Lào Cai với Đề án đổi mới công tác Trợ giúp pháp lý

17/08/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Lào Cai là một tỉnh miền núi biên giới nằm giữa vùng Tây Bắc và Đông Bắc của tổ quốc, với địa hình phức tạp, đồi núi chiếm ¾ diện tích, toàn tỉnh có 27 dân tộc anh em cùng sinh sống (chiếm 75%), chủ yếu là dân tộc Mông, Tày, Giáy, Dao, Nùng, Phù Lá, Sán Chay, Hà Nhì… sống tập trung ở những vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Để giúp bà con nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách trong đó có công tác trợ giúp pháp lý (TGPL), giúp đồng bào các dân tộc anh em có thêm nhiều hiểu biết về pháp luật, biết tự bảo vệ mình và yêu cầu trợ giúp pháp lý khi cần thiết.

Công tác trợ giúp pháp lý đã được cụ thể hóa bởi Luật TGPL từ năm 2006, trải qua hơn 10 năm thực thi, để phù hợp với sự thay đổi của xã hội, ngày 01/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015- 2025, nắm bắt chủ trương của Chính phủ, ngày 24/8/2015, Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 1543/QĐ-BTP về Kế hoạch triển khai Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015- 2025. Trên cơ sở đó UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp và đơn vị chuyên môn (Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh) căn cứ các văn bản của Trung ương thực hiện các nội dung của Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015 – 2025, với mục tiêu đổi mới công tác TGPL theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa với lộ trình phù hợp với đặc thù từng vùng, miền, khu vực theo từng giai đoạn, từ 2015 đến hết 2017, từ 2018 đến năm 2020 và từ 2020 đến năm 2025.
Quá trình triển khai trong giai đoạn từ 2015 đến hết 2017, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đã chủ động xây dựng Kế hoạch công tác năm, trình Giám đốc Sở Tư pháp phê duyệt và triển khai đồng bộ tới các phòng nghiệp vụ, các chi nhánh trên địa bàn, duy trì các hoạt động chuyên môn, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng, kiện toàn tổ chức bộ máy, đồng thời trú trọng công tác đào tạo bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, cộng tác viên TGPL trên địa bàn.
Trong thời gian này, Trung tâm TGPL đã tiếp nhận và giải quyết được 5.422 vụ việc, trong đó số vụ việc tư vấn pháp luật tại trụ sở là 2.183 vụ (chiếm 40,3% so với tổng số vụ việc tiếp nhận), tham gia tố tụng là 506 vụ và số vụ việc TGPL lưu động là 2.733 vụ. Qua theo dõi, các vụ việc tham gia tố tụng ngày càng tăng, (năm 2017 tăng 2,67 lần so với năm 2015). Công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng theo Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT được duy trì và đi vào nề nếp, số vụ việc tham gia tố tụng từ giai đoạn điều tra đã tăng lên đáng kể theo từng năm, quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL trong các vụ án được bảo đảm theo quy định của pháp luật.
Theo chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng của các trợ giúp viên pháp lý do Bộ Tư pháp ban hành thì trong hai năm 2016, 2017 thì 100% trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm đều hoàn thành chỉ tiêu mà Bộ Tư pháp giao, trong đó có 75% số trợ giúp viên hoàn thành ở mức khá và tốt, còn 25% số trợ giúp viên hoàn thành là những người được miễn, giảm trừ chỉ tiêu như nghỉ chế độ thai sản, chuyển công tác hoặc mới bổ nhiệm. Công tác quản lý và đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý được chú trọng, các vụ việc sau khi hoàn thành đều được đánh giá theo các tiêu chí của Bộ tiêu chuẩn ban hành kèm theo Thông tư số 02/2013/TT-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Qua đánh giá, các vụ việc đều đạt chất lượng tốt, không có vụ việc nào gây thiệt hại cho đối tượng được TGPL và phát sinh trách nhiệm bồi thường.

Hoạt động TGPL lưu động được đẩy mạnh về địa bàn các thôn, bản đặc biệt khó khăn, các xã nghèo trên địa bàn toàn tỉnh với 587 đợt, tiếp nhận và tư vấn pháp luật cho 2.733 trường hợp có vướng mắc về pháp luật. Qua TGPL lưu động, đã tuyên truyền và phổ biến tới người dân các quy định của Luật TGPL, quy định của pháp luật hình sự, pháp luật dân sự, luật Hôn nhân và gia đình, pháp luật đất đai, nhà ở…Ngoài ra, Trung tâm còn tổ chức, lắp đặt 394 bộ bảng thông tin và hộp tin TGPL tại các cơ quan tiến hành tố tụng; trụ sở nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, UBND xã; Cung cấp miễn phí mẫu đơn đề nghị TGPL và cấp phát tờ gấp pháp luật với nhiều nội dung phong phú giúp người dân nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số biết và thực hiện quyền yêu cầu TGPL khi có vướng mắc về pháp luật.
Để có được kết quả nêu trên phải kể đến nguồn nhân lực hùng mạnh của Trung tâm, với 36 chỉ tiêu biên chế, trong đó có 35 chỉ tiêu sự nghiệp khác và 01 chỉ tiêu hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP, số biên chế tại Trung tâm là 16 người (giảm 02 biên chế 5,6% so với trước khi thực hiện Đề án), số biên chế tại các Chi nhánh là 18. Theo Đề án vị trí việc làm, Trung tâm đã tham mưu xây dựng và trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 4961/QĐ-UBND ngày 06/11/2017 phê duyệt danh mục vị trí việc làm và khung năng lực của vị trí việc làm đối với Trung tâm, bao gồm 10 vị trí, trong đó có 05 vị trí gắn với chức danh lãnh đạo, quản lý điều hành, 01 vị trí gắn với công việc hoạt động chuyên môn, nghề nghiệp và 04 vị trí gắn với công việc hỗ trợ, phục vụ.
Với công tác đào tạo, tính đến hết năm 2017, Trung tâm đã cử 13 viên chức tham gia lớp đào tạo nghề Luật sư do Học viện Tư pháp tổ chức và trình UBND tỉnh bổ nhiệm thêm 09 trợ giúp viên pháp lý nâng tổng số TGVPL lên 22 người, tuy nhiên tại thời điểm này có 02 trợ giúp viên pháp lý xin thôi việc và chuyển công tác nên số trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm là 20 người (chiếm 58,8% trên tổng số cán bộ của Trung tâm). Đội ngũ cộng tác viên cũng được kiện toàn với 105 người, đa phần đều là cán bộ Tư pháp, thẩm phán hay thư ký tòa án và những người có chuyên môn pháp luật, số Luật sư tham gia làm cộng tác viên TGPL là 01 (chiếm 6,3% so với tổng số Luật sư trên địa bàn).
Theo lộ trình của Đề án để tiến tới người thực hiện TGPL là Luật sư hành nghề cung cấp dịch vụ TGPL cho các đối tượng thuộc diện được TGPL miễn phí trong khi số lượng Luật sư tham gia TGPL quá mỏng, các tổ chức hành nghề Luật sư còn quá ít (toàn tỉnh mới có 5 văn phòng luật sư), là chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, do vậy mà tỉnh Lào Cai chưa tổ chức Hội nghị triển khai Đề án đổi mới TGPL và Trung tâm TGPL vẫn được duy trì theo mô hình tổ chức của Luật TGPL 2006, việc chuyển Trung tâm TGPL thành cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về TGPL, tinh giản tổ chức, bộ máy và biên chế trong giai đoạn này là một khó khăn lớn cho tỉnh nhà.
Bước sang giai đoạn 2018- 2020, thực thi Luật TGPL 2017, Trung tâm vẫn duy trì tốt công tác chuyên môn, tiếp nhận và giải quyết 2.060 vụ việc, trong đó số vụ việc tham gia tố tụng là 928 vụ (chiếm 45% so với tổng số vụ việc, tăng 183% so với giai đoạn trước), số vụ việc tư vấn pháp luật tại trụ sở là 1.132 vụ (chiếm 55% so với tổng số vụ việc, giảm 51,8% so với giai đoạn trước), theo chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng mà Bộ Tư pháp ban hành thì 100% TGV pháp lý đều đạt chỉ tiêu từ khá trở lên. Tổ chức 405 đợt truyền thông về địa bàn các xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn với hơn 14.175 lượt người tham dự. Qua các đợt truyền thông, đã tuyên truyền và phổ biến tới bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số các quy định của Luật TGPL năm 2017, về 14 nhóm đối tượng được hưởng dịch vụ TGPL miễn phí, về những người thực hiện TGPL, phạm vi, lĩnh vực TGPL, các quy định của pháp luật hình sự, dân sự, đất đai... Tổ chức, lắp đặt 51 bộ bảng thông tin, hộp tin TGPL thay thế các hộp tin đã cũ, đặt tại đồn biên phòng các xã biên giới, trụ sở các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh; Thực hiện việc cung cấp miễn phí mẫu đơn yêu cầu TGPL và cấp phát tờ gấp pháp luật cho người dân.

Về tổ chức cán bộ và mạng lưới các chi nhánh, Trung tâm tiếp tục được củng cố và kiện toàn theo hướng tinh gọn và hiệu quả, số biên chế vẫn được duy trì, tuy nhiên số lượng trợ giúp viên pháp lý có chút biến động còn 17 người (chiếm 50% tổng số cán bộ trung tâm) do có 02 người nghỉ hưu, 01 người chuyển công tác và 01 xin thôi việc, trong khi số TGV mới được bổ nhiệm là 1. Các chi nhánh cũng được tiến hành rà soát và chấm dứt hoạt động 01 Chi nhánh TGPL số 9 có trụ sở tại thành phố Lào Cai từ 01/02/2020 theo Quyết định số 157/QĐ-UBND ngày 17/01/2020 của UBND tỉnh. Với đội ngũ cộng tác viên TGPL còn gặp nhiều khó khăn do không đáp ứng đủ các điều kiện tiêu chuẩn theo quy định tại điều 24 Luật TGPL 2017, các câu lạc bộ TGPL cũng không còn hoạt động do thiếu nguồn kinh phí.
Do nguồn lực xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu TGPL của người dân trên địa bàn, nên Trung tâm đã tiếp tục cử thêm 06 viên chức tham gia lớp đào tạo nghề Luật sư, trong đó có 05 viên chức đã hoàn thành chương trình và trải qua thời gian tập sự TGPL, đang chờ Bộ Tư pháp tổ chức kiểm tra kết quả tập sự TGPL, tạo nguồn bổ nhiệm trợ giúp viên pháp lý cho Trung tâm và các chi nhánh trên trên địa bàn. Ngoài ra Trung tâm đã huy động và ký hợp đồng thực hiện TGPL với 02 luật sư (chiếm 12,5% tổng số luật sư trên địa bàn), thực hiện được 15 vụ (chiếm 1,6% tổng số vụ việc tham gia tố tụng của Trung tâm).
Bên cạnh đó, Trung tâm còn tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ người thực hiện TGPL, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động TGPL, cập nhật đầy đủ, kịp thời số vụ, việc tham gia tố tụng lên hệ thống phần mềm quản lý TGPL, trao đổi thông tin công việc trên phần mềm quản lý văn bản điều hành của tỉnh và thực hiện chữ ký số đối với lãnh đạo trung tâm.
Đề án đổi mới công tác TGPL giai đoạn 2015- 2025 với mục tiêu nâng cao chất lượng hoạt động TGPL, chú trọng vụ việc tham gia tố tụng, đẩy mạnh hoạt động truyền thông, đảm bảo số lượng, chất lượng, năng lực của người thực hiện TGPL là rất cần thiết. Mặc dù nguồn kinh phí còn hạn hẹp, cơ sở vật chất còn khó khăn, Trung tâm TGPL Lào  Cai vẫn cố gắng, nỗ lực hoàn thành mục tiêu Kế hoạch đặt ra, góp phần thực hiện tốt công cuộc cải cách tư pháp, bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong điều kiện nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa./.
                                                                   Nguyễn Thị Mai Hương
                                                                  Trung tâm TGPL Lào Cai
 

Xem thêm »