Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong trợ giúp pháp lý

Chiều 13/1, Cục Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) tổ chức Hội nghị Triển khai công tác trợ giúp pháp lý năm 2022. Đồng chủ trì hội nghị có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi và Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý Cù Thu Anh, tham gia hội nghị còn có đại diện của các đơn vị thuộc Bộ như: Văn phòng Bộ; Vụ Tổ chức cán bộ; Cục Kế hoạch- Tài chính,... và sự tham gia của toàn thể của cán bộ, công chức, viên chức của Cục Trợ giúp pháp lý.

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đề ra

Năm 2021 là một năm có nhiều biến động, đại dịch Covid-19 đã tác động lớn đến việc triển khai công tác chung của toàn ngành Tư pháp nói chung và hệ thống trợ giúp pháp lý (TGPL) nói riêng, nhưng nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, sự sát sao của Lãnh đạo Cục TGPL và sự quyết tâm, nỗ lực của các Trung tâm, năm 2021, hoạt động TGPL đã đạt được những kết quả rất đáng được ghi nhận. Công tác TGPL đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đề ra trong năm 2021.

Về công tác xây dựng văn bản, đề án, thể chế trong công tác TGPL tiếp tục có những bước hoàn thiện quan trọng. Cục TGPL đã tham mưu để Lãnh đạo Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 02/2021/TT-BTP ngày 25/5/2021 hướng dẫn cách tính thời gian theo buổi làm việc thực tế và khoán vụ việc trợ giúp pháp lý; Thông tư số 03/2021/TT-BTP ngày 25/5/2021 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 08/2017/TT-BTP ngày 25/11/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý, hướng dẫn tờ khai trong hoạt động trợ giúp pháp lý và Thông tư số 12/2018/TT-BTP ngày 28/8/2018 hướng dẫn một số hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và quản lý chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý.

Đồng thời, Cục còn phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ xây dựng các văn bản có nội dung về TGPL: Ngày 08/12/2021 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2069/QĐ-TTg về danh mục đơn vị sự nghiệp công lập cơ bản, thiết yếu thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp và Quyết định số 2070/QĐ-TTg ban hành Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý của ngành Tư pháp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó đã xác định TGPL là dịch vụ sự nghiệp công lập thiết yếu do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên và quy hoạch Trung tâm TGPL nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ năm 2021 đến năm 2030 không bị giảm biên chế 10% như các đơn vị sự nghiệp khác; đưa nội dung TGPL và vai trò của Bộ Tư pháp vào Thông tư liên tịch số 05/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP giữa Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư pháp về quy định phối hợp trong việc thực hiện tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Về kết quả thực hiện vụ việc TGPL, mặc dù ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19 nhưng với việc kết hợp nhiều giải pháp cộng với sự nỗ lực không nhỏ của các tổ chức thực hiện TGPL, số lượng vụ việc TGPL, đặc biệt là vụ việc tham gia tố tụng trong năm 2021 tăng so với năm 2020 và đạt mức cao nhất từ trước tới nay. Cụ thể, vụ việc tham gia tố tụng được thực hiện trong năm 2021 là: 33.127 vụ việc (tăng 20,48% so với cùng kỳ năm 2020), trong đó tổng số vụ việc tham gia tố tụng kết thúc trong năm 2021 là: 16.976 vụ việc (tăng 11,35% so với cùng kỳ năm 2020). Không chỉ tăng về số lượng mà chất lượng vụ việc TGPL ngày càng được nâng lên, đặc biệt là các vụ việc tham gia tố tụng. Số vụ việc tham gia tố tụng thành công, hiệu quả trong năm 2021 là: 4.087 vụ việc (chiếm 24% trong tổng số vụ việc tham gia tố tụng).

Việc thẩm định chất lượng vụ việc TGPL các Trung tâm đã thẩm định chất lượng được 3.649 vụ việc trong đó có 2.400 vụ việc tham gia tố tụng, tất cả các vụ việc được thẩm định đều đạt chất lượng tốt, không có vụ việc nào không đạt chất lượng.

Về hoạt động truyền thông trong công tác TGPL ở Trung ương và địa phương tiếp tục được chú trọng với nhiều phương thức khác nhau theo hướng đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung hướng đến mục đích giúp người dân, trong đó có đối tượng TGPL biết đến hoạt động TGPL của Nhà nước.

Tăng cường phối hợp trong công tác trợ giúp pháp lý

Năm 2022, Cục TGPL tiếp tục nghiên cứu xây dựng chính sách TGPL đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo theo Nghị quyết số 160/NQ-CP ngày 22/12/2021 của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 05- CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030.

Tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án đổi mới công tác TGPL giai đoạn 2021 - 2025 phù hợp với Luật TGPL năm 2017: tập trung vào thực hiện vụ việc TGPL, đặc biệt là vụ việc tham gia tố tụng, nâng cao chất lượng, hiệu quả vụ việc TGPL và kỹ năng TGPL cho đội ngũ người thực hiện TGPL; tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công tác tuyền thông về TGPL; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong lĩnh vực TGPL; tăng cường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về TGPL; theo dõi, tổ chức thực hiện đánh giá, thẩm định chất lượng vụ việc TGPL, đánh giá hiệu quả vụ việc TGPL tham gia tố tụng thành công; tăng cường kiểm tra công tác phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng tại các địa phương để tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về công tác TGPL, đặc biệt là công tác phối hợp về người thực hiện TGPL trực tại Tòa án.

Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức có liên quan trong việc nâng cao hiệu quả công tác TGPL trong toàn quốc, nhất là công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà Cục TGPL đã đạt được trong năm 2021.

Năm 2022 Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi đề nghị Cục TGPL tiếp tục thực hiện hiệu quả Luật TGPL năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành; thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 liên quan đến công tác TGPL; Triển khai có hiệu quả nội dung TGPL trong các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.

Tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án đổi mới công tác TGPL giai đoạn 2021 -2025 phù hợp với Luật TGPL năm 2017: tập trung vào thực hiện vụ việc TGPL, đặc biệt là vụ việc tham gia tố tụng, nâng cao chất lượng, hiệu quảvụ việc TGPL và kỹ năng TGPL cho đội ngũ người thực hiện TGPL; tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công tác tuyền thông về TGPL; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong lĩnh vực TGPL.

Tăng cường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về TGPL; theo dõi, tổ chức thực hiện đánh giá, thẩm định chất lượng vụ việc TGPL, đánh giá hiệu quả vụ việc TGPL tham gia tố tụng thành công; tăng cường kiểm tra công tác phối hợp liên ngànhvề TGPL trong hoạt động tố tụng tại các địa phương để tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về công tác TGPL, đặc biệt là công tác phối hợp về người thực hiện TGPL trực tại Tòa án.

Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, đơn vị có liên quan trong việc nâng cao hiệu quả công tác TGPL trong toàn quốc, nhất là công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế, thực hiện tốt Dự án về TGPL do Ngân hàng thế giới hỗ trợ sau khi được phê duyệt.

Nhân dịp này, Hội nghị đã công bố Quyết đinh và trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích trong công tác TGPL năm 2021 và trao bằng khen cá nhân đạt danh hiệu “chiến sĩ thi đua cơ sở”.

Nguồn: Báo pháp luật Việt Nam