Điểm khác biệt trong quy định về Trợ giúp pháp lý giữa Công ước LaHay năm 1980 về tiếp cận công lý và Luật trợ giúp pháp lý 2017

Hội nghị La Hay về Tư pháp quốc tế là một Tổ chức liên Chính phủ toàn cầu được hình thành năm 1893 tại Hà Lan. Với tầm nhìn hành động vì một thế giới mà cuộc sống và hoạt động của các tổ chức, cá nhân liên quan đến nhiều hệ thống pháp luật khác nhau được hưởng mức độ an toàn pháp lý cao, Hội nghị đã xây dựng nhiều công cụ pháp lý đa phương nhằm đáp ứng nhu cầu của toàn thế giới. Trong đó có Công ước Lahay năm 1980 về Tiếp cận công lý quốc tế. Ngày 10/4/2013, Việt Nam đã chính thức được công nhận là thành viên của Hội nghị Lahay về Tư pháp quốc tế nhưng Việt Nam chưa gia nhập Công ước

 Công ước dành 01 Chương (Chương 1) gồm 13 điều quy định về cơ chế thực hiện trợ giúp pháp lý giữa các quốc gia thành viên. Phân tích điểm khác biệt trong quy định của Công ước góp phần nghiên cứu hoàn thiện các quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý tại Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế.

        1.Đối tượng thuộc diện trợ giúp pháp lý

        Điều 1, Công ước Lahay năm 1980 quy định: “Công dân của bất kỳ Quốc gia thành viên nào và những người thường trú tại bất kỳ Quốc gia thành viên nào đều có quyền được trợ giúp pháp lý…”[1]. Từ quy định này, cho thấy:

        Thứ nhất, nghiên cứu 13 điều của Công ước quy định về Trợ giúp pháp lý, tác giả nhận thấy các quy định của Công ước về đối tượng thuộc diện trợ giúp pháp lý được xác định dựa trên yếu tố quốc tịch và nơi cư trú của người đó mà không xác định rõ đối tượng đó là thể nhân hay pháp nhân. Công ước sử dụng thuật ngữ “Persons” theo tiếng Việt có nghĩa là người nhưng trong hệ thống pháp luật của một số quốc gia trên thế giới có thể bao gồm hai loại: Thể nhân (natural person) và pháp nhân (legal person). Mặt khác, theo Tài liệu số 15 năm 2009 của Văn phòng Thường trực Hội nghị Lahay về Tư pháp quốc tế thì có xu hướng cung cấp trợ giúp pháp lý cho pháp nhân. Có thể đưa ra một dẫn chứng, Pháp là một quốc gia thành viên của Công ước, Trợ giúp pháp lý tại Pháp được cung cấp cho bất kỳ cá nhân, tổ chức trong xã hội  không có khả năng thực hiện các quyền hợp pháp của mình[2]. Trong khi đó, pháp nhân không thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý ở Việt Nam. Điều 7, Luật TGPL 2017 quy định người được trợ giúp pháp lý là các cá nhân đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật trợ giúp pháp lý.

          Thứ hai, Cơ sở xác định điều kiện được trợ giúp pháp lý theo Công ước dựa trên yếu tố quốc tịch và nơi cư trú (Điều 1). Theo tác giả, với tính chất là một Điều ước quốc tế (là hình thức thể hiện sự thỏa thuận giữa các quốc gia và chủ thể khác của Luật quốc tế (Tổ chức liên Chính phủ, Dân tộc đấu tranh giành quyền tự quyết, Vùng lãnh thổ đặc biệt) làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ của chủ thể Luật quốc tế) để điều chỉnh các đối tượng thì yếu tố quốc tịch, nơi cư trú luôn luôn được đặt ra. Tại Việt Nam, Cơ sở xác định đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý dựa trên việc thực hiện Chính sách đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng; chính sách dân tộc; chính sách hình sự đối với người dưới 18 tuổi bị buộc tội, chính sách chăm sóc, bảo vệ trẻ em và chính sách xã hội khác đối với một số nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội có khó khăn về tài chính, không đủ khả năng chi trả thù lao cho luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý. Cụ thể tại Điều 7, Luật TGPL 2017 quy định 14 nhóm đối tượng thuộc diện trợ giúp pháp lý bao gồm: Người có công với cách mạng,Người thuộc hộ nghèo, Trẻ em, Người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo….Mặt khác, theo quy định tại điều 26, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 quy định: Người được trợ giúp pháp lý đang cư trú tại địa phương; Vụ việc trợ giúp pháp lý xảy ra tại địa phương; Vụ việc trợ giúp pháp lý do cơ quan có thẩm quyền về trợ giúp pháp lý ở Trung ương yêu cầu. Như vậy, Luật TGPL 2017 không đề cập đến vấn đề quốc tịch của người được TGPL mà chủ yếu tập trung vào liệt kê rõ các diện được TGPL. Yếu tố cư trú cũng được xác định là một trong những điều kiện để được TGPL.

         Thứ ba, Điều 1 của Công ước quy định: “Công dân của bất kỳ Quốc gia thành viên nào và những người thường trú tại bất kỳ Quốc gia thành viên nào đều có quyền được trợ giúp pháp lý….”. Quy định này thể hiện nội dung của Nguyên tắc đối xử quốc gia (National Treatment) trong quan hệ quốc tế nhằm đảm bảo sự bình đẳng trong tiếp cận công lý, không phân biệt đối xử với bất kỳ ai, cho dù người đó là công dân của Quốc gia thành viên của Công ước hoặc người nước ngoài (người nước ngoài có thể là Công dân của bất kỳ Quốc gia nào kể cả quốc gia chưa là thành viên của Công ước nhưng thường trú tại một Quốc gia thành viên hoặc đã thường trú tại quốc gia thành viên).  Pháp – một quốc gia thành viên của Công ước, Trợ giúp pháp lý cũng được áp dụng cho người nước ngoài theo một Hiệp định tương trợ tư pháp song phương. Năm 1959, Hoa Kỳ và Pháp đã ký một thỏa thuận theo đó các công dân của mỗi nước trong lãnh thổ của nước kia được hưởng trợ giúp pháp lý tương tự như công dân của quốc gia đó. Tuy nhiên, theo điều 28 của Công ước, bất kỳ quốc gia ký kết nào tại thời điểm ký, phê chuẩn, chấp nhận, phê duyệt hoặc gia nhập, có quyền bảo lưu Điều 1 của Công ước[3], đối với một người không là công dân của quốc gia thành viên của công ước nhưng thường trú tại một quốc gia thành viên khác, không phải là nước ký kết; hoặc đã từng thường trú tại nước ký kết nhưng giờ ở nước khác không phải là quốc gia thành viên, trừ trường hợp hai nước ký kết Điều quốc tế song phương[4].

         Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 không đề cập đến vấn đề quốc tịch. Vì vậy, người nước ngoài là công dân của nước ký kết và người nước ngoài thường trú tại nước ký kết chưa được quy định cụ thể trong pháp luật về trợ giúp pháp lý của Việt Nam. Hiện nay, theo một số Hiệp định Tương trợ tư pháp được ký kết giữa Việt Nam và một số quốc gia cũng có quy định về việc TGPL của quốc gia sở tại cho công dân của quốc gia ký kết kia. Nếu trường hợp văn bản quy phạm pháp luật trong nước và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó, trừ Hiến pháp” (Khoản 1, Điều 6, Luật Điều ước quốc tế năm 2016). Với những quốc gia mà chưa ký kết điêu ước quốc tế thì áp dụng nguyên tắc có đi có lại theo thông lệ quốc tế. Tuy vậy, việc thực hiện TGPL cho người nước ngoài tại Việt Nam cần được nghiên cứu thêm bởi trong thực tiễn chưa có nhiều vụ việc TGPL cho người nước ngoài tại Việt Nam.

          2.Lĩnh vực pháp luật được trợ giúp pháp lý

          Theo đoạn 1, Điều 1, Công ước Lahay năm 1980: “Công dân của bất kỳ Quốc gia thành viên nào và những người thường trú tại bất kỳ Quốc gia thành viên nào đều có quyền được trợ giúp pháp lý khi người đó tham gia thủ tục tố tụng tại tòa án trong các vấn đề dân sự và thương mại”[5] và theo đoạn 3, Điều 1, trợ giúp pháp lý được cung cấp trong các vấn đề hành chính, xã hội hoặc tài khóa. Như vậy, theo quy định của Công ước, phạm vi thực hiện trợ giúp pháp lý trong các lĩnh vực pháp luật tương đối rộng, bao gồm cả hình sự, dân sự, kinh doanh thương mại. Tuy nhiên, tại Việt Nam, Khoản 1, Điều 27, Luật TGPL 2017 quy định: “Trợ giúp pháp lý được thực hiện trong các lĩnh vực pháp luật, trừ lĩnh vực kinh doanh, thương mại”. Điều đó có nghĩa rằng, Trợ giúp pháp lý chỉ áp dụng trong lĩnh vực dân sự, hình sự, hành chính, không áp dụng trong lĩnh vực kinh doanh thương mại. Vì vậy, vẫn còn một sự khác biệt giữa pháp luật trong nước và quy định của Công ước về lĩnh vực pháp luật được trợ giúp pháp lý.

         3.Hình thức trợ giúp pháp lý

         Đoạn 3, Điều 1, Công ước quy định: “Các quy định của Điều này sẽ được áp dụng cho các trường hợp được đưa ra trước tòa án hoặc tòa án có thẩm quyền trong các vấn đề đó”. Với tính chất pháp lý là Điều ước quốc tế về tiếp cận công lý quốc tế, các quy định của Công ước tập trung chủ yếu vào việc bảo đảm quyền tiếp cận công lý bình đẳng trong tư pháp hình sự. Bởi lẽ, theo cộng đồng quốc tế, “Tiếp cận công lý là việc người dân được tìm kiếm và đạt được các hình thức giải quyết tranh chấp thông qua việc tiếp cận với các biện pháp đền bù, hoặc khắc phục từ các thiết chế tư pháp chính thức, như cơ quan điều tra, truy tố xét xử đến các thiết chế không mang tính chính thức, như cơ quan nhân quyền quốc  gia,  cơ  quan  thanh  tra  quốc hội… trên cơ sở tuân thủ theo các chuẩn mực về quyền con người”[6]. Điều 2, Công ước quy định: “Điều 1 sẽ được áp dụng cho tư vấn pháp lý với điều kiện người đó có mặt tại quốc gia nơi thể hiện yêu cầu tư vấn”[7]. Như vậy, theo quy định của Công ước, Trợ giúp pháp lý được thực hiện thông qua 02  hình thức là tư vấn pháp luật và tham gia tố tụng.

          Trong khi đó, Khoản 2, Điều 27, Luật Trợ giúp pháp lý 2017 quy định 03 hình thức TGPL bao gồm: tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng và tư vấn pháp luật cho người thuộc diện TGPL. Như vậy, Trợ giúp pháp lý không chỉ tham gia tố tụng để bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo, đương sự, người có quyền lợi liên quan trong các vụ án hình sự, dân sự, hành chính. Mà trợ giúp pháp lý còn tham gia đại diện ngoài tố tụng, tư vấn pháp luật. Trong đó, tư vấn pháp luật là hướng dẫn, giải đáp, đưa ra ý kiến, cung cấp thông tin pháp luật, giúp soạn thảo văn bản liên quan đến vụ việc, hướng dẫn giúp các bên hòa giải, thương lượng, thống nhất hướng giải quyết vụ việc trợ giúp pháp lý. Đại diện ngoài tố tụng là việc người thực hiện trợ giúp pháp lý  đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền để xác lập, thực hiện giao dịch ngoài phạm vi tố tụng hành chính, hình sự, dân sự do Toà án tiến hành với các cá nhân, cơ quan, tổ chức khác.

        4.Cách thức trợ giúp pháp lý

        Đoạn 1, Điều 3 của Công ước quy định: “Mỗi quốc gia thành viên của công ước chỉ định một Cơ quan Trung ương tiếp nhận tiếp nhận yêu cầu trợ giúp pháp lý đối với các đơn xin trợ giúp pháp lý được nộp theo Công ước này”. Như vậy, theo quy định của Công ước, mỗi quốc gia thành viên sẽ chỉ định một Cơ quan Trung ương làm đầu mối tiếp nhận yêu cầu Trợ giúp pháp lý của người có yêu cầu. Sau đó, sẽ chuyển yêu cầu trợ giúp pháp lý tới cơ quan thực hiện trợ giúp pháp lý để giải quyết yêu cầu đó.  

         Điều 4, Công ước quy định, mỗi quốc gia ký kết sẽ chỉ định một hoặc nhiều cơ quan truyền phát gửi tài liệu (transmitting authorities) nhằm mục đích chuyển tiếp đơn xin trợ giúp pháp lý cho Cơ quan trung ương thích hợp tại Quốc gia được yêu cầu. Như vậy, đối với trường hợp, người yêu cầu trợ giúp pháp lý không cư trú tại quốc gia được yêu cầu, thì người đó có thể nộp đơn tại Cơ quan truyền phát gửi tài liệu của nước ký kết, nơi người đó cư trú thường xuyên. Đơn xin trợ giúp pháp lý sẽ được truyền tới nước yêu cầu TGPL, mà không cần sự can thiệp của bất kỳ cơ quan nào khác[8]. Hồ sơ yêu cầu TGPL bao gồm Đơn yêu cầu TGPL (dạng mẫu) được đính kèm theo Công ước này và bất kỳ tài liệu cần thiết nào.

          Tại Việt Nam, trợ giúp pháp lý được thực hiện trên cơ sở yêu cầu trợ giúp pháp lý của người được trợ giúp pháp lý. Theo đó, người được TGPL tự mình hoặc thông qua người thân thích, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác yêu cầu trợ giúp pháp lý. Người yêu cầu phải nộp hồ sơ yêu cầu trợ giúp pháp lý cho Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh/thành phố, Chi nhánh của Trung tâm hoặc tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý (tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với Sở Tư pháp; tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý) để được xem xét đủ điều kiện thuộc diện trợ giúp pháp lý.

          Thiết nghĩ, nếu Việt Nam gia nhập Công ước năm 1980 về Tiếp cận công lý thì cần phải  tiếp tục nghiên cứu các quy định trên về trợ giúp pháp lý nhất là cơ chế phối hợp giữa tổ chức thực hiện TGPL với Cơ quan Trung ương để vừa bảo đảm kịp thời quyền và lợi ích của người được TGPL vừa bảo đảm thực hiện Nguyên tắc tận tâm, thiện chí thực hiện cam kết quốc tế Pacta sunt servanda trong quan hệ quốc tế./.

 

             Lê Văn Quang

                                                                               Văn Phòng Cục Trợ giúp pháp lý

 

[1] Xem đoạn 1, điều 1, Công ước Lahay 1980

[2] This provision grants legal aid to anyone, whether plaintiff or defendant, individual or association, who is incapable of exercising his legal rights, Legal Aid in France, George A. Pelletier (1967)

[3] Any Contracting State may, at the time of signature, ratification, acceptance, approval or accession, reserve the right to exclude the application of Article 1 in the case of persons who are not nationals of a Contracting State but who have their habitual residence in a Contracting State other than the reserving State or formerly had their habitual residence in the reserving State, if there is no reciprocity of treatment between the reserving State and the State of which the applicants for legal aid are nationals.

[4] Ví dụ Pháp áp dụng điều này.

[5] Xem đoạn 1, điều 1, Công ước

[6]   UNDP   (2005),   Programming   for   Justice: Access for All, Bangkok.

[7] Xem điều 2,  Công ước.

[8] Trích đoạn 2, điều 4, Công ước: “without the intervention of any other authority”