Thực trạng công tác trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị mua bán trở về và một số đề xuất, kiến nghị

Thực trạng công tác trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị mua bán trở về và một số đề xuất, kiến nghị

I. Thực trạng về nạn nhân bị mua bán
Buôn bán người là một trong những tội xâm phạm nghiêm trọng quyền con người. Mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực với nhiều biện pháp khác nhau, tình trạng buôn bán người vẫn diễn ra khá phức tạp trên thế giới và ở Việt Nam. Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 3 năm (2015 đến 2018) tăng 7% so với giai đoạn 2011-2015. Các nạn nhân bị mua bán chủ yếu là phụ nữ và trẻ em với mục đích bóc lột tình dục hoặc bị cưỡng ép lao động trong nước và nước ngoài.
Phụ nữ và trẻ em bị bán sang các nước châu Á vì mục đích cưỡng ép tình dục, đẻ thuê như Trung Quốc (chiếm 75%), Cam-pu-chia (chiếm 11%). Một số phụ nữ sang Trung Quốc, Đài Loan, Hong kong, Macau, Singapore hay Hàn Quốc thông qua những cuộc môi giới hôn nhân với người nước ngoài, sau đó bị cưỡng ép phục vụ trong gia đình, hành nghề mại dâm. Việc môi giới hôn nhân với người nước ngoài có xu hướng tăng mạnh ở các tỉnh phía Nam Việt Nam; trong khi đó tình trạng mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em xảy ra nhiều ở các tỉnh khu vực phía Bắc.
Nhiều đàn ông và phụ nữ Việt Nam ra nước ngoài để lao động thông qua một số công ty tuyển dụng lao động hoặc cá nhân môi giới lao động không có giấy phép. Họ phải đóng những khoản phí cao để được xuất khẩu lao động nhưng khi đến nước sở tại bị thu giữ giấy tờ tùy thân, bị bắt buộc phải làm việc trong những điều kiện tồi tàn, được trả lương rất thấp hoặc không được trả lương, không được tiếp cận với các kênh hỗ trợ và trợ giúp pháp lý tin cậy ở nước ngoài. Do sức ép của những khoản nợ nên một số người rơi vào cảnh bị cưỡng ép lao động, làm công trừ nợ; bị cơ quan chức năng kiểm tra, trục xuất về nước hoặc bị bạo lực khống chế để đòi tiền chuộc.
Những kẻ buôn người nhắm đến các nạn nhân ở những vùng sâu, vùng xa - là nơi mà người dân và chính quyền địa phương chưa hiểu hết hoặc nhận thức còn hạn chế về nạn buôn người. Địa bàn trọng điểm, nơi thường xuyên xảy ra các hành vi tuyển mộ, chứa chấp và bóc lột nạn nhân của tội phạm mua bán người là: tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc chiếm khoảng 70% tổng số vụ; tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia chiếm khoảng 11% tổng số vụ. Nạn nhân chủ yếu ở các tỉnh Nam bộ và đi qua các tỉnh Tây Ninh, An Giang, Đồng Tháp…Tuyến biên giới Việt Nam - Lào chiếm khoảng 6,3% số vụ. Nạn nhân bị bán chủ yếu qua các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị. Tuyến hàng không sang các nước trong khu vực như Thái Lan, Hồng Kông, Mã lai, Đài Loan, Singapore, Ma cao, Hàn Quốc… và một số nước Châu u như Nga, Séc, Anh, Đức…
Trong 2 năm (2016-2017), các đơn vị chức năng đã xác định hơn 1.000 trường hợp nạn nhân bị mua bán. Trong số các nạn nhân bị mua bán thì đa số là vì mục đích ép kết hôn và bóc lột tình dục. Trong đó, đa số nạn nhân là nữ giới, tập trung vào đội tuổi từ 18 tuổi đến 30 tuổi và dưới 18 tuổi, phần lớn là người dân tộc và nghèo. Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì 100% các nạn nhân tiếp nhận đã được hỗ trợ ban đầu, tư vấn tâm lý, khám sức khỏe, trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật.
II. Trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị mua bán
1. Khung pháp lý về trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị mua bán
Việt Nam đã đưa ra rất nhiều biện pháp để phòng chống nạn mua bán người. Về thể chế, ngay từ năm 2012, Chính phủ Việt Nam đã phê chuẩn Nghị định thư Palermo về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Năm 2015, Việt Nam ký Công ước ASEAN về Phòng chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em… Các điều ước quốc tế này là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc hợp tác quốc tế phòng chống nạn mua bán người tại Việt Nam và qua biên giới.
Luật Phòng, chống mua bán người đã được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 9 thông qua và có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2012. Luật Phòng, chống mua bán người quy định 06 chế độ hỗ trợ nạn nhân, bao gồm: 1) hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại (bố trí chỗ ở tạm thời, hỗ trợ về ăn, mặc và các vật dụng cá nhân thiết yếu khác, hỗ trợ chi phí đi lại); 2) hỗ trợ y tế; 3) hỗ trợ tâm lý; 4) trợ giúp pháp lý; 5) hỗ trợ học văn hóa, học nghề; 6) trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi hành Luật, Chính phủ và các Bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn hoặc quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống mua bán người. Bên cạnh đó, các quy định về tội mua bán người trong Bộ luật hình sự năm 2015 đã được sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn và hài hòa với các chuẩn mực quốc tế về chống buôn bán người…
Trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành nhiều văn bản, chương trình, kế hoạch, phòng, chống mua bán người. Ngày 10/5/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 793/QĐ-TTg lấy ngày 30/7 hàng năm là “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”. Luật Phổ biến giáo dục pháp luật và các văn bản hướng dẫn đã xác định rõ nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương trong việc phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó có pháp luật về phòng chống mua bán người, nhằm nâng cao hiểu biết và khả năng phòng, chống hành vi mua bán người trong phạm vi cả nước.
Trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành văn bản hướng dẫn về trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị mua bán. Năm 2011, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 07/2011/TT-BTP ngày 31/3/2011 hướng dẫn bảo đảm bình đẳng giới trong tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý; Thông tư này đã được thay thế bởi Thông tư số 11/2014/TT-BTP ngày 17/4/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định về bảo đảm bình đẳng giới trong trợ giúp pháp lý, trong đó có quy định về trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị mua bán. Theo đó, khi người được trợ giúp pháp lý là người mẹ, trẻ em gái, nạn nhân bạo lực gia đình, nạn nhân bị mua bán, nạn nhân bị xâm hại tình dục có yêu cầu được trợ giúp pháp lý thì tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý tiến hành các hoạt động nghiệp vụ để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho đối tượng được trợ giúp pháp lý này.
Thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020 và Kế hoạch số 15/KH-BCĐ triển khai thực hiện Chương trình; Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 420/QĐ-BTP ngày 14/3/2016 ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020 của Bộ Tư pháp.
Năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 14/2013/NĐ-CP ngày 05/2/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006, trong đó bổ sung đối tượng “Nạn nhân theo quy định của pháp luật phòng, chống mua bán người” thuộc diện được trợ giúp pháp lý để phù hợp với quy định của Luật Phòng, chống mua bán người (có hiệu lực 2012).
Năm 2017, Quốc hội thông qua Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 (thay thế Luật Trợ giúp pháp lý 2006), trong đó bổ sung quy định nạn nhân của hành vi mua bán người có khó khăn về tài chính được trợ giúp pháp lý.
Các văn bản nói trên đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các tổ chức trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý kịp thời cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân bị mua bán thuộc diện được trợ giúp pháp lý.
2. Về tổ chức và người thực hiện trợ giúp pháp lý
Tổ chức và người thực hiện trợ giúp pháp lý từng bước được kiện toàn theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý 2017. Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý gồm 63 Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước đặt tại 63 tỉnh/thành phố và tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý. Tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý gồm: (1) tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật ký kết hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với Sở Tư pháp; (2) tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý.
Đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý gồm: (1) Trợ giúp viên pháp lý; (2) luật sư (luật sư gồm: (i) luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo hợp đồng với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước; (ii) luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý của tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý); (3) tư vấn viên pháp luật có 02 năm kinh nghiệm tư vấn pháp luật trở lên làm việc tại tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý; (4) cộng tác viên trợ giúp pháp lý. Đội ngũ này được củng cố theo hướng chuyên nghiệp, tập trung vào vụ việc trợ giúp pháp lý, đặc biệt là vụ việc trợ giúp pháp lý theo hình thức tham gia tố tụng. Đến hết năm 2017, toàn quốc có 682 Trợ giúp viên pháp lý.
3. Một số kết quả đạt được về trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị mua bán người
3.1. Truyền thông về quyền trợ giúp pháp lý cho các nạn nhân bị mua bán
Ngay sau khi Luật Trợ giúp pháp lý 2017 có hiệu lực, các hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về quyền được trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý nói chung và nạn nhân bị mua bán nói riêng, đã được triển khai đồng bộ. Các địa phương đã chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng như Đài phát thanh, truyền hình, báo chí để tuyên truyền về hoạt động trợ giúp pháp lý, trong đó có lồng ghép tình hình mua bán người tại địa bàn; phổ biến về quyền được trợ giúp pháp lý cho các nạn nhân bị mua bán và giúp nạn nhân bị mua bán, thân nhân của nạn nhân bị mua bán hiểu thêm về các thủ đoạn tinh vi của loại tội phạm mua bán người, một số hình thức xử lý đối với hành vi mua bán người, đặc biệt là mua bán trẻ em, qua đó đã nâng cao được ý thức, hiểu biết pháp luật về lĩnh vực này.
3.2. Về vụ việc trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị mua bán người
Bên cạnh việc đẩy mạnh truyền thông về trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị mua bán người, các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước còn tập trung vào việc thực hiện các vụ việc trợ giúp pháp lý theo các hình thức tư vấn, tham gia tố tụng và các hình thức khác trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính cho người được trợ giúp pháp lý là nạn nhân bị mua bán.
Theo số liệu thống kê của các địa phương trong cả nước thì từ năm 2015 đến hết năm 2018 đã gần 200 vụ việc trợ giúp pháp lý cho gần 200 nạn nhân bị mua bán, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em được các Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh/thành phố trợ giúp pháp lý miễn phí. Trong đó, 50% vụ việc trợ giúp pháp lý theo hình thức tư vấn pháp luật, 40,9% vụ việc trợ giúp pháp lý theo hình thức tham gia tố tụng, 8,5% vụ việc trợ giúp pháp lý theo hình thức khác. Ở phía Bắc, các thành phố lớn và tỉnh có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, đã thực hiện nhiều vụ việc trợ giúp pháp lý cho nạn nhân là phụ nữ, trẻ em bị buôn bán; ví dụ như Hà Nội, Hải Phòng, Hà Giang, Lạng Sơn. Ở phía Nam, các hành vi buôn bán phụ nữ, trẻ em xảy ra tương đối phức tạp, nhiều vụ nghiêm trọng; ví dụ thành phố Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang.
Mặc dù số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị mua bán do các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thực hiện trong thời gian qua chưa phải là nhiều so với tổng số các vụ việc trợ giúp pháp lý, nhưng nhiều trường hợp nạn nhân đã được trợ giúp kịp thời để tháo gỡ những vướng mắc pháp luật khi trở về địa phương, đòi bồi thường thiệt hại cho nạn nhân hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Qua những vụ việc cụ thể này đã kịp thời giúp nạn nhân – nhóm người dễ bị tổn thương trong xã hội – và người thân của họ cũng như cộng đồng và xã hội hiểu biết hơn, tin tưởng hơn vào chính sách, các quy định của pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam về phòng, chống mua bán người, các thủ đoạn của bọn tội phạm mua bán người ở trong nước và nước ngoài, trên cơ sở đó nâng cao ý thức cảnh giác, biết cách tự phòng ngừa và chống lại tệ nạn mua bán người ở trong nước và ra nước ngoài.
Các vụ việc trợ giúp pháp lý được đánh giá chất lượng thông qua Bộ Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý. Hầu hết, các vụ việc trợ giúp pháp lý (trong đó có vụ việc trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị mua bán) được đánh giá là đạt chất lượng và đạt chất lượng tốt, không có vụ việc nào bị khiếu kiện.
4. Một số khó khăn, vướng mắc
- Đôi khi việc xác minh là nạn nhân bị mua bán người gặp nhiều khó khăn do các nạn nhân không muốn tiết lộ thông tin cá nhân nên họ không đủ căn cứ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý; hoặc do tâm lý e ngại, hoảng sợ nên không hợp tác gây khó khăn cho người thực hiện trợ giúp pháp lý trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý.
- Công tác phối hợp giữa Trung tâm trợ giúp pháp lý và các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, cơ sở hỗ trợ, trợ giúp, bảo vệ nạn nhân và các cấp chính quyền cơ sở cũng như các đoàn thể xã hội trong hoạt động trợ giúp pháp lý, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân, tham gia phòng, chống mua bán người có lúc, có nơi chưa được kịp thời nên việc phát hiện và chuyển gửi nhu cầu trợ giúp pháp lý của nạn nhân bị mua bán còn hạn chế.
- Một số tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý chưa được trang bị đồng bộ cơ cở vật chất, trang thiết bị phù hợp, chưa bố trí đủ kinh phí cho việc bồi dưỡng nâng cao các kỹ năng chuyên sâu khi tiến hành thực hiện trợ giúp pháp lý cho nhóm đối tượng đặc thù này, đặc biệt là các tỉnh có chung biên giới có nguy cơ cao về tình trạng mua, bán người.
4. Nguyên nhân
- Một số cơ quan, tổ chức ở một số nơi chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác phòng, chống bạo lực gia đình nên chưa tích cực vào cuộc.
- Một số địa phương do phong tục tập quán, định kiến xã hội, đặc biệt là vấn đề kỳ thị và hòa nhập xã hội nên những phụ nữ bị mua bán có tâm lý mặc cảm, e ngại và không dám tiếp cận với cơ quan có thẩm quyền;
- Do hạn chế nguồn lực (kinh phí và biên chế) nên phần nào ảnh hưởng tới năng lực và khả năng cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người có yêu cầu trợ giúp pháp lý.
5. Về đề xuất giải pháp, kiến nghị
- Theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, kể từ ngày 01/01/2018, những nạn nhân của hành vi mua bán người có khó khăn về tài chính thuộc diện người được trợ giúp pháp lý. Vì vậy, cần rà soát tổng thể các quy định của pháp luật có liên quan đến trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị mua bán, trong đó có Luật Phòng chống mua bán người, để đề xuất sửa đổi cho phù hợp với quy định của Luật Trợ giúp pháp lý 2017, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
- Tăng cường công tác phối hợp giữa Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước với các cơ quan, tổ chức có liên quan, đặc biệt là cơ quan tiến hành tố tụng khi phát hiện đối tượng là nạn nhân bị mua bán người có khó khăn về tài chính thì giới thiệu họ đến các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp để được trợ giúp pháp lý miễn phí theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý.
- Đẩy mạnh hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý và phòng, chống mua bán người để nâng cao nhận thức của các cơ quan, ban ngành về vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác phòng, chống bạo lực gia đình nói chung và công tác trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị mua bán người nói riêng.
- Trang bị đồng bộ cơ cở vật chất, trang thiết bị phù hợp để thực hiện trợ giúp pháp lý cho nạn nhân được tốt hơn; tiếp tục nâng cao năng lực của người thực hiện trợ giúp pháp lý về kỹ năng thực hiện TGPL cũng như hiểu biết về tâm lý và cách thức tiếp cận, trao đổi với người được trợ giúp pháp lý là nạn nhân bị mua bán.
- Tăng cường hợp tác quốc tế về đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người, triển khai có hiệu quả các điều ước quốc tế đa phương về phòng, chống tội phạm mua bán người và các hiệp định song phương với các quốc gia láng giềng nhằm phòng, chống nạn buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em