Lào Cai - Kết quả triển khai Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT trong hoạt động tố tụng về trợ giúp pháp lý

27/10/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Để thực hiện tốt chính sách trợ giúp pháp lý của Đảng và Nhà nước tới bà con đồng bào dân tộc thiểu số vùng có điều kiện kinh tế khó khăn và những người yếu thế trong xã hội, ngày 29/6/2018, Bộ trưởng các Bộ: Công an, Tư pháp, Quốc phòng, Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP- BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC quy định về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng. Để triển khai và thực hiện tốt Thông tư liên tịch số 10/2018 trên địa bàn tỉnh, Hội đồng phối hợp đã xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch hoạt động liên ngành số 05/KH-HĐPH ngày 23/01/2019.

Quá trình triển khai, từ năm 2019 đến nay, nhờ công tác phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng liên ngành trong địa bàn tỉnh như cơ quan Cảnh sát điều tra, an ninh điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án Nhân dân từ cấp tỉnh đến các huyện, thành phố, mà có khoảng 75% số vụ việc tham gia tố tụng của Trung tâm được tiếp nhận và thực hiện từ giai đoạn khởi tố, điều tra vụ án, do cơ quan cảnh sát điều tra, an ninh điều tra giới thiệu sang, 25% số vụ việc đại diện do Tòa án liên hệ và một số phần nhỏ là do các đối tượng trực tiếp yêu cầu. Vì vậy, trong thời gian qua, Trung tâm đã tiếp nhận và thực hiện được 838 vụ việc cho 842 đối tượng, chiếm 61,9% so với tổng số vụ việc mà Trung tâm tiếp nhận, trong đó, lĩnh vực hình sự 654 vụ, dân sự 181 vụ, hành chính 03 vụ; trợ giúp viên pháp lý thực hiện 827 vụ, luật sư thực hiện 11 vụ; số vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp là 184 vụ, bào chữa là 654 vụ, góp phần hoàn thành tốt định mức chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng mà Bộ Tư pháp ban hành. Qua đánh giá, các vụ việc TGPL đã thực hiện đều đạt chất lượng tốt, không có vụ việc nào gây thiệt hại cho đối tượng được trợ giúp và phát sinh trách nhiệm bồi thường.



Phiên tòa lưu động tại Mường Khương
Để có kết quả như trên thì công tác tập huấn, quán triệt thực hiện Thông tư liên tịch số 10/2018 đã được Hội đồng phối hợp tỉnh xây dựng và triển khai bằng Kế hoạch số 06/KH-HĐPH ngày 23/01/2019. Việc quán triệt các nội dung của Thông tư được các cơ quan tiến hành tố tụng hết sức quan tâm và thực hiện nghiêm túc trong các cơ quan, đơn vị thông qua đội ngũ cán bộ làm công tác điều tra, cán bộ trại tạm giam, nhà tạm giữ, các điều tra viên, kiểm sát viên hay thẩm phán và thư ký Tòa án. Hệ thống các biểu mẫu, biên bản, thông tin được quy định cụ thể, rõ ràng, ngoài ra, Thông tư còn ban hành thêm biểu mẫu mới số 05 đó là “Sổ theo dõi vụ việc TGPL trong hoạt động tố tụng” để phục vụ cho công tác tổng hợp báo cáo số liệu của đơn vị đã thực hiện, giúp cho công tác tổng kết, đánh giá về hoạt động được cụ thể, chi tiết hơn, thấy rõ được hiệu quả khi triển khai thực hiện Thông tư này. Đồng thời, trong phạm vi nội bộ của đơn vị, các cơ quan tiến hành tố tụng cũng ban hành các văn bản thực hiện như: số 285/TA-TCCB ngày 20/12/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh; văn bản số 839/CV (PC01) ngày 06/12/2018 của cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh; công văn số 1357/CV-VKS ngày 12/12/2018 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh về thực hiện Thông tư liên tịch số 10/2018 về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng.
Nhờ công tác triển khai đồng bộ của các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh, mà hầu hết, các đối tượng là bị can, bị cáo, người bị tạm giam, tạm giữ, đương sự đã được hướng dẫn, giải thích cụ thể về quyền được hưởng dịch vụ TGPL miễn phí của Nhà nước qua các bản thông tin hay biên bản giải thích về người được TGPL theo Mẫu số 01 và mẫu 02 (ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 10/2018) tại các cơ quan điều tra, viện kiểm sát và Tòa án nhân dân các cấp, biết liên hệ với Trung tâm và Chi nhánh để được hướng dẫn viết đơn, hay hoàn thiện các thủ tục pháp lý ban đầu trong vụ việc cụ thể có liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng của bản thân.
Chính vì vậy mà trong thời gian vừa qua, công tác tố tụng cũng đem lại nhiều kết quả đáng khích lệ, theo tiêu chí tại Thông tư 09/2018/TT-BTP thì có tới 60% vụ tham gia tố tụng tiếp nhận tại trung tâm là vụ việc phức tạp, điển hình. Theo số liệu tổng hợp được, trong năm 2019, có 26 vụ việc tham gia tố tụng đạt hiệu quả (chiếm 5,9%) trên tổng số vụ việc đã hoàn thành. Các vụ việc đều được thẩm định, đánh giá theo đúng hướng dẫn của Cục TGPL- Bộ Tư pháp, trong đó quan điểm bào chữa của người thực hiện trợ giúp pháp lý đã được các cơ quan tố tụng chấp nhận theo hướng người bị buộc tội được giảm nhẹ mức hình phạt, được hưởng mức án thấp hơn so với đề nghị của Viện kiểm sát, hoặc mức án dưới khung hình phạt quy định.

Buổi thực nghiệm điều tra vụ án cướp tài sản
Ngoài ra, Hội đồng tố tụng tỉnh còn tăng cường, đẩy mạnh công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức lắp đặt được 51 bộ bảng tin, hộp tin về trợ giúp pháp lý được đặt tại trụ sở của các cơ quan tiến hành tố tụng, trong trại tạm giam, các nhà tạm giữ và các đồn biên phòng biên giới; Cung cấp miễn phí mẫu đơn đề nghị TGPL và cấp phát tờ gấp pháp luật với nhiều nội dung phong phú.
Công tác kiện toàn thành viên của Hội đồng cũng như tổ giúp việc của Hội đồng cũng được trú trọng, do có 01 thành viên của Hội đồng được nghỉ hưu theo chế độ, Chủ tịch Hội đồng phối hợp đã tham mưu và đề nghị UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3799/QĐ-UBND ngày 12/11/2019 về việc kiện toàn thành viên của hội đồng và tổ giúp việc của Hội đồng.
Theo Kế hoạch hoạt động năm của Hội đồng thì công tác kiểm tra, hướng dẫn, theo dõi và đánh giá việc thực hiện Thông tư liên tịch số 10 được xây dựng cụ thể tại 04 huyện Bảo Yên, Bát Xát, Bắc Hà và Mường Khương đều cho thấy, việc triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 10 là thiết thực, đúng với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về thực hiện xóa đói giảm nghèo, nâng cao trình độ dân trí về hiểu biết pháp luật, đáp ứng tốt yêu cầu của việc cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 10 vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc do thiếu nguồn nhân lực là các trợ giúp viên pháp lý trên địa bàn các huyện Mường Khương, Bắc Hà, hơn nữa việc giải thích, phổ biến các quy định pháp luật hiện hành có liên quan đến vụ việc cho các đối tượng là người đồng bào còn gặp không ít khó khăn do bà con chưa thông thạo tiếng phổ thông, cần phải có người phiên dịch, vì thế số vụ tham gia tố tụng trong lĩnh vực dân sự còn hạn chế.
Do vậy, rất cần có sự quan tâm hơn nữa của các Sở, ban ngành, sự đồng lòng, đồng sức từ các cơ quan, đoàn thể để nâng cao trách nhiệm của công tác phối hợp về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng theo Thông tư liên tịch số 10, giúp cho đông đảo bà con nơi vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn biết và sử dụng dịch vụ trợ giúp pháp lý./.                       
                       
                                                                                                                                                Nguyễn Thị Mai HươngTrung tâm TGPL Lào Cai

                                                                                                                                                             

Xem thêm »