Giới thiệu nội dung cơ bản của Nghị định số 80/2015/NĐ-CP ngày 17/9/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2013/NĐ-CP ngày 05/2/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007

21/09/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Triển khai thực hiện Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015 - 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg, Bộ Tư pháp đã trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2013/NĐ-CP ngày 05/2/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật TGPL. Ngày 17/9/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2013/NĐ-CP ngày 05/2/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật TGPL (sau đây gọi tắt là Nghị định số 80/NĐ-CP). Nghị định số 80/NĐ-CP có nội dung nâng mức bồi dưỡng cho người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng, cụ thể:

+ Đối với luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng theo yêu cầu của Nhà nước thì mức bồi dưỡng được trả cho luật sư là 500.000 đồng/01 buổi làm việc hoặc khoán chi theo vụ việc với mức tối thiểu bằng 03 tháng lương cơ sở và mức tối đa là 10 tháng lương cơ sở (tùy tính chất, nội dung vụ việc).

+ Đối với đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý khi tham gia tố tụng được hưởng mức bồi dưỡng vụ việc bằng 40% mức bồi dưỡng áp dụng đối với luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo yêu cầu của Nhà nước.

 Như vậy, mức bồi dưỡng này được tăng mạnh so với mức bồi dưỡng hiện nay để khuyến khích người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng. Ngoài ra, Nghị định số 80/NĐ-CP còn quy định việc chuyển chức năng bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý từ Cục Trợ giúp pháp lý sang Học viện Tư pháp bảo đảm thống nhất về đầu mối đào tạo; thay thế cụm từ “ngạch Trợ giúp viên pháp lý” bằng cụm từ “chức danh nghề nghiệp Trợ giúp viên pháp lý” cho phù hợp với pháp luật về viên chức.

Để tiếp tục triển khai Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp đã có Công văn số 3321/BTP-TGPL ngày 03/9/2015 về việc lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương có huyện nghèo, xã nghèo về dự thảo Quyết định về chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo giai đoạn 2016 - 2020 theo hướng tích hợp Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg ngày 18/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo giai đoạn 2011-2020 và Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg ngày 24/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách TGPL cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã nghèo giai đoạn 2013 - 2020, thực hiện hỗ trợ cho các địa bàn huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn để làm căn cứ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong thời gian tới.

Lê Hà –

Phòng Quản lý nghiệp vụ

Xem thêm »