Giới thiệu Tổ chức Trợ giúp pháp lý cho thổ dân và người vùng eo biển Torres tại Australia

Tại Australia, ngoài hoạt động của 08 Ủy ban dịch vụ pháp lý thực hiện Trợ giúp pháp lý còn có sự tham gia của các tổ chức Trợ giúp pháp lý cho người thổ dân. Đây là Tổ chức độc lập, phi lợi nhuận giành riêng cho cộng đồng người thổ dân trong xã hội.

Sự ra đời của Tổ chức dịch vụ trợ giúp pháp lý gắn liền với quá trình đấu tranh lâu dài để được công nhận quyền của người thổ dân. Theo các tư liệu lịch sử, cộng đồng người thổ dân đã xuất hiện tại Australia ít nhất 40.000 năm. Năm 1770, nhà thám hiểm người Anh James Cook lập bản đồ bờ biển phía Đông của Australia và đặt tên cho vùng đất này là “New South Wales” và xác nhận đây là vùng đất thuộc Anh không người ở, mặc dù tại đây có từ 315.000 đến một triệu thổ dân[1]. Năm 1901, Australia trở thành một quốc gia độc lập, Hiến pháp đã xác lập các quyền con người, quyền công dân nhưng không bao gồm quyền của cộng đồng người thổ dân. Đến tháng 5 năm 1967, trải qua nhiều cuộc đấu tranh, người Australia đã tiến hành trưng cầu ý dân về việc sửa đổi Hiến pháp trong đó có việc ghi nhận quyền của cộng đồng người thổ dân. Kể từ đó, việc bảo đảm quyền tiếp cận công lý nói chung trong đó có quyền được Trợ giúp pháp lý nói riêng của những người thổ dân được Chính phủ Australia quan tâm. Trên cơ sở đó, vào những thập niên 70 của thế kỷ XX, đánh dấu sự ra đời và đi vào hoạt động của các Tổ chức dịch vụ pháp lý cho người thổ dân. Mỗi một bang, cộng đồng người thổ dân lại có phong tục, tập quán riêng tạo nên tính đa dạng trong văn hóa. Vì thế, để đáp ứng yêu cầu cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý, tại mỗi bang thành lập một Tổ chức dịch vụ trợ giúp pháp lý khác nhau.

Năm 1970, Tổ chức dịch vụ Trợ giúp pháp lý ở bang New South Wales được thành lập tại thành phố Redfern (The Aboriginal Legal Service). Đây là một tổ chức độc lập, phi Chính phủ về Trợ giúp pháp lý giành cho người thổ dân được thành lập  đầu tiên tại Austrailia. Hoạt động của Tổ chức này tập trung vào lĩnh vực Luật hình sự, Luật gia đình, Luật chăm sóc bảo vệ trẻ em và những cải cách chính sách, pháp luật có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thổ dân. Trải qua gần 50 năm hình thành và phát triển, tới nay, Tổ chức này có 91 luật sư, 83 nhân viên hành chính hoạt động tại 24 văn phòng và chi nhánh trên toàn Bang.

Cũng trong năm 1970, Tại bang Western Australia (bang Tây Úc), Ủy ban Tư pháp triển khai thực hiện dịch vụ tư vấn pháp lý miễn phí tại Perth cho Thổ dân và Người vùng eo biển Torres. Năm 1973, Tổ chức dịch vụ pháp lý (The Aboriginal Legal Service Western Australia – ALSWA) chính thức được thành lập tại Perth. Hiện nay, ALSWA có 14 văn phòng đaị diện trên toàn tiểu bang: Perth, Albany, Broome, Bunbury, Carnarvon, Fitzroy Crossing, Geraldton, Halls Creek, Kalgoorlie, Kununurra, Meekatharra, Northam và South Hedland.

Tại Bang Victoria, năm 1973, Tổ chức dịch vụ pháp lý của thổ dân được thành lập. Tổ chức này hoạt động như một mô hình hợp tác xã (Co-operative Limited) nhằm cung cấp dịch vụ pháp lý chủ yếu trong 03 lĩnh vực (hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình) cho cộng động thổ dân tại Bang Victoria. Hiện nay, tổ chức dịch vụ pháp lý có 07 văn phòng tại các thành phố Ballarat, Bairnsdale, Mildura, Shepparton, Morwell, Swan Hill, Melbourne.

Năm 1974, Tổ chức dịch vụ pháp lý cho thổ dân và người sống ở đảo Torres (Aboriginal and Torres Strait Islander Legal Service (Qld) được thành lập nhằm mục đích cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý thông qua hoạt động tư vấn pháp luật, đại diện pháp lý và đề xuất cải cách chính sách, pháp luật nhằm điều chỉnh các chính sách tác động bất lợi và không tương xứng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thổ dân và dân đảo Torres St Eo tại Bang Queensland. Hiện tổ chức này có 25 văn phòng với 190 nhân sự hoạt động.       

Tại bang South Australia (bang Nam Úc), Phong trào Quyền pháp lý của Thổ dân được thành lập (Aboriginal Legal Rights Movement Inc – ALRM) được thành lập. Với tư cách là một tổ chức độc lập của cộng đồng thổ dân, ALRM cung cấp dịch vụ  trợ giúp pháp lý và các hoạt động khác có liên quan nhằm thúc đẩy các quyền chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội cho cộng đồng người Thổ dân và dân đảo Eo biển Torres ở Bang Nam Úc. Hiện nay, Tổ chức này có 04 văn phòng đại diện tại Adelaide, Port Augusta, Ceduna, Murray Bridge.

Vào năm 2006, tại Bang North Australian (bang Bắc Úc), Cơ quan tư pháp thổ dân Bắc Úc (North Australian Aboriginal Justice Agency – NAAJA) được thành lập trên cơ sở hợp nhất các tổ chức Dịch vụ Trợ giúp Pháp lý Thổ dân Bắc Úc , Dịch vụ Trợ giúp Pháp lý Thổ dân Khu vực Kinda và Dịch vụ Pháp lý Thổ dân Miwatj. Đây là một tổ chức độc lập, phi lợi nhuận nhằm cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý trong lĩnh vực hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình cho Người thổ dân tại vùng Top End của Lãnh thổ phía Bắc Australia. Hiện nay, Tổ chức này có 04 văn phòng đại diện ở Darwin, Palmerston, Kinda và Alice Springs.

Dịch vụ pháp lý cộng đồng thổ dân Tasmania (Tasmanian Aboriginal Community Legal Service - TACLS) được thành lập vào ngày 1 tháng 7 năm 2015 với mục tiêu cung cấp trợ giúp pháp lý miễn phí, bao gồm thông tin, tư vấn, giới thiệu và hỗ trỡ pháp lý cho tất cả Người thổ dân trên đảo Tasmania. Hiện nay, Tổ chức này có 02 Văn phòng tại Hobart và Launceston. TACLS vừa là dịch vụ pháp lý của thổ dân và người vùng đảo Torres St Eo vừa là Trung tâm Pháp lý Cộng đồng.

Tổ chức trợ giúp pháp lý cho người thổ dân cung cấp dịch vụ pháp lý thông qua các hình thức sau:

 1. Tư vấn pháp luật trong lĩnh vực hôn nhân gia đình, dân sự, hình sự. Người có yêu cầu có thể đến trực tiếp văn phòng hoặc thông qua đường dây nóng để được cung cấp thông tin pháp lý miễn phí. Tại mỗi Bang, thiết lập một Call Centre khác nhau. Ví dụ: Bang QueenLand thông qua số 1800 012 255; Bang WA thông qua số 1800 019 900. Ngoài ra, còn có dịch vụ Tư vấn pháp luật 24h kết nối kịp thời giữa những người tạm giam, tạm giữ với luật sư.

2. Đại diện pháp lý. Tổ chức dịch vụ Trợ giúp pháp lý cung cấp người đại diện pháp lý cho người bị buộc trong các vụ án hình sự ở tất cả các cấp xét xử trong hệ thống tư pháp hình sự từ Tòa án Thanh thiếu niên (The Youth Court), Tòa án sơ thẩm (Magistrates Court), Tòa án Tối cao của Bang (Supreme Courts) đến Tòa Phúc thẩm hình sự Liên Bang (The Court of Criminal Appeal) và Tòa Tối cao Liên Bang Austrailia (The High Court of Australia).

 3. Dịch vụ chuyên biệt cho nhóm người đặc thù. Cung cấp dịch vụ phiên dịch hoặc hệ thống ký tự riêng. Cung cấp Đại diện pháp lý cho người thổ dân là người khuyết tật, người bị mất năng lực hành vi dân sự.

 4. Chương trình giáo dục pháp luật cộng đồng. Để nâng cao ý thức pháp luật, văn hóa pháp lý và tăng cường khả năng tiếp cận hệ thống tư pháp cho người thổ dân, tại một số bang, Tổ chức này còn triển khai nhiều Chương trình giáo dục pháp luật cộng đồng, Dự án tiếp cận tư pháp với sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức trong hệ thống tư pháp và các Tổ chức cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý khác trong xã hội.

 5. Chương trình Kunga[2]. Đây là Chương trình hỗ trợ phụ nữ tại các Trung tâm cải huấn (Corrective)[3] nhằm mục đích giảm thiểu tỷ lệ tái phạm, hỗ trợ phụ nữ người thổ dân tái hòa nhập động đồng và tăng cường sự an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Chương trình cung cấp một khóa đào tạo với thời gian bốn tuần trong trong các trung tâm cải huấn. Khóa học tập trung vào phát triển kỹ năng giải quyết các mối quan hệ nhất là khả năng phản ứng trước các hình thức bạo lực gia đình.

 Để cung cấp trợ giúp pháp lý một cách hiệu quả, Tổ chức dịch vụ trợ giúp pháp lý tại các Bang còn đẩy mạnh hợp tác với các cơ quan khác như: Ban thư ký chăm sóc trẻ em thổ dân và dân đảo, Dịch vụ pháp lý phòng chống bạo lực gia đình quốc gia (National Family Violence Prevention Legal Services), Hội đồng dịch vụ xã hội Úc (Australian Council of Social Services); Dịch vụ thông dịch (TIS National)…. Thông qua sự hợp tác này, vừa góp phần nâng cao chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý vừa khẳng định vị thế, uy tín của các Tổ chức này trên thị trường dịch vụ pháp lý tại Australia.

 Thực tiễn cho thấy, Tổ chức dịch vụ trợ giúp pháp lý ra đời đã góp phần thúc đẩy và bảo đảm quyền tiếp cận công lý của cộng đồng người thổ dân. Hơn bao giờ hết, nhu cầu tiếp cận trợ giúp pháp lý của người dân tộc thiểu số ở các quốc gia cần được quan tâm hơn bởi họ là những người “yếu thế” trong xã hội và các Tổ chức trợ giúp pháp lý giành riêng cho người dân tộc thiểu số chính là nơi có thể giúp người dân tộc thiểu số thuận lợi hơn trong việc tiếp cận công lý, bảo vệ quyền lợi chính đáng và bình đẳng trước pháp luật. Đây vừa bài học kinh nghiệm từ Australia, vừa là định hướng phát triển đặc thù của hầu hết các quốc gia có người dân tộc thiểu số sinh sống. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu Thiên nhiên kỷ của Liên Hợp Quốc: “Thúc đẩy xã hội hòa bình và rộng mở cho phát triển bền vững, mang công bằng đến với tất cả mọi người và xây dựng các thể chế hiệu quả, có trách nhiệm và rộng mở ở tất cả các cấp” giai đoạn 2015-2030./.

                                                                                             Lê Văn Quang

                                                                               Văn phòng Cục Trợ giúp pháp lý

       

 

[1] Xem thêm: http://www.vanhoahoc.vn/nghien-cuu/van-hoa-the-gioi/van-hoa-chau-phi-va-...

[2] Xem: REVIEW OF THE INDIGENOUS LEGAL ASSISTANCE PROGRAM (ILAP) 2015-2020, Trang 91

[3] Dịch vụ Cải huấn (Corrective Services) là một phần không thể thiếu trong hệ thống tư pháp hình sự và cam kết cung cấp dịch vụ cải huấn chuyên môn có giá trị nhằm giảm thiểu vấn đề tái phạm pháp và tăng cường tình trạng an toàn cho cộng đồng.