Chế định luật sư nhà nước ở một số nước

Văn bản pháp luật của một số nước về trợ giúp pháp lý cho thấy, hiện nay trên thế giới đang tồn tại 3 mô hình trợ giúp pháp lý chủ yếu: mô hình từ thiện, mô hình luật sư trợ giúp pháp lý được trả lương từ ngân sách Nhà nước và mô hình hỗn hợp, do điều kiện kinh tế, xã hội của các nước khác nhau. Mỗi nước có mô hình tổ chức, chức danh người thực hiện trợ giúp pháp lý khác nhau và các chức năng, nhiệm vụ của từng chức danh cũng không giống nhau

Mô hình luật sư Nhà nước đang được áp dụng ở Philippines, Israel, Hàn Quốc, bang New South Wales, bang Queensland (Úc), Mỹ, Anh, Litva, New Zealand, Thụy Điển,... Đội ngũ luật sư Nhà nước có vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý. Ở một số nước, Văn phòng luật sư Nhà nước còn góp phần cải cách hệ thống tư pháp. Thực tế nghiên cứu, thử nghiệm áp dụng mô hình luật sư Nhà nước, nhiều nước nhận thấy đây là một mô hình hiệu quả, thể hiện nhiều ưu điểm so với mô hình luật sư chỉ định cũng như luật sư tư thực hiện trợ giúp pháp lý.

Những mô hình luật sư Nhà nước ở các khu vực

1. Philippine

Ở Phillippine người thực hiện trợ giúp pháp lý bao gồm: Luật sư Nhà nước, Luật sư tư. Luật sư Nhà nước hoạt động trong một tổ chức là Tổng cục Luật sư Nhà nước. Ban lãnh đạo Tổng cục có Tổng Cục trưởng do Tổng thống bổ nhiệm và 02 phó Tổng Cục trưởng.

Ở Trung ương, Tổng cục có 5 Ban gồm: 

- Ban Hành chính

- Ban Tài chính và quản lý

- Ban Đặc biệt và thụ lý vụ việc

- Ban Nghiên cứu pháp luật

- Ban Dịch vụ và thống kê.

Ở các khu vực có Văn phòng khu vực (16 Văn phòng), mỗi Văn phòng có Trưởng Văn phòng và 2 trợ lý. Ngoài ra còn có 258 Văn phòng cấp huyện. Hiện nay có hơn 900 Luật sư Nhà nước trong toàn quốc có chức năng đại diện, bào chữa miễn phí cho người nghèo, thổ dân hoặc những thành viên thân thích của gia đình họ trong các vụ án hình sự, dân sự, hành chính sau khi điều tra mà xét thấy cần bảo đảm công lý.

Luật sư Nhà nước còn có ở Bộ Đất đai để chuyên giải quyết vấn đề đất đai cho người nghèo và thổ dân theo quy định tại Bộ luật Hành chính và Bộ luật Đất đai.

2. Lít va

Lít va bắt đầu thí điểm mô hình Luật sư Nhà nước vào năm 1999, mô hình đã thể hiện được những tính ưu việt nhất định và góp phần khắc phục những hạn chế của hệ thống Tư pháp hiện tại. Mô hình này được bắt đầu với dự án thành lập thí điểm một Văn phòng Luật sư Nhà nước, tuyển dụng những luật sư làm việc thường xuyên để bào chữa trong những vụ án bắt buộc phải có luật sư. Việc làm này không giống với nghề luật và văn hoá pháp lý ở Lít va, do đó đã gặp phải sự phản kháng của nhiều cơ quan. Tuy nhiên, thật may mắn dự án lại nhận được sự ủng hộ tích cực của các quan chức cao cấp của Bộ Tư pháp và thành viên của Đoàn luật sư. Cuối năm 1999 Lít va đã chấp nhận mô hình Luật sư Nhà nước. Luật sư Nhà nước ít tốn kém hơn vì nguồn lực, kinh nghiệm và sự hợp tác của khách hàng trong tất cả các Toà án và cơ quan Tư pháp giúp họ tăng cường và mở rộng ảnh hưởng đối với hệ thống Tư pháp, các Luật sư Nhà nước hợp tác với nhau để giải quyết vụ việc, do đó tiến độ thực hiện sẽ nhanh hơn.

Luật sư Nhà nước của Văn phòng luật sư Nhà nước được trả lương tương đương với luật sư chỉ định, cộng với một khoản thù lao phụ do Chương trình sáng kiến Tư pháp/Quỹ Xã hội mở trả giúp thu nhập của họ tăng khoảng 50% (thu nhập cố định hàng tháng của luật sư của Văn phòng lên đến 3000 litas và 3600 litas cho người quản lý). Luật sư Nhà nước là thành viên của Đoàn Luật sư, được nhận bảo hiểm khám chữa bệnh miễn phí, bảo hiểm trách nhiệm dân sự, được tập huấn và nghỉ phép 4 tuần một năm. Các Văn phòng Luật sư Nhà nước tiên phong đã phát hiện ra những yếu kém của hệ thống trợ giúp pháp lý. Quyền lợi tối thiểu và sự khuyến khích không thoả đáng cho luật sư chỉ định, thiếu tiêu chuẩn rõ ràng hoặc thủ tục quản lý phức tạp thường dẫn đến kết quả là việc đại diện, bào chữa cho người nghèo kém chất lượng. (Luật sư chỉ định được trả thù lao với mức thấp nhất từ 2 - 14 litas một giờ (4 - 5 USD), không tương đương với mức sống trung bình của người dân Lít va. Hơn nữa, họ lại không nhận được một khoản thù lao nào cho việc tìm hiểu hay gặp gỡ khách hàng, những việc này ngoài sự chứng kiến của Thẩm phán hoặc quan chức thi hành pháp luật. Việc trả thù lao thường xuyên bị chậm và mọi công việc của luật sư đều cần được quan chức có thẩm quyền ký xác nhận (từ điều tra viên, công tố viên hay thẩm phán) để được thanh toán).

Ở Anh, từ năm 1998, cùng với việc tăng cường đổi mới hoạt động Tư pháp, Chính phủ Anh đã thành lập một đội ngũ Luật sư Nhà nước trực tiếp thực hiện các hoạt động bào chữa hình sự. Đặc biệt, Luật tiếp cận công lý năm 1999 đã quy định rõ các tính chất của hoạt động bào chữa công ở Anh. Theo quy định của đạo luật này, một Ủy ban Dịch vụ pháp lý đã được thành lập. Uỷ ban này trực tiếp tuyển dụng người làm Luật sư để cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý và trả lương cho họ.

          Khi xem xét thành lập Ủy ban dịch vụ pháp lý, Chính phủ Anh đã nghiên cứu hoạt động bào chữa công tại các nước Bắc Mỹ (bao gồm Canada, Hoa Kỳ) và Châu Âu. Kết quả cho thấy nơi nào có cơ quan bào chữa công hoạt động tốt thì cũng là nơi các nhà hỗ trợ tư nhân hoạt động cũng có hiệu quả cao.

Qua các kết quả khảo sát, Chính phủ Anh cho rằng dù là dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí thì khách hàng cũng cần được lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ có chất lượng. Chính vì vậy mà mục đích và các nguyên tắc chính để thiết lập nên tổ chức và hoạt động bào chữa công ở Anh là:

          - Cung cấp dịch vụ bào chữa chất lượng cao, độc lập và có giá trị tới công chúng;

          - Xây dựng những tấm gương tốt trong việc cung cấp dịch vụ bào chữa công;

          - Tăng cường nhận thức của Chính phủ, Ban Các vấn đề lập hiến (trước đây là Văn phòng Chủ tịch thượng viện) và tất cả các bộ phận của Ủy ban Dịch vụ pháp lý về những khó khăn mà luật sư bào chữa hiện đang gặp phải;

          - Đưa ra lựa chọn mới cho những nơi dịch vụ đang được cung cấp chưa tốt hoặc nơi có ít luật sư hành nghề (ví dụ các vùng nông thôn) và so sánh các phương thức trợ giúp khác nhau;

          - Tuyển dụng, đào tạo và phát triển đội ngũ luật sư trong lĩnh vực hình sự theo nhu cầu của Uỷ ban dịch vụ pháp lý, đồng thời góp phần tăng cường số lượng các luật sư bào chữa trong lĩnh vực hình sự nói chung (thực tế hiện nay số lượng luật sư chuyên về bào chữa hình sự ở Anh và xứ Wales đang bị giảm đi và tuổi trung bình của luật sư đang tăng lên);

          - Chia sẻ những kinh nghiệm thực tế tốt nhất với các tổ chức tư nhân cung cấp dịch vụ này (ví dụ như giới thiệu các mẫu đơn và các quy trình để hỗ trợ cho việc cung cấp dịch vụ bào chữa một cách tổng thể. Tất cả các mẫu đơn đều được đưa lên mạng để bất cứ một nhà cung cấp dịch vụ bào chữa nào cũng có thể sử dụng miễn phí).

4. Hàn Quốc

Ở Hàn Quốc, đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý gồm:

- Uỷ viên trợ giúp pháp lý: Đạo luật trợ giúp pháp lý Hàn Quốc (Điều 20) quy định: Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý có thể chỉ định một trong số các luật sư làm uỷ viên Uỷ ban trợ giúp pháp lý để phụ trách các việc đại diện, bào chữa. Uỷ viên này chỉ thực hiện trợ giúp pháp lý khi tất cả các luật sư đều bận hoặc không có luật sư.

- Luật sư Nhà nước do tổ chức trợ giúp pháp lý tuyển dụng: Hiện nay toàn quốc có hơn 700 người được tuyển dụng trở thành Luật sư Nhà nước thực hiện trợ giúp pháp lý.

- Luật sư chỉ định: đây là những người được Bộ trưởng Bộ Tư pháp chỉ định thực hiện trợ giúp pháp lý nhưng không phải là luật sư mà chỉ là người am hiểu pháp luật. Đối tượng này không cần đăng ký hành nghề luật sư nhưng khi thực hiện trợ giúp pháp lý phải tuân thủ đầy đủ nghĩa vụ của luật sư.

Ở Israel, Dự án thành lập Văn phòng Luật sư Nhà nước bắt đầu với một số hoạt động vào đầu những năm 1980 và có ảnh hưởng sâu rộng vào đầu những năm 1990. Văn phòng Luật sư Nhà nước được chính thức thành lập vào năm 1995 theo Luật về luật sư Nhà nước. Việc thành lập Văn phòng Luật sư Nhà nước là đỉnh cao của sự cố gắng của các nhân viên bộ máy Tư pháp và Nghị viện cùng các thành viên của tổ chức trợ giúp pháp lý và cơ sở đào tạo. Trước khi thành lập Văn phòng luật sư Nhà nước, dưới 20% người bị giam giữ trước khi xét xử và khoảng 30% bị cáo trước Toà có luật sư đại diện. Ngày nay, trung bình có 70% người bị giam giữ trước khi xét xử và gần 60% bị cáo trong tố tụng hình sự được luật sư đại diện.

Theo Luật về Luật sư Nhà nước năm 1995, Bộ trưởng Bộ Tư pháp thành lập Văn phòng Luật sư Nhà nước cấp quốc gia thuộc Bộ Tư pháp và Văn phòng luật sư Nhà nước cấp huyện. Văn phòng Luật sư Nhà nước cấp quốc gia do luật sư Nhà nước cấp quốc gia điều hành, đề ra các chính sách, đào tạo nhân viên, giám sát hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của của các luật sư làm việc nhân danh văn phòng. Luật sư Nhà nước cấp quốc gia do Hội đồng Luật sư Nhà nước chỉ định, là thành viên của Đoàn luật sư và có thời gian công tác pháp luật ít nhất 10 năm, có kinh nghiệm làm luật sư bào chữa.

Văn phòng Luật sư Nhà nước cấp huyện được thành lập ở các huyện thực hiện việc đại diện, bào chữa trong phạm vi huyện. Luật sư Nhà nước cấp huyện do Hội đồng Luật sư Nhà nước chỉ định, là thành viên của Đoàn luật sư, có thời gian công tác pháp luật ít nhất 6 năm và có kinh nghiệm làm luật sư bào chữa.  Luật sư Nhà nước cấp quốc gia chịu trách nhiệm theo dõi hoạt động của Luật sư Nhà nước cấp huyện. Ngoài những luật sư là thành viên, các Văn phòng Luật sư Nhà nước còn có danh sách luật sư tư làm việc theo hợp đồng để hỗ trợ việc đại diện, bào chữa. Thành viên của Văn phòng Luật sư Nhà nước các cấp được trả lương, bao gồm cả công tác phí, vé đi lại, cước điện thoại giao dịch với người đang bị giam giữ và những thành viên này chỉ được thực hiện trợ giúp pháp lý trong lĩnh vực hình sự.

6. Mỹ

Nước Mỹ được tổ chức theo chế độ Liên bang và mỗi Bang có cơ cấu, tổ  chức cơ quan Tư pháp đặc thù, do đó cơ quan bào chữa công mỗi Bang có những đặc điểm riêng.

- Bang Missouri

Cơ quan bào chữa công ở bang được thành lập vào năm 1982 trên cơ sở Dự thảo lần thứ 6 Hiến pháp Mỹ: "Không người nào bị kết tội khi không có khả năng chi trả cho hoạt động trợ giúp pháp lý mà phải chịu tội trước Toà lại không có luật sư bảo vệ" và Hiến chương số 600 RSMo, Cơ quan bào chữa công đã tồn tại như một “Hệ thống cung cấp hoạt động bào chữa trước quyền thực thi công lý (quyền xét xử) của Nhà nước thông qua một cơ quan quản lý nhà nước tập trung với đội ngũ Luật sư Nhà nước (đội ngũ cán bộ chính quy)”. Hệ thống cơ quan bào chữa công thực thi nguyên tắc Hiến định về quyền bảo đảm có luật sư bào chữa cho người bị kết tội trước 45 Toà án của bang Missouri (gồm 114 hạt và thành phố St. Louis).

Có chức năng như một cơ quan độc lập của Toà án Missouri, cơ quan bào chữa công chịu trách nhiệm cung cấp hoạt động bào chữa cho những bị cáo nghèo. Kinh nghiệm hoạt động của cơ quan bào chữa công ở Bang cho thấy, một hệ thống bào chữa công thích hợp là cần thiết để bảo đảm sự nhanh chóng và chính xác của hình phạt. Thống đốc bang dự kiến sẽ dành 31.148.456$/năm để cơ quan bào chữa công tiếp tục thực hiện quy định về việc bảo đảm có luật sư bào chữa.

- Bang Florida

Nhiệm vụ của Luật sư Nnà nước là bảo vệ quyền lợi của tất cả các công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật thông qua đại diện hợp pháp do Tòa án chỉ định cho các khách hàng.

Mỗi Toà án ở Bang sẽ có một Luật sư Nhà nước (bang có 20 Toà án), Luật sư này phải có kinh nghiệm 5 năm công tác, là thành viên tốt (có vị trí công tác tốt) của Đoàn luật sư Florida. Luật sư Nhà nước sẽ được tuyển chọn thông qua một kỳ thi 4 năm tổ chức một lần, ban giám khảo gồm những thành viên có uy tín của Toà án. Luật sư Nhà nước được chính quyền bang tuyển chọn (bầu) và sẽ làm việc ở nơi có Toà án mà người đó cư trú và làm việc (theo luật của Florida số 27.50). 

Cơ quan Bào chữa Nhà nước còn có chi nhánh thuộc thành phố Misdemeanor được đặt tại số 400 E, tầng 2, Stewart Ave, thành phố Hall, Đt: 229 – 6486. Chi nhánh này đại diện, bào chữa cho những người nghèo bị truy tố về các tội hình sự tại Toà án thành phố Las Vegas.

7. Úc

Tại Úc có Uỷ ban quốc gia trợ giúp pháp lý và 126 Văn phòng, Uỷ ban nằm ở tất cả các Bang. Các Văn phòng, Uỷ ban đều duy trì hệ thống Luật sư trợ giúp pháp lý Nhà nước, đồng thời sử dụng thêm luật sư tư (theo danh sách tự nguyện) để thực hiện bào chữa, đại diện, cung cấp dịch vụ tư vấn pháp lý khác cho người nghèo, thổ dân, dân di cư…

-Bang Queensland

Cơ quan Trợ giúp pháp lý tại Queensland cung cấp các thông tin, tư vấn và đại diện bào chữa trong các lĩnh vực: hôn nhân gia đình, dân sự và hình sự để  bảo đảm cho nhiều người dân ở đây được tiếp cận với dịch vụ trợ giúp pháp lý có chất lượng. Người thực hiện trợ giúp pháp lý ở Bang là Luật sư Trợ giúp pháp lý và các Văn phòng trợ giúp pháp lý. Đội ngũ Luật sư Trợ giúp pháp lý bào chữa hình sự dẫn đầu đội ngũ luật sư đại diện, bào chữa hình sự ở Queensland (cho cả trẻ em và người thành niên), đại diện, bào chữa cho bị cáo trước tất cả các Toà án ở Queensland và những vụ án lớn, phức tạp xét xử tại Toà án tối cao. Với vai trò như vậy, Luật sư Trợ giúp pháp lý tại Queensland là đội ngũ quan trọng, không thể thiếu được trong hệ thống Tư pháp hình sự của Queensland. Luật sư Trợ giúp pháp lý khi hành nghề các đầy đủ các quyền và nghĩa vụ như luật sư tư và tuân thủ đầy đủ các quy tắc đạo đức, nghề nghiệp của một luật sư.

Điều 71 Luật trợ giúp pháp lý 1997 quy định "Một luật sư Trợ giúp pháp lý có thể hành nghề như một luật sư tư hoặc tham gia làm việc theo tuyển dụng và được trả lương chỉ cần được Hội đồng đồng ý bằng văn bản".

- Bang New South Wales

Luật sư Nhà nước tại bang hoạt động từ năm 1941. Tuy nhiên, ban đầu Luật sư Nhà nước chỉ nằm trong phạm vi hoạt động của dịch vụ công và chịu sự quản lý của Ban Dịch vụ công. Và do đó luật sư Nhà nước không có sự độc lập, kết quả là năm 1969 Chính phủ quyết định luật sư Nhà nước cần phải là một bộ phận độc lập của Chính phủ, cũng trong năm đó Luật Luật sư Nhà nước được ban hành. Luật sư Nhà nước được tuyển dụng và hưởng các chế độ như công chức Nhà nước.

Luật luật sư Nhà nước năm 1995 tại Điểm 4, Chương 1 quy định:

(1) cán bộ của Văn phòng Luật sư Nhà nước có quyền được trả:

(a) lương theo quy định tại đạo luật 1975 về lương cho cơ quan Nhà nước và các tổ chức khác, và

(b) cán bộ của văn phòng được nghỉ phép, số ngày nghỉ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định.

8. Nhật Bản

Trước năm 2003, hoạt động trợ giúp pháp lý ở Nhật Bản được giao cho Hiệp hội luật sư, tuy nhiên mục đích của trợ giúp pháp lý không đạt được, luật sư tư cung cấp dịch vụ cho những người thuộc diện trợ giúp pháp lý không thực sự hiệu quả, người dân nghèo có nhiều kiến nghị Chính phủ cải cách. Năm 2003, Chính phủ đã ra quyết định giao nhiệm vụ trợ giúp pháp lý cho tổ chức trợ giúp pháp lý của Nhà nước và tổ chức bồi dưỡng cho khoảng 500 luật sư và trả lương cho họ để thực hiện trợ giúp pháp lý.

9. Canada

Ở Canada, mỗi bang có hệ thống trợ giúp pháp lý khác nhau. Bang Saskachewan, Nova Scotia và Newfoundland sử dụng đội ngũ luật sư Nhà nước được tuyển dụng và trả lương hàng tháng. Một số bang như Quebec, Yunko, Manobita .. lại có hệ thống trợ giúp pháp lý hỗn hợp, sử dụng cả luật sư hưởng lương và luật sư tư. Trong nhiều năm ở đất nước này đã có nhiều cuộc tranh cãi về tính hữu ích của từng mô hình. Một đánh giá về trợ giúp pháp lý ở Nova Scotia được công bố. Đánh giá cho thấy chi phí cho luật sư hưởng lương thấp hơn luật sư tư, đồng thời cũng chỉ ra rằng quan điểm truyền thống của các đoàn luật sư coi chất lượng dịch vụ của luật sư hưởng lương kém hơn luật sư tư là không đúng. Đánh giá còn kết luận rằng chi phí cho các vụ việc chuyển đến luật sư tư là nhiều hơn so với các vụ việc do luật sư hưởng lương thực hiện ngay cả khi không có sự khác nhau nào giữa tính nghiêm trọng và phức tạp của vụ việc và dịch vụ do luật sư hưởng lương thực hiện rất có chất lượng nên người dân có phiếu đánh giá cao hơn.

Năm 1997, Đoàn luật sư Canada đã đưa ra một báo cáo về các mô hình trợ giúp pháp lý và thừa nhận rằng "trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý hình sự, với những số liệu cụ thể về chất lượng trợ giúp pháp lý, dường như mô hình luật sư hưởng lương có khả năng cung cấp dịch vụ với cùng một kết quả nhưng chi phí thấp hơn so với mô hình luật sư tư, hoặc kết quả tốt hơn một chút với cùng một chi phí".

Qua nghiên cứu và thực tiễn áp dụng mô hình Luật sư Nhà nước ở một số nước cho thấy những ưu điểm nổi bật của mô hình này là:

- Tiết kiệm chi phí cho Nhà nước:Luật sư Nhà nước được tuyển dụng vào tổ chức trợ giúp pháp lý và là công chức Nhà nước, được trả lương cố định hàng tháng, hưởng các chế độ của một công chức: bảo hiểm, phụ cấp, nghỉ phép, được đào tạo, bồi dưỡng… và chịu sự điều chỉnh của các quy tắc đạo đức nghề nghiệp nhất định. Chi phí mà Nhà nước đầu tư để duy trì và phát triển đội ngũ Luật sư Nhà nước là tương đối cố định, bản thân các luật sư Nhà nước không tự ý nâng chi phí lên.

Thông thường những vụ việc có luật sư chỉ định thì những luật sư tư này được trả thù lao theo tính chất công việc, theo thời gian làm việc… và luật sư phải có nghĩa vụ thu thập chữ ký xác nhận thời gian làm việc của những người có thẩm quyền như: thẩm phán, điều tra viên, người quản lý trại giam… và việc này nhiều khi không thực sự chính xác. Có nhiều trường hợp nhờ các mối quan hệ với những người có thẩm quyền các luật sư đã lấy được nhiều chữ ký xác nhận về thời gian cũng như công việc mà thực tế họ không thực hiện, do đó Nhà nước đã phải trả tiền cho những công việc không có thật, cứ như thế chi phí ngày càng cao lên mà trợ giúp pháp lý không đạt được hiệu quả mong muốn.

Hơn nữa, có một loại chi phí ẩn tồn tại trong hệ thống bào chữa tư (luật sư chỉ định), đó là chi phí cho việc thẩm định tính xác thực của các chứng từ mà luật sư đưa ra. Chẳng hạn ở Litva Chính phủ phải dành nguồn kinh phí trả cho các Thẩm phán, Công tố viên và Điều tra viên để họ dành thời gian vào việc xác nhận thời gian mà các luật sư dùng để thực hiện các hành vi tố tụng, thời gian mà các luật sư dùng vào việc thu thập các chữ ký và con dấu; trả lương cho các cán bộ Nhà nước (chẳng hạn như các nhân viên kế toán tại tòa án) để họ xử lý các chứng từ đề nghị thanh toán của các luật sư. Nếu như có 700 trong số hơn 1000 luật sư ở Lít va thu xếp các buổi hẹn và trình ra trung bình 2 chứng từ cho một vụ việc (thực tế nhiều vụ việc cần phải có nhiều chứng từ hơn nữa) thì Chính phủ sẽ phải xử lý 1400 chứng từ - một khối lượng công việc giấy tờ đáng kể. Nếu như mỗi luật sư thực hiện ít nhất 10 vụ việc trong một năm (hoặc nhiều hơn thế) và họ trình ra trung bình 2 chứng từ cho một vụ việc thì Chính phủ sẽ phải xử lý hơn 14.000 loại giấy tờ khác nhau. Với mỗi loại chứng từ được sao làm 3 bản có chữ ký của cảnh sát, công tố viên, nhân viên lưu trữ hồ sơ và được vào sổ, đóng dấu của các cơ quan liên quan thì các cơ quan Chính phủ sẽ phải tiêu tốn 42.000 tờ giấy trước khi các chứng từ đó được chuyển tới các cơ quan khác nhau, sau đó thường được thanh toán nhỏ giọt, mà khi thanh toán lại lại phải tiến hành hàng nghìn các giao dịch tài chính riêng rẽ có ký tên, đóng dấu và lưu vào sổ. Với mô hình Luật sư Nhà nước thì Nhà nước không phải trả những chi phí cho các công việc hành chính đó.

Ở Nam Phi, Văn phòng bào chữa công đầu tiên được thành lập vào năm 1992 ở Johannesburg, qua 3 năm kinh nghiệm các văn phòng này có thể cung cấp trợ giúp pháp lý với mức chi phí cho từng vụ việc thấp hơn khi so sánh với các luật sư chỉ định. Chẳng hạn, chi phí cho một vụ việc hình sự do các luật sư chỉ định thực hiện là là 822 rand, trong khi chi phí cho một vụ việc do người bào chữa công thực hiện chỉ là 555 rand. Việc làm thí điểm đã thu được một số thành công. Những thống kê mới nhất cho thấy rằng sự chuyển đổi từ mô hình trợ giúp pháp lý hiện hành đến luật sư Nhà nước dẫn đến kết quả là tiết kiệm được đáng kể chi phí. Chẳng hạn như trong năm 2001 - 2002, chi phí trung bình cho một vụ việc trong khuôn khổ hệ thống tư pháp là 1.221 rand, trong khi con số này của luật sư Nhà nước là 546 rand.

 - Tạo ra môi trường cạnh tranh giữa luật sư Nhà nước và luật sư tư:

Khi trong xã hội tồn tại song song hai hệ thống cung cấp dịch vụ pháp lý khác nhau: công và tư thì tất nhiên sẽ có sự cạnh tranh, mỗi hệ thống phải luôn nỗ lực và cải cách để thể hiện những ưu điểm của mình. Và như vậy vô hình chung những người không phải là đối tượng trợ giúp pháp lý miễn phí của Nhà nước cũng sẽ được hưởng lợi từ việc luật sư tư nâng cao chất lượng dịch vụ của mình. Về phía Luật sư Nhà nước, họ được tuyển dụng làm công chức Nhà nước, hưởng lương và các chế độ phúc lợi của Nhà nước (nghỉ phép, được đào tạo, bồi dưỡng…), một mặt các luật sư này chịu sự điều chỉnh của pháp luật về cán bộ, công chức, chịu trách nhiệm đối với chất lượng trợ giúp của mình, mặt khác phải tuân theo quy tắc đạo đức nghề nghiệp của nghề luật sư. Do vậy, họ phải có ý thức về trách nhiệm công việc của mình và học tập nâng cao năng lực để có thể hoàn thành nhiệm vụ.

- Tiết kiệm nguồn nhân lựcđối với công tác quản lý luật sư, theo dõi hoạt động của các luật sư, kiểm tra tính xác thực của những chứng từ mà luật sư được thuê thực hiện vụ việc đưa ra đề nghị thanh toán.

- Tăng tính chủ độngcho việc thực hiện chức năng trợ giúp pháp lý của Nhà nước: để bào chữa, tư vấn, đại diện và giúp đỡ pháp luật cho người nghèo (những người thường bị thiệt thòi, trình độ văn hoá thấp, không được tiếp cận về thông tin và nguồn lợi… dễ gây mất ổn định xã hội và dễ bị lợi dụng) thì Nhà nước phải luôn có lực lượng Luật sư Nhà nước để đáp ứng kịp thời, không bị động vì việc phải chờ đợi nhờ luật sư tư nhân.

- Tăng tính giám sát đối với hoạt động tư pháp, thông qua sự tham gia của Luật sư Nhà nước trong các quy trình tố tụng một mặt giúp người nghèo, mặt khác giúp khắc phục sự lạm quyền, cố ý, làm trái gây oai sai trong hoạt động tư pháp.

Phan Hà