Tiếp tục hoàn thiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý (kỳ 1)

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để giải quyết tốt công việc giữa các cơ quan hành chính nhà nước với tổ chức, người dân, được coi là một nội dung của cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính phản ánh rõ nhất mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân. Cải cách thủ tục hành chính cần tiền đề là cải cách thể chế, sự song hành của cải cách công vụ và sự thúc đẩy của hiện đại hóa nền hành chính.


Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030. Theo Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước gia đoạn 2021-2030, cần cải cách quy định thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp, kể cả thủ tục nội bộ giữa cơ quan hành chính nhà nước; đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thành phần hồ sơ, bãi bỏ các rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh; tối ưu hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; đổi mới và nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử để người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện dịch vụ mọi lúc, mọi nơi, trên các phương tiện khác nhau. Ngày 6/10/2022 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 131/NQ-CP về về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp. Nghị quyết nêu rõ 3 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp. Theo đó, 3 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gồm: Cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; nâng cao hiệu quả thực thi thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp; hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành.
Trợ giúp pháp lý là một loại hình dịch vụ công thiết yếu, là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người dân thuộc diện được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của họ, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật. Theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý và Bộ Tư pháp là cơ quan được giao làm đầu mối giúp Chính phủ thực hiện trách nhiệm này. Vì vậy, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý của mình, Bộ Tư pháp đã triển khai nhiều giải pháp nhằm cải cách các thủ tục hành chính trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý, đáp ứng yêu cầu chung của công cuộc cải cách hành chính, cải cách tư pháp và nền hành chính hiện đại. Các văn bản pháp luật về trợ giúp pháp lý được ban hành, ngoài việc quy định cơ chế, chính sách trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý còn quy định về thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, lấy người được trợ giúp pháp lý làm trung tâm, đồng thời bảo đảm yêu cầu về quản lý nhà nước .
Hiện nay, các thủ tục hành chính trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý gồm có 12 thủ tục, được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau và được công bố trong các Quyết định sau: Quyết định số 1540/QĐ-BTP ngày 06/7/2018, Quyết định số 2434/QĐ-BTP ngày 26/92018, Quyết định số 1170/QĐ-BTP ngày 15/7/2021, Quyết định số 228/QĐ-BTP ngày 27/02/2023.
Các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hành chính có thể chia thành các nhóm sau:
- Nhóm thủ tục hành chính về trợ giúp pháp lý liên quan đến người được trợ giúp pháp lý, bao gồm 04 thủ tục sau: Yêu cầu trợ giúp pháp lý, rút yêu cầu trợ giúp pháp lý, thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý được công bố tại Quyết định số 228/QĐ-BTP ngày 27/02/2023 và thủ tục giải quyết khiếu nại về trợ giúp pháp lý được công bố tại Quyết định số 2434/QĐ-BTP ngày 26/9/2018.
- Nhóm thủ tục hành chính về trợ giúp pháp lý liên quan đến người thực hiện trợ giúp pháp lý bao gồm 03 thủ tục sau: Thủ tục lựa chọn, ký hợp đồng với luật sư, thủ tục cấp thẻ Cộng tác viên trợ giúp pháp lý được công bố tại Quyết định số 1170/QĐ-BTP ngày 15/7/2021, thủ tục cấp lại thẻ Cộng tác viên trợ giúp pháp lý được công bố tại Quyết định số 1540/QĐ-BTP ngày 06/7/2018.
- Nhóm thủ tục hành chính về trợ giúp pháp lý liên quan đến tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý bao gồm 05 thủ tục sau: Thủ tục đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý, thủ tục thay đổi nội dung Giấy đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý, thủ tục cấp lại Giấy đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý, thủ tục chấm dứt đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý được công bố tại Quyết định số 1540/QĐ-BTP ngày 06/7/2018, thủ tục lựa chọn, ký hợp đồng với tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật được công bố Quyết định số 1170/QĐ-BTP ngày 15/7/2021.
I. Các thủ tục hành chính về trợ giúp pháp lý liên quan đến người được trợ giúp pháp lý
1. Thủ tục yêu cầu trợ giúp pháp lý
Đây là thủ tục hành chính cấp tỉnh. Mã số hồ sơ thủ tục hành chính 2.000829. Xin giới thiệu thủ tục yêu cầu trợ giúp pháp lý như sau:
Căn cứ pháp lý của thủ tục này là Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017;  Thông tư số 08/2017/TT-BTP ngày 15/11/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý và hướng dẫn giấy tờ trong hoạt động trợ giúp pháp lý; Thông tư số 12/2018/TT-BTP ngày 28/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn một số hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và quản lý chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý; Thông tư số 09/2022/TT-BTP ngày 30/12/2022 bãi bỏ một số nội dung tại các Thông tư trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý, hộ tịch do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành.
Trình tự thực hiện:
- Khi yêu cầu trợ giúp pháp lý, người yêu cầu phải nộp hồ sơ yêu cầu trợ giúp pháp lý cho Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh/thành phố, Chi nhánh của Trung tâm hoặc tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý (tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với Sở Tư pháp; tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý).
 - Sau khi tiếp nhận hồ sơ, người tiếp nhận phải xem xét và trả lời ngay cho người yêu cầu về việc hồ sơ đủ điều kiện thụ lý hoặc phải bổ sung thêm giấy tờ, tài liệu có liên quan. Trường hợp người yêu cầu chưa thể cung cấp đầy đủ hồ sơ nhưng cần thực hiện trợ giúp pháp lý ngay do vụ việc sắp hết thời hiệu khởi kiện (còn dưới 05 ngày làm việc), sắp đến ngày xét xử (theo quyết định đưa vụ án ra xét xử còn dưới 05 ngày làm việc), cơ quan tiến hành tố tụng chuyển yêu cầu trợ giúp pháp lý cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc để tránh gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý thì người tiếp nhận yêu cầu báo cáo người đứng đầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và thụ lý ngay, đồng thời hướng dẫn người yêu cầu trợ giúp pháp lý bổ sung các giấy tờ, tài liệu cần thiết.
- Thời hạn bổ sung giấy tờ, tài liệu chứng minh là người được trợ giúp pháp lý đối với trường hợp thụ lý ngay vụ việc trợ giúp pháp lý, cụ thể như sau:
+ Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi vụ việc trợ giúp pháp lý được thụ lý, người yêu cầu trợ giúp pháp lý có trách nhiệm cung cấp, bổ sung các giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý. Trường hợp người được trợ giúp pháp lý cư trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc trường hợp bất khả kháng thì thời hạn bổ sung giấy tờ, tài liệu là 10 ngày làm việc, kể từ khi vụ việc trợ giúp pháp lý được thụ lý;
+ Trường hợp người yêu cầu trợ giúp pháp lý không cung cấp giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý trong thời hạn nêu trên thì vụ việc trợ giúp pháp lý không được tiếp tục thực hiện. Việc không tiếp tục thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý được tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc người thực hiện trợ giúp pháp lý thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người được trợ giúp pháp lý.
- Khi yêu cầu trợ giúp pháp lý đủ điều kiện thụ lý Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh/thành phố, Chi nhánh của Trung tâm hoặc tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý vào Sổ thụ lý, theo dõi vụ việc trợ giúp pháp lý.
- Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý từ chối thụ lý và thông báo rõ lý do bằng văn bản cho người yêu cầu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Yêu cầu trợ giúp pháp lý không phải là vụ việc cụ thể liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý và không phù hợp với quy định của Luật Trợ giúp pháp lý;
+ Yêu cầu trợ giúp pháp lý có nội dung trái pháp luật;
+ Người được trợ giúp pháp lý đã chết;
+ Vụ việc đang được một tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý khác thụ lý, giải quyết.
Cách thức thực hiện:
- Nộp hồ sơ trực tiếp tại trụ sở của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý;
- Gửi hồ sơ qua dịch vụ bưu chính;
- Gửi hồ sơ qua fax, hình thức điện tử.
* Lưu ý: Việc nộp hồ sơ yêu cầu trợ giúp pháp lý được thực hiện như sau:
- Trường hợp nộp trực tiếp tại trụ sở của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý: người yêu cầu trợ giúp pháp lý nộp đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý, giấy tờ, tài liệu có liên quan đến vụ việc và xuất trình bản chính hoặc nộp bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý;
Trong trường hợp người yêu cầu trợ giúp pháp lý không thể tự mình viết đơn thì người tiếp nhận yêu cầu có trách nhiệm ghi các nội dung vào mẫu đơn để họ tự đọc hoặc đọc lại cho họ nghe và yêu cầu họ ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn.
- Trường hợp gửi hồ sơ qua dịch vụ bưu chính: người yêu cầu trợ giúp pháp lý nộp đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý, giấy tờ, tài liệu có liên quan đến vụ việc và bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý;
- Trường hợp gửi hồ sơ qua fax, hình thức điện tử, khi gặp người thực hiện trợ giúp pháp lý, người yêu cầu trợ giúp pháp lý phải xuất trình bản chính hoặc nộp bản sao có chứng thức giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý.
Thành phần hồ sơ:
- Đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý;
- Giấy tờ chứng minh người thuộc diện trợ giúp pháp lý quy định tại Điều 33 Thông tư số 08/2017/TT-BTP ngày 15/11/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý và hướng dẫn giấy tờ trong hoạt động trợ giúp pháp lý và Thông tư số 09/2022/TT-BTP ngày 30/12/2022 bãi bỏ một số nội dung tại các Thông tư trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý, hộ tịch do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành, cụ thể:
1. Giấy tờ chứng minh là người có công với cách mạng gồm một trong các giấy tờ sau:
a) Quyết định của cơ quan có thẩm quyền công nhận là người có công với cách mạng theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng;
b) Quyết định phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến;
c) Huân chương Kháng chiến, Huy chương Kháng chiến, Bằng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Bằng Anh hùng, Bằng Có công với nước;
d) Quyết định trợ cấp, phụ cấp do cơ quan có thẩm quyền cấp xác định là người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng;
đ) Quyết định hoặc giấy chứng nhận thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, bệnh tật do nhiễm chất độc hóa học, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.
2. Giấy tờ chứng minh người thuộc hộ nghèo là giấy chứng nhận hộ nghèo.
3. Giấy tờ chứng minh là trẻ em gồm một trong các giấy tờ sau:
a) Giấy khai sinh, chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu[1];
b) Văn bản của cơ quan tiến hành tố tụng xác định người có yêu cầu trợ giúp pháp lý là trẻ em;
c) Văn bản của cơ quan có thẩm quyền về áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc xử phạt vi phạm hành chính xác định người có yêu cầu trợ giúp pháp lý là trẻ em.
4. Giấy tờ chứng minh là người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn gồm một trong các giấy tờ sau:
a) Giấy tờ hợp pháp do cơ quan có thẩm quyền cấp xác định người có tên là người dân tộc thiểu số và nơi cư trú của người đó;
b) Văn bản của cơ quan tiến hành tố tụng xác định người có yêu cầu trợ giúp pháp lý là người dân tộc thiểu số và nơi cư trú của người đó.
5. Giấy tờ chứng minh người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là văn bản của cơ quan tiến hành tố tụng xác định người có yêu cầu trợ giúp pháp lý là người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.
6. Giấy tờ chứng minh là người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo gồm các giấy tờ sau:
a) Giấy chứng nhận hộ cận nghèo;
b) Văn bản của cơ quan tiến hành tố tụng xác định người có yêu cầu trợ giúp pháp lý là người bị buộc tội.
7. Giấy tờ chứng minh là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ có khó khăn về tài chính gồm các giấy tờ sau:
a) Giấy chứng nhận hộ cận nghèo hoặc quyết định hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng hoặc quyết định tiếp nhận đối tượng vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại nhà xã hội, cơ sở bảo trợ xã hội;
b) Quyết định của cơ quan có thẩm quyền về trợ cấp ưu đãi, trợ cấp tiền tuất đối với cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ hoặc Giấy chứng nhận gia đình liệt sỹ, Bằng tổ quốc ghi công có tên liệt sỹ kèm theo giấy tờ chứng minh mối quan hệ thân nhân với liệt sỹ.
8. Giấy tờ chứng minh là người nhiễm chất độc da cam có khó khăn về tài chính gồm các giấy tờ sau:
a) Giấy chứng nhận hộ cận nghèo hoặc quyết định hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng hoặc quyết định tiếp nhận đối tượng vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại nhà xã hội, cơ sở bảo trợ xã hội;
b) Quyết định về việc trợ cấp ưu đãi đối với con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học hoặc Giấy chứng nhận bệnh tật, dị dạng, dị tật do nhiễm chất độc hóa học.
9. Giấy tờ chứng minh là người cao tuổi có khó khăn về tài chính gồm một trong các loại giấy tờ sau:
a) Quyết định hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; Quyết định tiếp nhận đối tượng vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại nhà xã hội, cơ sở bảo trợ xã hội;
b) Giấy chứng nhận hộ cận nghèo kèm theo giấy tờ hợp pháp do cơ quan có thẩm quyền cấp xác định người có tên trong giấy là người cao tuổi.
10. Giấy tờ chứng minh là người khuyết tật có khó khăn về tài chính gồm một trong các loại giấy tờ sau:
a) Giấy chứng nhận hộ cận nghèo kèm theo Giấy chứng nhận khuyết tật do cơ quan có thẩm quyền cấp;
b) Quyết định hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; Quyết định tiếp nhận đối tượng vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại nhà xã hội, cơ sở bảo trợ xã hội.
11. Giấy tờ chứng minh là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự có khó khăn về tài chính gồm các giấy tờ sau:
a) Giấy chứng nhận hộ cận nghèo hoặc quyết định hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng hoặc quyết định tiếp nhận đối tượng vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại nhà xã hội, cơ sở bảo trợ xã hội;
b) Văn bản của cơ quan tiến hành tố tụng xác định người có yêu cầu trợ giúp pháp lý là bị hại và từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.
12. Giấy tờ chứng minh là nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình có khó khăn về tài chính gồm một trong các loại giấy tờ sau:
a) Quyết định tiếp nhận nạn nhân bạo lực gia đình vào nhà xã hội, cơ sở bảo trợ xã hội;
b) Giấy chứng nhận hộ cận nghèo kèm theo một trong các loại giấy tờ: Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về việc khám và điều trị thương tích do hành vi bạo lực gia đình gây ra; Quyết định cấm người gây bạo lực gia đình tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình; Quyết định xử lý vi phạm hành chính với người có hành vi bạo lực gia đình.
13. Giấy tờ chứng minh là nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người có khó khăn về tài chính gồm các giấy tờ sau:
a) Giấy chứng nhận hộ cận nghèo hoặc quyết định hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng hoặc quyết định tiếp nhận đối tượng vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại nhà xã hội, cơ sở bảo trợ xã hội;
b) Giấy tờ, tài liệu chứng nhận nạn nhân theo quy định tại Điều 28 Luật Phòng, chống mua bán người.
14. Giấy tờ chứng minh là người nhiễm HIV có khó khăn về tài chính gồm các giấy tờ sau:
a) Giấy chứng nhận hộ cận nghèo hoặc quyết định hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng hoặc quyết định tiếp nhận đối tượng vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại nhà xã hội, cơ sở bảo trợ xã hội;
b) Giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền cấp xác định là người nhiễm HIV.
15. Các loại giấy tờ hợp pháp khác do cơ quan có thẩm quyền cấp xác định được người thuộc diện trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật trợ giúp pháp lý.
Trong trường hợp những người thuộc diện được trợ giúp pháp lý bị thất lạc các giấy tờ nêu trên thì phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền đã cấp giấy tờ đó.
- Các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý.
Số lượng hồ sơ: 01 bộ.
Thời hạn giải quyết hồ sơ: Ngay sau khi nhận đủ hồ sơ theo quy định,  người tiếp nhận yêu cầu phải kiểm tra các nội dung có liên quan đến yêu cầu trợ giúp pháp lý và trả lời ngay cho người yêu cầu về việc hồ sơ đủ điều kiện để thụ lý hoặc phải bổ sung giấy tờ, tài liệu có liên quan.
Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Người yêu cầu trợ giúp pháp lý.
Cơ quan giải quyết thủ tục hành chính: Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh/thành phố, Chi nhánh của Trung tâm; tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý.
Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Vụ việc được thụ lý.
Phí, lệ phí: Không.
Yêu cầu điều kiện thực hiện thủ tục hành chính:
- Người được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý hoặc người thân thích của người được trợ giúp pháp lý, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan yêu cầu trợ giúp pháp lý;
- Vụ việc trợ giúp pháp lý liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý;
- Vụ việc trợ giúp pháp lý thuộc phạm vi thực hiện trợ giúp pháp lý quy định tại Điều 26 của Luật Trợ giúp pháp lý;
- Vụ việc trợ giúp pháp lý thuộc lĩnh vực, hình thức trợ giúp pháp lý quy định tại Điều 27 của Luật Trợ giúp pháp lý;
- Vụ việc trợ giúp pháp lý không thuộc trường hợp phải từ chối theo quy định tại khoản 3, Điều 30 của Luật Trợ giúp pháp lý.
Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai: Đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư số 12/2018/TT-BTP ngày 28/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp (Mẫu số 02-TP-TGPL) và quy định tại khoản 2 Điều 1 Thông tư số 09/2022/TT-BTP ngày 30/12/2022 bãi bỏ một số nội dung tại các Thông tư trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý, hộ tịch do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành.
2. Thủ tục rút yêu cầu trợ giúp pháp lý của người được trợ giúp pháp lý
Đây là thủ tục hành chính cấp tỉnh. Mã số hồ sơ thủ tục hành chính 2001680. Xin giới thiệu thủ tục rút yêu cầu trợ giúp pháp lý như sau:
Căn cứ pháp lý của thủ tục này là Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017;  Thông tư số 12/2018/TT-BTP ngày 28/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn một số hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và quản lý chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý; Thông tư số 09/2022/TT-BTP ngày 30/12/2022 bãi bỏ một số nội dung tại các Thông tư trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý, hộ tịch do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành.
Trình tự thực hiện:
- Người được trợ giúp pháp lý có nguyện vọng rút yêu cầu trợ giúp pháp lý thì làm đơn rút yêu cầu trợ giúp pháp lý và gửi tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý (Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh/thành phố, Chi nhánh của Trung tâm,  tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý, tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý) hoặc người thực hiện trợ giúp pháp lý (Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo hợp đồng với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo phân công của tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý, Tư vấn viên pháp luật có 02 năm kinh nghiệm tư vấn pháp luật trở lên làm việc tại tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý, Cộng tác viên trợ giúp pháp lý).
- Khi nhận được đơn rút yêu cầu trợ giúp pháp lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc người thực hiện trợ giúp pháp lý trả lời ngay bằng văn bản về việc không tiếp tục thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý.
Cách thức thực hiện:
- Nộp hồ sơ trực tiếp tại trụ sở của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý;
- Gửi hồ sơ qua dịch vụ bưu chính;
- Gửi hồ sơ qua fax, hình thức điện tử.
Thành phần hồ sơ:
- Đơn rút yêu cầu trợ giúp pháp lý.
Số lượng hồ sơ: 01 bộ.
Thời hạn giải quyết hồ sơ: Ngay sau khi nhận đủ hồ sơ theo quy định.
Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Người được trợ giúp pháp lý có nguyện vọng rút yêu cầu trợ giúp pháp lý.
Cơ quan giải quyết thủ tục hành chính: Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh/thành phố, Chi nhánh của Trung tâm; tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý.
Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Người được trợ giúp pháp lý được rút yêu cầu trợ giúp pháp lý, vụ việc trợ giúp pháp lý kết thúc.
Phí, lệ phí: Không.
Yêu cầu điều kiện thực hiện thủ tục hành chính: Không có
Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai: Đơn rút yêu cầu trợ giúp pháp lý theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư số 12/2018/TT-BTP ngày 28/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp (Mẫu số 05-TP-TGPL) và quy định tại khoản 4 Điều 1 Thông tư số 09/2022/TT-BTP ngày 30/12/2022 bãi bỏ một số nội dung tại các Thông tư trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý, hộ tịch do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành.
3. Thủ tục thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý
Đây là thủ tục hành chính cấp tỉnh. Mã số hồ sơ thủ tục hành chính 2001687. Xin giới thiệu thủ tục thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý như sau:
Căn cứ pháp lý của thủ tục này là Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017;  Thông tư số 12/2018/TT-BTP ngày 28/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn một số hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và quản lý chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý; Thông tư số 09/2022/TT-BTP ngày 30/12/2022 bãi bỏ một số nội dung tại các Thông tư trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý, hộ tịch do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành.
Trình tự thực hiện:
- Người được trợ giúp pháp lý có căn cứ cho rằng người thực hiện trợ giúp pháp lý thuộc một trong các trường hợp không được tiếp tục thực hiện hoặc phải từ chối thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 25 của Luật trợ giúp pháp lý thì làm đơn đề nghị thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý và gửi Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh/thành phố, Chi nhánh của Trung tâm hoặc tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý, tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý.
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn đề nghị thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh/thành phố, Chi nhánh của Trung tâm, tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý, tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý có trách nhiệm thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người được trợ giúp pháp lý và cử người khác thực hiện trợ giúp pháp lý trong trường hợp người thực hiện trợ giúp pháp lý thuộc một trong các trường hợp không được tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc người thực hiện trợ giúp pháp lý phải từ chối thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định.
Cách thức thực hiện:
- Nộp hồ sơ trực tiếp tại trụ sở của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý;
- Gửi hồ sơ qua dịch vụ bưu chính;
- Gửi hồ sơ qua fax, hình thức điện tử.
Thành phần hồ sơ:
- Đơn đề nghị thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý.
- Giấy tờ, tài liệu liên quan đến yêu cầu thay đổi.
Số lượng hồ sơ: 01 bộ.
Thời hạn giải quyết hồ sơ: 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn đề nghị thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý.
Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính:
Người được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý.
Cơ quan giải quyết thủ tục hành chính: Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh/thành phố, Chi nhánh của Trung tâm, tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý, tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý.
Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Văn bản trả lời người được trợ giúp pháp lý về việc thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý.
Phí, lệ phí: Không.
Yêu cầu điều kiện thực hiện thủ tục hành chính:
Khi có căn cứ cho rằng người thực hiện trợ giúp pháp lý thuộc một trong các trường hợp không được tiếp tục thực hiện hoặc phải từ chối thực hiện trợ giúp pháp lý, cụ thể như sau:
- Thực hiện hành vi bị nghiêm cấm quy định của Luật trợ giúp pháp lý, trừ trường hợp đã chấp hành xong hình thức xử lý vi phạm và được thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý;
- Bị thu hồi thẻ trợ giúp viên pháp lý, thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý, Chứng chỉ hành nghề luật sư, thẻ tư vấn viên pháp luật;
- Các trường hợp không được tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật về tố tụng;
- Đã hoặc đang thực hiện trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý là các bên có quyền lợi đối lập nhau trong cùng một vụ việc, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác đối với vụ việc tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng trong lĩnh vực dân sự;
- Có căn cứ cho rằng người thực hiện trợ giúp pháp lý có thể không khách quan trong thực hiện trợ giúp pháp lý;
- Có lý do cho thấy không thể thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý một cách hiệu quả, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý.
Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai:
Đơn đề nghị thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư số 12/2018/TT-BTP ngày 28/8/2018 của Bộ Tư pháp (Mẫu số 04-TP-TGPL) và quy định tại khoản 3 Điều 1 Thông tư số 09/2022/TT-BTP ngày 30/12/2022 bãi bỏ một số nội dung tại các Thông tư trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý, hộ tịch do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành.
4. Thủ tục giải quyết khiếu nại về trợ giúp pháp lý
Đây là thủ tục hành chính cấp tỉnh. Mã số hồ sơ thủ tục hành chính B-BTP- 244672- TT. Xin giới thiệu thủ tục giải quyết khiếu nại trợ giúp pháp lý như sau:
Căn cứ pháp lý của thủ tục này là Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017;  Thông tư số 12/2018/TT-BTP ngày 28/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn một số hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và quản lý chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý.
Trình tự thực hiện:
- Người được trợ giúp pháp lý có quyền gửi đơn khiếu nại đến người đứng đầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý.
- Người đứng đầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý (Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh/thành phố, Chi nhánh của Trung tâm, tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý, tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý) có trách nhiệm giải quyết khiếu nại đối với những hành vi quy định tại khoản 1, Điều 45 Luật Trợ giúp pháp lý trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được khiếu nại.
- Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của người đứng đầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc quá thời hạn mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lên Giám đốc Sở Tư pháp. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm giải quyết khiếu nại. Quyết định giải quyết khiếu nại của Giám đốc Sở Tư pháp có hiệu lực thi hành.
- Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Giám đốc Sở Tư pháp hoặc quá thời hạn mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện tại Tòa án.
Cách thức thực hiện: 
Nộp đơn khiếu nại đến người đứng đầu của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý (đối với khiếu nại lần 1); nộp đến Giám đốc Sở Tư pháp (khiếu nại lần 2).
Thành phần hồ sơ:
Đơn khiếu nại và các giấy tờ có liên quan.
Số lượng hồ sơ: 01 bộ.
Thời hạn giải quyết hồ sơ:
- Đối với người đứng đầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý: 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được khiếu nại;
- Đối với Giám đốc Sở Tư pháp: 15 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại.
Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính:
Người được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý.
Cơ quan giải quyết thủ tục hành chính:
- Người đứng đầu của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý;
- Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.
Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Quyết định giải quyết khiếu nại.
Phí, lệ phí: Không.
Yêu cầu điều kiện thực hiện thủ tục hành chính:
- Người được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý.
- Khi có căn cứ cho rằng tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý có hành vi trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình như: từ chối thụ lý vụ việc trợ giúp pháp lý; không thực hiện trợ giúp pháp lý; thực hiện trợ giúp pháp lý không đúng pháp luật; thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý không đúng pháp luật.
Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai: Đơn khiếu nại theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư số 12/2018/TT-BTP ngày 28/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp (Mẫu số 03-TP-TGPL).
 
(Còn tiếp)
Gia Hưng
 
 

[1] Bỏ “Sổ hộ khẩu” theo Điều 1 của Thông tư số 09/2022/TT-BTP ngày 30/12/2022 bãi bỏ một số nội dung tại các Thông tư trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý, hộ tịch do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành.