ giúp pháp lý sớm khi có nhu cầu như: tiếp nhận, xử lý hồ sơ yêu cầu trợ giúp pháp lý và trợ giúp pháp lý trực tuyến; cung cấp cho người dân các thông tin như thông tin về tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, thông tin về người thực hiện trợ giúp pháp lý, thông tin về hoạt động trợ giúp pháp lý, các văn bản pháp luật trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý...; tra cứu người dân là đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý mà không phải cung cấp đầy đủ các loại giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý giúp tiết kiệm thời gian đi lại, chi phí.
Hiện nay lĩnh vực trợ giúp pháp lý có 12 thủ tục hành chính, các thủ tục này được được công bố tại 05 Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp. Hiện nay, 12/12 thủ tục hành chính này đã được ghi nhận trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Dịch vụ công trực tuyến bao gồm dịch vụ công trực tuyến toàn trình và dịch vụ công trực tuyến một phần. Theo Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành, Cục Trợ giúp pháp lý không trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý mà các thủ tục hành chính này phân cấp cho địa phương thực hiện. Qua theo dõi cho thấy, các địa phương đã và đang thực hiện rà soát và công bố các thủ tục hành chính trực tuyến toàn trình và một phần. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết thủ tục hành chính trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý tại một số địa phương được xác định là dịch vụ công trực tuyến một phần, chỉ một số thủ tục tại một số địa phương được xác định là dịch vụ công trực tuyến toàn phần,...
* Các thủ tục hành chính trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý
Các thủ tục hành chính trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, đều là thủ tục hành chính cấp tỉnh, hiện nay các thủ tục này được công bố trong các Quyết định sau: Quyết định số 1540/QĐ-BTP ngày 06/7/2018; Quyết định số 2434/QĐ-BTP ngày 26/9/2018; Quyết định số 1170/QĐ-BTP ngày 15/7/2021; Quyết định số 228/QĐ-BTP ngày 27/2/2023; Quyết định số 172/QĐ-BTP ngày 16/2/2024. Ngay sau khi có sự thay đổi về các thủ tục hành chính, Bộ Tư pháp đã thực hiện việc công bố công khai các thủ tục này theo quy định. 12 thủ tục hành chính trong lĩnh vực hành chính có thể chia thành các nhóm sau:
- Nhóm thủ tục hành chính về trợ giúp pháp lý liên quan đến người được trợ giúp pháp lý, bao gồm 04 thủ tục sau: Thủ tục yêu cầu trợ giúp pháp lý, thủ tục rút yêu cầu trợ giúp pháp lý, thủ tục thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý và thủ tục giải quyết khiếu nại về trợ giúp pháp lý đều được công bố tại Quyết định số 172/QĐ-BTP ngày 16/2/2024.
- Nhóm thủ tục hành chính về trợ giúp pháp lý liên quan đến người thực hiện trợ giúp pháp lý bao gồm 03 thủ tục sau: Thủ tục lựa chọn, ký hợp đồng với luật sư được công bố tại Quyết định số 1170/QĐ-BTP ngày 15/7/2021; thủ tục cấp thẻ Cộng tác viên trợ giúp pháp lý được công bố tại Quyết định số 172/QĐ-BTP ngày 16/2/2024, thủ tục cấp lại thẻ Cộng tác viên trợ giúp pháp lý được công bố tại Quyết định số 172/QĐ-BTP ngày 16/2/2024.
- Nhóm thủ tục hành chính về trợ giúp pháp lý liên quan đến tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý bao gồm 05 thủ tục sau: Thủ tục đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý được công bố tại Quyết định số 1540/QĐ-BTP ngày 06/7/2018; thủ tục thay đổi nội dung Giấy đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý được công bố tại Quyết định số 172/QĐ-BTP ngày 16/2/2024; thủ tục cấp lại Giấy đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý được công bố tại Quyết định số 1540/QĐ-BTP ngày 06/7/2018; thủ tục chấm dứt đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý được công bố tại Quyết định số 172/QĐ-BTP ngày 16/2/2024; thủ tục lựa chọn, ký hợp đồng với tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật được công bố Quyết định số 1170/QĐ-BTP ngày 15/7/2021.
Trong thời gian qua, Sở Tư pháp và các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước ở địa phương đã tổ chức triển khai các thủ tục hành chính trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý khá bài bản, đúng quy định, đã góp phần vào kết quả chung của công tác trợ giúp pháp lý. Trong toàn quốc, có 63 Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước với 1.228 người (trong đó 676 trợ giúp viên pháp lý); 97 chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước đặt ở cấp huyện, liên huyện. Bên cạnh đó, còn có 675 cá nhân (gồm luật sư và cộng tác viên) ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước; 180 tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý (bao gồm tổ chức đăng ký tham gia và tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý) với Sở Tư pháp. Sau 06 năm triển khai Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tập trung thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý, nhất là các vụ việc tham gia tố tụng. Kết quả, từ khi triển khai Luật Trợ giúp pháp lý (từ ngày 01/01/2018 đến hết năm 2023), các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý trên cả nước đã thực hiện được khoảng 195 nghìn vụ việc, trong đó có hơn 106 nghìn vụ tham gia tố tụng (chiếm khoảng 54%), số lượng vụ việc tham gia tố tụng tăng hằng năm. Các vụ việc trợ giúp pháp lý được thẩm định, đánh giá đều đạt chất lượng khá trở lên, nhiều vụ việc tham gia tố tụng do người thực hiện trợ giúp pháp lý được đánh giá là thành công (khoảng hơn 32 nghìn vụ việc tham gia tố tụng thành công), như trong vụ án hình sự thì được tuyên hình phạt nhẹ hơn, chuyển sang một tội danh khác, được áp dụng khung hình phạt thấp hơn, được tăng mức bồi thường thiệt hại... so với mức đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân, trong vụ án hành chính, dân sự thì nguyên đơn, bị đơn là người được trợ giúp pháp lý được chấp nhận yêu cầu khởi kiện hoặc yêu cầu phản tố,... qua đó bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Thông qua các vụ việc trợ giúp pháp lý cụ thể cho thấy vai trò của hoạt động trợ giúp pháp lý trong việc giúp người yếu thế tiếp cận công lý, góp phần quan trọng trong việc xác định sự thật khách quan của vụ án, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nghèo, đối tượng chính sách và các nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội.
* Tăng cường và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác trợ giúp pháp lý
Hoạt động trợ giúp pháp lý ngày càng đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, hệ thống quản lý tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý tiếp tục được vận hành, khai thác hiệu quả. Hiện nay Hệ thống đang lưu trữ thông tin 2.627 nhân sự, 261 tổ chức với 26.611 việc trợ giúp pháp lý, 156.652 hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý, 2.237 tài khoản. Đến nay, việc cập nhật về tổ chức, vụ việc trợ giúp pháp lý đã dần đi vào nề nếp. Việc kết nối, chia sẻ giữa dữ liệu trợ giúp pháp lý và dữ liệu quốc gia về dân cư đang được thiết lập thông qua kết nối, chia sẻ giữa phần mềm nghiệp vụ Hệ thống quản lý tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; việc triển khai Dự án đầu tư công “Hệ thống thông tin trợ giúp pháp lý” đang được chuẩn bị. Nhiều Trung tâm cập nhật liên tục Trang thông tin điện tử riêng về trợ giúp pháp lý của địa phương hoặc trên trang thông tin của Sở Tư pháp để người dân dễ dàng nắm bắt và tiếp cận hoạt động trợ giúp pháp lý như: Các văn bản pháp luật trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý, thủ tục hành chính về trợ giúp pháp lý và các biểu mẫu liên quan, danh sách tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý...
Các dịch vụ công hiện nay có thể được cung cấp bằng nhiều cách thức khác nhau như trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính hoặc bằng phương thức trực tuyến... Dịch vụ công trực tuyến bao gồm dịch vụ công trực tuyến toàn trình và dịch vụ công trực tuyến một phần. Theo Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành, Cục Trợ giúp pháp lý không trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý mà các thủ tục hành chính này phân cấp cho địa phương thực hiện. Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến đang được triển khai ở nhiều địa phương và hiện nay 12/12 thủ tục hành chính trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý đã được công bố trên Cổng dịch vụ công quốc gia, giúp người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ công trợ giúp pháp lý bằng phương thức trực tuyến. Ngoài Trang thông tin điện tử trợ giúp pháp lý ở Trung ương và địa phương, trên các trang thông tin điện tử của tòa án nhân dân các cấp đều có chỉ dẫn trợ giúp pháp lý để người dân dễ dàng tiếp cận, sử dụng khi vào các trang thông tin điện tử này.
* Về triển khai Đề án 06/CP phục vụ cải cách hành chính, chuyển đổi số quốc gia
Trong giai đoạn 2022 – nay, Bộ Tư pháp đã ban hành 02 Thông tư nhằm góp phần phục vụ cải cách hành chính trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý (Thông tư số 09/2022/TT-BTP ngày 30/12/2022 và Thông tư số 10/2023/TT-BTP ngày 29/12/2023), trong đó: (1) bãi bỏ nội dung “sổ hộ khẩu”, “dân tộc”, “nghề nghiệp” trong một số thủ tục hành chính trợ giúp pháp lý; (2) bổ sung hình thức nộp trực tuyến khi nộp hồ sơ đề nghị thay đổi Giấy đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý và khi nộp hồ sơ đề nghị chấm dứt tham gia trợ giúp pháp lý trong một số trường hợp; (3) thay thế mẫu đơn đề nghị làm cộng tác viên trợ giúp pháp lý và mẫu đơn đề nghị cấp lại thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý bảo đảm các trường thông tin đầu vào theo yêu cầu tại Công văn số 2777/BCA-V03 ngày 09/8/2023 của Bộ Công an về việc cho ý kiến xử lý văn bản quy phạm pháp luật có quy định khai thác thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; (4) thay thế mẫu đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý, mẫu đơn khiếu nại, mẫu đơn đề nghị thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý và mẫu đơn rút yêu cầu trợ giúp pháp lý theo hướng bổ sung các thông tin cần thiết.
Đến nay, Phần mềm hệ thống quản lý tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý đã được kết nối, chia sẻ dữ liệu với 14/20 trường thông tin từ Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư[2] để tự động hoá một số quy trình nhập liệu trên phần mềm nghiệp vụ. Ngoài Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, phần mền hệ thống trợ giúp pháp lý còn có nhu cầu kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu chuyên ngành có liên quan (CSDL Hộ tịch điện tử - Bộ Tư pháp, CSDL An sinh xã hội của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, CSDL của Ủy ban dân tộc, CSDL tố tụng của Tòa án,...) theo quy định của các văn bản pháp luật về kết nối, chia sẻ dữ liệu. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giúp làm giàu dữ liệu đối tượng thuộc diện được TGPL, tự động hoá quy trình cập nhật một số thông tin nhân thân.
* Đứng trước yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nói chung và trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý thì đã phát sinh những khó khăn, hạn chế nhất định như:
- Hiện nay, xu hướng cung cấp dịch vụ công trực tuyến đang được quan tâm và ngày càng trở nên cấp thiết để đáp ứng nhu cầu từ thực tiễn. Tuy nhiên, quy định Điều 29 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 mới chỉ đề cập đến các cách thức nộp hồ sơ từ trực tiếp, điện tử, bưu chính. Pháp luật về trợ giúp pháp lý chưa có quy định về quy trình người dân được cung cấp dịch vụ công thông qua hình thức điện tử (trực tuyến) để người dân có điều kiện dễ dàng được thụ hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý hơn.
- Việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong hoạt động trợ giúp pháp lý mới ở bước đầu, chưa tạo nhiều thuận lợi cho người sử dụng và người dân. Việc triển khai hệ thống quản lý tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý còn một số hạn chế như: hệ thống đôi lúc chưa hoạt động thông suốt, chưa được tích hợp, kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành khác; nhiều chức năng cần điều chỉnh bổ sung để đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn hoạt động và quản lý công tác trợ giúp pháp lý; chưa có các ứng dụng trợ giúp pháp lý trên nền tảng di động và kết nối mạng xã hội giúp người dân thuận lợi hơn khi có yêu cầu được trợ giúp pháp lý...
- Việc đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động trợ giúp pháp lý thiếu sự đồng bộ ở Trung ương và địa phương, nhất là sự đầu tư của địa phương chưa tương xứng..
* Trong bối cảnh đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số là xu thế có tính tất yếu. Yêu cầu đặt ra cần phải thúc đẩy mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính một cách thực chất, gắn với ứng dụng công nghệ thông tin; thiết thực từng bước xây dựng “Chính phủ điện tử”, hướng đến “Chính phủ số”, phù hợp “nền kinh tế số”; từng bước xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, thúc đẩy kết nối, chia sẻ thông tin, thực hiện “dịch vụ công trực tuyến” trong giải quyết thủ tục hành chính, cung ứng dịch vụ công.
Từ những yêu cầu trên, một số giải pháp có thể đặt ra để nâng cao hiệu quả, chất lượng thủ tục hành chính trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý như sau:
Tiếp tục rà soát các quy định về thủ tục hành chính trợ giúp pháp lý, đặc biệt các thủ tục liên quan trực tiếp đến người dân, sửa đổi và đề xuất sửa đổi theo hướng đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho người dân khi sử dụng trợ giúp pháp lý.
Tiếp tục hoàn thiện các quy định về quy trình sử dụng dịch vụ trợ giúp pháp lý, nhất là quy trình thực hiện trợ giúp pháp lý thông qua hình thức trực tuyến (dịch vụ công trực tuyến), tăng mức độ cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thụ hưởng dịch vụ.
Tiếp tục nghiên cứu kết nối, chia sẻ thông tin dữ liệu về người nghèo, người yếu thế và đối tượng chính sách là người thuộc diện được trợ giúp pháp lý với cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác như cơ sở dữ liệu an sinh xã hội, cơ sở dữ liệu về tố tụng và cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành có liên quan; phối hợp, kết nối với Tòa án và các cơ quan tiến hành tố tụng khác về việc áp dụng phương thức điện tử đối với việc thực hiện trợ giúp pháp lý trong tố tụng (như chuyển gửi các giấy tờ, tài liệu có liên quan về việc đăng ký bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; bản án, quyết định....). Triển khai việc kết nối, chia sẻ hiệu quả sẽ giảm bớt thủ tục hành chính, chi phí hành chính và thời gian xác minh diện đối tượng được trợ giúp pháp lý, xử lý các thông tin, thủ tục tố tụng liên quan, góp phần vào việc thụ lý, giải quyết vụ việc trợ giúp pháp lý nhanh chóng, chất lượng, hiệu quả.
- Nghiên cứu, triển khai hiệu quả các nội dung về ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý như sau:
+ Ứng dụng công nghệ thông tin triển khai giải pháp xây dựng Cổng thông tin điện tử trợ giúp pháp lý Việt Nam là điểm truy cập duy nhất cung cấp các thông tin, ứng dụng/các thủ tục hành chính về trợ giúp pháp lý của Cục Trợ giúp pháp lý trên môi trường mạng đối với người dùng là người dân, cơ quan, tổ chức; ứng dụng trợ giúp pháp lý trên nền tảng di động và kết nối trên nền tảng xã hội có kết nối đến cơ sở dữ liệu về trợ giúp pháp lý nhằm tạo thuận lợi cho người dân khi truy cập.
+ Tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ tiếp nhận và hỗ trợ thông tin qua các phương thức như đường dây nóng trợ giúp pháp lý, tiếp nhận thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng báo đài, truyền hình, mạng xã hội một cách nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả,... ; nghiên cứu xây dựng, vận hành đường dây nóng trợ giúp pháp lý trở thành tổng đài điện thoại thông minh là nơi tiếp nhận và cung cấp thông tin pháp luật, giải đáp vướng mắc pháp luật đơn giản....
+ Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tạo lập dữ liệu bước đầu về trợ giúp pháp lý; trong quản lý dữ liệu việc, vụ việc trợ giúp pháp lý tập trung tại Trung ương, cho phép quản lý đầy đủ thông tin về việc, vụ việc trợ giúp pháp lý; quản lý người đã được trợ giúp pháp lý, quản lý, xác định đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý; trong việc xây dựng hệ thống thông tin cho phép quản lý tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý, viên chức, người lao động trong hệ thống trợ giúp pháp lý để phục vụ công tác quản lý, điều hành…/.
- Khả Hân -
[1] https://mic.gov.vn/so-lieu-phat-trien-linh-vuc-vien-thong-nam-2023-197240110083214636.htm
[2] theo phản ánh địa phương hiện có trường “dân tộc” chưa khai thác tự động từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư