MỘT SỐ BẤT CẬP CỦA THÔNG TƯ LIÊN TỊCH SỐ 08/2016/TTLT-BTP-BNV VỀ MÃ NGẠCH VÀ TIÊU CHUẨN CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP VIÊN CHỨC TRỢ GIÚP VIÊN PHÁP LÝ VÀ MỘT SỐ ĐỊNH HƯỚNG SỬA ĐỔI

1. Một số bất cập của Thông tư liên tịch số 08/2016/TTLT-BTP-BNV ngày 23/6/2016

Thứ nhất, Thông tư liên tịch số 08/2016/TTLT-BTP-BNV không còn phù hợp với quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và Thông tư số 12/2018/TT-BTP ngày 28/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và quản lý chất lượng trợ giúp pháp lý. Cụ thể:
- Theo quy định tại Điều 19 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 thì các điều kiện để bổ nhiệm trợ giúp viên pháp lý không yêu cầu: (1) có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và (2) có thời gian làm công tác pháp luật từ 02 năm trở lên kể cả thời gian tập sự, thử việc. Tuy nhiên, điểm d khoản 2 và điểm e khoản 3 Điều 5 Thông tư liên tịch số 08/2016/TTLT-BTP-BNV đang có quy định tiêu chuẩn này.
- Theo quy định tại Thông tư số 12/2018/TT-BTP,  đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý là nhiệm vụ của Sở Tư pháp, Cục Trợ giúp pháp lý nhưng Thông tư liên tịch số 08/2016/TTLT-BTP-BNV đang có quy định trợ giúp viên pháp lý hạng II và trợ giúp viên pháp lý hạng III có nhiệm vụ tham gia đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý.
Thứ hai, qua 04 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 08/2016/TTLT-BTP-BNV cho thấy một số tiêu chuẩn của trợ giúp giúp viên pháp lý hạng II và trợ giúp viên pháp lý hạng III không phù hợp với tính chất hoạt động nghề nghiệp của hoạt động trợ giúp pháp lý. Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, việc này đòi hỏi người thực hiện trợ giúp pháp lý cần có kiến thức về pháp luật nội dung, đặc biệt là các kỹ năng hành nghề như kỹ năng tư vấn pháp luật, kỹ năng tham gia bào chữa hoặc đại diện trước tòa, kỹ năng tranh tụng, am hiểu về tâm lý của người được trợ giúp pháp lý. Do đó, một số yêu cầu về khả năng nghiên cứu khoa học, có trình độ ngoại ngữ bậc 2 (đối với trợ giúp viên pháp lý hạng III) và trình độ ngoại ngữ bậc 3 (đối với trợ giúp viên pháp lý hạng II) chưa thật sự cần thiết đối với việc cung cấp dịch vụ pháp lý cho người nghèo và các đối tượng chính sách.
Thứ ba, chế định trợ giúp viên pháp lý đã ra đời đã 14 nămm (từ khi có Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006) là một quãng thời gian khá dài cho sự phát triển của một nghề, một chức danh.
Hoạt động trợ giúp pháp lý trong 10 năm qua (từ khi thực hiện Thông tư số 06/2010/TT-BNV) đến nay đã có hơn 600 viên chức được bổ nhiệm và xếp vào chức danh nghề nghiệp viên chức trợ giúp pháp lý (gần 60 Trợ giúp viên pháp lý hạng II và tương đương, gần 600 Trợ giúp viên pháp lý hạng III và tương đương). Thời gian tới, số lượng Trợ giúp viên pháp lý hạng II sẽ tăng lên khi có các kỳ thi thăng hạng. Qua quá trình công tác, Trợ giúp viên pháp lý hạng II sẽ tích lũy nhiều kiến thức, kinh nghiệm và sẽ đảm đương một số nhiệm vụ đòi hỏi có trình độ chuyên môn cao hơn với vai trò chỉ đạo, tổ chức và một số nhiệm vụ có tính chất phức tạp hơn như: thẩm định chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, tham mưu cho Trung tâm trợ giúp pháp lý kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các vấn đề liên quan đến giải quyết vụ việc trợ giúp pháp lý, nghiên cứu đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý, thực hiện các vụ việc thành công, hiệu quả…
Trong thực tế, qua nghiên cứu chúng tôi thấy có một số chức danh nghề nghiệp viên chức một số ngành cũng đã quy định chức danh viên chức hạng I như viên chức công nghệ thông tin, giáo viên, phóng viên, biên dịch viên, viên chức quản lý đường sắt,..
Với các lý do nêu trên chúng tôi cho rằng đã đến thời điểm nghiên cứu xây dựng chức danh nghề nghiệp hạng I đối với Trợ giúp viên pháp lý.

2. Một số định hướng sửa đổi
- Quy định các tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của Trợ giúp viên pháp lý phù hợp với quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017; các chứng chỉ, bằng cấp phải thực sự phục vụ công tác chuyên môn;
- Quy định về chức trách, nhiệm vụ phù hợp với đặc thù công việc của viên chức, cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý. Không quy định những nhiệm vụ không phù hợp, mang tính chất công việc của công chức;
- Các tiêu chuẩn phải thật sự cần thiết đối với công việc chuyên môn của Trợ giúp viên pháp lý, lược bỏ những tiêu chuẩn không thật sự cần thiết;
- Các tiêu chuẩn cần mang tính khả thi, không tạo ra khó khăn, cản trở cho việc bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp hoặc thăng hạng tại địa phương;
- Nghiên cứu xây dựng chức danh nghề nghiệp trợ giúp viên pháp lý hạng I nhằm khẳng định vị thế của trợ giúp viên pháp lý nói riêng, hoạt động trợ giúp pháp lý nói chung, qua đó ghi nhận những giá trị mà hoạt động trợ giúp pháp lý mang lại đối với công tác xóa nghèo về pháp luật, góp phần giúp người dân tiếp cận công lý.

 
                                                                                         Phan Thị Thu Hà - Trưởng phòng, phòng Chính sách và quản lý nghiệp vụ TGPL, Cục Trợ giúp pháp lý