Bàn về công tác truyền thông trợ giúp pháp lý

Trong xã hội hiện đại, công tác truyền thông ngày càng thể hiện vai trò quan trọng, đóng góp to lớn vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm sự phát triển bền vững của xã hội. Trong bối cảnh hiện nay, bám sát tiến trình đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, công tác truyền thông luôn được Bộ, ngành tư pháp quan tâm, tổ chức thực hiện, trong đó có truyền thông về trợ giúp pháp lý.

I. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC TRUYỀN THÔNG VỀ TRỢ GIÚP PHÁP LÝ
1. Khái quát về căn cứ, cơ sở pháp lý
Tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với Bộ Tư pháp ngày 25/5/2021, trong phần kết luận buổi làm việc, Thủ tướng chỉ đạo: “Coi trọng và đầu tư cho công tác truyền thông chính sách, những kinh nghiệm quý, bài học hay, những điển hình tiên tiến; truyền thông phải đi trước một bước, đóng vai trò dẫn dắt, truyền cảm hứng cho người dân, tạo đồng thuận xã hội, theo tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng. Bên cạnh đó, tại Chương trình hành động số 10 – Ctr/BCS ngày 21/6/2021 của Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định một trong những giải pháp chủ yếu để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm là “Phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông, báo chí của ngành trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, định hướng dư luận, củng cố đồng thuận xã hội, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị và chuyên môn của Bộ, ngành Tư pháp”.,”. Ngày 31/12/2021, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 1996/QĐ-BTP Phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp giai đoạn 2021 – 2026” trong đó có nội dung: “Các đơn vị thuộc Bộ tổ chức triển khai các nhiệm vụ được giao, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí trong và ngoài Bộ chủ động thông tin, truyền thông kịp thời, chính xác, hiệu quả về các nhiệm vụ, lĩnh vực công tác trọng tâm được người dân và xã hội quan tâm”.
Trợ giúp pháp lý (TGPL) là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được TGPL trong vụ việc TGPL theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật.
Truyền thông về TGPL được quy định tại điểm e, khoản 2, Điều 40 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 nhằm truyền tải thông tin về TGPL đến với người dân, giúp người dân biết về quyền được TGPL, tiếp cận thông tin TGPL khi có tranh chấp, vướng mắc pháp luật, giúp các cơ quan, tổ chức hiểu về chức năng, phạm vi, lĩnh vực hoạt động và vai trò của công tác trợ giúp pháp lý.

 

2. Tình hình công tác truyền thông về TGPL trong thời gian qua
Hệ thống Tổ chức trợ giúp pháp lý ra đời trên cơ sở Quyết định số 734/QĐ-TTg ngày 06/9/1997 của Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở đó, ở Trung ương có Cục Trợ giúp pháp lý - Bộ Tư pháp có chức năng quản lý nhà nước và quản lý chuyên ngành về TGPL theo quy định của pháp luật. Ở địa phương, mỗi tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương có 01 (một) Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thuộc Sở Tư pháp. Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương có chức năng cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý, giúp họ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; góp phần vào việc truyền thông pháp luật, giải quyết các vướng mắc, tranh chấp pháp luật, bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật.
Nhận thức được vai trò quan trọng của hoạt động truyền thông về TGPL, trong những năm qua, công tác truyền thông về TGPL luôn được các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương quan tâm, chú trọng và đa dạng về hình thức thực hiện.
2.1.Công tác truyền thông về TGPL ở Trung ương
Ở Trung ương, Cục Trợ giúp pháp lý thực hiện truyền thông thông qua các bài viết trên website (Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp, Trang Thông tin điện tử TGPL Việt Nam,..); bản tin về hoạt động TGPL trên các chuyên mục của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam; kênh Truyền hình Quốc hội; chuyên mục về TGPL trên Báo Pháp luật; phát hành tờ gấp giới thiệu về TGPL và cung cấp địa chỉ các Trung tâm TGPL nhà nước trong toàn quốc để phát miễn phí đến người dân… Đặc biệt, để truyền thông về chính sách TGPL cũng như những nội dung cơ bản của Luật TGPL 2017, Cục TGPL đã tích cực phối hợp với các cơ quan truyền thông thực hiện các phóng sự trên đài truyền hình Quốc hội, đài truyền hình Việt Nam, các bài phỏng vấn Lãnh đạo Cục, Lãnh đạo các đơn vị thuộc Cục; có nhiều chuyên mục, bài viết trên báo viết, báo nói...; xây dựng Thông điệp về TGPL; phát hành số chuyên đề về Luật TGPL để phát cho các Bộ, ngành có liên quan, đại biểu Quốc hội và một số địa phương; thực hiện các phóng sự về một số vụ việc phức tạp, điển hình phát sóng trên Đài truyền hình Việt Nam. Một số phóng sự, bản tin do Cục TGPL thực hiện trong thời gian qua như: Phóng sự “Tăng cường tiếp cận trợ giúp pháp lý cho người nghèo và nhóm yếu thế” phát sóng trên Chương trình thời sự - Truyền hình Quốc hội; Phóng sự “Trợ giúp pháp lý - công cụ bảo vệ cho các nhóm yếu thế” phát sóng trong Chương trình Việt Nam và thế giới trên Truyền hình Quốc hội”; các Chương trình Quốc hội với cử tri; Phóng sự kỷ niệm 24 năm thành lập hệ thống trợ giúp pháp lý phát sóng trong Chương trình thời sự trên kênh VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam ngày 04/9/2021…
Trang thông tin điện tử TGPL Việt Nam có địa chỉ https://tgpl.moj.gov.vn (Website TGPL) đã được nâng cấp, hoàn thiện, kịp thời cung cấp văn bản chỉ đạo, điều hành của Trung ương và địa phương, là diễn đàn rộng rãi để trao đổi thông tin, kinh nghiệm, kỹ năng TGPL của các tổ chức thực hiện TGPL trong toàn quốc. Những tin bài về nghiên cứu trao đổi, hợp tác trong lĩnh vực TGPL, vụ việc TGPL điển hình,…ngày một nâng cao cả về số lượng và chất lượng, thu hút đông đảo bạn đọc và người dân quan tâm, theo dõi. Đồng thời, website TGPL cũng là một kênh thông tin để người dân biết đến quyền được TGPL, tổ chức, người thực hiện TGPL và hoạt động TGPL trên toàn quốc.
Ngoài ra, Cục Trợ giúp pháp lý duy trì, vận hành “đường dây nóng” về TGPL, qua đó, giải đáp thắc mắc, hỗ trợ, hướng dẫn, giới thiệu cho người dân, người được TGPL những vướng mắc pháp luật về TGPL. Cục Trợ giúp pháp lý cũng thường xuyên hướng dẫn, định hướng cho Trung tâm TGPL nhà nước các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương trong việc tổ chức hoạt động tuyên truyền, truyền thông về TGPL, xây dựng tờ rơi, tờ gấp pháp luật sao cho cách thức, nội dung phù hợp với từng địa bàn, từng đối tượng được TGPL.
Thực hiện nội dung TGPL trong 03 Chương trình mục tiêu quốc gia [1], Cục TGPL đã và đang triển khai thực hiện một số hoạt động truyền thông như: nâng cao nhận thức, năng lực TGPL tại các địa bàn quy định trong các Chương trình mục tiêu quốc gia; xây dựng các chương trình về TGPL phát sóng trên Đài truyền hình hoặc Đài phát thanh ở Trung ương; nghiên cứu, biên soạn và phát hành tài liệu truyền thông về TGPL cho các đối tượng và địa bàn theo quy định.
2.2. Công tác truyền thông về TGPL ở địa phương
Ở địa phương, các Trung tâm TGPL nhà nước đã giới thiệu, đăng tải thông tin, chuyên mục về hoạt động TGPL trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo hình, báo viết, báo nói, báo mạng, đài phát thanh và đài truyền hình của các địa phương). Ngoài ra, các Trung tâm TGPL nhà nước đã xây dựng các Bảng thông tin, Hộp tin về TGPL để lắp đặt tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, trụ sở Nhà văn hóa, điểm bưu điện văn hóa xã; trụ sở tiếp dân của các cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án, Trại tạm giam, Nhà tạm giữ…
Các Trung tâm TGPL nhà nước thường xuyên cập nhật, công bố danh sách tổ chức thực hiện TGPL, người thực hiện TGPL và các thủ tục TGPL trên Trang Thông tin điện tử của địa phương để người dân biết và yêu cầu TGPL, qua đó thực hiện chủ trương minh bạch hóa thủ tục hành chính của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực TGPL.
Triển khai thực hiện Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg ngày 08/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách TGPL cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020, tại các địa phương có các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn đã thực hiện các hoạt động: Thiết lập đường dây nóng về TGPL; xây dựng, phát chuyên trang, chuyên mục về TGPL bằng tiếng Việt, tiếng dân tộc trên Đài Truyền thanh xã; tổ chức các đợt truyền thông về TGPL ở cơ sở.
Một số hoạt động truyền thông tiêu biểu của các Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh/thành phố trong thời gian qua:
* Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Hà Giang: Trong năm 2021, Trung tâm đã phối hợp với các phòng Tư pháp của các huyện, thành phố; UBND các xã, thị trấn thực hiện 11 đợt truyền thông về TGPL tại 61 thôn, xã. Trong đó, có 1.563 lượt người tham gia, 402 vụ việc được thực hiện tư vấn trực tiếp. Thông qua các cuộc truyền thông, các cán bộ, chuyên viên, trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm đã giới thiệu về chức năng, nhiệm vụ, cách thức liên hệ đến Trung tâm TGPL, cũng như quyền và nghĩa vụ của người được TGPL. Song song với đó, Trung tâm đã biên soạn, in ấn, tờ rơi, tờ gấp giới thiệu về công tác TGPL, một số nội dung cơ bản của Luật TGPL năm 2017 và tài liệu pháp luật liên quan đến các lĩnh vực pháp luật thiết yếu cho người thuộc diện được TGPL như: Luật đất đai, dân sự, hôn nhân và gia đình, pháp luật về cư trú, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng…Tại trụ sở các cơ quan tiến hành tố tụng, Trung tâm cũng đã triển khai lắp đặt bổ sung, thay thế các bảng thông tin, hộp tin TGPL tại trụ sở các cơ quan tiến hành tố tụng, giới thiệu về chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm TGPL. Đồng thời giới thiệu về quyền và nghĩa vụ của người được TGPL, người thực hiện TGPL, hình thức TGPL trong tham gia tố tụng…Thông qua đó, đã giúp người dân nâng cao hiểu biết, dễ dàng tiếp cận các thông tin về TGPL, các đối tượng được TGPL biết quyền được hưởng dịch vụ TGPL miễn phí của mình và yêu cầu trợ giúp pháp lý khi có vướng mắc pháp luật. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh.[2]

 

Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Thái Nguyên: Trong năm 2021 luôn chú trọng đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về TGPL với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Thông qua công tác TGPL giúp người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số, người dân sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn nâng cao hiểu biểu pháp luật, từ đó tích cực chấp hành các quy định của nhà nước, qua đó góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương. Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Thái Nguyên phối hợp với phòng Tư pháp các huyện, thành phố, thị xã xây dựng kế hoạch thực hiên 70 chuyến tư vấn pháp luật và truyền thông về TGPL tại 20 xã của 05 huyện trên địa bàn tỉnh, gồm các huyện: Định Hóa, Phú Lương, Võ Nhai, Đại Từ, Phú Bình. Thông qua các cuộc truyền thông, đã giới thiệu về chức năng, nhiệm vụ, cách thức liên hệ đến Trung tâm TGPL, quyền và nghĩa vụ của người được TGPL để nâng cao nhận thức của người dân và những người thuộc diện được TGPL về vai trò của công tác TGPL, về các quyền và lợi ích của người được TGPL và giúp người dân có nhiều cơ hội tiếp cận thông tin, chính sách TGPL. Bên cạnh đó, Trung tâm đã biên soạn, in ấn 20.000 tờ rơi, tờ gấp giới thiệu về Trung tâm TGPL, một số nội dung cơ bản của Luật TGPL và tài liệu pháp luật liên quan đến các lĩnh vực pháp luật thiết yếu cho người dân như pháp luật về đất đai, dân sự, hôn nhân và gia đình, pháp luật về cư trú, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng,  pháp luật về chính sách đối với người khuyết tật; Triển khai lắp đặt bổ sung, thay thế các Bảng thông tin, Hộp tin TGPL tại trụ sở các cơ quan tiến hành tố tụng. Đồng thời, Trợ giúp viên pháp lý, Chuyên viên của Trung tâm viết tin, bài về công tác TGPL, các bài viết nghiên cứu trao đổi nghiệp vụ về TGPL đăng trên Trang thông tin điện tử của Cục Trợ giúp pháp lý, Sở Tư pháp; phối hợp với UBND cấp xã thực hiên truyền thanh với chuyên mục phát thanh “Trợ giúp pháp lý với người dân” để giới thiệu về chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm TGPL, quyền và nghĩa vụ của người được TGPL, người thực hiện TGPL, nhấn mạnh về hiệu quả của hình thức TGPL trong tố tụng để nhân dân được biết thông qua các vụ việc điển hình có sự tham gia của Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL. Đồng thời, trong quá trình thực hiện tư vấn pháp luật và tham gia tố tụng, Trợ giúp viên pháp lý còn giới thiệu về chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm Trợ giúp pháp lý, diện người được trợ giúp pháp lý, các quyền và nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý. Đây cũng là một trong những hình thức truyền thông hiệu quả của Trung tâm.[3]
 

* Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Quảng Ngãi: Từ năm 2018 đến 06 tháng đầu năm 2022, Trung tâm đã tổ chức 224 đợt truyền thông về hoạt động TGPL tại các huyện gồm: Ba Tơ, Sơn Hà, Sơn Tây, Mộ Đức, Đức Phổ, Minh Long, Trà Bồng... với hơn 10.000 lượt người tham dự. Trong các đợt truyền thông về hoạt động TGPL, các Trợ giúp viên pháp lý đã thực hiện tư vấn 1407 vụ việc cho người dân có yêu cầu TGPL. Công tác thông tin, truyền thông về hoạt động TGPL được thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Tuyên truyền thông qua hình thức làm Bảng thông tin về TGPL đặt tại UBND các xã, phường, thị trấn; Nhà văn hóa các thôn, bản và các cơ quan tiến hành tố tụng trên toàn tỉnh; in ấn các loại tờ gấp pháp luật về hoạt động TGPL cấp phát cho nhân dân, nhất là ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; ký hợp đồng truyền thông về TGPL với các xã miền núi, xã bãi ngang ven biển và Đài phát thanh và truyền hình tỉnh.[4]
* Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Bạc Liêu: Trong 06 tháng đầu năm 2022, Trung tâm đã tổ chức thực hiện 30 cuộc truyền thông về trợ giúp pháp lý tại cơ sở với tổng số người tham dự hơn 927 lượt người, thực hiện tư vấn tại chỗ 282 vụ việc; biên soạn, in ấn 12.000 tờ gấp pháp luật để phát miễn phí cho người dân và gửi các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan, tổ chức có liên quan và UBND xã, phường, thị trấn giúp người dân thuận lợi tiếp cận các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là người bị tạm giữ, tạm giam được thụ hưởng chính sách trợ giúp pháp lý miễn phí; lắp đặt 58 bảng thông tin và 58 hộp tin về trợ giúp pháp lý tại trụ sở các cơ quan tiến hành tố tụng, UBND cấp xã, trụ sở sở ấp thuộc các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển; thực hiện 18 hoạt động lồng ghép thông tin về chính sách trợ giúp pháp lý trên các phương tiện thông tin đại chúng gồm 01 chuyên mục phát trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, đăng tải 01 kỳ trên trang “Tư pháp” của Báo Bạc Liêu, 07 bài viết trên Trang thông tin điện tử Trợ giúp pháp lý Việt Nam, 02 bài viết trên Trang điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật của Sở Tư pháp, 01 bài viết Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc và Tôn giáo, 06 bài viết trên Bản tin Tư pháp, 06 bài viết trên Zalo,.. Thông qua các hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý đã góp phần giúp người dân nâng cao hiểu biết, ý thức tôn trọng và tuân thủ pháp luật, thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình. Từ đó góp phần phòng ngừa các vi phạm pháp luật, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển gắn với giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, giữ vững đoàn kết cộng đồng.[5]

 

2.3.Công tác truyền thông về TGPL trong thời kỳ dịch bệnh Covid - 19
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến các mặt đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đặc biệt là đối với những người yếu thế như: người khuyết tật, người nghèo, trẻ em, ... Tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố đã có hơn một nghìn trẻ em rơi vào tình trạng mồ côi, mất đi sự yêu thương, quan tâm, chăm sóc của cha, mẹ, người thân.
Để hỗ trợ cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó có trẻ em mồ côi, Nhà nước, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương và cộng đồng xã hội đã cùng vào cuộc, chung tay hỗ trợ các em vượt qua khó khăn bằng nhiều giải pháp khác nhau. Trong bối cảnh chung đó, ngày 01/10/2021, Cục Trợ giúp pháp lý đã có văn bản số 437/CTGPL-TC&QLCL chỉ đạo, yêu cầu Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kịp thời trợ giúp pháp lý cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em bị mồ côi do đại dịch Covid-19, trong đó có nội dung về truyền thông: “Đẩy mạnh truyền thông về quyền được trợ giúp pháp lý của trẻ em bằng nhiều hình thức, phương thức đa dạng, giúp trẻ em và người thân của các em biết đến dịch vụ trợ giúp pháp lý và sử dụng khi có nhu cầu”.
Tại địa phương, trên cơ sở hướng dẫn, chỉ đạo của Cục Trợ giúp pháp lý, các Trung tâm TGPL nhà nước đã tích cực đẩy mạnh hoạt động truyền thông TGPL trong tình hình dịch bệnh covid -19. Cụ thể:
 Trước hàng loạt những yêu cầu về giãn cách xã hội và quy định, nguyên tắc bảo đảm phòng dịch, việc tổ chức những hội nghị truyền thông pháp luật, TGPL tại cơ sở đã không còn khả thi. Vì thế, một số Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh/thành phố đã có sự thay đổi về hình thức thông tin tuyên truyền, tiếp cận gần hơn với đối tượng được TGPL. Sở Tư pháp phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) cung cấp danh sách người thuộc diện được TGPL theo quy định pháp luật (Thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, người có công giúp đỡ cách mạng; hộ nghèo, cận nghèo; người khuyết tật…). Trên cơ sở danh sách (gồm họ tên, địa chỉ người thuộc diện được TGPL), cán bộ Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh chủ động liên hệ (qua hình thức gọi điện thoại, gửi thư tay, gặp trực tiếp), tuyên truyền về quyền lợi, lĩnh vực và hình thức TGPL. Cùng đó, phối hợp với các đơn vị thuộc Sở Tư pháp viết tin, bài đăng trên Bản tin Tư pháp, Trang thông tin điện tử TGPL Việt Nam về Luật TGPL, nội dung tư vấn vụ việc cụ thể, kết quả tư vấn pháp lý. Đồng thời, tăng cường phối hợp với công chức tư pháp – hộ tịch, LĐ,TB&XH cấp xã, cán bộ phòng tư pháp, LĐ,TB&XH các huyện, thị xã, thành phố, các tổ chức đoàn thể… nắm bắt thông tin từ cơ sở, nhanh chóng liên hệ với Trung tâm TGPL khi người dân thuộc diện TGPL có nhu cầu TGPL. Cán bộ Phòng Tư pháp và công chức tư pháp- hộ tịch các phường, xã cũng đã tăng cường thông tin tuyên truyền, nắm bắt nhu cầu TGPL của nhân dân, làm cầu nối về thông tin liên lạc để người dân trong diện được TGPL dễ dàng tiếp cận với hoạt động TGPL.
Có thể thấy, những hình thức thông tin, tuyên truyền về TGPL mới này đã đã mở ra cơ hội tiếp cận gần hơn và đem lại nhiều thuận lợi cho người dân thuộc diện được TGPL. Việc liên hệ trực tiếp tới từng đối tượng được TGPL giúp cán bộ TGPL nhanh chóng nắm bắt chính xác nhu cầu cụ thể của người dân, nắm bắt chính xác nội dung vụ việc, góp phần làm cho chất lượng, hiệu quả tư vấn, TGPL được nâng cao. Đồng thời, việc cán bộ TGPL tiếp cận trực tiếp tới từng người dân trong diện được TGPL cũng giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức đi lại của công dân, tránh tập trung đông người, tạo thuận lợi nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch bệnh.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid - 19 có thể diễn biến khó lường trong cả nước, do đó, trong thời gian tới, Trung tâm TGPL nhà nước các tỉnh/thành phố cần tiếp tục nêu cao tinh thần, trách nhiệm, không chủ quan trong việc thực hiện các biệp pháp phòng, chống dịch. Đồng thời, quyết tâm khắc phục khó khăn, thách thức, tiếp tục chủ động, tích cực đẩy mạnh công tác truyền thông TGPL trong tình hình mới để những những người dân trong diện được TGPL dễ dàng tiếp cận nhiều hơn với dịch vụ TGPL.
2.4. Đánh giá công tác truyền thông về TGPL trong thời gian qua
2.4.1. Thuận lợi
Công tác truyền thông về TGPL những năm qua đã được hết sức coi trọng để tăng thêm sự hiểu biết, tiếp cận của người dân trong hoạt động này. Ở Trung ương, Cục TGPL thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc, định hướng các Trung tâm TGPL nhà nước trong việc truyền thông về TGPL với đa dạng hình thức, phù hợp với từng địa hình, đối tượng được TGPL khác nhau. Các địa phương cũng chủ động, tích cực đẩy mạnh truyền thông bằng những cách làm khác nhau như qua in ấn, cấp phát tờ gấp, tài liệu về TGPL; qua các bảng tin về TGPL; qua niêm yết công khai tại UBND cấp xã, tại nhà tạm giam, tạm giữ; các tổ chức của người khuyết tật, các cơ sở bảo trợ xã hội; qua các đợt TGPL tại cơ sở,... qua đó, giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL, việc, vụ việc TGPL ngày càng gia tăng về chất và lượng.
2.4.2. Khó khăn
- Mặc dù đã có nhiều đổi mới trong việc truyền thông về TGPL nhưng có thể thấy sự chủ động tiếp cận các đối tượng được TGPL vẫn còn hạn chế nên nhiều người dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa chưa biết hoặc khó tiếp cận với TGPL.
- Việc phối hợp trong thực hiện truyền thông về TGPL vẫn chưa được quan tâm đầy đủ, đúng mức. Nhận thức về TGPL của một số cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó có cả các cơ quan truyền thông chưa đầy đủ, do đó, chưa thực sự quan tâm đến việc phối hợp với cơ quan TGPL nhà nước thực hiện truyền thông về quyền TGPL đến với người dân.
- Nhận thức về công tác TGPL của người thuộc diện được TGPL chưa cao nên việc giải thích, hướng dẫn họ thực hiện quyền được TGPL còn gặp nhiều khó khăn. Một số địa phương, cơ quan tiến hành tố tụng, tổ chức xã hội chưa chủ động trong việc hỗ trợ, thông tin, phối hợp với trung tâm và người thực hiện TGPL. Ngoài ra, diện người được TGPL đã được mở rộng, nhu cầu được TGPL ngày càng nhiều, song số lượng trợ giúp viên pháp lý và nguồn bổ nhiệm trợ giúp viên pháp lý còn ít nên việc triển khai công tác TGPL còn gặp nhiều khó khăn.
- Hoạt động truyền thông về TGPL đôi lúc chưa được thực hiện đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng dẫn đến mục đích và hiệu quả đạt được chưa cao. Nội dung truyền thông có chỗ còn chưa phù hợp với các đối tượng đặc thù và địa bàn sinh sống của người dân. Việc truyền thông mới chỉ dừng lại ở phản ánh sự kiện, giới thiệu các quan điểm, chủ trương, thiếu những bài viết, câu chuyện sâu sắc về công tác TGPL, về những vụ việc điển hình, đặc biệt thông qua các hình thức kịch, tiểu phẩm hay hoặc trên những trang báo, trang thông tin điện tử lớn. Công tác truyền thông có lúc chưa phản ánh đầy đủ, sinh động thực tế công tác TGPL nên chưa thu hút sự quan tâm của xã hội, người dân về công tác này.
II. KINH NGHIỆM QUỐC TẾ VỀ TRUYỀN THÔNG TGPL
- Indonesia là một quốc gia có nhiều đảo, rộng lớn nên việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động TGPL ở Indonesia được thực hiện rất đồng bộ và bài bản, từ việc yêu cầu TGPL, chấp nhận đơn yêu cầu TGPL, báo cáo về TGPL, đến việc xem xét các vụ việc chi trả TGPL đều được cập nhật vào cơ sở dữ liệu chung.
Indonesia còn phát triển phần mềm ứng dụng trên điện thoại di động thông minh, giúp cho người dân có thể nộp đơn yêu cầu TGPL được dễ dàng, cũng như là phương tiện để cơ quan nhà nước đánh giá chất lượng vụ việc TGPL qua ý kiến của người dân.
Để truyền thông về TGPL, Indonesia sử dụng những chiếc xe có màu sắc rực rỡ trên toàn quốc đi để cung cấp thông tin và các nguồn liên quan đến pháp luật và TGPL. Ngoài ra, Cục Phát triển luật pháp quốc gia sản xuất một loạt các sản phẩm phim và truyền hình dành cho giáo dục, truyền thông.[6]
- Ở Hà Lan[7], Hội đồng trợ giúp pháp lý đã thành lập mạng lưới Quầy dịch vụ pháp lý trên phạm vi toàn Vương quốc để thực hiện chức năng tư vấn ban đầu về vụ việc pháp lý cho công dân.Theo đó, hội đồng trợ giúp pháp lý đã thiết lập hơn 30 Quầy dịch vụ pháp lý (Legal Services Counters) được phân bổ đều tại 12 tỉnh. Quầy dịch vụ pháp lý được thiết kế theo hướng thân thiện, gần gũi với khách hàng. Bên trong là một không gian mở với khu vực phòng chờ rộng rãi và các phòng tư vấn pháp luật. Xung quanh khu vực phòng chờ là các giá tài liệu được sắp xếp khoa học theo từng lĩnh vực pháp luật. Tại hành lang phòng chờ, được bố trí và cài đặt hệ thống máy tính hiện đại giúp khách hàng có thể tìm kiếm và tiếp cận trực tuyến các thông tin pháp luật liên quan đến vụ việc của mình. Trong trường hợp, khách hàng không thể trực tiếp đến quầy dịch vụ pháp lý nhưng thông qua website và hệ thống tổng đài chung của 30 Quầy dịch vụ pháp lý để được tư vấn về vụ việc pháp lý
Tại mỗi Quầy dịch vụ pháp lý, Hội đồng trợ giúp pháp lý bố trí ít nhất 06 chuyên viên pháp lý và đội ngũ nhân viên hỗ trợ khách hàng, nhân viên hỗ trợ hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của chuyên viên pháp lý.
III. ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC TRUYỀN THÔNG VỀ TGPL TRONG THỜI GIAN TỚI
Để nâng cao hiệu quả, chất lượng của hoạt động TGPL hơn nữa trong thời gian tới, cần thực hiên tốt các giải pháp sau:
Một là, đổi mới công tác truyền thông, tập trung về TGPL, quyền và nghĩa vụ của người được TGPL, hệ thống tổ chức thực hiện TGPL sẵn có của nhà nước để nâng cao nhận thức của cán bộ Trung ương, địa phương, người dân và các đối tượng được TGPL về vai trò của TGPL. Ngoài ra đối với các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn là địa bàn xa trung tâm, đi lại khó khăn nên bên cạnh việc tuyên truyền về hoạt động TGPL thông qua các phương tiện truyền thông thì cần phải trực tiếp tổ chức các đợt truyền thông ở cơ sở hoặc xây dựng, phát chuyên trang, chuyên mục về TGPL bằng tiếng Việt, tiếng dân tộc trên Đài Truyền thanh xã để người dân có thể hiểu biết cụ thể hơn về tổ chức và hoạt động TGPL.
Hai là, cần tăng cường phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong truyền thông về TGPL, thực hiện tốt Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC, phát huy vai trò các thành viên trong Hội đồng phối hợp liên ngành Trung ương, địa phương, chú trọng việc hướng dẫn, giải thích cho người bị tạm giữ, tạm giam, người bị buộc tội và các đương sự khác về quyền được TGPL; thực hiện đúng các quy định của pháp luật về việc niêm yết, giải thích, thông báo, thông tin về trợ giúp pháp lý; tăng cường giải thích, thông báo, thông tin về TGPL, tạo điều kiện cho người thực hiện TGPL trực tại Tòa án…
Bên cạnh đó, cần tăng cường phối hợp Trung tâm TGPL với các cơ quan truyền thông, trong đó ưu tiên nguồn lực cho các vùng khó khăn, nhận thức của người dân còn hạn chế….
Ba là, đa dạng hóa các phương thức truyền thông về TGPL: Lựa chọn nội dung phù hợp, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về TGPL với nhiều hình thức đa dạng như thông qua báo chí, phát thanh truyền hình, bảng thông tin, hộp tin, tờ rơi, tờ gấp về TGPL phù hợp với đặc thù từng vùng, tập quán từng địa phương, trình độ dân trí của người dân. Phương thức và nội dung thông tin, truyền thông được thể hiện đa dạng, phong phú, ưu tiên thông tin truyền thông trên môi trường mạng, nền tảng số (zalo, facebook, app trợ giúp pháp lý,..). Chú trọng truyền thông về quyền và nghĩa vụ của người được TGPL, tổ chức TGPL để nâng cao hiểu biết của cán bộ, người dân và các đối tượng được TGPL về hoạt động TGPL.
Bốn là, tích cực phối hợp có hiệu quả với các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương nhằm nâng cao số lượng, chất lượng các vụ việc tham gia tố tụng. Tăng cường phối hợp thông tin giữa Trung tâm TGPL Nhà nước với các cơ quan tiến hành tố tụng từ Trung ương, cấp tỉnh đến huyện trong việc giới thiệu hoặc đề nghị cử người tham gia để đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL một cách nhanh chóng, kịp thời.
Năm là, tăng cường quản lý nhà nước về TGPL, kịp thời khen thưởng những đơn vị, cá nhân có đóng góp tích cực cho hoạt động TGPL; phát hiện, xử lý nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm pháp luật về TGPL. Xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát, phản hồi kết quả giải quyết vụ việc đối với những vụ việc có tính chất phức tạp, kéo dài; bổ sung thêm biên chế, kinh phí cho Trung tâm TGPL nhà nước tương xứng với vai tró, ý nghĩa của công tác TGPL./.

 
Trung tâm Thông tin, dữ liệu trợ giúp pháp lý - Cục Trợ giúp pháp lý
 
 
 
 

[1] 03 Chương trình mục tiêu quốc gia gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025
1 Thông tin tại: https://baophapluat.vn/ha-giang-day-manh-cong-tac-truyen-thong-ve-tro-giup-phap-ly-post419378.html
2 Thông tin tại: http://sotp.thainguyen.gov.vn/tin-tu-phap/giai-phap-nao-nang-cao-hieu-qua-cong-tac-truyen-thong-ve-tro-giup-phap-ly
[4] Thông tin tại: https://tgpl.moj.gov.vn/Pages/hoi-nhap-phat-trien.aspx?ItemID=567&l=Hoatdongcuadiaphuong
[5] Thông tin tại: https://tgpl.moj.gov.vn/Pages/hoi-nhap-phat-trien.aspx?ItemID=562&l=Hoatdongcuadiaphuong
[6] Thông tin tại https://tgpl.moj.gov.vn/Pages/hoi-nhap-phat-trien.aspx?ItemID=31&l=Kinhnghiemquocte
[7] Thông tin tại  https://tgpl.moj.gov.vn/Pages/hoi-nhap-phat-trien.aspx?ItemID=24&l=Kinhnghiemquocte