Phú Thọ: Kiểm tra công tác phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng năm 2020

05/10/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Trong 4 ngày, từ ngày 14/9 đến ngày 18/9/2020, Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh Phú Thọ (sau đây gọi tắt là Hội đồng) đã thành lập 02 Đoàn Kiểm tra liên ngành tổ chức kiểm tra công tác phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý tại các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh.

Đoàn Kiểm tra liên ngành số 1 do ông Phùng Trọng Lượng – Phó Chủ tịch Hội đồng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp làm Trưởng đoàn kiểm tra công tác tại huyện Thanh Sơn, Đoan Hùng. Đoàn Kiểm tra liên ngành số 2 do bà Nguyễn Thị Thùy Hương – Thành viên Hội đồng, Phó Chánh án TAND tỉnh làm Trưởng đoàn kiểm tra công tác tại huyện Yên Lập, Phù Ninh.
Tại các buổi làm việc, Đoàn Kiểm tra đã nghe báo cáo của các đơn vị được kiểm tra và trực tiếp kiểm tra hồ sơ tố tụng, sổ sách tại các đơn vị được kiểm tra. Kết quả kiểm tra tại các đơn vị cho thấy, các đơn vị được kiểm tra về cơ bản đã thực hiện đầy đủ các nội dung phối hợp theo quy định của Thông tư liên tịch Thông tư số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 29/6/2018 quy định về phối hợp thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng, văn bản của các ngành Trung ương và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của các ngành thành viên Hội đồng tỉnh. Cụ thể: Các đơn vị đã thực hiện nghiêm túc việc quán triệt, triển khai các nội dung phối hợp đến toàn thể cán bộ, công chức, người tiến hành tố tụng trong cơ quan, đơn vị; niêm yết công khai Bảng thông tin, Hộp tin về trợ giúp pháp lý và tờ gấp pháp luật về trợ giúp pháp lý tại trụ sở cơ quan, đơn vị nơi người dân dễ tiếp cận, tìm hiểu; đã hướng dẫn, giải thích quyền được trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý trong các vụ án và thông báo, thông tin cho Trung tâm; trong vụ án hình sự việc giải thích đã được lập thành biên bản và lưu hồ sơ vụ án theo đúng quy định; việc thông báo thời gian, địa điểm tiến hành các hoạt động tố tụng và việc giao các văn bản tố tụng cho người thực hiện trợ giúp pháp lý đảm bảo kịp thời, đúng thời gian quy định.

Bên cạnh những ưu điểm, Đoàn Kiểm tra cũng đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong công tác phối hợp như: Số lượng vụ việc có đối tượng được trợ giúp pháp lý tại một số đơn vị, nhất là huyện có đông người dân tộc, người dân sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn còn ít so với tổng số vụ án thụ lý trên địa bàn; một số hồ sơ của một số cơ quan, đơn vị chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định; việc theo dõi, vào sổ chưa đầy đủ nên có đơn vị chưa thống kê được chính xác số đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý trong tổng số hồ sơ, vụ việc thụ lý.
Đoàn Kiểm tra đã kiến nghị các đơn vị cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các nội dung của Thông tư số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC, văn bản của các ngành Trung ương và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của các ngành thành viên Hội đồng tỉnh trong nội bộ cơ quan, đơn vị; tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành thành viên để việc phối hợp được chặt chẽ, tránh bỏ sót đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý; nâng cao hơn nữa chất lượng thực hiện trợ giúp pháp lý và thực hiện đầy đủ các quy định phối hợp. Hy vọng thời gian tới, các đơn vị tiếp tục phát huy những ưu điểm, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tố tụng và Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước trong việc đảm bảo quyền được trợ giúp pháp lý của người được trợ giúp pháp lý./.
Bích Thủy - Trung tâm TGPL NN tỉnh Phú Thọ
 

Xem thêm »