Hạnh phúc khi làm điểm tựa trợ giúp pháp lý của người nghèo

22/09/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Gần 12 năm gắn bó với công việc trợ giúp pháp lý cho người nghèo, người dân tộc thiểu số, anh Lê Văn Lý đã tham gia tố tụng hàng trăm vụ việc. Với anh, được trở thành điểm tựa của người nghèo, người yếu thế là niềm vui; cũng là mục đích công việc mà anh hướng đến.

“Xóa nghèo pháp luật” cho bà con vùng cao

Tốt nghiệp Khoa Luật của ĐH Khoa học Huế, anh Lê Văn Lý (SN 1984) trở về quê ở Nghệ An để theo đuổi đam mê với nghề luật. Sau thời gian trau dồi nghề nghiệp, năm 2009 anh được vào làm việc tại Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) Nhà nước tỉnh Nghệ An.

Nghệ An là địa bàn rộng, đối tượng thuộc diện được TGPL chiếm khoảng 50% dân số nhưng lại tập trung ở những vùng có địa hình phức tạp, hiểm trở, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, giao thông đi lại khó khăn. Vì vậy, anh cùng các đồng nghiệp tại Trung tâm TGPL luôn chú trọng công tác tuyên truyền pháp luật và TGPL lưu động tới thôn, bản vùng sâu, vùng xa.

Anh vẫn nhớ như in những buổi tuyên truyền pháp luật tại thôn bản ở các huyện miền núi rẻo cao như Kỳ Sơn, Quế Phong, Tương Dương... cho đồng bào dân tộc thiểu số. Vượt qua quãng đường xa xôi, hiểm trở anh và các đồng nghiệp đã vào tận thôn, bản để tuyên truyền phổ biến pháp luật dân sự, hôn nhân gia đình, những tranh chấp thường xảy ra trong cuộc sống thường nhật.

Với Trợ giúp viên pháp lý (TGVPL) Lê Văn Lý, niềm vui, niềm vinh dự khi được góp công sức nhỏ bé của mình vào việc “xóa nghèo pháp luật”, giúp những người yếu thế bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình là động lực để anh không ngừng nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng, trau dồi đạo đức nghề nghiệp. Đó cũng là kim chỉ nam giúp anh gắn bó với nghề.

Quá trình gặp nhiều đối tượng được trợ giúp, Trưởng phòng Nghiệp vụ Trung tâm TGPL Nhà nước Nghệ An không thể quên trường hợp được trợ giúp hết sức đặc biệt ở huyện miền núi Anh Sơn. Đối tượng được anh trợ giúp là một cụ ông, là người có công với cách mạng. Giữa ông và hàng xóm có xảy ra tranh chấp dân sự về quyền sử dụng đất.

Cụ thể, năm 2019, người hàng xóm đã có đơn kiện cụ ông về việc lấn chiếm đất vườn rừng. Sau nhiều lần hòa giải ở xã nhưng không thành, cụ ông làm đơn đề nghị được trợ giúp pháp lý và sau đó được anh Lý tiếp nhận. Vụ việc được chuyển lên TAND huyện Anh Sơn thụ lý. Tại phiên sơ thẩm, dù có nhiều luận cứ có lợi cho người được trợ giúp nhưng tòa đã tuyên cụ ông thua kiện do bên hàng xóm đưa ra hồ sơ giao đất lâm nghiệp.

 

Anh Lý tham gia bào chữa miễn phí cho một bị cáo trong một vụ án hình sự.
 

“Sau đó, tôi đã hướng dẫn cho cụ ông làm đơn kháng cáo lên TAND tỉnh Nghệ An. Đồng thời, tôi hướng dẫn cụ ông đề nghị trưng cầu giám định đến Phòng kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Nghệ An để giám định hồ sơ giao đất lâm nghiệp. Kết luận, hồ sơ có dấu hiệu sửa chữa, điền thêm ở vị trí chữ số “1,8759”. Trong khi nội dung nguyên thủy trước khi sửa chữa, điền thêm xác định được là “1,0” (chữ số “8” được sửa chữa từ chữ số “0”, số “759” được điền thêm).

Từ chi tiết đó, tình thế của vụ việc được đảo ngược”, anh Lý nhớ lại vụ việc. Trước phiên tòa phúc thẩm, TAND tỉnh Nghệ An đã tiến hành hòa giải. Kết quả, hai bên đã chấp nhận, vui vẻ bắt tay nhau. Do tuổi cao, sức khỏe yếu, nên cụ ông đồng ý giao đất cho hàng xóm và nhận 65 triệu đồng.

“Niềm vui trong vụ việc này là tôi đã đòi lại được công bằng cho một gia đình có công với cách mạng. Việc hai bên đồng ý bắt tay nhau hòa giải đã giữ được tình làng, nghĩa xóm. Bảo vệ được quyền lợi ích hợp pháp cho người được TGPL là niềm vui lớn, nhưng việc giúp đương sự hòa giải được với nhau mới là niềm vui nhân lên gấp bội”, anh Lý chia sẻ.

Uyển chuyển xử lý tình huống

Quá trình làm nhiệm vụ tư vấn TGPL, niềm vui của anh Lý là giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số. Như lần anh trực tiếp TGPL cho một bị hại trong vụ hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Bị hại trong vụ án là cháu bé ở huyện Quỳ Châu, người dân tộc thiểu số, thuộc đối tượng trẻ em, hiểu biết pháp luật còn hạn chế. Bị cáo là bác dượng của cháu bé đã có hành vi xâm hại cháu gái mình.

Tại phiên tòa, bị cáo một mực cho rằng hành vi của mình chưa gây ra hậu quả cho bị hại, trên người bị hại không có trầy xước, màng trinh không bị tổn thương. “Với tư cách là TGVPL bảo vệ quyền lợi miễn phí cho bị hại, tôi đã đưa ra những bằng chứng, lý lẽ, đề nghị HĐXX xử lý thật nghiêm bị cáo, để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội. Bởi theo tôi hành vi xâm hại của bị cáo đã ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến tâm sinh lý đứa trẻ, gây hoang mang trong cộng đồng”, anh Lý nhớ lại phiên tòa đó.

Kết thúc, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo phạm “tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi” mức án 18 năm tù.

Theo anh Lý, TGVPL giỏi là người biết uyển chuyển xử lý tình huống. Anh kể, cách đây mấy năm có nhận trợ giúp cho một trường hợp ở huyện miền núi Nghệ An. Người đàn ông này quyết định ly hôn sau khi vợ bỏ nhà đi và đòi quyền nuôi con. Giữa hai vợ chồng có một đứa con chung, nhưng lúc đầu anh không biết đó là con riêng của vợ. Người chồng thì yêu cầu được quyền nuôi con, trong khi đại diện bên kia là mẹ vợ cũng muốn được nuôi cháu. Sau quá trình tìm hiểu, biết đứa bé đó là con riêng của vợ, tôi đã phân tích cho người đàn ông này hiểu. Khi được tòa hòa giải, người chồng chấp nhận để con cho mẹ vợ nuôi.

“Anh ấy vui vẻ đồng ý với phán quyết trên vì biết rằng mình vẫn có thể thỏa thuận, đến thăm nuôi, cấp dưỡng cháu bé mỗi khi muốn”, anh Lý nhớ lại.
 

Anh Lý chia sẻ, người TGPL như “luật sư công cộng”, động lực để hoàn thành nhiệm vụ là khao khát hiểu biết pháp luật của người dân.
 

Trực tiếp tham gia TGPL cho hàng trăm vụ việc, anh Lý đều luôn giữ nguyên tắc làm việc cẩn trọng. Quá trình làm việc, anh đều tìm gặp thân nhân, tìm hiểu về hoàn cảnh, động cơ gây án của bị can, những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, xác minh vụ việc, tìm những chứng cứ pháp lý, nghiên cứu hồ sơ, chuẩn bị tài liệu, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo. Với chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, anh luôn được đồng nghiệp đánh giá cao và sự tin tưởng của những đối tượng được anh TGPL.

Anh Lý quan niệm, TGPL cho dân chính là bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân và góp phần nâng cao ý thức pháp luật, ứng xử pháp luật của công dân trong quan hệ đời sống hàng ngày.

Anh nói: “Mỗi lần mang đến niềm vui cho dân là niềm hạnh phúc rất lớn đối với tôi. Đó cũng là động lực để tôi tiếp tục công việc của mình”.

Sau gần 12 năm đồng hành với người khó khăn, bà con dân tộc thiểu số, anh Lý chia sẻ, người TGPL như “luật sư công cộng”, không nhận thù lao. Dù nguồn thu nhập không cao nhưng với anh, động lực để bản thân hoàn thành nhiệm vụ là khao khát hiểu biết pháp luật của người dân. Anh hiểu, các TGVPL không chỉ đóng vai trò luật sự, hòa giải viên, thậm chí còn kiêm luôn vai trò tư vấn tâm lý. Đó là công việc thực sự hữu ích, đi tới đâu cũng được người dân và chính quyền địa phương nồng nhiệt chào đón. Những lời cảm ơn của người dân, những cái bắt tay ghi nhận của cán bộ địa phương, các cơ quan tiến hành tố tụng cũng đủ để anh và đồng nghiệp xua tan mệt mỏi.

Với những nỗ lực của mình, TGVPL Lê Văn Lý đã được nhận bằng khen của tỉnh Nghệ An và nhiều giấy khen khác. Anh cũng vinh dự là 1 trong 20 TGVPL có hoạt động nổi bật, có nhiều vụ việc tham gia tố tụng thành công, hiệu quả nhất trong 3 năm thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý được Cục TGPL công bố. Theo đó, từ 1/1/2018 đến 31/12/2020, TGVPL Lê Văn Lý đã tham gia 135 vụ, trong đó số vụ việc được TGPL thành công là 77.

Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Nghệ An đánh giá cao hoạt động của TGPL Lê Văn Lý. “TGVPL Lý là người năng nổ, có những tranh tụng, nghiên cứu hồ sơ chắc chắn, chặt chẽ trong các vụ việc. Anh Lý được các cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án đánh giá là người có tầm nhìn nhận, nghiên cứu hồ sơ để đưa ra những lời bảo vệ cho đương sự xác đáng nhất. Trong vai trò Trưởng phòng Nghiệp vụ của trung tâm, anh Lý luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ và được đồng nghiệp tôn trọng”, ông Thanh nói.


Nguồn: https://baophapluat.vn/

 

Xem thêm »