Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở Trung ương làm việc tại Hà Giang

07/11/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Thực hiện Kế hoạch công tác năm 2022, ngày 28/10/2022, Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở Trung ương đã tổ chức Đoàn công tác (do đồng chí Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao làm Trưởng đoàn) đã làm việc với Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh Hà Giang, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang. Tham gia đoàn công tác có đồng chí Trần Nguyên Quân, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, Bộ Công an, đồng chí Vũ Thị Hoàng Hà, Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính. Về phía tỉnh Hà Giang có đồng chí Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, đại diện Hội đồng phối hợp liên ngành tỉnh Hà Giang có có đồng chí Trương Huy Huân, Giám đốc Sở Tư pháp cùng đại diện các cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Sở Tài chính, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng.

Báo cáo của Hội đồng phối hợp liên ngành tỉnh Hà Giang cho biết Hội đồng đã triển khai đầy đủ các nội dung, nhiệm vụ được quy định tại Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT. Địa phương đã chủ động có các văn bản để triển khai công tác này tại địa phương (Hướng dẫn của Hội đồng liên ngành địa phương, Công văn của Chủ tich UBND tỉnh về tăng cường công tác phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý, Quy chế hoạt động của Hội đồng, Công văn đôn đốc thực hiện trách nhiệm phối hợp hàng năm….). Các ngành thành viên đã chủ động xây dựng Kế hoạch và quán triệt, triển khai Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT cho đội ngũ cán bộ, công chức trong ngành, nhất là người tiến hành tố tụng; qua đó, giúp cho các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và cá nhân có liên quan đã nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm đối với công tác trợ giúp pháp lý, đồng thời, nêu cao ý thức trách nhiệm trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý đảm bảo tính khách quan, công khai khi giải quyết các vụ việc theo quy định của pháp luật.
Sở Tư pháp là cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở địa phương đã phát huy tốt vai trò chủ động triển khai các mặt hoạt động của Hội đồng, chỉ đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thường xuyên thực hiện việc cung cấp biểu mẫu theo Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT (Bảng thông tin về trợ giúp pháp lý, Tờ thông tin về trợ giúp pháp lý; tờ gấp pháp luật; Đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý…) và danh sách, số điện thoại của trợ giúp viên pháp lý, luật sư ký hợp đồng với Trung tâm tới các cơ quan tiến hành tố tụng, đảm bảo cho các cơ quan tiến hành tố tụng cấp phát, giải thích cho đương sự. Công tác phối hợp ngày càng đi vào thực chất, số vụ việc có đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý do các cơ quan tiến hành tố tụng giới thiệu ngày càng tăng.

 
Đồng chí Trần Xuân Quý, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phát biểu tại buổi làm việc

Theo Chương trình công tác, Đoàn có buổi làm việc với Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang. Quá trình thụ lý, giải quyết vụ án Tòa án nhân dân hai cấp tại Hà Giang đã thực hiện đầy đủ quy trình tố tụng, đặc biệt bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong đó có việc giải thích về quyền trợ giúp pháp lý.  Từ năm 2021 đến hết tháng 6/2022, Tòa án đã phát hiện 811 người bị buộc tội, đương sự thuộc diện  TGPL và giới thiệu đến Trung tâm trợ giúp pháp lý, trong đó có 350 người có yêu cầu trợ giúp pháp lý và đã được Trung tâm trợ giúp pháp lý cử người thực hiện trợ giúp pháp lý. Tòa án tạo điều kiện thuận lợi cho người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.
Các ngành thành viên của Hội đồng, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, trại tạm giam, nhà tạm giữ đã thực hiện nghiêm túc và đầy đủ trách nhiệm quy định tại Thông tư liên tịch số 10. Lực lượng điều tra viên, cán bộ Nhà tạm giữ, Trại tạm giam nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng của công tác trợ giúp pháp lý, luôn chủ động thực hiện trách nhiệm trong công tác phối hợp; kịp thời trao đổi với Trung tâm  trợ giúp pháp lý nhà nước để tháo gỡ những vướng mắc, bất cập nảy sinh. Trong quá trình điều tra vụ án, khi phát hiện người thuộc diện trợ giúp pháp lý thì cơ quan điều tra, cơ quan quản lý giam giữ đã chủ động liên hệ thông qua đường dây nóng hoặc gửi văn bản trực tiếp đề nghị Trung tâm trợ giúp pháp lý cử người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị buộc tội, bị hại theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở Hà Giang còn gặp một số hạn chế, khó khăn: Do là tỉnh miền núi, địa hình phức tạp, các huyện lại xa Trung tâm nên việc đi lại, gặp gỡ, tiếp xúc, tham gia bảo vệ quyền và nghĩa vụ cho các bị can, bị cáo trong các vụ án gặp nhiều khó khăn; Công tác tự kiểm tra, giám sát theo thẩm quyền của từng ngành thành viên còn chưa được chú trọng, sát sao; Ở lĩnh vực dân sự, hành chính mặc dù số lượng các vụ án, vụ việc của Toà án nhân dân 02 cấp thụ lý và giải quyết tương đối nhiều, tuy nhiên số vụ việc các đương sự trong các vụ án đề nghị được trợ giúp pháp lý lại chiếm tỷ lệ rất thấp; Việc cung cấp các quyết định, văn bản tố tụng cho người thực hiện trợ giúp pháp lý đôi khi còn chưa được đầy đủ, kịp thời.

 
Đoàn công tác làm việc với TAND tỉnh Hà Giang

Đồng chí Vũ Thị Hoàng Hà, Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý đề nghị Hội đồng phối hợp liên ngành tỉnh: tiếp tục quán triệt, chủ động thực hiện Thông tư liên tịch số 10 cho phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương, trong đó tiếp tục việc giải thích, thông báo, thông tin về trợ giúp pháp lý theo quy định; tổ chức tập huấn cho người có thẩm quyền tiến hành tố tụng ở cấp huyện; các ngành thành viên ở địa phương dự toán kinh phí cho ngành mình theo Điều 23 Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT. Sở Tài chính quan tâm bố trí kinh phí cho hoạt động nghiệp vụ, hoạt động của Hội đồng phối hợp liên ngành tỉnh. Đề nghị Sở Tư pháp với vai trò là thường trực Hội đồng trong việc thúc đẩy hơn nữa hiệu quả hoạt động của Hội đồng, đặc biệt, tiếp tục triển khai có hiệu quả việc trực tại trụ sở tòa án nhân dân. Trung tâm trợ giúp pháp lý chủ động hơn nữa trong triển khai các nhiệm vụ được giao, nhất là nhiệm vụ đổi mới công tác truyền thông để người dân được tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý; chú trọng nâng cao chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý,….
Kết thúc buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Trưởng đoàn đã nhấn mạnh, trợ giúp pháp lý là hoạt động rất ưu việt của Đảng và Nhà nước ta và hết sức quan trọng, cần thiết, đặc biệt đối với Hà Giang là tỉnh có nhiều người dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo cao, người thuộc diện trợ giúp pháp lý chiếm tỷ lệ lớn. Sự tham gia của trợ giúp pháp lý giúp cho quá trình tố tụng thêm minh bạch. Đồng chí đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ cho công tác này, tạo điều kiện về cơ sở vật chất để trợ giúp pháp lý có thể tham gia phiên tòa trực tuyến.

Phan Hà - Cục Trợ giúp pháp lý 

Xem thêm »