Kiểm tra công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tại tỉnh Ninh Thuận

Được sự ủy quyền của đồng chí Vũ Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an, ngày 15/9/2022, đồng chí Trần Nguyên Quân, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, Bộ Công an đã thực hiện nhiệm vụ Trưởng đoàn Đoàn công tác của Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở Trung ương làm việc với Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh Ninh Thuận, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Ninh Thuận. Tham gia đoàn công tác có đồng chí Vũ Thị Hoàng Hà, Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, các đồng chí đại diện Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính. Đại diện Hội đồng phối hợp liên ngành tỉnh Ninh Thuận có có đồng chí Trần Văn Hiếu, Giám đốc Sở Tư pháp cùng đại diện các cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Sở Tài chính, Sở Thông tin truyền thông, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Đoàn Luật sư...

Báo cáo của Hội đồng phối hợp liên ngành tỉnh Ninh Thuận cho biết Hội đồng đã triển khai đầy đủ các nội dung, nhiệm vụ được quy định tại Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT. Các ngành thành viên đã chủ động xây dựng Kế hoạch và quán triệt, triển khai Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT cho đội ngũ cán bộ, công chức trong ngành, nhất là người tiến hành tố tụng; qua đó, giúp cho các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và cá nhân có liên quan đã nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm đối với công tác trợ giúp pháp lý, đồng thời, nêu cao ý thức trách nhiệm trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL đảm bảo tính khách quan, công khai khi giải quyết các vụ việc theo quy định của pháp luật.
Sở Tư pháp là cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở địa phương đã phát huy tốt vai trò chủ động triển khai các mặt hoạt động của Hội đồng, chỉ đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thường xuyên thực hiện việc cung cấp biểu mẫu theo Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT (Bảng thông tin về trợ giúp pháp lý, Tờ thông tin về trợ giúp pháp lý; tờ gấp pháp luật; Đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý…) và danh sách, số điện thoại của trợ giúp viên pháp lý, luật sư ký hợp đồng với Trung tâm tới các cơ quan tiến hành tố tụng, đảm bảo cho các cơ quan tiến hành tố tụng cấp phát, giải thích cho đương sự. Công tác phối hợp ngày càng đi vào thực chất, số vụ việc có đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý do các cơ quan tiến hành tố tụng giới thiệu ngày càng tăng.
Đồng chí: Trần Nguyên Quân -  Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, Bộ Công an phát biểu tại buổi làm việc

Các ngành thành viên của Hội đồng, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, trại tạm giam, nhà tạm giữ đã thực hiện nghiêm túc và đầy đủ trách nhiệm quy định tại Thông tư liên tịch số 10. Lực lượng điều tra viên, cán bộ Nhà tạm giữ, Trại tạm giam nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng của công tác trợ giúp pháp lý, luôn chủ động thực hiện trách nhiệm trong công tác phối hợp; kịp thời trao đổi với Trung tâm  trợ giúp pháp lý nhà nước để tháo gỡ những vướng mắc, bất cập nảy sinh. Trong quá trình điều tra vụ án, khi phát hiện người thuộc diện trợ giúp pháp lý thì cơ quan điều tra, cơ quan quản lý giam giữ đã chủ động liên hệ thông qua đường dây nóng hoặc gửi văn bản trực tiếp đề nghị Trung tâm trợ giúp pháp lý cử người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị buộc tội, bị hại theo quy định của pháp luật.
Trên cơ sở báo cáo của Hội đồng phối hợp liên ngành địa phương, đại diện Hội đồng phối hợp liên ngành Trung ương đã trao đổi đề nghị làm rõ một số công việc đã triển khai tại địa phương, giải đáp những khó khăn, vướng mắc của địa phương trong quá trình phối hợp như: việc tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý khi đến giai đoạn xét xử mà người bị buộc tội đã đủ 18 tuổi, thực hiện công tác truyền thông… Đoàn công tác đánh giá cao những nỗ lực của Sở Tư pháp, cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp liên ngành tại địa phương đã chủ động, sáng tạo trong triển khai công việc, nhất là đi tiên phong trong việc chỉ đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý phối hợp với TAND các huyện Thuận Bắc, Ninh Phước thống nhất triển khai công tác phối hợp cử người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án nhân dân huyện Thuận Bắc với Kế hoạch số 93/KH-TTTGPL-TANDTB ngày 30/6/2020; Tòa án nhân dân huyện Ninh Phước với Kế hoạch số 102/KH-TTTGPL-TANDNP ngày 14/7/2020; Sở Tư pháp  ký kết Quy chế phối hợp với Công an tỉnh về người thực hiện trợ giúp pháp lý trực kết nối trong tố tụng hình sự (tháng 12/2021).
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở Ninh Thuận còn gặp một số hạn chế, khó khăn: tỷ lệ vụ việc được TGPL trong hoạt động tố tụng đã có xu hướng tăng dần về số lượng nhưng vẫn còn thấp so với tổng số vụ việc do Tòa án hai cấp trên địa bàn tỉnh xét xử hàng năm. Kinh phí hoạt động của Hội đồng tại địa phương còn ở mức thấp, khó có thể triển khai các mặt hoạt động trong công tác phối hợp; các ngành thành viên chưa được bố trí kinh phí cho hoạt động phối hợp của ngành mình; nhận thức của người dân về trợ giúp pháp lý còn hạn chế.
Đồng chí: Vũ Thị Hoàng Hà - Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý phát biểu tại buổi làm việc

Đồng chí Vũ Thị Hoàng Hà, Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý đề nghị Hội đồng phối hợp liên ngành tỉnh: tiếp tục quán triệt, chủ động thực hiện Thông tư liên tịch số 10 cho phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương, trong đó tiếp tục việc giải thích, thông báo, thông tin về trợ giúp pháp lý theo quy định; tổ chức tập huấn cho người có thẩm quyền tiến hành tố tụng ở cấp huyện; các ngành thành viên ở địa phương dự toán kinh phí cho ngành mình theo Điều 23 Thông tư liên tịch 10. Sở Tài chính quan tâm bố trí kinh phí cho hoạt động nghiệp vụ, hoạt động của Hội đồng phối hợp liên ngành tỉnh. Đề nghị Sở Tư pháp với vai trò là thường trực Hội đồng trong việc thúc đẩy hơn nữa hiệu quả hoạt động của Hội đồng, đặc biệt, tiếp tục triển khai có hiệu quả việc trực tại trụ sở tòa án nhân dân và trực kết nối trong tố tụng hình sự  với cơ quan điều tra, cơ sở giam giữ để chia sẻ kinh nghiệm với các địa phương khác. Trung tâm trợ giúp pháp lý chủ động hơn nữa trong triển khai các nhiệm vụ được giao, nhất là nhiệm vụđổi mới công tác truyền thông để người dân được tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý; chú trọng nâng cao chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý,….
 
Các đồng chí đại diện cho Công An tỉnh Ninh Thuận phát biểu tại buổi làm việc

Đồng chí Trần Nguyên Quân, Trưởng đoàn phát biểu ghi nhận những nỗ lực, sáng tạo và kết quả hoạt động của Hội đồng phối hợp liên ngành tỉnh, trở thành một điểm sáng về sự chủ động trong phối hợp với Công an tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh để  tăng cường hơn nữa sự phối hợp của các bên, giúp người dân thuận lợi trong tiếp cận trợ giúp pháp lý trong tố tụng hình sự, dân sự và hành chính.  Đồng thời, đề nghị thời gian tới Hội đồng phối hợp liên ngành tỉnh tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, tăng số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý trong tố tụng, tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý./.
Phan Hà – Cục Trợ giúp pháp lý