Hà Nam: Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông và trợ giúp pháp lý

Xác định công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý giữ vai trò quan trọng trong việc truyền tải thông tin về trợ giúp pháp lý đến với người dân, giúp người dân tiếp cận thông tin trợ giúp pháp lý hiệu quả, thời gian qua, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Hà Nam luôn chú trọng đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng.

Theo kết luận tại Cáo trạng số 28/CT-VKS-TA ngày 29/3/2022 của Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Bình Lục, do có xích mích cá nhân, khoảng 18 giờ ngày 22/02/2022 tại thôn Thanh Hòa, xã Đồn Xá (huyện Bình Lục , tỉnh Hà Nam), Vũ Thị H cùng Vũ Đăng Kh (bố đẻ Vũ Thị H), Lê Thị Ng (mẹ đẻ Vũ Thị H), Lê Vũ Anh Đ và Lê Vũ Anh L (con trai vũ Thị H) đã thực hiện hành vi khống chế, bắt giữ và dùng dây cao su trói hai tay, hai chân của Nguyễn Thị Y trong khoảng thời gian 15 phút. Ngoài ra, Vũ Thị H còn độc lập thực hiện hành vi lột quần Nguyễn Thị Y vứt xuống ruộng, như vậy Y đã bị xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự. Trong vụ án này, Vũ Thị H là người khởi xướng, tích cực thực hiện hành vi bắt trói, lột quần Y nên giữ vai trò thứ nhất; bị truy tố ra trước Tòa án nhân dân huyện Bình Lục về tội “Làm nhục người khác”“Bắt, giữ người trái pháp luật”. Các bị can Vũ Đăng Kh, Lê Thị Ng và Lê Vũ Anh Đ đã tham gia cùng với H bắt, trói và giữ Nguyễn Thị Y nên các bị can này trở thành đồng phạm và giữ vai trò thứ hai; bị truy tố về tội “Bắt, giữ người trái pháp luật”.
Trả lời trước phiên tòa, Vũ Thị H cho hay, do thường xuyên xem những video, clip đánh nhau bắt, trói, lột quần áo nhau trên mạng nên khi xảy ra tranh chấp, H đã thực hiện hành vi trên đối với bà Y. Thực hiện bào chữa cho bị cáo Vũ Đăng Kh, Lê Thị Ng và Lê Vũ Anh Đ phạm tội bắt, giữ người trái pháp luật tại phiên tòa sơ thẩm ngày 27/04/2022, trợ giúp viên pháp lý Nguyễn Văn Tình, Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Hà Nam cho rằng, chỉ là xích mích nhỏ, lời qua tiếng lại giữa những người hàng xóm, nhưng do thiếu hiểu biết pháp luật, trong quá trình xảy ra xô xát, các bị can đã vô tình vi phạm Khoản 1 Điều 155 và Khoản 1 Điều 157 Bộ luật Hình sự năm 2015. Qua vụ án, có thể thấy được tầm quan trọng của công tác trợ giúp pháp lý, nhất là truyền thông trong trợ giúp pháp lý để giúp người dân nâng cao hiểu biết về pháp luật, bảo đảm công bằng trong tiếp cận công lý cho các đối tượng được trợ giúp pháp lý.
Để thực hiện một cách đồng bộ, toàn diện và có hiệu quả chính sách, pháp luật về trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Hà Nam trong năm 2022, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh đã tham mưu cho Giám đốc sở Tư pháp ban hành các kế hoạch, hướng tới cụ thể hóa mục tiêu, nội dung trợ giúp pháp lý, phù hợp với từng đối tượng, đặc biệt là đối tượng đặc thù như: người có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật, trẻ vị thành niên, người tái hòa nhập cộng đồng… Trong 6 tháng đầu năm 2022, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh đã phối hợp với Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân thực hiện 25 buổi truyển thông về trợ giúp pháp lý tại các xã, phường, thị trấn với hơn 3.000 người tham dự. Nội dung truyển thông về Luật Đất đai; Chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; Tranh chấp đất đai và hòa giải tranh chấp đất đai; Bộ Luật Dân sự; Luật Trợ giúp pháp lý… Cùng đó, Trung tâm đã phối hợp với Hội Người khuyết tật tỉnh tổ chức 3 lớp truyền thông về trợ giúp pháp lý và chính sách pháp luật liên quan cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, nhằm nâng cao hoạt động truyền thông về công tác trợ giúp pháp lý, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh đã tiến hành biên soạn, in ấn, phát 25.000 các tờ rơi, tờ gấp giới thiệu về Trung tâm, một số nội dung cơ bản của Luật Trợ giúp pháp lý và các tài liệu liên quan đến các lĩnh vực pháp luật thiết yếu cho người dân như: Luật đất đai, cư trú, dân sự, hôn nhân gia đình; chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, chính sách đối với người khuyết tật… Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, những hoạt động truyền thông, tuyên truyền, tư vấn trực tiếp đã phần nào bị hạn chế. Trước yêu cầu thực tiễn, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Hà Nam đã đổi mới hoạt động, tăng cường công tác phối hợp với các địa phương, đơn vị trong công tác thông tin, tuyên truyền; phối hợp với Báo Hà Nam, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh viết bài truyền thông về đổi mới hình thức trợ giúp pháp lý, xây dựng chuyên mục truyền thông về trợ giúp pháp lý và hỏi đáp trợ giúp pháp lý. Đồng thời, tăng cường viết tinbài vụ việc được trợ giúp pháp lý, hỏi đáp pháp luật đăng trên trang thông tin điện tử của Cục Trợ giúp pháp lý, Bản tin Tư pháp và trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp. Song song đó, các cơ quan tiến hành tố tụng đã có sự phối hợp hiệu quả với Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án nhân dân các cấp đã thực hiện nghiêm túc việc niêm yết bảng thông báo trợ giúp pháp lý  miễn phí, đặt hộp tin, mẫu đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý, tờ gấp pháp luật cùng số điện thoại, địa chỉ của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh tại nơi đón tiếp công dân, liên hệ với trung tâm khi có vụ việc thuộc diện được trợ giúp pháp lý. Trung tâm cũng đang trong quá trình nghiên cứu, xây dựng quy chế phối hợp với Tòa án nhân dân tỉnh để có thể bố trí trợ giúp viên pháp lý trực qua điện thoại.
Thông qua hàng loạt hình thức đổi mới, chủ động, phù hợp với tình hình mới, hoạt động  trợ giúp pháp lý trong  thời gian qua đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực, ngày càng nhiều người dân biết đến công tác trợ giúp pháp lý bao gồm cả số lượng và chất lượng vụ việc tư vấn pháp luật và vụ việc tham gia tố tụng có chiều hướng tăng. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Trung tâm đã thực hiện 275 vụ (kỳ trước chuyển qua 40 vụ việc, trong kỳ thụ lý 235 vụ việc). Trong đó, có 164 vụ việc tư vấn và 111 vụ tham gia tố tụng, tăng hơn so với cùng kỳ năm 2021. Trong quá trình thực hiện tư vấn pháp luật và tham gia tố tụng, các trợ giúp viên pháp lý tăng cường giới thiệu về chức năng, nhiệm vụ của trung tâm, các diện người được trợ giúp pháp lý, các quyền và nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý.. Đây cũng là một trong những hình thức truyền thông hiệu quả của trung tâm.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai thực hiện truyền thông về trợ giúp pháp lý vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như:nhận thức về công tác trợ giúp pháp lý của người thuộc diện được trợ giúp pháp lý chưa cao nên việc giải thích, hướng dẫn họ thực hiện quyền được trợ giúp pháp lý còn gặp nhiều khó khăn. Một số địa phương, cơ quan tiến hành tố tụng, tổ chức xã hội chưa chủ động trong việc hỗ trợ, thông tin, phối hợp với trung tâm và người thực hiện trợ giúp pháp lý. Ngoài ra, diện người được trợ giúp pháp lý theo pháp luật ngày một mở rộng, nhu cầu được trợ giúp pháp lý  ngày càng tăng, song số lượng Trợ giúp viên pháp lý và nguồn bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý còn ít nên việc triển khai công tác trợ giúp pháp lý  còn gặp nhiều khó khăn.
Thực trạng này đòi hỏi cần tiếp tục đa dạng hóa các phương thức truyền thông về trợ giúp pháp lý.  Lựa chọn nội dung phù hợp với từng đối tượng, đặc thù từng vùng, trình độ dân trí của người dân. Qua đó, góp phần giúp người dân nâng cao nhận thức pháp luật và thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ của mình, tham gia đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật, giữ gìn sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư.
Bài, ảnh: Thanh Vân Báo Hà Nam