Một số quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình và hướng dẫn thực hiện trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bạo lực gia đình (phần 10)

19/06/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

2.2.2. Kỹ năng bảo vệ cho nạn nhân là người dưới 18 tuổi

a) Một số quy định cần lưu tâm khi thực hiện TGPL cho bị hại là người dưới 18 tuổi
* Những vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên tại Phòng xử án hình sự (Điều 4 Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC) gồm:
- Vụ án hình sự có bị cáo là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý và tội đặc biệt nghiêm trọng.
- Vụ án hình sự có bị cáo là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm một trong các tội đặc biệt nghiêm trọng quy định tại các điều 123, 134, 141, 142, 144, 151, 168, 169, 170, 171, 248, 249, 250, 251, 252 và 299 của Bộ luật Hình sự.
- Vụ án hình sự vừa có bị cáo là người dưới 18 tuối vừa có bị cáo là người từ đủ 18 tuổi trở lên.
- Vụ án hình sự mà bị cáo là người từ đủ 18 tuối trở lên nhưng người bị hại là người dưới 18 tuối bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý hoặc cần sự hỗ trợ về điều kiện sống, học tập do không có môi trường gia đình lành mạnh như những người dưới 18 tuối khác.
*  Những vụ án hình sự thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên xét xử tại Phòng xét xử thân thiện (Điều 5 Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC)
- Những vụ án hình sự có bị cáo là người dưới 18 tuổi thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên nếu không thuộc trường hợp xét xử tại Phòng xử án hình sự nêu trên
- Các Tòa án chưa có Phòng xét xử thân thiện thì khi xét xử các vụ án thì phòng xử án phải được bố trí thân thiện, bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người dưới 18 tuổi.
* Phòng xử án thân thiện (Điều 6 Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC)
            - Vị trí của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, người tham dự phiên tòa, phiên họp trong phòng xử án được bố trí trên cùng một mặt phẳng, sắp xếp theo hình thức bàn tròn; tường trong phòng xử án có màu xanh.
- Người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng tại phiên tòa được ngồi cạnh người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
-  Bàn, ghế trong phòng xử án được thiết kế theo kiểu dáng bàn, ghế văn phòng.
 * Những trường hợp người bị hại là người dưới 18 tuổi phải cách ly với bị cáo (Điều 10 Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC) bao gồm:
- Những vụ án có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, bị bạo hành hoặc bị mua bán;
- Những vụ án có người bị hại là người dưới 10 tuổi;
- Những vụ án khác có yêu cầu của người dưới 18 tuổi hoặc người đại diện của họ và Hội đồng xét xử xét thấy cần phải cách ly để bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi.
Trong quá trình xét xử những vụ án này, người bị hại tham gia phiên tòa ở phòng cách ly. Thông tin về diễn biến phiên tòa cũng như việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của họ được truyền qua hệ thống truyền hình trực tuyến có âm thanh hoặc được thực hiện bằng phương thức khác nhưng phải bảo đảm cho họ theo dõi đầy đủ diễn biến phiên tòa và thực hiện được quyền, nghĩa vụ của mình.
Người đại diện, người giám hộ, chuyên gia hoặc cán bộ tâm lý - xã hội, người làm công tác bảo vệ trẻ em phải có mặt ở phòng cách ly để hỗ trợ người bị hại tham gia phiên tòa.
* Xét xử vụ án hình sự có bị cáo, người bị hại là người dưới 18 tuổi (Điều 7 Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC)
Khi xét xử vụ án hình sự thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên xét xử tại Phòng xét xử thân thiện, Tòa án phải thực hiện các quy định sau đây:
- Phòng xử án phải được bố trí thân thiện, bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người dưới 18 tuổi;
- Thẩm phán mặc trang phục làm việc hành chính của Tòa án nhân dân (không mặc áo choàng);
- Đối với những vụ án có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, bị bạo hành hoặc bị mua bán thì Tòa án phải xét xử kín; đối với những vụ án khác có yêu cầu của người dưới 18 tuổi, người đại diện của họ hoặc để giữ bí mật đời tư, bảo vệ người dưới 18 tuổi thì Tòa án cũng có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai theo quy định tại Điều 327 của Bộ luật Tố tụng hình sự;
- Không xét xử lưu động đối với vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi.
* Việc tham gia của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại là người dưới 18 tuổi (Điều 9 Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC)
- Tòa án phải thông báo cho người bị hại là người dưới 18 tuổi hoặc cha mẹ, người đại diện hợp pháp, người giám hộ của họ về quyền nhờ những người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại là người dưới 18 tuổi.
- Trường hợp họ không lựa chọn được người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại nhưng có văn bản đề nghị thì Tòa án yêu cầu Đoàn luật sư phân công tổ chức hành nghề luật sư cử luật sư hoặc Trung tâm trợ giúp pháp lý cử Trợ giúp viên pháp lý, luật sư hoặc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử bào chữa viên nhân dân bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại là người dưới 18 tuổi.
-  Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại là người dưới 18 tuổi có quyền tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can, có mặt khi cơ quan tiến hành tố tụng lấy lời khai của người mà mình bảo vệ; có quyền kháng cáo phần bản án, quyết định của Tòa án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người mà mình bảo vệ; có quyền đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch, người dịch thuật, người định giá tài sản theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
* Một số quy định của Nghị quyết số 06/NQ- HĐTP ngày 01-10-2019 của Hội đồng thẩm phán TANDTC liên quan đến người bị hại là người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục
- Áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm luân thường, đạo đức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; lợi dụng nghề nghiệp, công việc; xâm hại người dưới 13 tuổi.
- Thời hạn xét xử vụ án xâm hại tình dục có bị hại là người dưới 18 tuổi không quá ½ thời hạn xét xử vụ án thông thường;
- Khi xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, Tòa án phải xử án tại Phòng xét xử thân thiện; Xét xử kín, tuyên án công khai theo đúng quy định tại Điều 327 của Bộ luật Tố tụng hình sự. Khi tuyên án, Hội đồng xét xử chỉ đọc phần quyết định trong bản án;
- Có sự tham gia của người đại diện, người giám hộ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi.
- Khi xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, căn cứ vào điều kiện và hoàn cảnh cụ thể, Tòa án cần thực hiện:
+ Hạn chế triệu tập bị hại là người dưới 18 tuổi đến phiên tòa nếu vẫn giải quyết được vụ án bằng việc áp dụng các biện pháp thay thế khác (ví dụ: sử dụng lời khai của họ ở giai đoạn điều tra, truy tố; mời họ đến Tòa án hoặc địa điểm hợp pháp khác để lấy lời khai trước bằng văn bản, bằng ghi âm, ghi hình có âm thanh…).
+ Trường hợp phải triệu tập bị hại là người dưới 18 tuổi đến phiên tòa, Tòa án cần tạo điều kiện để họ làm quen, tiếp xúc với môi trường Tòa án, với quy trình và thủ tục xét xử; bố trí cho họ ngồi ở phòng cách ly và sử dụng các thiết bị điện tử (ví dụ: micro, loa, ti vi, camera…) để không làm ảnh hưởng đến tâm lý của họ khi họ khai báo, tham gia tố tụng tại phiên tòa; trường hợp không bố trí được phòng cách ly thì để họ ngồi ở phòng xử án nhưng phải có màn che ngăn cách với khu vực của bị cáo và khoảng cách giữa Hội đồng xét xử với người bị hại là người dưới 18 tuổi không quá 03 mét.
+ Câu hỏi đối với bị hại là người dưới 18 tuổi phải phù hợp với lứa tuổi, mức độ phát triển, trình độ văn hóa, hiểu biết của họ. Câu hỏi cần ngắn gọn, rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu; không hỏi nhiều vấn đề cùng một lúc; chỉ đặt câu hỏi làm rõ tình tiết vụ án; không đặt câu hỏi chỉ để tranh luận. Câu hỏi đối với bị hại dưới 10 tuổi không quá 10 từ và thời gian hỏi không liên tục quá 01 giờ.
+ Sử dụng sơ đồ hoặc mô hình cơ thể có đánh số thứ tự các bộ phận để người bị hại là người dưới 18 tuổi xác định các bộ phận bị xâm hại.
+ Khi bị cáo đề nghị được hỏi bị hại là người dưới 18 tuổi thì phải chuyển câu hỏi cho người bào chữa hoặc Hội đồng xét xử hỏi.
- Khi xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, Tòa án không được:
+ Yêu cầu bị hại là người dưới 18 tuổi tường thuật lại chi tiết quá trình phạm tội;
+ Sử dụng câu hỏi có tính chất công kích, đe dọa, gây xấu hổ, xúc phạm bị hại;
+ Đối chất giữa bị hại với người phạm tội tại phiên tòa;
+ Xác định bộ phận bị xâm hại bằng cách để bị hại là người dưới 18 tuổi chỉ trực tiếp vào bộ phận cơ thể của mình hoặc của người khác;
+ Để bị cáo hỏi trực tiếp bị hại là người dưới 18 tuổi;
+ Buộc bị hại là người dưới 18 tuổi phải đứng khi tham gia tố tụng tại phiên tòa;
+ Công khai bản án, quyết định của Tòa án liên quan đến vụ án trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án.
b) Một số kỹ năng đặc thù khi thực hiện TGPL cho nạn nhân BLGĐ là bị hại dưới 18 tuổi trong các vụ án hình sự
Để giúp việc bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho người dưới 18 tuổi là người bị hại trong vụ án hình sự cần áp dụng các kỹ năng chung của người bảo vệ quyền lợi cho người bị hại, nhưng lưu ý một số kỹ năng đặc thù để bảo vệ tốt nhất quyền lợi của các em là người bị hại trong vụ án hình sự.
- Hướng dẫn để các em và người đại diện của họ hiểu và nắm được quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia tố tụng.
- Hướng dẫn các em hoặc người đại diện hợp pháp của họ làm đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự, trong những trường hợp pháp luật quy định khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại.
- Hướng dẫn các em hoặc người đại diện hợp pháp của họ thu thập, xuất trình những chứng cứ, tài liệu nhằm bảo vệ quyền lợi của họ.
- Thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến vụ việc để làm cơ sở bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại.
- Chú ý đến các biện pháp hỗ trợ người dưới 18 tuổi trong quá trình điều tra như: đề nghị chuyển nạn nhân tới các dịch vụ hỗ trợ; các biện pháp bảo đảm an toàn cho nạn nhân….
- Đề xuất các vấn đề liên quan trước khi khởi tố vụ án.(1)
- Đề xuất các vấn đề sau khi khởi tố.(2)
- Tham gia các hoạt động điều tra như thực nghiệm điều tra, khám nghiệm hiện trường, khai quật tử thi, kê biên tài sản, khám chỗ ở, địa điểm, đối chất, nhận dạng…. để giám sát hoạt động của những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng, đồng thời thu tập các thông tin, tài liệu cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các em;
- Tự mình thu thập các tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ án để cung cấp cho cơ quan điều tra, góp phần làm sáng tỏ nội dung vụ án và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại;
- Phát hiện và phân tích những điểm bất hợp lý, mâu thuẫn thể hiện trong các tài liệu có trong hồ sơ, tìm hiểu, thu thập các thông tin, chi tiết ngoài hồ sơ có liên quan đến vụ án, trực tiếp gây thiệt hại cho người dưới 18 tuổi để đề nghị Viện kiểm sát thực hiện những hành vi tố tụng cần thiết nhẳm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại;
- Nếu phát hiện những điểm còn mâu thuẫn trong bản kết luận điều tra hoặc những mâu thuẫn trong lời khai dẫn đến gây thiệt hại cho người dưới 18 tuổi là bị hại, thì đề nghị Viện kiểm sát làm rõ tính nhân quả và mức thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.
- Khi thấy có căn cứ cho rằng bị cáo phạm một tội nặng hơn, thiệt hại mà hành vi phạm tội của bị cáo gây ra lớn hơn, thì đề xuất với Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung.
- Tham gia phiên tòa là để bảo vệ quyền lợi cho người dưới 18 tuổi là người bị hại trong vụ án hình sự. Sau phiên tòa, người thực hiện TGPL cần tư vấn cho các em và người đại diện hợp pháp của họ về việc kháng cáo hay không kháng cáo, nếu cần thiết thì thực hiện thủ tục kháng cáo theo quy định của pháp luật và tiếp tục giúp đỡ họ trong giai đoạn xét xử phúc thẩm.
 (Còn tiếp,…)
Trần Nguyên Tú
Phó trưởng phòng – Phòng TC&QLCL

(1). Bao gồm: Đề xuất cơ quan có thẩm quyền xác minh làm rõ hành vi phạm tội của người gây thiệt hại, hậu quả của hành vi đó, xác định rõ những thiệt hại trên thực tế đã xảy ra cũng như những chi phí để khắc phục những thiệt hại đó; Đề xuất mức bồi thường và các biện pháp bảo đảm bồi thường theo quy định của pháp luật. Ví dụ: Kê biên tài sản để giải quyết bồi thường thiệt hại); Đề xuất việc áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với người thực hiện hành vi phạm tội.
(2). Bao gồm: Đề xuất với cơ quan điều tra, cơ quan có thẩm quyền được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhanh chóng lập Hội đồng định giá tài sản để xác định rõ thiệt hại thực tế xảy ra đối với bị hại; Đề xuất yêu cầu bồi thường thiệt hại; Đề xuất áp dụng hoặc duy trì biện pháp ngăn chặn đối với bị can; Đề nghị cơ quan điều tra tiến hành trưng cầu giám định, giám định bổ sung, giám định lại tỉ lệ thương tích theo quy định của pháp luật; Đề xuất áp dụng biện pháp như kê biên tài sản, niêm phong tài sản của bị can để bảo đảm cho thi hành án.

Xem thêm »