Kiểm tra công tác phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh Long An năm 2021

Trong các ngày 24,25,30/11/2021, Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh Long An (sau đây gọi là Hội đồng phối hợp liên ngành) đã tổ chức kiểm tra việc phối hợp thực hiện công tác trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tại các cơ quan tiến hành tố tụng của huyện Đức Hòa, huyện Cần Đước và huyện Tân Thạnh tỉnh Long An theo Kế hoạch số 2522/KH-HĐPHLN ngày 16/11/2021 của Hội đồng phối hợp liên ngành về việc kiểm tra và tự kiểm tra việc thực hiện công tác trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng và Quyết định số 118/QĐ-HĐPHLN ngày 15/11/2021 của Hội đồng phối hợp liên ngành về việc thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng năm 2021.

Đoàn kiểm tra do Bà Phan Thị Mỹ Dung - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tư pháp, Chủ tịch Hội đồng phối hợp liên ngành tỉnh - Trưởng đoàn; Ông Lê Trung Trực - Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Long An và các thành viên Tổ giúp việc của Hội đồng phối hợp liên ngành (gồm: Công an tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh). Tại các buổi làm việc, Đoàn Kiểm tra đã nghe đại diện các cơ quan tiến hành tố tụng báo cáo và Đoàn đã kiểm tra hồ sơ tố tụng, sổ sách nghiệp vụ tại các đơn vị được kiểm tra. Qua đó cho thấy, về cơ bản các đơn vị được kiểm tra đã thực hiện đầy đủ các nội dung phối hợp theo quy định của Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC (Thông tư liên tịch 10). Nhìn chung, các đơn vị đều  triển khai sâu, rộng cho các cán bộ điều tra, Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán và tất cả cán bộ, chiến sĩ nắm rõ nội dung Thông tư liên tịch 10 và những văn bản pháp luật có liên quan trong hoạt động tố tụng về trợ giúp pháp lý; thông tin về trợ giúp pháp lý, lập biên bản giải thích về quyền được trợ giúp pháp lý miễn phí; hướng dẫn, giới thiệu cho người bị buộc tội, người bị hại và các đương sự trong các vụ tố tụng hình sự, dân sự được tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí; thông báo, đề nghị Trung tâm trợ giúp pháp lý cử Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đối tượng được trợ giúp pháp lý; việc thông báo thời gian, địa điểm tiến hành các hoạt động tố tụng và việc giao các văn bản tố tụng cho người thực hiện trợ giúp pháp lý (Trợ giúp viên pháp lý và Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý) đảm bảo kịp thời, đúng thời gian quy định; ghi rõ tên, ý kiến của người thực hiện trợ giúp pháp lý trong các quyết định, bản án...
 


Từ đầu năm 2021 đến thời điểm kiểm tra, các đơn vị chưa nhận đơn, thư  khiếu nại, tố cáo hoặc ý kiến phản ánh trong quá trình thực hiện công tác trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Đoàn Kiểm tra cũng đã chỉ ra một số hạn chế trong công tác phối hợp như: số lượng vụ việc có đối tượng được trợ giúp pháp lý tại một số đơn vị còn ít so với tổng số vụ án thụ lý trên địa bàn (trong đó có trường hợp thuộc diện được trợ giúp pháp lý); việc giải thích quyền được trợ giúp pháp lý có vụ án còn chưa lập thành biên bản lưu trong hồ sơ; trong một số vụ án hình sự, điều tra viên chú trọng giải thích cho đối tượng là những người bị buộc tội, chưa chú trọng việc giải thích cho người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.
Phát biểu kết luận tại các buổi làm việc, Trưởng đoàn kiểm tra đã kiến nghị các đơn vị cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các nội dung của Thông tư liên tịch 10 đến toàn thể cán bộ trong cơ quan, đơn vị; tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành thành viên để việc phối hợp được chặt chẽ, nâng cao hơn nữa chất lượng thực hiện trợ giúp pháp lý./.
Hồng Hà - Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Long An.