Quảng Bình: Một số kết quả nổi bật trong công tác phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng năm 2021

Thực hiện Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 29/6/2018 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao quy định về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý (TGPL) trong hoạt động tố tụng (sau đây gọi là Thông tư liên tịch 10), ngày 05/02/2021, Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng tỉnh Quảng Bình (sau đây gọi là Hội đồng) đã ban hành Kế hoạch số 337/KH-HĐPHLN về việc triển khai hoạt động phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng năm 2021.

Năm 2021, do tác động của đại dịch Covid-19 kéo dài trên địa bàn tỉnh nên đã phần nào ảnh hưởng đến một số hoạt động trong công tác phối hợp liên ngành. Tuy nhiên, được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL ở Trung ương, của Sở Tư pháp cũng như sự nỗ lực, phối hợp chặt chẽ của các ngành thành viên Hội đồng, công tác phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng đã đạt được những kết quả nổi bật trên tất cả các lĩnh vực hoạt động, đặc biệt là trong công tác nâng cao chất lượng và số lượng vụ việc TGPL tham gia tố tụng.
- Công tác chỉ đạo, điều hành: Để thực hiện nghiêm túc Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, Thông tư liên tịch số 10, trên cơ sở Kế hoạch số 337/KH-HĐPHLN ngày 05/02/2021, Hội đồng đã bám sát các nhiệm vụ chính trị và tình hình thực tế của địa phương để có biện pháp chỉ đạo thực hiện. Sở Tư pháp là cơ quan thường trực của Hội đồng đã thực hiện tốt nhiệm vụ là đầu mối phối hợp, duy trì hoạt động thường xuyên của Hội đồng, kịp thời tham mưu kiện toàn Tổ giúp việc của Hội đồng. Các ngành thành viên Hội đồng cũng đã nắm bắt tình hình và thường xuyên trao đổi, phản ánh về Hội đồng để kịp thời phát hiện những vướng mắc, bất cập nảy sinh từ thực tiễn hoạt động của ngành mình để đề ra các giải pháp khắc phục.
- Công tác phổ biến, quán triệt, truyền thông về TGPL: Các ngành thành viên đã lồng ghép các nội dung hoạt động của Hội đồng vào các chương trình, kế hoạch chuyên môn của cơ quan, đơn vị mình và chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung Luật TGPL năm 2017 và Thông tư liên tịch số 10, cụ thể: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh triển khai công tác phổ biến giáp dục pháp luật về TGPL bằng nhiều hình thức như lồng ghép vào chương trình giáo dục chính trị cho các đối tượng theo kế hoạch; tuyên truyền trên tạp chí, báo địa phương 130 tin bài, trên Đài Phát thanh – truyền hình địa phương 213 tin, phóng sự; tuyên truyền miệng nội bộ cho cán bộ, chiến sỹ 275 buổi cho 21.848 lượt người; tuyên truyền trực quan tại 13/13 đầu mối đơn vị với 13 cụm pa nô, áp phích, khẩu hiệu; đồng thời chỉ đạo 10 cơ quan, đơn vị trực thuộc, đặt Hộp tin TGPL tại phòng tiếp công dân của đơn vị mình nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân trong việc tiếp cận, tìm hiểu và nghiên cứu tài liệu; Công an tỉnh thông qua các hội nghị chuyên đề nghiệp vụ tổ chức quán triệt đầy đủ chuyên sâu Luật TGPL 2017, Thông tư liên tịch số 10 cho các cán bộ, chiến sĩ trong cơ quan đơn vị, đặc biệt là các đối tượng trực tiếp làm công tác pháp luật và hướng dẫn cho người thuộc diện TGPL; VKSND tỉnh đã triển khai, quán triệt pháp luật về TGPL thông qua các cuộc họp giao ban, triển khai công tác chuyên môn, hội nghị tổng kết cho cán bộ, Kiểm sát viên trong toàn ngành; TAND tỉnh tổ chức lồng ghép các nội dung của pháp luật về TGPL vào các hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác, công khai trực tuyến, chương trình tập huấn nghiệp vụ của TAND 2 cấp, tổ chức phổ biến cho toàn thể cán bộ, công chức, thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký nội dung tinh thần của Thông tư liên tịch số 10.
- Công tác kiểm tra, báo cáo: Trong năm 2021, Hội đồng đã ban hành Kế hoạch kiểm tra số 2276/KH-HĐPHLN ngày 8/10/2021 về kiểm tra công tác phối hợp liên ngành TGPL trong hoạt động tố tụng. Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, khó lường nên để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh, Hội đồng đã xây dựng nội dung kế hoạch kiểm tra theo hướng các đơn vị tự tổ chức hoạt động kiểm tra trong ngành, đơn vị mình và báo cáo kết quả kiểm tra cho Hội đồng. Theo đó, có 09 cơ quan đơn vị tự kiểm tra, gồm: Công an huyện Quảng Ninh, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Quảng Ninh, Tòa án nhân dân huyện Quảng Ninh; Công an huyện Bố Trạch, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Bố Trạch, Tòa án nhân dân huyện Bố Trạch; Công an huyện Quảng Trạch, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Quảng Trạch, Tòa án nhân dân huyện Quảng Trạch. Theo báo cáo kết quả công tác tự kiểm tra của các đơn vị cho thấy các cơ quan tố tụng đã thực hiện tương đối nghiêm túc các quy định tại Thông tư liên tịch số 10. Các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng về cơ bản đã thực hiện thường xuyên việc giải thích, hướng dẫn cho người được TGPL về các quyền và nghĩa vụ TGPL, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, không để xảy ra các trường hợp oan sai. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại như việc giải thích, thông báo, thông tin về TGPL trong một số trường hợp chưa được thực hiện triệt để, công tác tuyên  truyền, phổ biến đôn đốc thực hiện Thông tư liên tịch số 10 chưa được kịp thời…
- Về kết quả thực hiện vụ việc TGPL tham gia tố tụng: Theo số liệu thống kê, tính từ ngày 01/01/2021 - 31/10/2021, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Quảng Bình đã thụ lý, cử người tham gia tố tụng thực hiện TGPL 191 vụ việc cho 191 người được TGPL ( tăng 35 vụ việc so với năm 2020). Trong đó, Trợ giúp viên pháp lý thực hiện 187 vụ việc cho 187 đối tượng (chiếm 97,9%), Luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL với Trung tâm thực hiện 04 vụ việc cho 04 đối tượng (chiếm 2,1%). Về lĩnh vực được TGPL: Có 142 vụ việc thuộc lĩnh vực tố tụng hình sự (chiếm 74,4%), 48 vụ việc thuộc lĩnh vực tố tụng dân sự, hôn nhân và gia đình (chiếm 25,1%), 01 vụ việc thuộc lĩnh vực tố tụng hành chính (0,5%). Về diện đối tượng được TGPL: Có 38 đối tượng là người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi (chiếm 20%); 18 đối tượng là trẻ em (chiếm 9%); 20 đối tượng là người nghèo (chiếm 10,5%); 16 đối tượng là người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo (chiếm 8,4%); 28 đối tượng là người có công với cách mạng (chiếm 15%); 39 đối tượng là người dân tộc thiểu số cư trú tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn (chiếm 20,4%); 06 đối tượng là người cao tuổi có khó khăn về tài chính (chiếm 3,1%); 19 đối tượng là người khuyết tật có khó khăn về tài chính (chiếm 10%); 03 đối tượng là thân nhân của liệt sỹ có khó khăn về tài chính (chiếm 1,6%); 02 đối tượng là người nhiễm chất độc da cam có khó khăn về tài chính (chiếm 1,0%); 01 đối tượng từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự có khó khăn về tài chính (chiếm 0,5%); 01 đối tượng là nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình (chiếm 0,5%). Trong tổng số 146 vụ việc tham gia tố tụng đã hoàn thành (128 vụ việc hoàn thành ở giai đoạn sơ thẩm, 18 vụ việc hoàn thành ở giai đoạn phúc thẩm), có 80/146 vụ việc đạt tiêu chí vụ việc thành công, hiệu quả. Bên cạnh đó, chất lượng tham gia xét hỏi và tranh tụng tại phiên tòa ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu về cải cách tư pháp trong tình hình mới, nhiều bản án được Hội đồng xét xử tuyên theo hướng có lợi cho đương sự theo đề nghị của Trợ giúp viên pháp lý, giảm nhẹ hình phạt so với đề xuất của Viện kiểm sát hoặc bản án sơ thẩm.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp như sau:
Một là, tiếp tục nâng cao vai trò của các ngành thành viên Hội đồng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 10.
Hai là, các ngành thành viên Hội đồng tiếp tục xây dựng và ban hành các văn bản theo ngành dọc để chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị trong ngành thực hiện công tác phối hợp về TGPL trong hoạt động tố tụng.
Ba là, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng trong việc hướng dẫn, giải thích, thông báo, thông tin về TGPL trong công tác phối hợp.
Bốn là, nâng cao công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật và phối hợp thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng nhằm tránh bỏ lọt, bỏ sót các đối tượng thuộc diện được TGPL.
Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hàng năm của Hội đồng để kịp thời nắm bắt những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn để từ đó, đưa ra các giải pháp khắc phục kịp thời nhằm nâng cao hiệu quả của công tác phối hợp trong thời gian tới.
 
                   Hùng Phan
Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Quảng Bình