Chế định người được trợ giúp pháp lý – Đề xuất hoàn thiện

21/05/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Trong pháp luật trợ giúp pháp lý, các quy định về người thuộc diện được trợ giúp pháp lý luôn được quan tâm và trở thành một chế định quan trọng. Qua các thời kỳ, chế định người được trợ giúp pháp lý luôn được nghiên cứu, hoàn thiện để ngày càng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội từng giai đoạn của đất nước và đáp ứng được nhu cầu trợ giúp pháp lý của người nghèo, người yếu thế, người dễ tổn thương trong xã hội. Bài viết nghiên cứu về lược sử chế định người được trợ giúp pháp lý qua các thời kỳ và từ đó, đưa ra một số đề xuất hoàn thiện chế định này trong giai đoạn hiện nay.

1. Chế định người được trợ giúp pháp lý trong giai đoạn từ năm 1997 đến năm 2006
   Thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 của Đảng, đất nước ta đã chuyển sang một giai đoạn cách mạng mới, giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Để phù hợp với công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đổi mới hệ thống chính trị và hoàn thiện bộ máy Nhà nước, ngày 31/5/1995 Văn phòng Trung ương Đảng ra Thông báo số 485/ CV-VPTW, trong đó chủ trương “cần mở rộng loại hình tư vấn pháp luật phổ thông, đáp ứng nhu cầu rộng rãi, đa dạng của các tầng lớp nhân dân, nhằm góp phần nâng cao ý thức pháp luật và ứng xử pháp luật của công dân trong quan hệ đời sống hàng ngày... cần nghiên cứu lập hệ thống dịch vụ tư vấn pháp luật không lấy tiền để hướng dẫn nhân dân sống và làm việc theo pháp luật”; ngày 18/6/1997, Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII), đã chỉ rõ “tổ chức hình thức tư vấn pháp luật cho các cơ quan, tổ chức và nhân dân, tạo điều kiện cho người nghèo được hưởng dịch vụ tư vấn pháp luật miễn phí”.
Thể chế hoá chủ trương của Đảng, trên cơ sở thực hiện thí điểm hoạt động TGPL tại một số tỉnh, ngày 6/9/1997 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 734/TTg về thành lập tổ chức TGPL cho người nghèo và đối tượng chính sách. Đây là văn bản pháp lý quan trọng, là căn cứ pháp lý cho sự ra đời, phát triển của hệ thống tổ chức TGPL. Theo Quyết định này, hệ thống tổ chức TGPL đã được thành lập từ Trung ương đến địa phương, bao gồm Cục TGPL thuộc Bộ Tư pháp và các Trung tâm TGPL thuộc Sở Tư pháp, đồng thời quy định cụ thể vị trí pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức TGPL. Cụ thể hóa Điều 6 Quyết định 734/QĐ-TTg, ngày 14/01/1998 Liên Bộ Tư pháp, Tài chính, Tổ chức cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ); Lao động thương binh xã hội đã phối hợp ban hành Thông tư liên tịch số 52/TTLT/TP-TC-TCCP-LĐTBXH hướng dẫn thi hành Quyết định số 734/TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập tổ chức TGPL cho người nghèo và đối tượng chính sách. Thông tư liên tịch xác định rõ diện đối tượng được hưởng TGPL miễn phí; phạm vi, phương thức TGPL; kinh phí hoạt động của các tổ chức TGPL. Theo Quyết định số 734/TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư liên tịch số 52/TTLT/TP-TC-TCCP-LĐTBXH ngày 14/01/1998 hướng dẫn thi hành Quyết định trên thì đối tượng TGPL là người nghèo, đối tượng chính sách và các đối tượng khác bao gồm:
i) Người nghèo: Tiêu chí để xác định người nghèo thuộc diện được TGPL dựa vào mức thu nhập bình quân đầu người trong hộ/tháng theo chuẩn mực do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố. Chuẩn mực nghèo giai đoạn 2001 - 2005 tính theo mức thu nhập bình quân đầu người trong hộ cho từng vùng được áp dụng từ ngày 01/01/2001[1] như sau: Vùng nông thôn miền núi, hải đảo: 80.000 đồng/tháng, 960.000 đồng/năm; vùng nông thôn đồng bằng: 100.000 đồng/tháng, 1.200.000 đồng/năm; vùng thành thị: 150.000 đồng/tháng, 1.800.000 đồng/năm.
ii) Đối tượng chính sách thuộc diện được TGPL theo quy định hiện nay bao gồm: người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng miễn án phí.
- Người có công với cách mạng được hưởng TGPL bao gồm: Những người tham gia hoạt động cách mạng trước Tháng 8/1945, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động, Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh mất sức lao động từ 61% trở lên, Vợ (hoặc chồng), cha mẹ đẻ, người có công nuôi liệt sỹ, Con liệt sĩ dưới 18 tuổi; Người có công giúp đỡ cách mạng;
- Đồng bào dân tộc thiểu số: Theo quy định pháp luật chỉ có đồng bào dân tộc thiểu số cư trú ở vùng sâu, vùng xa, hẻo lánh, hải đảo mới thuộc đối tượng được hưởng TGPL.
iii) Các đối tượng khác: Các đối tượng miễn án phí được quy định tại khoản 1 Điều 13, điểm a, b khoản 1 Điều 26; điểm a, c khoản 1 Điều 31 Nghị định số 70/CP ngày 12/6/1997 của Chính phủ về án phí, lệ phí Toà án cũng được TGPL miễn phí; Người nước ngoài cũng được hưởng TGPL miễn phí tại Việt Nam theo Hiệp định tương trợ tư pháp đã ký kết giữa Việt Nam và nước đó nếu trong đó có quy định về vấn đề này. Ngoài ra, trong khuôn khổ một số dự án hợp tác với các tổ chức quốc tế, một số đối tượng đặc thù như trẻ em, người tàn tật, người di cư, người già cô đơn, phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn nhân của tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em cũng là những đối tượng được TGPL.
2. Chế định người được trợ giúp pháp lý trong giai đoạn từ năm 2006 đến năm 2017
Để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc phát triển hoạt động TGPL ở Việt Nam, ngày 29/6/2006 Quốc hội khoá XI kỳ họp thứ 9 đã thể chế hóa chính sách cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người nghèo của Đảng bằng một văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực cao là Luật TGPL. Đây là một bước đột phá lớn về mặt thể chế, nâng tầm từ 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ lên thành Luật mà không cần qua bước Nghị định, Pháp lệnh. Điều đó khẳng định sự nhìn nhận, đánh giá cao của Quốc hội đối với những thành tựu mà công tác TGPL đã đạt được trong giai đoạn được.
   Để triển khai Luật TGPL kịp thời, ngày 13/10/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 35/2006/CT-TTg về việc triển khai thi hành Luật TGPL. Ngày 12/01/2007, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị định số 07/2007/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật TGPL tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất bảo đảm triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật (ngày 5/2/2013 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 14/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật TGPL).
Theo quy định tại Điều 10 Luật TGPL, Điều 2 Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật TGPL, khoản 1 Điều 1 Nghị định số 14/2013/NĐ-CP ngày 05/02/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 07/2007/NĐ-CP thì những người thuộc diện được TGPL bao gồm:
- Người nghèo là người thuộc hộ chuẩn nghèo theo quy định của pháp luật.
- Người có công với cách mạng, bao gồm:
 + Người hoạt động cách mạng trước Tổng khởi nghĩa 19 tháng 8 năm 1945;
+ Bà mẹ Việt Nam anh hùng;
+ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động;
+ Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh;
+ Bệnh binh;
+ Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học;
+ Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày;
+ Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế;
+ Người có công giúp đỡ cách mạng;
+ Cha, mẹ, vợ, chồng của liệt sĩ; con của liệt sĩ chưa đủ 18 tuổi; người có công nuôi dưỡng liệt sĩ (sau sửa đổi thành cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng của liệt sĩ; con của liệt sĩ; người có công nuôi dưỡng liệt sĩ).        
- Người già cô đơn, không nơi nương tựa là người từ đủ 60 tuổi trở lên sống độc thân hoặc không có nơi nương tựa (sau sửa đổi thành người từ đủ 60 tuổi trở lên, sống cô đơn, không có nơi nương tựa).
- Người tàn tật không nơi nương tựa là người bị khiếm khuyết một hay nhiều bộ phận cơ thể hoặc chức năng biểu hiện dưới những dạng tật khác nhau, làm suy giảm khả năng hoạt động, khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp nhiều khó khăn hoặc là người bị nhiễm chất độc hoá học, bị nhiễm HIV hoặc bị các bệnh khác làm mất năng lực hành vi dân sự mà không có nơi nương tựa (sau sửa đổi thành người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn; người bị nhiễm chất độc hóa học, bị nhiễm HIV mà không có nơi nương tựa).
- Trẻ em không nơi nương tựa là người dưới 16 tuổi không nơi nương tựa.
- Người dân tộc thiểu số thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là người thường xuyên sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật.
- Các đối tượng khác được trợ giúp pháp lý theo quy định tại điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
- Nạn nhân theo quy định của pháp luật phòng, chống mua bán người (được bổ sung theo quy định tại Nghị định số số 14/2013/NĐ-CP ngày 05/02/2013).
 3. Chế định người được trợ giúp pháp lý trong giai đoạn từ năm 2018 đến nay
   Một nguyên tắc cơ bản được hầu hết các nước trên thế giới thừa nhận rằng trợ giúp pháp lý  là trách nhiệm của Nhà nước, Nhà nước phải có trách nhiệm giúp đỡ những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương trong trường hợp họ không có đủ khả năng tài chính thuê luật sư khi họ phải đối diện với pháp luật để bảo đảm công lý, công bằng xã hội. Với bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân nên càng phải đề cao các nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ quyền công dân, quyền con người, vì vậy, TGPL là chức năng xã hội, là trách nhiệm của Nhà nước đối với những đối tượng yếu thế, không có khả năng chi trả thù lao cho dịch vụ pháp lý.
Việc xác định diện người được TGPL cần phải dựa trên những nguyên tắc cụ thể, phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật hiện hành và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước. Theo đó, việc quy định người được TGPL cần dựa trên các nguyên tắc mang tính đặc thù của Việt Nam (chính sách của Đảng và Nhà nước về đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng, chính sách dân tộc, chính sách hình sự đối với người dưới 18 tuổi bị buộc tội, chính sách chăm sóc và bảo vệ trẻ em) và bản chất của hoạt động TGPL là trợ giúp đối với một số nhóm đối tượng yếu thế nhất trong xã hội có khó khăn về tài chính, không đủ khả năng chi trả thù lao cho dịch vụ pháp lý. Ngoài việc tuân thủ các nguyên tắc nêu trên, cần kế thừa đầy đủ các đối tượng đang được TGPL theo pháp luật TGPL hiện hành và các luật, bộ luật có liên quan, bảo đảm đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tính khả thi trong việc bảo đảm nguồn lực cho công tác TGPL.
Ngày 20/6/2017, Luật TGPL số 11/2017/QH14 đã được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, theo đó người được TGPL đã mở rộng lên 14 nhóm đối tượng so với 06 nhóm đối tượng của Luật TGPL năm 2006. Việc mở rộng diện đối tượng TGPL nêu trên đã thể hiện rõ nét chính sách nhân văn, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với các đối tượng yếu thế, dễ tổn thương, góp phần bảo đảm trong tiếp cận pháp lý và bình đẳng trước pháp luật. Theo Điều 7 Luật TGPL 2017, người được TGPL gồm: (1) Người có công với cách mạng; (2) người thuộc hộ nghèo; (3) trẻ em; (4) người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; (5) người bị buộc tội từ đủ 16 đến 18 tuổi; (6) người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo; (7) người có khó khăn tài chính thuộc các nhóm: Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; Người nhiễm chất độc da cam; người cao tuổi; người khuyết tật; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự; nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người và người nhiễm HIV. Theo Kế hoạch triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý của Thủ tướng Chính phủ (ban hành kèm theo Quyết định số 1355/QĐ-TTg ngày 12/9/2017) về việc rà soát, thống kê người thuộc diện được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật TGPL trên địa bàn, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều đã rà soát, thống kê. Theo tổng hợp số liệu cung cấp của địa phương (năm 2022[2]), tổng số người thuộc diện TGPL trên toàn quốc là khoảng 47 triệu người, chiếm trên 41,2% dân số Việt Nam.
     Người được TGPL có 08 quyền sau[3]: quyền được trợ giúp pháp lý mà không phải trả tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác; quyền tự mình hoặc thông qua người thân thích, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác yêu cầu trợ giúp pháp lý; quyền được thông tin về quyền được trợ giúp pháp lý, trình tự, thủ tục trợ giúp pháp lý khi đến tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và các cơ quan nhà nước có liên quan; quyền yêu cầu giữ bí mật về nội dung vụ việc trợ giúp pháp lý; quyền lựa chọn 01 tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý tại địa phương trong danh sách được công bố; yêu cầu thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý khi người đó thuộc một trong các trường hợp không được tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc phải từ chối thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 25 Luật Trợ giúp pháp lý 2017; quyền thay đổi, rút yêu cầu trợ giúp pháp lý; quyền được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật; quyền khiếu nại, tố cáo về trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Bên cạnh đó, người được trợ giúp pháp lý có 5 nghĩa vụ[4] sau: nghĩa vụ cung cấp giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý, nghĩa vụ hợp tác, cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin, tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, tài liệu, chứng cứ đó, nghĩa vụ tôn trọng tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý, nghĩa vụ không yêu cầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý khác trợ giúp pháp lý cho mình về cùng một vụ việc đang được một tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý thụ lý, giải quyết; nghĩa vụ chấp hành pháp luật về trợ giúp pháp lý và nội quy nơi thực hiện trợ giúp pháp lý.
Từ những quy định trên trong các văn bản trợ giúp pháp lý, có thể thấy rằng Đảng, Nhà nước ta đã rất quan tâm đến quyền con người, quyền công dân và quyền tiếp cận công lý của người dân, trong đó có nhóm “dễ bị tổn thương”, yếu thế như người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số… Các quy định về diện người được trợ giúp pháp lý phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội theo từng thời kỳ và nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân.
4. Một số đề xuất
   Để triển khai nội dung nghiên cứu “mở rộng người được TGPL” được giao tại Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội và các nội dung về an sinh xã hội trong giai đoạn mới, với phương châm lấy người được trợ giúp pháp lý làm trung tâm, tác giả xin đề xuất một số nội dung để tiếp tục hoàn thiện chế định người được trợ giúp pháp lý trong điều kiện kinh tế - xã hội mới của đất nước như sau:
- Đề nghị nghiên cứu, ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên trong đó nghiên cứu quy định người chưa thành niên là người dưới 18 tuổi có quyền được trợ giúp pháp lý trong tố tụng tư pháp) cho phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn phát triển của đất nước.
- Đề nghị nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Người khuyết tật theo hướng quy định bên cạnh người khuyết tật có khó khăn về tài chính thì người khuyết tật trong tố tụng tư pháp cũng có quyền được trợ giúp pháp lý.
- Đề nghị trong quá trình sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người nghiên cứu, bổ sung quy định người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người cũng xem xét được trợ giúp pháp lý.
- Trước mắt, đề xuất nghiên cứu, sửa đổi Nghị định số 144/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý theo hướng mở rộng điều kiện có khó khăn về tài chính để bảo đảm người thuộc hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình làm nông nghiệp, diêm nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, người lao động có thu nhập thấp, người có khó khăn đột xuất… được trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu…
                                                                                                                                                                                                         Khả Hân
 

[1] Theo Quyết định số 1143/2000/QĐ-LĐTBXH ngày 01/11/2000 của Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội.
[2] Theo yêu cầu tại Công văn số 166/CTGPL-CS&QLNV ngày 7/4/2022 của Cục Trợ giúp pháp lý về việc cung cấp số liệu người thuộc diện trợ giúp pháp lý.
[3] Điều 8 Luật TGPL năm 2017
[4] Điều 9 Luật TGPL 2017

Xem thêm »