CHẾ ĐỊNH CHI TRẢ THÙ LAO THAM GIA TỐ TỤNG CHO NGƯỜI THỰC HIỆN TRỢ GIÚP PHÁP LÝ QUA CÁC THỜI KỲ

14/10/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Trước khi có Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006, hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người nghèo và các đối tượng chính sách chủ yếu dựa vào đội ngũ luật sư cộng tác viên và cộng tác viên trợ giúp pháp lý của Trung tâm do trong khoảng thời gian từ năm 1997 đến năm 2006 chưa có chế định quy định về đội ngũ trợ giúp viên pháp lý. Thời gian này, việc tham gia tố tụng do Luật sư cộng tác viên thực hiện, chuyên viên trợ giúp pháp lý chỉ thực hiện tư vấn pháp luật.

Do vậy, việc chi trả thù lao tham gia tố tụng cho đội ngũ luật sư cộng tác viên trợ giúp pháp lý bắt đầu được thực hiện theo tinh thần Thông tư liên tịch số 187/1998/TT-LT-TCCP-TC-TP ngày 30/3/1998 của Ban Tổ chức- cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ), Bộ Tài Chính và Bộ Tư pháp hướng dẫn chế độ bồi dưỡng đối với cộng tác viên trợ giúp pháp, sau đó là Thông tư liên tịch số 21/2002/TTLT-BNV-BTC-BTP ngày 26/12/2002 của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp hướng dẫn chế độ bồi dưỡng đối với cộng tác viên thực hiện trợ giúp pháp lý đối với người nghèo và đối tượng chính sách. Trên cơ sở các văn bản này, Luật sư cộng tác viên trợ giúp pháp lý được hưởng thù lao vụ việc tính theo buổi làm việc với định mức là 30.000đ/buổi sau đó nâng lên 70.000đ/buổi. Ngày làm việc được xác định để chi trả bồi dưỡng đối với Luật sư cộng tác viên tham gia tố tụng gồm: ngày nghiên cứu hồ sơ tại Toà án và ngày xét xử. Căn cứ để chi trả bồi dưỡng là xác nhận ngày làm việc bằng văn bản của cấp có thẩm quyền của Toà án.
Luật Trợ giúp pháp lý được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29/6/2006 và có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2007 là hành lang, cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức, hoạt động trợ giúp pháp lý có tính hệ thống, đảm bảo hoạt động mang lại hiệu quả cao qua thực tiễn hình thành, phát triển gắn với kết quả thực hiện của mạng lưới tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý. Nhiều vấn đề quan trọng trong hoạt động trợ giúp pháp lý đã được điều chỉnh chi tiết, cụ thể trong Luật đặc biệt là tư cách, vị trí pháp lý, nhiệm vụ, quyền hạn của đội ngũ trợ giúp viên pháp lý với vai trò, hoạt động trợ giúp pháp lý tương tự Luật sư cộng tác viên và vấn đề chi trả thù lao cho người thực hiện trợ giúp pháp lý thông qua các vụ việc trợ giúp pháp lý.
Theo Nghị định 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý quy định cụ thể chế độ bồi dưỡng cho Luật sư cộng tác viên được xác định theo ngày làm việc tương đương với mức thù lao quy định đối với luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng với mức tối đa là 120.000đ/ngày, 60.000đ/buổi (trong giai đoạn từ năm 2008 đến tháng 3/2013). Thời gian thực hiện trợ giúp pháp lý bao gồm thời gian nghiên cứu hồ sơ vụ việc và chuẩn bị tài liệu phục vụ cho việc thực hiện trợ giúp pháp lý, thời gian gặp gỡ, tiếp xúc với người được trợ giúp pháp lý hoặc thân nhân của họ, thời gian xác minh vụ việc trợ giúp pháp lý, thời gian làm việc tại các cơ quan, tổ chức có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý. Căn cứ để xác định thời gian làm việc của Luật sư cộng tác viên là thời gian làm việc có xác nhận của cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan. Ngoài ra, Luật sư cộng tác viên được hưởng chi phí hành chính hợp lý khi thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý bao gồm các khoản phí phải nộp theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí, chi phí sao chụp tài liệu, chi phí liên lạc với người được trợ giúp pháp lý hoặc thân nhân của họ và các khoản chi phí hợp lý khác phục vụ trực tiếp cho việc thực hiện trợ giúp pháp lý. Căn cứ để xác định chi phí hợp lý là biên lai thu phí, lệ phí hoặc giấy biên nhận của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Trong trường hợp Luật sư cộng tác viên đi công tác phục vụ cho việc giải quyết vụ việc trợ giúp pháp lý thì được thanh toán tiền công tác phí như cán bộ, công chức đi công tác.
Đồng thời Nghị định cũng quy định cụ thể, Trợ giúp viên pháp lý khi tham gia tố tụng được hưởng mức phụ cấp vụ việc bằng 10% mức bồi dưỡng áp dụng đối với cộng tác viên. Trường hợp Trợ giúp viên pháp lý đi công tác phục vụ việc xác minh các tình tiết của vụ việc trợ giúp pháp lý hoặc phục vụ cho yêu cầu của hoạt động trợ giúp pháp lý thì được thanh toán chi phí tàu xe, tiền lưu trú theo quy định hiện hành về chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức nhà nước đi công tác trong nước.
Trong giai đoạn từ năm 2007-2013, mặc dù số lượng trợ giúp viên pháp lý đã được tăng cường  (Năm 2007, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Phú Thọ có 02 trợ giúp viên pháp lý, năm 2008 là 03 người, đến năm 2013 là 12 người) nhưng hoạt động tham gia tố tụng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ chủ yếu do Luật sư cộng tác viên thực hiện, số vụ việc do trợ giúp viên pháp lý thực hiện còn thấp so với tỷ lệ tương quan số vụ việc của Luật sư cộng tác viên (Luật sư thực hiện 914 vụ, chiếm 97,4%; trợ giúp viên pháp lý thực hiện 24 vụ, chiếm 2,6%). Nguyên nhân là do đội ngũ trợ giúp viên pháp lý đa số còn trẻ, kinh nghiệm tham gia tố tụng chưa nhiều; sự hiểu biết của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng về vị trí, vai trò của trợ giúp viên pháp lý còn hạn chế và một phần là do chế độ thù lao đối với trợ giúp viên pháp lý còn thấp so mặt bằng chung chi trả cho luật sư nên chưa tạo động lực để trợ giúp viên pháp lý tích cực tham gia vào quá trình tố tụng. Giai đoạn này, vụ việc tham gia tố tụng chủ yếu bắt nguồn từ thông tin, yêu cầu trực tiếp của người được trợ giúp pháp lý khi đến Trung tâm Trợ giúp pháp lý hoặc các Chi nhánh Trợ giúp pháp lý cấp huyện.
Năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị định 14/2013/NĐ-CP việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý đã sửa đổi mức bồi dưỡng theo vụ việc trả cho Luật sư cộng tác viên là bằng 0,2 mức lương tối thiểu/01 ngày làm việc và nâng chế độ bồi dưỡng theo vụ việc cho trợ giúp viên pháp lý bằng 20% mức bồi dưỡng áp dụng đối với cộng tác viên. Nghị định này được áp dung từ ngày 01/4/2013.
Đến năm 2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2015/NĐ-CP  sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2013/NĐ-CP ngày 05/02/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý trong đó giữ nguyên chế độ bồi dưỡng theo vụ việc cho trợ giúp viên pháp lý (bằng 20% mức bồi dưỡng áp dụng đối với cộng tác viên) nhưng đã nâng mức thù lao cho Luật sư là 500.000 đồng/01 buổi làm việc hoặc khoán chi theo vụ việc với mức tối thiểu bằng 03 tháng lương cơ sở và mức tối đa là 10 tháng lương cơ sở (tùy tính chất, nội dung vụ việc). Như vậy, mức bồi dưỡng của trợ giúp viên pháp lý vẫn giữ nguyên trong khi mức thù lao trả cho luật sư tăng lên nên mức thù lao của trợ giúp viên pháp lý cũng được tăng lên theo tỷ lệ. Nghị định này được áp dụng từ ngày 10/11/2015.
Từ năm 2014 đến năm 2015, số vụ việc do trợ giúp viên pháp lý đã tăng lên so với thời kỳ trước song vẫn còn ít so với số vụ việc do Luật sư cộng tác viên thực hiện (Trợ giúp viên pháp lý thực hiện 50 vụ, chiếm 20%; Luật sư thực hiện 198 vụ, chiếm 80%) do một bộ phận cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng vẫn chưa hiểu biết đầy đủ về vị trí, vai trò của hoạt động trợ giúp pháp lý cũng như nhiệm vụ của trợ giúp viên pháp lý, chưa có cơ chế đẩy mạnh trách nhiệm tham gia tố tụng của trợ giúp viên pháp lý. Vì vậy, trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng chủ yếu từ yêu cầu trực tiếp của người được trợ giúp pháp lý khi đến với Trung tâm Trợ giúp pháp lý và các Chi nhánh Trợ giúp pháp lý. Vụ việc do trợ giúp viên pháp lý thực hiện chủ yếu mang tính đơn giản, nhiều vụ việc kết quả đạt được chưa cao.
Hơn 10 năm áp dụng Luật Trợ giúp pháp lý năm 2016, những kết quả đạt được là sự minh chứng rõ nét cho việc phát triển đúng đắn, cần thiết của mạng lưới thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý, giúp cho người được trợ giúp pháp lý nâng cao nhận thức pháp luật, tăng cường ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, góp phần bảo đảm công lý, công bằng trong xã hội. Tuy nhiên thực tế vẫn còn những vấn đề bất cập hoặc nhiều vấn đề phát sinh cần có văn bản mới quy định để điều chỉnh kịp thời, phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế. Vì vậy,  ngày 20/6/2017, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 3 đã thông qua Luật Trợ giúp pháp lý thay thế Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 (Luật có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2018).
Cùng với sự ra đời của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và yêu cầu thể chế hóa các quy định trong Luật, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 144/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý. Nghị định có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2018, trong đó có quy định cụ thể, chi tiết chế độ thù lao, bồi dưỡng và chi phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý của người thực hiện trợ giúp pháp lý. Cụ thể: Khi thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng, luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với Trung tâm được hưởng thù lao theo buổi làm việc (1/2 ngày làm việc) là 0,38 mức lương cơ sở/01 buổi làm việc nhưng tối đa không quá 30 buổi làm việc/01 vụ việc hoặc theo hình thức khoán chi vụ việc với mức tối thiểu bằng 03 mức lương cơ sở/01 vụ việc và mức tối đa không quá 10 mức lương cơ sở/01 vụ việc (căn cứ vào tính chất phức tạp, yêu cầu tố tụng và nội dung của từng vụ việc cụ thể). Khi áp dụng việc thanh toán thù lao theo buổi làm việc, thời gian nghiên cứu hồ sơ vụ việc, thời gian gặp gỡ, thời gian chuẩn bị các tài liệu, luận cứ bào chữa, bảo vệ và thời gian thực hiện các công việc hợp lý khác tối đa không quá số buổi chi trả để thực hiện các công việc này áp dụng theo khoán chi vụ việc. Trợ giúp viên pháp lý khi thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng được hưởng mức bồi dưỡng bằng 40% mức thù lao áp dụng đối với luật sư theo quy định. Như vậy, mức thù lao vụ việc tham gia tố tụng chi trả cho trợ giúp viên pháp lý tăng lên và mức thù lao của Luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý được quy định có tính ổn định, phù hợp dựa theo hệ số lương cơ sở.
Từ năm 2016 đến nay, cùng với việc quy định từng bước bảo đảm về chế độ đãi ngộ và việc giao chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng nhằm nâng cao trách nhiệm cho đội ngũ trợ giúp viên pháp lý trong các năm cũng như vị trí, vai trò của trợ giúp viên pháp lý đã được khẳng định, trưởng thành qua thực tiễn hoạt động, nhiều cơ quan tiến hành tố tụng đã chủ động thông tin, thông báo về Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước khi người thuộc diện trợ giúp pháp lý có nhu cầu. Số vụ việc tham gia tố  tụng của trợ giúp viên pháp lý đã tăng cao hơn so với số vụ việc trợ giúp pháp lý do Luật sư cộng tác viên thực hiện, chiếm phần lớn tổng số vụ việc trợ giúp pháp lý trong hoạt động tụng (Trợ giúp viên pháp lý thực hiện 1.209 vụ việc, chiếm 92,3%; Luật sư thực hiện 101 vụ việc, chiếm 7,7%). Nhiều vụ việc trợ giúp pháp lý đặc biệt thông qua các vụ việc có tính chất phức tạp, điển hình theo Tiêu chí của Bộ Tư pháp không chỉ đảm bảo kịp thời, đầy đủ quyền lợi hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý mà còn được các cơ quan, ban, ngành ghi nhận, đánh giá cao, nhân dân đồng tình ủng hộ, tạo uy tín, vị thế để người thực hiện trợ giúp pháp lý tiếp tục đẩy mạnh tham gia vào hoạt động tố tụng trong thời gian tới.
Nhìn lại qua các thời kỳ, hoạt động tham gia tố tụng của đội ngũ trợ giúp viên pháp lý và Luật sư cộng tác viên trợ giúp pháp lý được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, mũi nhọn trong công tác về trợ giúp pháp lý. Thông qua các vụ việc cụ thể, hoạt động này có ý nghĩa khẳng định được trực tiếp năng lực, trình độ, kinh nghiệm thực tiễn của người thực hiện trợ giúp pháp lý. Tuy mỗi thời kỳ, số lượng vụ việc của trợ giúp viên pháp lý, luật sư có sự tăng, giảm vì các nguyên nhân khác nhau song việc tham gia tố tụng đồng thời của trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên thể hiện rõ công tác trợ giúp pháp lý không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước trong vấn đề bảo đảm thể chế, nguồn nhân lực, mà còn là việc làm của xã hội trong đó có một phần từ sự đóng góp của đội ngũ Luật sư trên hành trình xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người nghèo và đối tượng chính sách trong xã hội qua các vụ án cụ thể./.

                                                                                                                                                                                ĐOÀN HỮU VĂN
                                                                                                                                                  Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Phú Thọ
 

Xem thêm »