Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi

Luật người cao tuổi lấy ngày 06 tháng 6 hằng năm là Ngày người cao tuổi Việt Nam. Để kỷ niệm ngày Người cao tuổi Việt Nam năm 2022, bài viết này điểm lại thực trạng trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi trong 10 năm qua và giải pháp nâng cao hiệu quả trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi trong thời gian tới.

I. Người cao tuổi hiện nay
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, cả nước có 11,41 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng 12% dân số; trong đó có 1.918.987 người từ 80 tuổi trở lên (chiếm 17% tổng số người cao tuổi); có 7.294.100 người cao tuổi sống ở khu vực nông thôn (chiếm 41,9%); tỷ lệ người cao tuổi thuộc hộ nghèo cao hơn bình quân chung của cả nước; người cao tuổi là dân tộc thiểu số chiếm gần 10%.  Khoảng 3,1 triệu người cao tuổi hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng, chiếm 27,1% tổng số người cao tuổi (trong đó người cao tuổi hưởng lương hưu là 1,8 triệu người, chiếm 15,8% tổng số người cao tuổi). Gần 1,7 triệu người cao tuổi được nhận trợ cấp xã hội hàng tháng (chiếm 14,8% tổng số người cao tuổi), 1,4 triệu người cao tuổi hưởng chính sách người có công (chiếm 12,3%).
Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, đến năm 2036 nhóm dân số từ 65 tuổi trở lên sẽ chiếm khoảng 14,17% tổng dân số. Khi đó Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn dân số già.[1] Tỷ lệ và số lượng người cao tuổi Việt Nam sẽ tăng lên nhanh chóng trong những năm tới. Nếu như các nước trên thế giới phải trải qua nhiều thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ mới chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang dân số già (như Pháp: 115 năm, Thụy Điển: 85 năm, Hoa Kỳ: 70 năm…) thì Việt Nam được dự báo giai đoạn dân số già sẽ đến trong vòng 16 - 18 năm nữa. Như vậy, Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.
Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống người cao tuổi từng bước được cải thiện. Song đa số người cao tuổi không có tích lũy, thu nhập thấp, một bộ phận cuộc sống phải dựa vào con cháu; nhiều trường hợp sống độc thân, cô đơn không nơi nương tựa.[2] Trong số người cao tuổi tại Việt Nam, 73% không có lương hưu hay trợ cấp BHXH hàng tháng, đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống và phải sống phụ thuộc vào con cái. Số người cao tuổi được hưởng lương hưu, trợ cấp xã hội rất thấp nên nhiều người cao tuổi sức khỏe kém vẫn phải tự lao động và kiếm sống hàng ngày. Vì vậy, đời sống của người cao tuổi, nhất là ở vùng nông thôn còn rất khó khăn, vất vả, tỷ lệ người nghèo ở người cao tuổi là 23,5%. 
Tuổi thọ trung bình cao nhưng tuổi thọ khỏe mạnh của người cao tuổi ở nước ta thấp (64 tuổi); đặc biệt, có 67,2% người cao tuổi có tình trạng sức khỏe yếu và rất yếu. Khoảng 95% người cao tuổi có bệnh, chủ yếu là bệnh mãn tính không lây truyền, trung bình 1 người cao tuổi Việt Nam mắc 3 bệnh. Chỉ có khoảng 60% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế. Hơn 70% người cao tuổi có khó khăn về vật chất.[3]

II. Khung pháp lý về trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi
Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm tới người cao tuổi, đã ban hành nhiều chính sách chăm lo đời sống người cao tuổi. Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992 và đặc biệt là Hiến pháp 2013 khẳng định “Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội, có chính sách trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn khác”. Điều 37 Hiến pháp 2013 đã ghi rõ:  “Người cao tuổi được Nhà nước, gia đình và xã hội tôn trọng, chăm sóc và phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Ngày 23/11/2009, Luật người cao tuổi được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 6 thông qua. Từ cơ sở pháp lý cao nhất này, chính sách đối với người cao tuổi đã được đề cập và cụ thể hóa trong nhiều các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan tạo ra một khuôn khổ chính sách khá toàn diện đối với người cao tuổi ở Việt Nam. Trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý, nghị định 14/2013/NĐ-CP ngày 05/02/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 07/2007/NĐ-CP quy định: Người già được trợ giúp pháp lý quy định tại Khoản 3 Điều 10 Luật trợ giúp pháp lý là người từ đủ 60 tuổi trở lên, sống cô đơn, không có nơi nương tựa.
Ngày 20/6/2017, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi), có hiệu lực từ ngày 01/01/2018. Theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý 2017 thì "Người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn về tài chính" thuộc diện người được trợ giúp pháp lý (Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý). Theo quy định của Nghị định số 144/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý thì điều kiện khó khăn về tài chính của người được trợ giúp pháp lý là người thuộc hộ cận nghèo hoặc là người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật. Như vậy, người cao tuổi thuộc hộ cận nghèo hoặc là người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng thì được trợ giúp pháp lý. Giấy tờ để người cao tuổi trong trường hợp này được hưởng trợ giúp pháp lý gồm:
a) Quyết định hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; Quyết định tiếp nhận đối tượng vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại nhà xã hội, cơ sở bảo trợ xã hội;
b) Giấy chứng nhận hộ cận nghèo kèm theo giấy tờ hợp pháp do cơ quan có thẩm quyền cấp xác định người có tên trong giấy là người cao tuổi.
Ngoài ra, người cao tuổi cũng được hưởng trợ giúp pháp lý khi thuộc một trong các trường hợp theo quy định tại Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý
Ngày 21/12/2021 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2156/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021-2030, trong đó đảm bảo quyền trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi là một trong những mục tiêu quan trọng, với mục tiêu ít nhất 80% người cao tuổi có khó khăn về tài chính, bị bạo lực, bạo hành được cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu giai đoạn 2022-2025 và ít nhất 90% người cao tuổi có khó khăn về tài chính, bị bạo lực, bạo hành được cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu giai đoạn 2026-2030. Các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện trợ giúp pháp lý đối với người cao tuổi gồm: a) Tăng cường thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý tại xã, phường, thị trấn nơi nhiều người cao tuổi khó khăn về tài chính, bị bạo lực, bạo hành có nhu cầu trợ giúp pháp lý và tại Hội Người cao tuổi, Ban Đại diện người cao tuổi, các câu lạc bộ người cao tuổi, các cơ sở trợ giúp xã hội khi có yêu cầu và phù hợp với điều kiện của địa phương; b) Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, tăng cường năng lực cho đội ngũ thực hiện công tác trợ giúp pháp lý đối với người cao tuổi; c) Truyền thông về trợ giúp pháp lý đối với người cao tuổi thông qua các hoạt động thích hợp.
Nhằm triển khai hiệu quả Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021-2030, Bộ Tư pháp đang xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi thuộc diện được trợ giúp pháp lý giai đoạn 2022-2030.
Các văn bản nói trên tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các tổ chức trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý kịp thời cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người cao tuổi thuộc diện được trợ giúp pháp lý. 
 
III. Một số kết quả đạt được về trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi
1. Về công tác tuyên truyền, phổ biến về quyền trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi có khó khăn về tài chính
Hàng năm, công tác truyền thông về quyền trợ giúp pháp lý cho người dân nói chung, trong đó có lồng ghép người cao tuổi, tiếp tục được chú trọng và đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng như: phát sóng thông điệp về trợ giúp pháp lý trên Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV); phối hợp xây dựng, phát sóng phóng sự về công tác trợ giúp pháp lý trên chuyên mục Quốc hội với cử tri (kênh VTV1); xây dựng kịch bản truyền thông về chính sách trợ giúp pháp lý trong các chương trình giảm nghèo... Các hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý thu hút được sự quan tâm, phản hồi rất tích cực từ phía người dân và các cơ quan chức năng.
Ngoài ra, trang thông tin điện tử trợ giúp pháp lý (https://tgpl.moj.gov.vn) liên tục cập nhật thông tin về tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý trên phạm vi cả nước, danh sách, địa chỉ các Trung tâm trợ giúp pháp lý và Trợ giúp viên pháp lý trong cả nước để người dân biết và lựa chọn. Đến nay, đã có hàng trăm nghìn lượt truy cập Trang thông tin điện tử trợ giúp pháp lý Việt Nam.
Tại địa phương, hằng năm, thông qua các hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động, hoạt động thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý, tờ gấp pháp luật,.. các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý lồng ghép thực hiện truyền thông về quyền trợ giúp pháp lý. Các địa phương đã chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng như Đài phát thanh, truyền hình, báo chí để tuyên truyền về hoạt động trợ giúp pháp lý, trong đó có lồng ghép phổ biến về quyền được trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi có khó khăn về tài chính. Tuy nhiên, những năm gần đây, do tình hình phức tạp của dịch bệnh Covid 19, hoạt động truyền thông của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước các tỉnh/thành phố cũng bị ảnh hưởng không nhỏ, đặc biệt là tổ chức truyền thông trực tiếp tại cơ sở.
 2. Kết quả thực hiện trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi có khó khăn về tài chính giai đoạn 2011-2021
Giai đoạn 2011-2017, các Trung tâm trợ giúp pháp lý đã thực hiện được gần 8.300 vụ việc trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi thuộc diện được trợ giúp pháp lý, trong đó 91,4% là vụ việc tư vấn, 3,8% là vụ việc tham gia tố tụng, và các vụ việc với hình thức khác là 4,7%.
Giai đoạn 2018-2021, các Trung tâm trợ giúp pháp lý đã thực hiện được hơn 5.600 vụ việc trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi thuộc diện được trợ giúp pháp lý, trong đó 79,4% là vụ việc tư vấn, 19,5% là vụ việc tham gia tố tụng, 1,1% là vụ việc đại diện ngoài tố tụng.
Có thể thấy rằng, sau khi Luật Trợ giúp pháp lý 2017 được ban hành và  định hướng về tập trung thực hiện các vụ tố tụng theo chỉ đạo của Bộ Tư pháp, các Trung tâm trợ giúp pháp lý đã đẩy mạnh hoạt động thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý, nhất là tham gia tố tụng. Chỉ trong 04 năm (2018-2021) mà số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi đã bằng 68% so với 07 năm (2011-2017). Tỷ lệ vụ việc tham gia tố tụng cho người cao tuổi trong giai đoạn 2018-2021 cũng tăng lên đáng kể so với giai đoạn 2011-2017[4].
Ngoài ra, số liệu này mới chỉ phản ánh một phần số vụ việc trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi. Bởi vì ngoài trường hợp người cao tuổi có khó khăn về tài chính thì người cao tuổi trùng với diện người được trợ giúp pháp lý khác của Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý cũng được trợ giúp pháp lý.
Chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý ngày càng được chú trọng. Hầu hết, các vụ việc trợ giúp pháp lý (trong đó có vụ việc trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi) được đánh giá là đạt chất lượng và đạt chất lượng tốt, không có vụ việc nào bị khiếu kiện về chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý. Nhiều vụ việc được đánh giá là vụ việc thành công, hiệu quả. Quan điểm bào chữa, bảo vệ của Trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý được các cơ quan tiến hành tố tụng ghi nhận, việc bào chữa cho bị cáo góp phần xét xử đảm bảo đúng người, đúng tội; quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý đã được bảo vệ kịp thời, góp phần bảo đảm công bằng trước pháp luật, củng cố niềm tin vào công lý, đồng thời, góp phần quan trọng trong thực hiện khâu đột phá của cải cách tư pháp là nâng cao chất lượng tranh tụng.
3. Về phối hợp trong trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi có khó khăn về tài chính
- Phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng:
Việc phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ngày càng hiệu quả. Bên cạnh tiếp tục thực hiện Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 29/6/2018 liên ngành Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc Phòng, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao quy định về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, một số văn bản mới được ban hành nhằm tăng cường phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng như: Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến (Thông tư liên tịch số 05); Chương trình phối hợp số 1603/CTPH-BTP-TANDTC ngày 19/5/2022 giữa Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao về người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án nhân dân...
Các văn bản này giúp cho các tổ chức trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý kịp thời cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí, quyền, lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý kịp thời được bảo vệ, đồng thời, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật.
- Phối hợp với các cơ quan, tổ chức khác:
Để huy động các nguồn lực xã hội tham gia trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý nói chung và người cao tuổi nói riêng, Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp, các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tiếp tục tích cực phối hợp với các tổ chức đoàn thể thực hiện tốt các Chương trình, kế hoạch phối hợp trong đó có các nội dung liên quan đến trợ giúp pháp lý như phối hợp với Hội người cao tuổi Việt Nam, Liên đoàn luật sư Việt Nam, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam… thực hiện trợ giúp pháp lý cho thành viên, hội viên của các tổ chức này; huy động đội ngũ cán bộ có kiến thức hiểu biết pháp luật tham gia các hoạt động ở cơ sở. Các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan, đặc biệt là chính quyền cấp cơ sở khi triển khai các hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý, nhất là thông báo, thông tin kịp thời về thông tin và nhu cầu trợ giúp pháp lý của người cao tuổi.
4. Đánh giá chung
4.1. Thuận lợi
- Người cao tuổi, trong đó người cao tuổi có khó khăn về tài chính ngày càng được quan tâm, tạo điều kiện tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí của nhà nước.
- Công tác trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi có khó khăn về tài chính đã được hệ thống tổ chức trợ giúp pháp lý từ Trung ương đến địa phương, các cơ quan có liên quan đặc biệt là cơ quan tiến hành tố tụng quan tâm, triển khai thực hiện.
- Quan hệ phối hợp công tác giữa các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý ở địa phương và các cấp Hội Người cao tuổi tiếp tục được tăng cường và phát huy hiệu quả trên nguyên tắc tạo điều kiện thuận lợi để cùng thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật.
4.2. Khó khăn, hạn chế
- Tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trong thời gian qua ảnh hưởng đến việc triển khai các hoạt động (truyền thông, thực hiện trợ giúp pháp lý,...) cho các đối tượng được trợ giúp pháp lý nói chung, cho người cao tuổi có khó khăn về tài chính nói riêng.
- Công tác truyền thông trợ giúp pháp lý cho người dân nói chung và người cao tuổi ở các địa phương chưa đồng đều; vẫn còn trường hợp người dân, đặc biệt là người cao tuổi chưa biết đến quyền được trợ giúp pháp lý miễn phí khi có vướng mắc pháp luật.
- Vẫn còn thực tế là một số người thực hiện trợ giúp pháp lý chưa có nhiều kỹ năng và kinh nghiệm về giải quyết các vụ việc trợ giúp pháp lý liên quan đến người cao tuổi.
- Mặc dù có sự quan tâm, phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, song một số cấp Hội người cao tuổi chưa thật sự chủ động đổi mới phương thức hoạt động, đề xuất, kiến nghị các biện pháp, chính sách hỗ trợ cho hoạt động trợ giúp pháp lý của hội viên nên chưa phát huy tối đa vai trò là cầu nối giữa các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý với người cao tuổi thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý.
5. Một số kiến nghị, đề xuất
5.1. Giải pháp về thể chế:
- Sửa đổi Luật người cao tuổi theo hướng: bổ sung quyền trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý cho thống nhất, đồng bộ.
- Mở rộng đối tượng người cao tuổi là phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt, trong các vụ tố tụng
Trong bối cảnh xu hướng nữ hóa người cao tuổi, thì việc quan tâm đến chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần cho nhóm nữ cần tính đến những yếu tố đặc thù theo giới. Phần lớn người cao tuổi thiếu hụt nguồn lực tài chính, hiện nay ở khu vực nông thôn thì đa số người cao tuổi vẫn sống dựa vào sự chăm sóc, hỗ trợ của con cháu là chủ yếu. Chỉ khoảng 35% người cao tuổi vẫn đang làm việc. Phần lớn là lao động dễ tổn thương (tự làm hoặc lao động gia đình), tỷ lệ là lao động làm công ăn lương thấp. Phụ nữ có tỷ lệ làm việc thấp hơn nam giới; và người cao tuổi thành thị có tỷ lệ làm việc thấp hơn người cao tuổi nông thôn. Trong tương quan với nhóm nam giới, phụ nữ là nhóm dễ tổn thương hơn, tỷ lệ mắc bệnh và khuyết tật cũng cao hơn và sự đối mặt cuộc sống độc thân, góa cao hơn nam giới. Không nên áp dụng một chính sách chung đồng nhất cho nhóm người cao tuổi thiếu nhạy cảm giới[5].
Trong khi đó, chủ thuyết của trợ giúp pháp lý là cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người không có điều kiện kinh tế để thuê luật sư. Vì vậy, trong thời gian tới, cần nghiên cứu mở rộng quyền trợ giúp pháp lý cho nhóm người cao tuổi là phụ nữ không có thu nhập ổn định hoặc thu nhập thấp được trợ giúp pháp lý, nhất là trong tố tụng (chẳng hạn như: người cao tuổi là phụ nữ không có lương hưu hay trợ cấp BHXH hàng tháng, cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là nạn nhân bị bạo lực, bạo hành …)
5.2. Các giải pháp khác:
-  Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về hoạt động trợ giúp pháp lý, về quyền được trợ giúp pháp lý trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhằm tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý, trong đó có người cao tuổi có khó khăn về tài chính.
- Đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, nhất là các cơ quan tiến hành tố tụng, các Hội của người cao tuổi trong truyền thông và hướng dẫn người cao tuổi thực hiện quyền được TGPL cũng như trong thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý nhằm bảo vệ tốt nhất các quyền và lợi ích hợp pháp của người cao tuổi.
- Nâng cao chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, trong đó tập trung nâng cao việc đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi có khó khăn về tài chính.
- Tiếp tục, tăng cường tập huấn nâng cao năng lực thực hiện trợ giúp pháp lý nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp cho người thực hiện trợ giúp pháp lý khi thực hiện trợ giúp pháp lý cho những đối tượng đặc thù trong đó có người cao tuổi.
 
Thanh Hà
 

[1] Nghiên cứu “Già hóa dân số vào người cao tuổi ở Việt Nam” theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 của Tổng cục Thống kê, xuất bản năm 2021.
[2] Báo cáo số 311/BC-HNCT-CS ngày 08/7/2020 về kết quả thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2012-2020 của Hội người cao tuổi Việt Nam.

[3] Xu thế già hóa dân số ở nước ta và vấn đề chăm sóc sức khỏe, sử dụng lao động người cao tuổi (2019). Tác giả: Trịnh Thị Thu Hiền, ThS, Học viện Báo chí và Tuyên truyền
 [4] Trên cơ sở số liệu Cục Trợ giúp pháp lý tổng hợp hàng năm

[5] Nghiên cứu “Chính sách xã hội cho người cao tuổi trong trong bối cảnh già hóa dân số ở Việt Nam hiện nay”(năm 2021) của PGS,TS Học viện CTQG Hồ Chí Minh, tác giả: Đặng Thị Ánh Tuyết (PGS,TS Học viện CTQG Hồ Chí Minh) và Lại Thị Thu Hà (ThS, NCVC Học viện CTQG Hồ Chí Minh) và Nghiên cứu “Già hóa dân số vào người cao tuổi ở Việt Nam” theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 của Tổng cục Thống kê, xuất bản năm 2021.